Tại sao đứng trên cao nhìn xuống lại chóng mặt

  1. Tác giả: LTTK CTV21
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Hiện tượng chóng mặt khi nhìn xuống từ trên cao khá phổ biến, nhất là những người mắc chứng sợ độ cao. Có rất nhiều lý giải cho những trường hợp này, nguyên nhân chủ yếu liên quan đến việc tiếp nhận và xử lý thông tin của não bộ khi đứng trước khung cảnh mắt đang quan sát.
    Những cảm giác mà ta trải nghiệm khi nhìn xuống từ trên cao là kết quả của quá trình hệ thần kinh nhận được một loạt kích thích với cường độ mạnh, tạo nên phản ứng theo nhiều hướng khác nhau gây ra cảm giác chóng mặt. Hiện tượng này thường xuyên xảy ra đối với những người mắc chứng sợ độ cao, tức là bên cạnh đó vẫn có những người có xu hướng ngược lại đó là yêu thích độ cao điển hình là những vận động viên leo núi, v.v.
    khong-so-do-cao.jpg
    Khi xảy ra sự chênh lệch đáng kể về độ cao của người đang đứng quan sát so với cảnh vật xung quanh, khi đó sẽ xuất hiện căng thẳng do sự liên tưởng đến những hậu quả, những trường hợp xấu nhất có thể xảy ra. Cơ thể tạo ra hàng loạt các phản xạ thần kinh, nhất là thần kinh giao cảm, làm cho cơ thể bỗng hưng phấn làm tim đập nhanh, chân lông dựng, đồng tử giãn, tiết nhiều mồ hôi, thở gấp, huyết áp tăng… dẫn đến chóng mặt.
    Cùng với kích thích của thị giác khi nhìn xuống, sức ép không khí và gió cũng góp phần làm ảnh hưởng đến cấu trúc cân bằng trong tai gây ra cảm giác mất cân bằng tạm thời và cũng làm ta chóng mặt.
    mountainhammocks.jpg
    Tiểu não cũng phụ trách trạng thái cân bằng. Các kích thích khi tác động mạnh vào lớp vỏ đại não, tức “bộ tư lệnh” thần kinh cao cấp nhất của cơ thể người. Đại não sẽ thông qua thị giác, thính giác để tác động vào tiểu não, gây ra hàng loạt hoạt động điện sinh học, làm nhiễu chức năng tiểu não trong thời gian ngắn, khiến ta chóng mặt.
    Một số ý kiến cho rằng chứng sợ độ cao bắt nguồn từ tinh thần và có thể khắc phục được thông qua rèn luyện. Biện pháp khắc phục này không chỉ áp dụng đối với những người sợ độ cao mà ngay cả những nhà leo núi lão luyện cũng phải thực hiện trước mỗi mùa leo núi. Khi lên đến một độ cao nhất định, tránh nhìn thẳng xuống mà nên nhìn từ xa trước ở những nơi có độ cao ngang tầm mắt rồi từ từ giảm dần góc nhìn; khi đứng phải đảm bảo rằng mình đã bám chặt vào thứ gì đó chắc chắn; chỉ nhìn thẳng xuống trong khoảng thời gian rất ngắn (khoảng vài giây); không được nhìn vào đối tượng di chuyển như đám mây hay chim trời…
    chung-so-do-cao.jpg
    Hiện tượng chóng mặt khi nhìn thẳng từ trên cao xảy ra ở hầu hết mọi người nhưng bị nghiêm trọng hóa đối với những người mắc chứng sợ độ cao vì não bộ của họ đã được cài đặt các thông điệp “nguy hiểm lắm đấy”, “có thể ngã đấy” hoặc “nếu ngã thì sẽ tệ lắm”… Tuy nhiên những yếu tố trên hoàn toàn đều bắt nguồn từ tâm lý nên chúng ta hoàn toàn có thể luyện tập để khắc phục.