Sách bài tập Ngữ văn lớp 12 - Soạn bài Thông điệp nhân Ngày Thế giới phòng chống AIDS, 1 -12 - 2003 SBT Ngữ Văn 12 tập 1

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Giải câu 1, 2, 3 trang 54 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1

    1. Thử nêu ra một vài nét sâu sắc và đặc sắc trong quan niệm của Cô-phi An-nan về vấn đề phòng chống nạn dịch HIV/AIDS.
    Trả lời:

    Nên làm rõ sự sâu sắc và đặc sắc trong quan niệm của Cô-phi An-nan theo các hướng:
    - Cho thấy quan niệm đó đã thể hiện một tầm nhận thức sâu xa mà cách nghĩ thông thường không dễ gì đạt tới.
    - Cho thấy quan niệm đó hiện ra trong vẻ mới lạ, bất ngờ, lí thú.
    Vì thế, để trả lời câu hỏi, có thể nêu các ý sau đây.
    a) HIV/AIDS là một dịch bệnh. Tưởng chừng như người ta sẽ dễ dàng từ đấy suy ra : Phòng chống một dịch bệnh phải là một vấn đề đặt ra, trước hết và chủ yếu, cho ngành Y tế. Và do đó, những tưởng một bản thông điệp mang nội dung phòng chống HIV/AIDS cũng phải được viết, trước hết và chủ yếu, cho ngành Y tế, để gửi tới ngành Y tế.
    Song đó không phải là quan niệm của C. An-nan. Ông không coi phòng chống HIV/AISD chỉ là nhiệm vụ của một ngành. Trong bản thông điệp của mình, Tổng thư kí Liên hợp quốc luôn nhắc đi nhắc lại : Phòng chống HIV/AIDS là trách nhiệm không thể thoái thác của mỗi quốc gia, và hơn nữa, của mỗi người. Chẳng hạn:
    - “[...] Chúng ta cần phải nỗ lực nhiều hơn nữa để thực hiện cam kết của mình (đoạn đầu tiên của văn kiện này cho thấy, chữ mình ở đây có nghĩa là “các quốc gia trên thế giới” - NBS) bằng những nguồn lực và hành động cần thiết. Chúng ta không thể tuyên bố rằng những thách thức cạnh tranh có ý nghĩa quan trọng hơn và cấp bách hơn. Chúng ta phải đưa vấn đề AIDS lên vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự về chính trị và hành động thực tế của mình”.
    - “[] Cuộc chiến chống lại HIV/AIDS bắt đầu từ chính các bạn (hai chữ các bạn ở đây bao gồm tất cả mọi người trên thế giới - NBS)”.
    b) Vì thế, theo C. An-nan, không thể tập trung các nỗ lực phòng chống HIV/AIDS chỉ vào mặt chuyên môn của một chuyên ngành, như tìm thuốc hoặc tìm chế độ và phác đồ điều trị,… Có thể thấy, những vấn đề như thế này không hề được nhắc tới trong bản thông điệp của ông.
    Khi đã xác định được đối tượng của lời kêu gọi là chính phủ và nhân dân toàn thế giới thì hành động thích hợp và quan trọng nhất, theo C. An-nan, phải là “đưa vấn đề AIDS lên vị trí hàng đầu trong chương trình nghị sự về chính trị và hành động thực tế”; là “phải công khai lên tiếng về AIDS”, và hơn thế nữa, phải “lên tiếng thật to và dõng dạc”. Tác giả bản thông điệp đã hơn một lần nhắc lại, trước đại dịch HIV/AIDS, con người không thể im lặng, mà trái lại, phải hợp sức để cùng nhau “đánh đổ các thành luỹ của sự im lặng” đáng sợ này. Đọc bản thông điệp, chúng ta hiểu sự “im lặng” mà C. An-nan nói tới chính là thái độ bàng quan, thờ ơ, vô cảm của những người muốn đứng bên ngoài những tấm rào vô hình ngăn cách mình với AIDS. Vì thế, ông mới viết: “Hãy đừng để một ai có ảo tưởng rằng chúng ta có thể bảo vệ được chính mình bằng cách dựng lên các bức rào ngăn cách giữa “chúng ta” và “họ”. Trong thế giới khốc liệt của AIDS, không có khái niệm chúng ta và họ”.
    c) Ai cũng biết, HIV/AIDS là một dịch bệnh có sức lây lan khủng khiếp. Thông thường, trước một dịch bệnh như thế, người ta hay nghĩ đến sự cách li. Thế nhưng, trong thông điệp, C. An-nan lại nói tói điều ngược lại.
    Tác giả cảnh báo các nguy cơ của thái độ xa lánh, chia rẽ, phân biệt đối xử với những con người phải sống chung với HIV/AIDS. Ông cho thấy, mục tiêu phòng chống HIV/AIDS sẽ không thể hoàn thành chừng nào chúng ta còn duy trì sự “kì thị và phân biệt đối xử đang vây quanh bệnh dịch này”. Và chính bằng cách đó, C. An-nan đã cổ động nhiệt tình cho một sự đối xử ấm áp, gần gũi đối vói những con người bất hạnh.
    Như thế, với C. An-nan, vũ khí đắc lực nhất để phòng chống HIV/AIDS chính là con người, là tinh thần trách nhiệm với đồng loại và lòng nhân ái của con người. Có thể coi đây là chỗ sâu sắc và đặc sắc hơn cả, có giá trị tư tưởng cao đẹp và lí thú hơn cả trong bản thông điệp này.
    2. Vì sao trong không ít dịch bệnh đã và đang xảy ra trong cuộc sống của loài người, Tổng thư kí Liên hợp quốc lại dành mối quan tâm đặc biệt đến việc phòng chống HIV/AIDS, tới mức gửi lời kêu gọi đến toàn thế giới và nâng những lời kêu gọi lên hàng thông điệp ?
    Trả lời:

    Cần phải làm rõ các ý sau đây:
    a) Nhân loại đã và đang trải qua nhiều dịch bệnh, như bệnh lao, dịch tả, dịch hạch, thương hàn,...; trong đó, có những trận đại dịch đã từng gây ra nhiều thảm hoạ mà nỗi kinh hoàng còn lan truyền đến tận hôm nay.
    Tuy nhiên, trong vai trò của một Tổng thư kí Liên hợp quốc, C. An-nan quả là chỉ mới tuyên chiến - và không chỉ tuyên chiến có một lần - với một đại dịch duy nhất : đại dịch HIV/AIDS. Không những thế, Liên hợp quốc còn đặt hẳn một Ngày Thế giới phòng chống AIDS, và nhân đó, ông Tổng thư kí của tổ chức quốc tế này đã ra hẳn một bản thông điệp - loại văn kiện có nội dung quan trọng và hình thức trang trọng vào bậc nhất - để gửi tới chính phủ và nhân dân các nước trên toàn thế giới.
    Chỉ nội một sự việc trên đã cho thấy công cuộc phòng chống HIV/AIDS có ý nghĩa trọng đại đến thế nào với mọi quốc gia và với toàn nhân loại.
    b) Nhưng vì lẽ gì mà việc phòng chống HIV/AIDS lại được đặt ra với một tầm quan trọng đặc biệt lớn lao đến thế ?
    Có thể nêu một cách khái quát một số lí do chủ yếu sau đây:
    - Vào thời điểm bản thông điệp được viết ra thì sau rất nhiều nỗ lực to lớn của loài người và những bước tiến lớn lao của y học, nhiều đại dịch nguy hiểm đã được khống chế, chỉ còn HIV/AIDS vẫn tiếp tục hoành hành.
    - AIDS là loại bệnh gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải, và làm tê liệt sức đề kháng của con người (vì thế, nó còn có tên là bệnh liệt khăng). Do đó, khi phát triển tới giai đoạn cuối, nó sẽ dẫn người bệnh đến chỗ tử vong.
    - Nguy hiểm đến thế, nhưng cho đến hôm nay, AIDS vẫn nằm trong số những loại bệnh mà con người chưa tìm ra thứ thuốc chữa nào hữu hiệu.
    - Hơn nữa, bệnh AIDS lại có sức lan truyền khủng khiếp không chỉ bằng một con đường lây nhiễm. Có thể thấy điều này ngay trong đoạn dưới đây của bản thông điệp: "[...] Chính trong lúc này, dịch HIV/AIDS vẫn hoành hành, gây tỉ lệ tử vong cao trên thế giới và có rất ít dấu hiệu suy giảm. Trong năm qua, mỗi phút đồng hồ của một ngày trôi đi, có khoảng 10 người bị nhiễm HIV. Ở những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, tuổi thọ của người dân bị giảm sút nghiêm trọng. HIV/AIDS đang lây lan với tốc độ báo động ở phụ nữ. Giờ đây phụ nữ đã chiếm tới một nửa trong tổng số người nhiễm trên toàn thế giới. Bệnh dịch này đang lan rộng nhanh nhất ở chính những khu vực mà trước đây hầu như vẫn còn an toàn - đặc biệt là Đông Âu và toàn bộ châu Á, từ dãy núi U-ran đến Thái Bình Dương”.
    3. Điều được nói ra là quan trọng thì cách nói ra điều đó không thể quá bình thường. Hãy tìm hiểu xem, ở những câu mà anh (chị) cho là hay nhất, gây nhịều ấn tượng nhất trong bản thông điệp, tác giả đã sử dụng từ ngữ và cách đặt câu như thế nào để độc giả thấy rõ không ai có thể đứng ngoài cuộc, không ai được phép lặng im trước công cuộc phòng chống HIV/AIDS đang diễn ra cấp bách trong phạm vi toàn nhân loại.
    Trả lời:

    Anh (chị) có thể chọn phân tích những câu viết khác nhau, miễn đó là những câu được chọn từ ấn tượng, cảm xúc thật của mỗi người. Những gợi ý sau đây chỉ mang tính chất tham khảo.
    Theo một cách nhìn nhận nào đó thì phần lớn những câu viết hay nhất, gây ấn tượng nhiều nhất lại là những câu ngắn, và nằm ở nửa cuối bài, ví dụ như :
    - “Trong thế giới khốc liệt của AIDS, không có khái niệm chúng ta và họ. Trong thế giới đó, im lặng đồng nghĩa với cái chết”.
    - “Hãy cùng tôi đánh đổ các thành luỹ của sự im lặng, kì thị và phân biệt đối xử đang vây quanh bệnh dịch này.
    Hãy sát cánh cùng tôi, bởi lẽ cuộc chiến chống lại HIV/AIDS bắt đầu từ chính các bạn”.
    Có thể thấy rằng, cái hay và khả năng gây ấn tượng mạnh mẽ, khác thường của những câu như thế nằm ở chỗ :
    - Tác giả đã tìm cách nén chặt ngôn từ trong một hình thức thật gọn và chắc chắn, để năng lượng của chúng có thể bùng nổ khi đi vào lòng người đọc.
    - Tác giả đã tìm đến những từ ngữ, hình ảnh và cách so sánh có khả năng gây được những cảm xúc lớn lao và trang nghiêm, như : cái chết, cuộc chiến, thành luỹ, thế giới khốc liệt,...
    - Trên cơ sở đó, tác giả đã gây ấn tượng mạnh trong tư duy của độc giả bằng những mối quan hệ vẫn chính xác, nhưng lạ thường, đầy sức khám phá ; tại đấy, chân lí hiện ra dưới hình thức có vẻ như là nghịch lí. HIV/AIDS sẽ được nói đến như một thế giới mà sự khốc liệt đã tới mức : ở đó, sự phân biệt “chúng ta” và “họ” không tồn tại ; ở đó, im lặng và chết có thể đồng nghĩa với nhau ; ở đó, sự im lặng, cũng như mọi sự kì thị và phân biệt trong đối xử, đều trở thành các “thành luỹ” nặng nề và kiên cố mà con người phải cố gắng đánh đổ trong một “cuộc chiến” gian nan.