Sự kết hợp giữa lí và tình trong Chiếu dời đô - Lí Công Uẩn - Cái tình hòa quyện

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Sự kết hợp giữa lí và tình trong Chiếu dời đô - Lí Công Uẩn - Cái tình hòa quyện


    12.jpg
    Cái tình hòa quyện trong Chiếu dời đô


    • Mở bài:
    Không những nêu ra được cái lí đầy thuyết phục tại sao phải dời đô, Chiếu dời đô của Lí Công Uẩn còn thấm đẫm cái tình hòa quyện trong nỗi lòng của vị minh quân một lòng vì dân vì nước.
    • Thân bài:
    Kể chuyện người xưa cũng là để nói lên nỗi lòng và niềm mong mỏi của mình. Lí Công Uẩn đã khéo léo biểu hiện khát vọng dời đô và niềm tin vững chắc của mình vào quy luật của trời đất. Hai nhà Thương, Chu vì tính kế lâu dài, mưu toan nghiệp lớn, muốn cho đất nước phồn thịnh, muôn dân no ấm nên đã nhiều lần dời đô. Đó cũng là điều mà Lí Công Uẩn ngày đêm mong muốn.
    Ông khẳng định việc dời đô là vì lợi ích của đất nước, của muôn dân, vì sự phát triển dài lâu của dân tộc chứ không phải là theo sở nguyện của riêng ông. Dời đô là để sửa cái sai của hai nhà Đinh, Lê, hướng đến mở mang đất nước, làm cho đất nước cường thịnh hơn; nhân dân ấm no, hạnh phúc; văn hóa, phong tục vì thế mà được giữ gìn, phát triển.
    Bao nhiêu năm nhân dân ta đã chiến đấu gian khổ. Bao nhiêu máu và nước mắt đã từng đổ xuống để giành độc lập, thống nhất. Không thể quên được nỗi nhục của ngàn năm mất nước, nhân dân đòi hỏi người lãnh đạo của mình phải nâng cao hơn nữa truyển thống anh hùng, phải nhanh chóng đưa đất nước trở thành hùng mạnh.
    Cũng không thể quên được các triều đại trước vì bất tài vô dụng mà đa gây nên những cuộc nội chiến, nồi da nấu thịt, khiến cho muôn dân hao tổn. Nạn cát cứ đã thành tai họa của dân tộc một thời. Một đất nước sẽ chưa thật sự trưởng thành một khi các vị hoàng đế thắng trận, để củng cố địa vị và lực lượng cứ phải đóng đô trên quê hương mình, cố thủ giữ mình với một tầm nhìn thiển cận. Ngẫm về việc đó, Lí Công Uẩn đã trăn trở: “Trẫm rất đau xót về việc đó, không thể không dời đổi”. Việc dời đô thực sự đã đáp ứng lòng mong mỏi của muôn dân.
    Cái tình sâu nặng của Lí Công Uẩn đối với muôn dân, đất nước còn thể hiện ở tầm nhìn xuất sắc của ông về những lợi thế ưu việt của thành Đại La. Để phát triển đất nước, tìm kiếm vùng đất tốt định đô, Lí Công Uẩn đã bỏ biết bao công sức. Bằng trí tuệ phi thường, tầm nhìn xa rộng, lại thông hiểu địa lí, nắm vững thiên thời, địa lợi, thấu hiểu lòng dân, ông đã nhìn thấy cái thế tối ưu của thành Đại La mà không miền đất nào có được.
    Đại La là sự hội tụ hiếm có của vị trí, địa thế, phong thủy, kinh tế, giao thương và văn hóa. Lại là vùng đất mà Cao Vương đã từng định đô. Ông đã không chọn Kinh Bắc – quê hương ông mà chọn Đại La cũng là bởi cái thế mạnh bậc nhất của vùng đất này và cũng là vì lợi ích của muôn dân, tránh được cái nhìn ích kỉ, thiển cận của người xưa vậy. Tấm lòng vì nước, vì dân, hi sinh lợi ích riêng, hướng đến sự phồn thịnh đất nước của của Lí Thái Tổ quả thật rất đáng trân trọng và ngưỡng mộ.
    Lời lẽ hào hùng, sắc bén, hòa quyện trong cái tình mênh mang, sự suy luận mạch lạc, đem lại cho người nghe, người đọc một nhận thức sâu sắc về lẽ phải và sự hợp lý của việc phải dời đô. Sức thuyết phục của bài chiếu không ở chỗ dài lời, dàn trải mà đánh thẳng vào nhân tâm, tìm kiếm sự đồng tình, ủng hộ.
    Thông qua phép đối, dưới hình thức văn biền ngẫu, Lý Công Uẩn đã đưa ra những lập luận, lý lẽ và chứng cứ hết sức thuyết phục. Đó không phải là những lời lẽ cứng nhắc, thuần tuý mệnh lệnh của bậc đế vương (vốn là văn phong quan phương của thể chiếu) mà đó chính là lý lẽ của sự thông tuệ, thấu hiểu, của niềm cảm thông, của nghệ thuật hùng biện xuất phát từ lợi ích chung của dân tộc, là lời tâm tình bộc trực của một vị minh quân.
    Sự kết hợp giữa lý và tình có sức thuyết phục cao, giàu cảm xúc, cùng với lối xưng hô thân mật và nỗi niềm đau xót cho dân chúng và giang sơn đất nước là giọng điệu chung xuyên suốt bản hùng văn này.
    • Kết bài:
    Chiếu dời đô là sự thể hiện ý chí của toàn dân tộc, là kết tinh cho tinh thần và văn hóa của thời đại. Đó là tác phẩm đầu tiên mở ra một thời đại thái bình thịnh trị mới của Đại Việt. Chiếu dời đô cũng thể hiện mạnh mẽ tư tưởng dân chủ, là sự kết hợp đỉnh cao của ý thức dân quyền, ý thức độc lập, tự cường dân tộc. Bài chiếu vừa là áng văn chính luận xuất sắc, lời lẽ hùng hồn, lí lẽ sắc bén, kết cấu chặt chẽ, vừa thể hiện lòng nhân ái thiết tha trong cuộc đối thoại dân chủ, vừa thể hiện ý chí, quyết tâm cao độ của dân tộc trong buổi đầu dựng xây đất nước.