Sách bài tập Ngữ văn lớp 12 - Soạn bài Viết bài làm văn số 1: Nghị luận xã hội SBT Ngữ Văn 12 tập 1

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Giải câu 1, 2, 3,4,5,6,7 trang 18 Sách bài tập (SBT) Ngữ Văn 12 tập 1.

    Phân tích đề, lập dàn ý chi tiết cho các đề văn sau :
    Trước khi thực hành luyện tập ở nhà để chuẩn bị cho bài viết trên lớp, anh (chị) cần thực hiện những thao tác sau đây :
    - Đọc kĩ các đề bài tham khảo và phần Gợi ý cách làm bài của SGK, chú ý những định hướng về kĩ năng và kiến thức của thầy (cô) giáo trên lớp. Dựa trên sự định hướng đó và tài liệu để lựa chọn một vấn đề mà mình hứng thú, chuẩn bị những kiến thức cần thiết để trình bày tốt vấn đề này trong bài làm ở lớp.
    - Sau khi đã lựa chọn một hoặc một số vấn đề nhất định theo gợi ý của thầy (cô) giáo và tài liệu, anh (chị) cần tìm kiếm, thu thập những thông tin cơ bản liên quan đến đề tài, xử lí tốt các thông tin này, suy ngẫm và định hướng quan điểm, cảm xúc của chính mình khi nghị luận.
    - Lập dàn ý chi tiết và có thể viết thử một số phần mà anh (chị) thấy hứng thú hoặc còn lúng túng trong cách xử lí thông tin, trình bày nội dung và diễn đạt. Việc chuẩn bị tài liệu và viết thử hoàn toàn khác với sự sao chép máy móc, dập khuôn hay quay cóp bài. Việc chuẩn bị kĩ các tài liệu, đọc tài liệu để tìm kiếm, ghi nhớ và phân tích thông tin cũng như việc thực hành viết thử để luyện tập kĩ năng trình bày, giúp anh (chị) làm chủ được tri thức và kĩ năng khi viết bài trên lớp. Không thể nghị luận một cách thực sự nghiêm túc và trình bày tốt về bất kì vấn đề gì nếu còn thiếu thông tin và lúng túng về kĩ năng vì không có sự chuẩn bị kĩ lưỡng.
    1. Đề 2,3, trang 35, SGK.
    Đề 2. "Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động"
    Ý kiến trên của M. Xi-xê-rông (nhà triết học La Mã cổ đại) gợi cho anh (chị) những suy nghĩ gì về việc tu dưỡng và học tập của bản thân?
    Đề 3. Hãy phát biểu ý kiến của anh (chị) về mục đích học tập do UNESCO đề xướng: "Học để biết, học để làm, học để chung sống, học để tự khẳng định mình".
    Trả lời:
    Để giải quyết tốt vấn đề nêu trong đề 2, 3, cần lưu ý một số điểm sau :
    - Trước khi nêu ý kiến bàn luận của bản thân, cần giải thích ngắn gọn ý nghĩa, cơ sở của từng nhận định cụ thể.
    - Liên hệ với thực tế và suy ngẫm về sự trải nghiệm, kinh nghiệm của mình để tìm dẫn chứng và định hướng cho nội dung cụ thể trong bài. Chẳng hạn, để nghị luận về nhận định : “Mọi phẩm chất của đức hạnh là ở trong hành động" (M. Xi-xê-rông), cần xác định rõ :
    + “Đức hạnh” trong lĩnh vực tu dưỡng và học tập mà anh (chị) cần trau dồi là gì ?
    + Từ những phẩm chất đạo đức cần thiết ấy, anh (chị) đã xác định cần hành động cụ thể ra sao để phù hợp với tiêu chí đạo đức mà mình theo đuổi ?
    + Trên thực tế, anh (chị) đã thực hiện được điều gì, gặp vướng mắc, khó khăn gì khi biến suy nghĩ thành việc làm ?
    + Anh (chị) thấy điều gì là trở ngại lớn nhất khi biến suy nghĩ thành hành động ? Tại sao ?
    - Các thông tin cần thiết để thực hiện bài làm theo đề 2, 3 trong SGK chủ yếu là những thông tin liên quan đến bản thân anh (chị) : quan niệm, kinh nghiệm về vấn đề tu dưỡng và học tập. Do đó, cần suy ngẫm kĩ, trình bày rõ ràng, mạnh dạn và chân thực cả những mặt tích cực và mặt hạn chế của bản thân. Tránh trình bày chung chung, sáo rỗng, hô khẩu hiệu suông.
    2. Thi hào Đức Rên-nơ Ma-ri-a Rin-ke đã viết cho một người bạn của mình như sau. “Tình yêu của một người đối với một người khác, đó có lẽ là sự thử thách khó khăn nhất đối với mỗi một người trong chúng ta”.
    Từ lời khẳng định trên, anh (chị) hãy phát biểu những suy nghĩ của mình về ý nghĩa của tình yêu và trách nhiệm của tuổi trẻ trong tình yêu.
    Trả lời:

    Vấn đề nghị luận trong đề bài này liên quan trực tiếp đến cuộc sống và tâm hồn của tuổi trẻ : Ý nghĩa của tình yêu thực sự và trách nhiệm của tuổi trẻ trong tình yêu. Có thể trình bày theo những gợi ý sau :
    - Giải thích vắn tắt nhận định của Rin-ke : Vì sao tình yêu của một người đối với một người khác lại là thử thách, khó khăn? Con người cần vượt qua những thử thách, khó khăn ấy như thế nào ?
    - Bàn luận mở rộng : Anh (chị) quan niệm như thế nào là tình yêu thực sự, tình yêu cao đẹp ? Tuổi trẻ là tuổi của tình yêu, nhưng tuổi trẻ thường gặp những khó khăn, thử thách gì khi đến với tình yêu ? Trách nhiệm trong tình yêu là gì ? Sự hời hợt, dễ dãi, buông thả trong tình yêu sẽ dẫn đến những nguy cơ gì trong đời sống của con người ?
    - Trình bày những trải nghiệm, cảm xúc của bản thân về vấn đề này.
    - Xác định quan niệm, thái độ, cảm xúc của anh (chị) về vấn đề sẽ trình bày. Đề tài này gần gũi với đời sống của tuổi trẻ nhưng bản chất vấn đề rất phong phú, phức tạp, vì vậy, anh (chị) nên hướng vào trọng tâm : ý nghĩa của tình yêu và trách nhiệm của tuổi trẻ trong tình yêu.
    - Lập dàn ý chi tiết và tiến hành viết bài. Sau khi lập dàn ý chi tiết, hãy viết thử toàn bộ văn bản hay một số phần nà bản thân anh (chị) thấy hứng thú nhất hoặc khó nhất để vượt qua những điều còn vướng mắc trong tư duy và diễn đạt.
    3. "Giá trị của con người không ở chân lí người đó sở hữu hoặc cho rằng mình sở hữu, mà ở nỗi gian khó chân thành người đó nhận lãnh trong khi đi tìm chân lí” (Lét-xinh).
    Từ câu nói trên, anh (chị) suy nghĩ gì về những thành công và thất bại trong hành trình tìm kiếm những giá trị cao đẹp của đời sống con người ?
    Trả lời:

    Có thể trình bày bài làm theo hệ thống ý cơ bản sau:
    - Giải thích vắn tắt nhận định của Lét-xinh : Giá trị của một con người không phải ở “chân lí người đó sở hữu" - tức là không phải ở những điều đã sẵn có, hiển nhiên, hoặc "cho rằng mình sở hữu" - những ngộ nhận, lầm lẫn do thói kiêu căng, ngạo mạn, vị kỉ. Như vậy, điều làm nên ý nghĩa và giá trị của đời sống cá nhân nói riêng cũng như hành trình chung của nhân loại trong lịch sử sinh tồn là “nỗi gian khó chân thành” - những trải nghiệm trong thử thách, khó khăn thực sự để đạt tới chân lí - giá trị cao nhất, có ý nghĩa chân thực nhất trong đời sống con người: sự hiểu biết, niềm vui sáng tạo, niềm tin, hạnh phúc đích thực trong tình yêu, đức hi sinh, lòng vị tha. Tóm lại, đó là hành trình hướng tới sự hoàn thiện, hướng tới chân, thiện, mĩ. Cũng có thể hiểu đó là hành trình sáng tạo ra những giá trị nhằm mục đích nhân văn cao quý : sáng tạo khoa học, sáng tạo nghệ thuật, văn học,... Trong hành trình ấy, không phải lúc nào con người cũng đạt được thành công, cũng đến được cái đích cần đến, những niềm khao khát hướng thiện, sự can đảm đối mặt với thách thức, nỗi đau đớn trong hi sinh, mất mát - tất cả đều biểu hiện giá trị của con người. Đồng thời, hành trình hướng tới sự hoàn thiện ấy không bao giờ dừng lại. Bởi lẽ, sự dừng lại, bằng lòng, thoả mãn với quá trình nhận thức về đời sống, sáng tạo ra cái đẹp, cái cao quý đồng nghĩa với sự trì trệ, lười biếng, ngạo mạn, làm tha hoá con người, cần thấy rõ sự khác biệt giữa niềm khao khát chân lí - khao khát những giá trị tốt đẹp mà Lét-xinh nói đến ở đây với tham vọng, dục vọng quá mức và mù quáng, vốn là nguồn gốc của cái ác: tham lam quyền lực, tiền tài, hư danh.
    Có thể đọc thêm nhận định được trích dẫn đầy đủ hơn sau đây để suy ngẫm về điều này : “Giá trị của con người không ở chân lí người đó sở hữu hoặc cho rằng mình sở hữu, mà ở nỗi gian khó chân thành người đó nhận lãnh trong khi tìm chân lí. Bởi chẳng phải sự sở hữu, mà chính sự tìm kiếm chân lí mới gia tăng sức mạnh nơi con người; chỉ ở đó mới tiềm ẩn bước tiến không ngừng của việc tự hoàn thiện. Sự sở hữu khiến người ta thành thản nhiên, lười biếng, kiêu ngạo…”.
    - Bàn luận, mở rộng vấn đề :
    + Trong thực tế đời sống, cuộc đời của các nhà khoa học, các nghệ sĩ, các chiến sĩ đấu tranh vì hạnh phúc của con người là một hành trình tìm kiếm chân lí. Trong hành trình ấy, con người luôn phải đối mặt với những thách thức, đối mặt với thất bại, hi sinh, mất mát trước khi đạt đến thành công. Có thể nêu vắn tắt tấm gương hi sinh vì khoa học, vì chân lí của G. Ga-li-lê (đối đầu với nhà thờ Trung cổ khắc nghiệt để bảo vệ chân lí khoa học : Trái Đất quay xung quanh Mặt Trời), Ma-ri Quy-ri (âm thầm làm việc trong những phòng thí nghiệm tồi tàn để phát minh ra nguyên tố phóng xạ), L. Pát-xtơ (chịu nguy hiểm về sức khoẻ, tính mạng để nghiên cứu vắc-xin chống những bệnh hiểm nghèo),... hoặc sự quên mình vì nghệ thuật của V. Van-gốc (danh hoạ lớn của thế kỉ XIX đã phải trải qua cuộc sống nghèo khổ và cô đơn suốt cuộc đời nhưng vẫn không từ bỏ con đường nghệ thuật đã chọn), cuộc đời của các chiến sĩ vô danh xả thân vì hạnh phúc của nhân loại,...
    + Trong tác phẩm văn học, có thể liên tưởng, suy ngẫm về bi kịch và sức mạnh tinh thần của con người trên con đường tìm kiếm cái đẹp, thực hiện khát vọng qua các hình tượng nghệ thuật: hành trình trên biển cả của các thuỷ thủ (trong Đêm đại dương của Huy-gô), hành trình gian nan trong đời và trong nghề của Hộ (Đời thừa của Nam Cao), hành trình bi tráng của ông lão đánh cá (trong Ông già và biển cả của Hê-minh-uê),...
    + Những vấn đề của đời sống đương đại liên quan đến đề tài: Anh (chị) có thể suy ngẫm thêm về một số sự kiện thời sự để làm rõ hơn vấn đề : Trong hành trình tìm kiếm chân lí, con người có thể thất bại nhất thời, nhưng không thể bị đánh gục vì lòng quyết tâm hướng tới cái đẹp, cái thiện không thể bị khuất phục, không thể lụi tắt. Chẳng hạn, cuộc đấu tranh đòi công bằng cho các nạn nhân chất độc màu da cam Việt Nam, cuộc đấu tranh của nhân dân Cu-ba, cuộc đấu tranh chống nạn phân biệt chủng tộc,…
    - Trình bày những trải nghiệm, cảm xúc của bản thân về vấn đề này.
    Để bài làm chặt chẽ, sinh động, trong quá trình nghị luận, anh (chị) cần kết hợp trình bày các thông tin khách quan, nhận định, đánh giá của chính người viết một cách hài hoà, nhuần nhuyễn.
    4. Câu nói “Con người đồng thời phải tạo ra và chế ngự sự đam mê” của J. Paul gợi cho anh chị những suy nghĩ gì ?
    Trả lời:

    “Con người đồng thời phải tạo ra và chế ngự sự đam mê”
    a) Giải thích khái niệm :
    - Đam mê : sự yêu thích, hứng thú đến mức cao độ với một đối tượng nào đó trong cuộc sống. Đối tượng ấy có thể là con người, công việc, cảnh vật, thú vui...
    - Tạo ra và chế ngự: là hai khái niệm trái ngược, vừa khơi gợi, nuôi dưỡng, phát triển, vừa kìm nén, khống chế.
    b) Lí giải vấn đề:
    - Tạỉ sao con người phải tạo cho mình niềm đam mê ?
    + Niềm đam mê giúp con người có hứng thú, có động lực tích cực để làm việc, học tập, sáng tạo. Không có niềm đam mê, con người trở thành những cái máy vô hồn, mọi công việc đều thực hiện miễn cưỡng theo bổn phận, nghĩa vụ, sĩ diện bởi sự thúc đẩy bên ngoài mà không có sự giục giã, hối thúc mãnh liệt bên trong; và tất nhiên như thế sẽ không thể có kết quả tốt.
    + Niềm đam mê giúp con người nâng cao chất lượng cuộc sống bởi những hứng thú tích cực với thế giới bên ngoài, đó có thể là những cảnh sắc thiên nhiên, có thể là thể thao, thưởng thức nghệ thuật... Con người sẽ mạnh mẽ, năng động và thân thiện hơn với cuộc sống, con người, cảnh vật; sẽ được bồi đắp tâm hồn, rèn luyện thêm tính cách...
    + Niềm đam mê giúp con người có khả năng được hưởng hạnh phúc vì đam mê là điều không thể thiếu được trong tình yêu và hôn nhân ; quan hệ lứa đôi và gia đình sẽ miễn cưỡng, lạnh lẽo nếu thiếu đam mê.
    - Tại sao con người phải chế ngự niềm đam mê ?
    + Đam mê giống như ngọn lửa có thể thắp sáng đường đi, cuộc đời, đem lại sức sống, sự ấm áp cho trái tim con người nhưng nếu không biết cách chế ngự, ngọn lửa ấy cũng có thể bùng cháy và thiêu đốt chính con người.
    + Cuộc sống luôn đa diện, sự đam mê quá mức vào một lĩnh vực hay bình diện nào đó sẽ khiến con người mất đi sự cân bằng, thậm chí sẽ méo mó về tính cách.
    Sự đam mê nếu bị đẩy tới cao độ sẽ hút kiệt cả tinh thần và thể chất con người, họ sẽ mất đi khả năng cảm nhận thế giới xung quanh với những sắc màu phong phú, đa dạng khác.
    + Sự đam mê nhiều khi gắn liền với việc con người phải hi sinh những giá trị nào đó xung quanh mình hoặc trong chính bản thân mình : gia đình, bạn bè, nhân cách... Con người phải biết tạo ra, nuôi dưỡng và chế ngự niềm đam mê, phải biết làm chủ chính mình.
    5. Anh (chị) hãy trả lời câu hỏi sau của nhà thơ Tố Hữu :
    Ôi ! Sống đẹp là thế nào, hỡi bạn ?
    (Một khúc ca)
    Trả lời:

    a) Sống đẹp là gì ?
    - Sống được hiểu là sự tồn tại của một cá nhân trong mối quan hệ với cộng đồng.
    - Đẹp là một khái niệm thẩm mĩ, chỉ những đối tượng có hình thức, phẩm chất hài hoà khiến người khác yêu thích, ngưỡng mộ và kính trọng.
    Sống đẹp là tạo cho mình sự tồn tại có ý nghĩa trong cộng đồng khiến cộng đồng chấp nhận, nể phục, yêu quý.
    b) Sống đẹp là sống như thế nào ?
    - Sống đẹp là sống có ý nghĩa.
    + Ý nghĩa cuộc sống của mỗi con người thể hiện ở mục đích mà họ luôn hướng đến; mục đích ấy chính là những lí tưởng, hoài bão, ước mơ mà con người đặt ra cho mình trong cuộc sống.
    + Chính mục đích sống sẽ là động lực để con ngưòi phấn đấu vươn lên, phát huy được những năng lực của mình, từ đó tạo ra sự nể trọng của cộng đồng với những phẩm chất, năng lực của họ.
    + Có mục đích sống tốt đẹp, con người sẽ tạo ra cho chính mình niềm vui khi đạt được hoài bão, ước mơ.
    - Sống đẹp là sống vị tha, nhân ái, nghĩa tình.
    + Nhân ái, nghĩa tình là truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, một dân tộc luôn dạy con cháu “Thương người như thể thương thương thân”, “Uống nước nhớ nguồn”.
    + Khi sống vị tha, tình nghĩa, con người sẽ có được niềm vui lương thiện và sự thanh thản trong lòng, sẽ nhận được sự yêu thương, quý trọng của cộng đồng.
    - Sống đẹp là sống có văn hoá.
    + Văn hoá được hiểu với rất nhiều bình diện ý nghĩa : từ văn hoá ứng xử đến nếp sống văn minh lịch sự trong ăn mặc, nói năng, giao tiếp.
    + Tạo cho mình nếp sống văn hoá, con người luôn được tôn trọng và tìm cho mình cảm giác hài lòng, tươi vui trong cuộc sống.
    c) Những biểu hiện phong phú của sống đẹp
    Đây là quan niệm có thể thay đổi cho phù họp với từng thời đại, từng hoàn cảnh, từng môi trường.
    - Thời phong kiến, con người phải tuân thủ những chuẩn mực đạo đức khá nghiệt ngã ; thời hiện đại, các quy chuẩn đạo đức vẫn là thước đo phẩm giá con người nhưng dựa trên tinh thần nhân văn cùng sự phát triển hài hoà giữa quyền lợi cá nhân và cộng đồng.
    - Trong chiến tranh, sống đẹp là sẵn sàng hi sinh vì đất nước, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh ; trong hoà bình, sống đẹp là phát huy cao độ khả năng của cá nhân để sáng tạo, xây dựng đất nước.
    - Trong các bình diện cụ thể của cuộc sống như lao động, học tập, chiến đấu, ứng xử,... sống đẹp sẽ có những biểu hiện cụ thể, đa dạng.
    6. Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về quan niệm : “Tiền là người nô lệ tốt và là ông chủ tồi”.
    Trả lời:

    a) Giải thích khái niệm
    - Tiền: vật đúc bằng kim loại hoặc in bằng giấy,... dùng để trao đổi hàng hoá theo quy ước trong xã hội loài người.
    - Nô lệ: người có trách nhiệm phục tùng và phục vụ mọi yêu cầu của người chủ một cách vô điều kiện.
    - Ông chủ : người có quyền điều khiển, chi phối một hoặc nhiều bình diện trong cuộc sống của người phụ thuộc.
    b) Lí giải vấn đề
    (1) Tại sao tiền là người nô lệ tốt ?
    - Tiền là nô lệ vì nó là phương tiện thoả mãn, đáp ứng những nhu cầu về tinh thần hoặc vật chất của con người.
    - Tiền là người nô lệ tốt vì nó thực hiện mọi yêu cầu của người có tiền trong điều kiện kinh tế của họ.
    + Có tiền, con người có thể thực hiện những nhu cầu chính đáng, những mục tiêu đẹp đẽ, những khát vọng cao cả (học tập nâng cao kiến thức cho bản thân, nuôi sống gia đình, nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn, thực hiện những lí tưởng xã hội,...). Tuỳ theo hoàn cảnh kinh tế của mỗi người, đồng tiền sẽ giúp họ thực hiện các nhu cầu, mục tiêu hoặc khát vọng ở những mức độ cụ thể.
    + Đồng tiền cũng là một nô lệ khi giúp ông chủ của mình - người có tiền - thoả mãn những dục vọng, mục đích nhiều khi không chính đáng. Tiền có thể biến thành vũ khí gây chiến tranh, có thể mua danh lợi, thậm chí tình cảm. Có tiền nhiều khi mua tiên cũng được...
    (2) Tại sao tiền đồng thời là ông chủ tồi ?
    - Tiền đồng thời là ông chủ vì đồng tiền nhiều khi có khả năng chi phối, điều khiển con người.
    - Tiền đồng thời là ông chủ tồi vì sự chi phối của nó đối với con người nhiều khi rất khắc nghiệt, khiến con người trở thành nô lệ cho nó, bị tha hoá nghiêm trọng.
    Biểu hiện trong thực tế:
    + Đồng tiền có thể khiến con người bán rẻ nhân cách, đức hạnh, tình thân, bản lĩnh, hạnh phúc, thậm chí cả mạng sống...
    + Đồng tiền thực sự trở thành ông chủ khi con người chỉ lo ki cóp, kiếm tiền, giữ tiền mà không dám tiêu pha, hưởng thụ. Đồng tiền được nâng niu, cất giữ như báu vật mà không được sử dụng theo đúng vai trò của nó là phương tiện trao đổi, đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống.
    c) Bàn luận vấn đề
    - Quan niệm trên cho thấy vai trò của đồng tiền trong cuộc sống con người : đồng tiền không thể thiếu trong cuộc sống, và đồng tiền cũng có uy lực đáng sợ với con người.
    - Quan niệm trên đưa đến những bài học bổ ích về nhận thức và hành động của con người trong cuộc sống hằng ngày:
    + Có thái độ đúng đắn với đồng tiền : coi tiền là phương tiện cho con người sống tốt hơn, tuyệt đối không để đồng tiền trở thành mục đích cuộc sống, vì lúc đó, đồng tiền sẽ trở thành ông chủ khắc nghiệt, tàn nhẫn.
    + Biết quý trọng đồng tiền chân chính, có ý thức lao động làm ra đồng tiền chính đáng để nâng cao giá trị cuộc sống. Không hoang phí, nhưng cũng không ki cóp, keo kiệt, vì đồng tiền chỉ có giá trị khi nó được sử dụng hữu ích trong cuộc sống. Nghĩa là biết quý trọng nhưng không quá coi trọng đồng tiền.
    7. Tuân Tử (313-235 trước CN) nói : “Người chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy”.
    Anh (chị) hiểu câu nói trên như thế nào ?
    Trả lời:

    a) Giải thích khái niệm:
    - Thầy là người có thể đưa đến cho chúng ta một bài học nào đó trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống, từ kiến thức văn hoá đến những bài học làm người, giúp chúng ta trưởng thành. Có người thầy dạy kiến thức trong nhà trường, có người thầy dạy nghề nghiệp trong thực tế cuộc sống, lại có những người thầy dạy chúng ta cách ứng xử giữa cuộc đời. Thầy có thể là giáo viên trong nhà trường, cũng có thể là cha mẹ, bạn bè, là những người có tác động tích cực tới sự trưởng thành của ta.
    - Bạn là người thân thiết, tin cậy để chúng ta có thể chia sẻ những quan niệm hay nỗi niềm, chúng ta luôn tìm thấy sự đồng cảm, tri âm, sự giúp đỡ vô tư ở những người bạn đích thực. Bạn có thể đồng trang lứa để dễ tìm thấy sự đồng cảm, nhưng cũng có thể là bạn vong niên, những người ta không chỉ tìm thấy sự tri âm, cảm thông, thấu hiểu mà còn cả sự kính trọng như cha mẹ, thầy cô...
    - Kẻ thù là kẻ luôn có sự đối đầu với ta về quan niệm sống, là kẻ không bao giờ mong chúng ta gặp những điều tốt lành. Mối quan hệ giữa kẻ thù với ta có thể chỉ dừng lại ở những mâu thuẫn nhỏ nhặt của sự ghen ghét, đố kị, nhưng cũng có những kẻ luôn có mâu thuẫn đối kháng với ta, thậm chí không thể cùng tồn tại, không đội trời chung.
    - Chê phải là chỉ ra những thiếu sót, những nhược điểm có thực của ta trong một bình diện nào đó, từ hình thức bên ngoài, trang phục, đầu tóc đến cách sống, cách nghĩ, cách ứng xử, khả năng nhận thức, trình độ học vấn, đạo đức, tác phong,... Nói cách khác, chê phải là làm cho chúng ta nhận thức sâu sắc những hạn chế, yếu kém của bản thân mình.
    - Khen phải là phát hiện và khẳng định những điểm mạnh, những thành công của chúng ta ở một hay nhiều bình diện. Khen phải giúp chúng ta tự tin vào những cố gắng của mình để tiếp tục phấn đấu.
    - Vuốt ve, nịnh bợ là nói những điều tốt đẹp cho những thiếu sót, nhược điểm của ta, khẳng định những mặt mạnh mà ta không hề có. Vuốt ve, nịnh bợ là thái độ giả dối khiến chúng ta dễ bị ảo tưởng, khó nhìn nhận mình một cách trung thực.
    b) Lí giải vấn đề : Tại sao người chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta ?
    - Người chê ta mà chê phải là thầy ta vì họ giúp ta nhìn thấy thiếu sót của mình, giúp chúng ta sửa đổi, phấn đấu và tiến bộ, cũng có nghĩa là dạy cho chúng ta những bài học bổ ích, giúp ta trưởng thành. Người có thể chỉ ra những khiếm khuyết của ta không chỉ có kiến thức, có trình độ học vấn hoặc kinh nghiệm trong cuộc đời mà còn là người có tấm lòng chân thành, có thái độ thẳng thắn, thực sự mong chúng ta tiến bộ, mong những điều tốt đẹp ở chúng ta - đó chính là những phẩm chất của người thầy.
    - Người khen ta mà khen phải là bạn ta vì khi khẳng định những thành công, những ưu điểm có thực của ta, họ đã thể hiện tấm lòng chân thành của những người bạn. Bởi chỉ có những người bạn đích thực mới vui sướng một cách vô tư trước mỗi thành công hay ưu điểm của bạn mình. Trước những lời khen chân thành, chính xác, chúng ta sẽ có thêm niềm vui, sự tự tin ở chính bản thân mình để tiếp tục phát huy và có thêm những điều tốt đẹp.
    - Những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta trước hết vì họ là người giả dối, không chân thành với chúng ta. Sự giả dối ấy thường hướng tới một mun lợi cụ thể mà do cảm giác được ve vuốt dễ chịu, ta có thể đem đến cho họ. Và vì thế, những lòi khen nịnh bợ ấỷ là vì họ chứ không phải vì ta. Tất nhiên, khi nói những lời nịnh bợ giả dối, họ không hề coi trọng chúng ta, khi chúng ta không còn giá trị lợi dụng, sự nịnh bợ ve vuốt ấy cũng chấm dứt nhanh chóng. Mặt khác, sự nịnh bợ giả dối sẽ che khuất những nhược điểm mà lẽ ra chúng ta phải tỉnh táo nhận thức để khắc phục. Sự ảo tưởng về bản thân mình khiến chúng ta yên tâm sống cùng những nhược điểm, những thói xấu, và sự tiếp tục duy trì tình trạng ấy sẽ khiến chúng ta thất bại trong cuộc đời, trong sự nghiệp, trở thành kẻ ngốc nghếch trước mặt mọi người. Đó là điều kẻ thù của chúng ta mong muốn...
    c) Bàn luận mở rộng vấn đề
    - Câu nói của Tuân Tử là một bài học lớn về đạo làm người, cách ứng xử và xét đoán con người. Cách nhìn nhận Tuân Tử đưa ra tinh tế và sâu sắc vì đó là cách đánh giá con người căn cứ vào chính cách ứng xử của họ.
    - Tuy nhiên cách đánh giá này không hề dễ dàng bởi thói thường ở đời, ai cũng muốn vươn tới sự hoàn mĩ, ai cũng thích được khen, được khẳng định, không ai thích nghe những lời chê bai mình bất kể ở lĩnh vực nào ; còn những lời vuốt ve nịnh bợ lại luôn khiến con người thấy dễ chịu, thoả mãn.
    - Phải phân biệt chê và khen nói chung với chê phải và khen phải. Chê và khen phải khách quan, phải căn cứ vào chính điểm yếu hoặc điểm mạnh của chúng ta chứ không phải từ những cảm tính của người nhận xét thì mới là chê phải và khen phải. Trong cuộc sống có rất nhiều người chỉ thích chê hoặc khen người khác một cách vô thưởng vô phạt, không có chủ kiến - có người thường xuyên đưa ra những lời khen một cách dễ dãi theo kiểu sống dĩ hoà vi quý ; có người luôn có thói quen xét nét đầy định kiến với mọi người xung quanh, thậm chí có người hẹp hòi không chấp nhận ai hơn mình, vì vậy tâm thế thường trực của họ là chê bai. Những người như thế không thể là thầy hay bạn của chúng ta. Sự phân biệt giữa khen phải và vuốt ve nịnh bợ cũng không hề dễ dàng. Điều này không chỉ do bản tính tự nhiên của con người mà còn xuất phát từ khả năng tự đánh giá mình có khách quan, tỉnh táo hay không, từ việc chúng ta có nhận ra mục đích thật sự của người nhận xét hay không.
    - Từ câu nói của Tuân Tử, có thể rút ra những bài học sâu sắc cho việc ứng xử trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta phải tỉnh táo, khách quan để nhìn nhận, đánh giá con người cũng như đánh giá chính bản thân mình để xác định cách ứng xử phù hợp, có văn hoá. Không tự ái trước lời chê phải, biết tự chủ trước sự nịnh bợ, vuốt ve, biết cảm ơn những lời động viên, khích lệ... đó là những cách ứng xử khiến chúng ta không ngừng tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu để trưởng thành, cũng giúp chúng ta có thêm thầy, thêm bạn và tránh xa kẻ xấu. Cuộc sống của chúng ta cũng nhờ đó mà tốt đẹp hơn.