Sinh học 6 Bài 5: Kính lúp, kính hiển vi và cách sử dụng

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Tóm tắt lý thuyết
    1. Kính lúp và cách sử dụng
    a. Cấu tạo
    [​IMG]

    Hình 1: Cấu tạo của kính lúp​

    Cấu tạo của kính lúp gồm:
    • Tấm kính trong, dày, hai mặt lồi, có khung bằng kim loại (hoặc nhựa)
    • Tay cầm bằng kim loại (hoặc nhựa)
    b. Công dụng
    • Dùng để quan sát những vật nhỏ bé.
    • Có khả năng phóng to ảnh của vật từ 3 - 20 lần.
    [​IMG]

    Hình 2: Công dụng của kính lúp​

    c. Cách sử dụng
    • Bước 1: Tay trái cầm kính.
    • Bước 2: Để mặt kính sát mẫu vật, mắt nhìn vào mặt kính.
    • Bước 3: Di chuyển kính cho đến khi nhìn rõ vật.
    [​IMG]

    Hình 3: Cách sử dụng kính lúp​

    2. Kính hiển vi và cách sử dụng
    a. Cấu tạo
    [​IMG]

    Hình 4: Cấu tạo của kính hiển vi​

    • Một kính hiển vi gồm 3 phần chính:
      • Chân kính.
      • Thân kính gồm:
        • Ống kính: gồm thị kính, đĩa quay và vật kính.
        • Ốc điều chỉnh: gồm ốc to và ốc nhỏ.
      • Bàn kính.
      • Ngoài ra còn có gương phản chiếu ánh sáng để tập trung ánh sáng vào mẫu vật
    • Ống kính là quan trọng nhất vì nó giúp nhìn rõ vật.
    b. Công dụng
    • Kính hiển vi giúp ta nhìn được những gì mắt không thấy được.
    • Kính hiển vi quang học có thể phóng to ảnh của vật mẫu từ 40 – 3000 lần.
    • Kính hiển vi điện tử có thể phóng to ảnh từ 10.000 – 40.000 lần.
    c. Cách sử dụng
    Bước 1: Điều chỉnh ánh sáng.

    Bước 2: Đặt tiêu bản lên bàn kính, dùng kẹp giữ (không để ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào gương).

    Bước 3: Mắt nhìn vào vật kính, tay phải từ từ vặn ốc to theo chiều kim đồng hồ (vặn xuống) cho đến khi vật kính sát tiêu bản.

    Bước 4: Mắt nhìn vào thị kính, tay phải từ từ vặn ốc to theo chiều ngược lại (vặn lên) cho đến khi nhìn thấy vật cần quan sát.

    Bước 5: Điều chỉnh bằng ốc nhỏ để nhìn rõ vật nhất.

    BÀI TẬP VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI
    Câu 1: Trình bày cấu tạo và chức năng của kính hiển vi.

    Hướng dẫn giải:
    Kính hiển vi gồm 3 phần chính:

    Chân kính: giúp cố định kính

    Thân kính
    • Ống kính
      • Thị kính: Kính để mắt vào quan sát
      • Đĩa quay các vật kính: Thay đổi vật kính tùy thuộc độ phóng đại muốn quan sát
      • Vật kính: Kính sát với vật cần quan sát có độ phóng đại
    • Bàn kính: Nơi đặt tiêu bản để quan sát, có kẹp giữ
    Ngoài ra, có gương phản chiếu ánh sáng để tập trung ánh sáng vào vật mẫu.

    Câu 2: Trình bày các bước sử dụng kính hiển vi.

    Hướng dẫn giải:
    Cách sử dụng kính hiển vi:
    • Điều chỉnh ánh sáng bằng gương phản chiếu ánh sáng
    • Đặt và cố định tiêu bản trên bàn kính
    • Sử dụng ốc điều chỉnh để quan sát rõ vật mẫu