Suy nghĩ về ý nghĩa câu tục ngữ: “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Suy nghĩ về ý nghĩa câu tục ngữ: “Ăn cỗ đi trước, lội nước theo sau”
    • Mở bài :
    Ca dao, tục ngữ được hình thành trong dân gian qua nhiều thế hệ nhằm truyền dạy cho nhau hoặc cho đời sau những đạo lý, những kinh nghiệm sống để thích nghi với thiên nhiên, hòa hợp với xã hội, để đối nhân xử thế. “Ăn cỗ đi trướclội nước theo sau” cũng nhằm mục đích ấy. Tuy vậy, ta hãy xót xem ý nghĩa và giá trị tinh thần câu tục ngữ này như thế nào đối với cá nhân và cộng đồng xã hội chúng ta.
    • Thân bài:
    “Ăn cỗ đi trước” là khi có lễ hội, đình đám có tổ chức ăn uống thì phải đến trước để bàn cỗ còn đầy đặn, thức ăn dồi dào. Nếu đi sau, đi trễ, bàn cỗ không còn tươm tất, đôi khi còn bị thiếu phần. “Lội nước theo sau” là đường đi dưới nước ta không thấy được nơi nào hố trũng, mô trơn, nơi nào đá ghềnh, cọc nhọn. Người đi trước gặp nhiều rủi ro, nguy hiểm. Người theo sau cứ nhìn người đi trước mà đi, tất phải an toàn hoặc không quá nhiều rủi ro.
    Nhưng câu tục ngữ còn có nghĩa sâu xa hơn là khi có những điều lợi lộc, những dịp may mắn cần phải nhanh hơn người để nắm bắt thời cơ cho mình. Khi có những việc khó khăn, nặng nhọc, hiểm nguy cho đồng bào, cho xã hội thì cứ chờ hoặc đùn đẩy người khác đi trước xông pha, gánh chịu, mình cứ tà tà đi sau để tránh tổn hại cho bản thân.
    Ca dao, tục ngữ thường có ý khuyên dạy, dặn dò nhưng không hẳn toàn lời hay, ý đẹp vì nó được hình thành từ dân gian vào những thời đại trước, ta cần phải gạn đục, khơi trong. Từ bao đời nay cái thiện mỹ không chấp nhận cái độc ác xấu xa. Nhưng thực tế cái ác vẫn tồn tại ,bốn cái thiện, người cao thượng, quảng dại vẫn phải sống giữa đám thấp hèn, nhỏ nhen. Chính vì thế, trong tục ngữ không khỏi lẫn lộn vàng thau. “Ăn cỗ đi trước – lội nước theo sau” đã lộ rõ cái bản chất láu cá, so đo thấp hèn của kẻ chuyên lánh nặng, tìm nhẹ: “Ăn thì lựa hết miếng ngon, Làm thì lựa việc cỏn con mà làm.”
    Câu tục ngữ này có tính phản giáo dục, gieo tư tướng xấu, biến con người trở nên những kẻ hèn nhát, lọc lừa, cơ hội, những “con sâu dân, mọt nước”.
    Nếu không nghĩ chi đến việc nước, việc đời, chẳng ích gì cho sự phát triển của nước nhà và tiến bộ của xã hội. Lúc nào cũng mang nặng tư tưởng ngồi chờ như thế thì đất nước sẽ nghèo nàn, lạc hậu, xã hội sẽ không giàu mạnh, tư tưởng ấy thật trái với đạo lý và truyền thống của ông cha ta đã có từ ngàn xưa.

    Một cây làm chẳng nên non
    Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

    Thử hỏi từ buổi đầu dựng nước và qua biết bao thế hệ của dân tộc ta, nếu tất cả mọi người đều sống theo tinh thần câu tục ngữ này thì lịch sử làm sao có được những anh hùng: Đặng Dung, Trần Bình Trọng; làm sao có được anh hùng lấp lỗ châu mai Phan Đình Giót, anh hùng lấy thân chèn bánh pháo Bế Văn Đàn; làm sao có ngọn đuốc sông Lê Văn Tám; làm sao có nhà khoa học chế bom ba càng Trần Đại Nghĩa… để cho nước Việt lập nên những chiến công hiển hách: Bạch Đằng, Đông Đa, Rạch Gầm, Điện Biên, để cho dân tộc trường tồn, hưởng độc lập, ấm no, hạnh phúc và chúng ta được ăn mặc, nở mày với bốn biển năm châu.
    • Kết bài:
    Dù muốn, dù không câu tục ngữ này vẫn hiện diện và tồn tại trong dân gian nhưng với tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và lý tưởng trong sáng, cao đẹp, học sinh chúng em phải sống hùng, sống mạnh, xung phong đi đầu với mọi gian lao vì hạnh phúc của mọi người theo khẩu hiệu: “Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” để sống có nghĩa, làm sao cho “thân thể không là cỏ cây” và coi câu tục ngữ trên chỉ là một lời nói có ý mỉa mai, chê trách cái hèn mọn, xấu xa “há miệng chờ sung” của một số người.