Tại sao lại vẽ mắt cho tàu thuyền?

  1. Tác giả: LTTK CTV21
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Nói đến cuộc sống của những người dân vùng sông nước hay ngư dân vùng biển không thể thiếu những chiếc ghe, chiếc thuyền. Thuyền bè ngoài chức năng là phương tiện đi lại, vận chuyển, đánh bắt thuỷ sản, thông tin liên lạc… nó còn là một sản phẩm văn hoá độc đáo, gắn liền với các phong tục tập quán, nghi lễ về sông nước. Một trong những phong tục khá phổ biến và lý thú là vẽ mắt trên các con thuyền.
    Vẽ mắt cho thuyền là một phong tục bắt nguồn từ những quan niệm thuận phát, mang đậm tính huyền thoại mà các cư dân sống vùng sông nước truyền miệng nhau. Không chỉ riêng Việt Nam mà nhiều khu vực khác trên thế giới cũng có nét văn hóa tương tự, tuy không giống nhau hoàn toàn nhưng suy cho cùng mục đích của việc vẽ mắt đều gần giống nhau là mang lại những điều tốt lành cho người đi sông đi biển.
    DSC_7602_resize-001.jpg
    Theo lịch sử nước ta thì tục này bắt nguồn từ thời vua Hùng, trích trong Lĩnh Nam chích quái: “Dân miền chân núi làm nghề chài cá, thường bị giao long làm hại, mới kêu Hùng Vương. Hùng Vương nói: Loài ở chân núi với loại thủy tộc khác nhau. Loài kia ưa đồng loại mà ghét dị loại cho nên làm hại bèn khiến người ta lấy mực mà xăm mình thành hình thủy quái, từ đó không còn nạn giao xà làm hại nữa. Tục xăm mình bắt đầu từ đó. Về loài thủy tộc lớn đánh đắm thuyền, vua Thủy Tề đã hiện lên bảo các ngư dân hãy vẽ những con mắt lên hai bên mạn thuyền thì loài thủy tộc sẽ không dám quấy phá nữa”. Câu chuyện ấy được cư dân ven biển Đà Nẵng truyền tai nhau từ thế hệ này sang thế hệ khác, như một dấu mốc quan trọng trong quá trình tiến ra biển lớn của người Việt xưa.
    tau-ca1.jpg
    Người xưa quan niệm rằng khi hạ thủy ra khơi thì luôn có kình ngư, thủy thần sẵn sàng nhấn chìm thuyền ghe bất cứ khi nào nên vẽ lên mũi thuyền đôi mắt “thuồng luồng”, một loài thủy tộc có uy lực hơn những loài khác, để những thủy quái khác sợ mà bỏ đi.
    Hay cũng có những quan niệm vô cùng chất phát, người chài cho rằng ghe thuyền cũng giống như loài cá nên phải có mắt để dẫn đường và mắt cần phải sinh động thì mới có hồn, một số vùng phác đôi mắt ghe nhìn thẳng xuống đáy biển với ngụ ý nhìn thật sâu để thấy được nơi có nhiều cá tôm.
    images40704_25-1.jpg
    Khi đóng xong chiếc ghe hay chiếc thuyền, trước khi hạ thủy đều phải trải qua Lễ Điểm Nhãn cho ghe thuyền nhằm làm cho nhãn sáng sủa, lanh lợi, ghe thuyền đi đúng hướng và tránh được rủi ro, tai nạn dọc đường.
    Tùy vào mỗi vùng miền mà đôi mắt trên mũi ghe có hình dạng khác nhau nhưng nhìn chung đôi mắt ghe thuyền của nước ta vẫn toát lên thần thái hiền hòa.
    SC28612.jpg
    Nhiều khu vực khác trên thế giới cũng có tục vẽ mắt cho tàu thuyền. Các con thuyền lớn ở Ai Cập từ 2700 năm trước công nguyên được vẽ đôi mắt của Thần Osiris- thần ruộng đất và thần mặt trời buổi đêm. Các con thuyền Hy Lạp vào năm 450 trước Công nguyên và các con thuyền La Mã vào năm 100 trước Công nguyên đều vẽ các con mắt trông rất sinh động.
    Ở Indonesia người ta vẽ đầu của Maraka ở mũi thuyền, một con quái vật biển nửa mình cá đầu voi của Hindu giáo, biểu tượng của vùng sông nước. Thuyền ở đảo Hải Nam và Pakhoi (Quảng Đông, Trung Quốc) có mắt to, tròn hay oval, màu trắng, tròng đen, chạm nổi. Các thuyền rồng Bắc Âu lại trang trí bằng một chiếc đầu rồng, còn thuyền Hy Lạp và La Mã thì cúi nhìn sóng nước bằng những đôi mắt lợn rừng hoặc cá heo.
    533817648.jpg
    Ngoài ra còn có các loại thuyền đầu chim, đầu cá ở Lào, Campodia hay Bắc Việt Nam thường thấy xuất hiện trong các cuộc đua thuyền (Theo Nguyễn Thanh Lợi).
    Phong tục “vẽ mắt ghe thuyền” không chỉ gởi gắm sự thuần phát trong quan niệm về cuộc sống của người dân vùng sông nước mang đậm chất huyền thoại mà còn là một nét văn hóa nghệ thuật độc đáo cần được nghiên cứu và phát huy. Chính những nét văn hóa ấy đã càng góp thêm cho đời sống tín ngưỡng của người dân thêm phong phú.