Sinh học lớp 11 nâng cao - Bài 30. Tập tính

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Câu 1 trang 117 SGK Sinh học 11 Nâng cao.
    Tập tính động vật là gì?
    Lời giải chi tiết
    Tập tính động vật là chuỗi những phản ứng trả lời lại các kích thích của môi trường (bên trong cũng như bên ngoài cơ thể) nhờ đó mà động vật tồn tại và phát triển.
    Ví dụ: Một đàn ngỗng mới nở đi theo ngỗng mẹ. Nhưng những con ngỗng mới nở từ lò ấp lại chạy theo người chủ lò. Vì đó là hình ảnh đầu tiên mà chúng nhìn thấy khi vừa ra khỏi vỏ.

    Câu 2 trang 117 SGK Sinh học 11 Nâng cao.
    Phân biệt tập tính học được với tập tính bẩm sinh.
    Lời giải chi tiết
    Dựa vào đặc điểm của các tập tính động vật có thể phân biệt thành hai loại (nhóm) tập tính chính là: tập tính bẩm sinh và tập tính thứ sinh (hay tập tính học được trong đời sống):
    * Tập tính bẩm sinh: là những hoạt động cơ bản của cơ thể động vật mà ngay từ khi ra đã có, không cần qua học hỏi, rèn luyện, mang tính bản năng, được di truyền từ bố mẹ, không thay đổi và không chịu ảnh hưởng của điều kiện và hoàn cảnh sống, chúng được quyết định bởi yếu tố di truyền.
    * Tập tính thứ sinh (tập tính học được trong đời sống): là loại tập tính được hình thành trong quá trình sống do học tập các cá thể cùng loài.
    Ở những nhóm động vật càng cao, càng tiến hóa, loại tập tính học được đó càng nhiều và càng phức tạp.

    Câu 3 trang 117 SGK Sinh học 11 Nâng cao.
    Tìm 2 ví dụ (ngoài ví dụ trong bài) cho mỗi loại tập tính bẩm sinh và học được. Phân tích ý nghĩa của mỗi tập tính đối với đời sống.
    Phương pháp giải - Xem chi tiết
    - Tập tính bẩm sinh là những hoạt động cơ bản của động vật, có từ khi sinh ra, được di truyền từ bố mẹ, đặc trưng cho loài.
    - Tập tính học được là loại tập tính được hình thành trong quá trình sống của cá thể, thông qua học tập và rút kinh nghiệm.
    Lời giải chi tiết
    * Ví dụ về tập tính bẩm sinh:
    Chuyển động hướng sáng của trùng roi xanh (Euglena viridis) là một trong những biểu hiện tập tính đơn sơ nhất của động vật. Trùng roi có cơ quan cảm giác ánh sáng ở gốc roi, gọi là điểm mắt. Nhờ điểm mắt mà trùng roi có thể định hướng và luôn bơi về hướng có nguồn ánh sáng, bơi lên mặt nước khi có ánh mặt trời, thực hiện hoạt động quang hợp, tự tổng hợp chất hữu cơ từ các thành phần vô cơ cho cơ thể.
    * Ví dụ về tập tính học được:
    Sự hình thành các kinh nghiệm riêng ở động vật, thể hiện rõ trong các hoạt động tập tính bắt mồi của thú ăn thịt như: sư tử, hổ, báo, mèo... Khi còn nhỏ, đàn sư tử con vây quanh bố mẹ, tập đùa giỡn và vồ đuôi của bố mẹ. Ở tuổi dưới một năm, sư tử con tham gia săn bắt mồi cùng đàn, được huấn luyện cách rượt đuổi, vật ngã và vồ con mồi còn sống. Được hai năm tuổi, sư tử con đã có thể cùng đàn tham gia săn bắt mồi một cách tích cực. Khi gặp mồi, con mẹ thường lao đến chặn lên sừng và cắn vào mõm con mồi. Còn các con non lập tức xông đến từ phía sau, cùng vồ mồi và đẩy ngã con mồi.