Sinh học 12 Bài 42: Hệ sinh thái

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Tóm tắt lý thuyết

    1. Khái niệm hệ sinh thái
    • Hệ sinh thái bao gồm quần xã sinh vật và sinh cảnh của quần xã (môi trường vô sinh của quần xã). Trong hệ sinh thái, các sinh vật trong quần xã luôn luôn tác động lẫn nhau và tác động qua lại với các thành phần vô sinh của sinh cảnh. Nhờ các tác động qua lại đó mà hệ sinh thái là một hệ thống sinh học hoàn chỉnh và tương đối ổn định.
    • Ví dụ: Hệ sinh thái ao hồ.
    [​IMG]
    • Trong hệ sinh thái, trao đổi chất và năng lượng luôn diễn ra giữa các cá thể trong quần xã và giữa quần xã với sinh cảnh của chúng. Trong đó, quá trình “đồng hóa” tổng hợp chất hữu cơ do các sinh vật tự dưỡng thực hiện và quá trình “dị hóa” do các sinh vật phân giải chất hữu cơ thực hiện.
    • Sơ đồ mối quan hệ giữa các thành phần chủ yếu của một hệ sinh thái.
    [​IMG]

    2. Các thành phần cấu trúc của hệ sinh thái
    • Thành phần cấu trúc của hệ sinh thái bao gồm:
    [​IMG]
    • Thành phần vô sinh :
      • Các chất vô cơ: nước, điôxit cacbon, ôxi, nitơ, phốtpho...
      • Các chất hữu cơ: prôtêin, gluxit, vitamin, hoocmôn...
      • Các yếu tố khí hậu: ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, khí áp...
    • Thành phần hữu sinh:
      • Sinh vật sản xuất: đó là những loài sinh vật có khả năng quang hợp và hóa tổng hợp, tạo nên nguồn thức ăn cho mình và để nuôi các loài sinh vật dị dưỡng.
      • Sinh vật tiêu thụ: gồm các loài động vật ăn thực vật, sau là những loài động vật ăn thịt.
      • Sinh vật phân hủy: nhóm này gồm các vi sinh vật sống dựa vào sự phân hủy các chất hữu cơ có sẵn. Chúng tham gia vào việc phân giải vật chất để trả lại cho môi trường những chất ban đầu.
    3. Các kiểu hệ sinh thái chủ yếu trên trái đất

    a. Hệ sinh thái tự nhiên
    • Các hệ sinh thái trên cạn: Các hệ sinh thái trên cạn chủ yếu gồm hệ sinh thái rừng nhiệt đới, sa mạc và hoang mạc, sa van đồng cỏ, thảo nguyên, rừng lá rộng ôn đới, rừng thông phương Bắc, đồng rêu hàn đới.
      • Ví dụ: Hệ sinh thái rừng mưa nhiệt đới.
    [​IMG]
    • Các hệ sinh thái dưới nước:
      • Các hệ sinh thái nước mặn (bao gồm cả vùng nước lợ), điển hình ở vùng ven biển là các vùng ngập mặn, cỏ biển, rạn san hô và hệ sinh thái vùng biển khơi.
      • Các hệ sinh thái nước ngọt được chia ra thành các hệ sinh thái nước đứng (ao, hồ...) và hệ sinh thái nước chảy (sông, suối).
      • Ví dụ: Hệ sinh thái rạn san hô.
    [​IMG]
    b. Các hệ sinh thái nhân tạo
    • Đồng ruộng, hồ nước, rừng thông, thành phố …đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống con người.
    • Ví dụ: Hệ sinh thái cánh đồng lúa.
    [​IMG]
    Bài tập minh họa
    Ví dụ:
    Hãy nêu những điểm giống nhau và khác nhau giữa hệ sinh thái tự nhiên và hệ sinh thái nhân tạo?

    Gợi ý trả lời:
    • Giống:
      • Đều có những đặc điểm chung về thành phần cấu trúc, bao gồm thành phần vật chất vô sinh và thành phần hữu sinh. Thành phần vật chất vô sinh là môi trường vật lí (sinh cảnh) và thành phần hữu sinh là quần xã sinh vật. Các sinh vật trong quần xã luôn luôn tác động lẫn nhau và tác động qua lại với các thành phần vô sinh của sinh cảnh.
    • Khác:
      • Hệ sinh thái nhân tạo có thành phần loài ít, do đó tính ổn định của hệ sinh thái thấp, dễ bị dịch bệnh.
      • Hệ sinh tháo nhân tạo nhờ được áp dụng các biện pháp canh tác và kĩ thuật hiện đại nên sinh trưởng của các cá thể nhanh, năng suất sinh học cao,...
    Theo LTTK Education tổng hợp