Tại sao nước biển lại mặn?

  1. Tác giả: LTTK CTV21
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Tất cả chúng ta đều biết rằng nước biển mặn như một lẽ hiển nhiên, còn nước ngọt trong những cơn mưa, dòng sông, và thậm chí nước đá lại không mặn.Vậy thì tại sao nước ở một số vùng trên Trái đất mặn còn những vùng khác thì không? Bạn có biết rằng nước sạch không phải hoàn toàn không chứa muối hòa tan. Ngay cả nước mưa cũng chứa các chất bị hòa tan trong không khí khi rơi qua bầu khí quyển.
    Khi nước mưa chảy qua đất đá, nó sẽ hòa tan các khoáng chất trong đó, và được gọi là quá trình phong hóa. Trong nước sinh hoạt hằng ngày, chúng ta không thể nếm được vị mặn vì nồng độ muối quá thấp. Sau đó, lượng nước này với lượng nhỏ các khoáng chất hoà tan chảy đến các dòng suối rồi chảy ra sông hồ và đại dương. Lượng muối hòa tan trong các con sông chỉ là một phần rất nhỏ của tổng lượng muối trong đại dương. Ước tính lượng muối hòa tan trong tất cả các con sông trên thế giới sẽ bằng muối biển nếu được tích lũy trong khoảng 200 đến 300 triệu năm.
    phong-hoa.jpg
    Manh mối thứ hai để tìm hiểu tại sao biển trở nên mặn là sự hiện diện của các hồ muối như Hồ Great Salt và Biển Chết. Cả hai đều mặn hơn nước biển khoảng 10 lần. Tại sao những hồ này lại mặn trong khi hầu hết các hồ trên thế giới thì không? Chúng ta biết rằng hồ chỉ là nơi chứa nước tạm thời. Sông và suối đưa nước vào hồ, và các dòng sông khác lại mang nước ra khỏi hồ. Do đó, hồ thực sự chỉ là một chỗ trũng rộng lớn trong một dòng sông, nơi nước chảy vào đầu này và ra ở đầu kia.
    Hồ Great Salt, biển Chết và các hồ muối khác không có chỗ thoát nước. Tất cả nước chảy vào hồ và thoát ra chỉ bằng cách bốc hơi. Vì vậy, một vài hồ nước trở nên mặn vì sông mang muối vào hồ, nước trong hồ bay hơi và muối đã bị bỏ lại. Sau nhiều năm sông đổ vào và bốc hơi, hàm lượng muối trong nước hồ được tăng lên mặn đến mức như hiện nay. Quá trình làm cho biển mặn cũng xảy ra tương tự. Sông mang muối hòa tan vào đại dương. Nước bốc hơi từ các đại dương, sau đó hình thành mưa rơi xuống và cung cấp nước cho các dòng sông, nhưng muối vẫn còn trong đại dương. Vì thế với thể tích khổng lồ của các đại dương, các dòng sông đã chảy đều đặn hàng trăm triệu năm để có được độ mặn như hiện tại.
    dead-sea.jpg
    Sông không phải là nguồn cấp muối duy nhất cho các đại dương. Khoảng 20 năm trước, những đặc tính trên đỉnh các sống núi đại dương đã được phát hiện và đã làm thay đổi quan điểm về việc biển trở nên mặn như thế nào. Những đặc tính này, được gọi là các lỗ thông hơi thủy nhiệt, là những nơi nước biển thấm vào lớp đáy đại dương, trở nên nóng hơn và hòa tan các khoáng chất từ lớp vỏ trái đất, sau đó lại chảy ngược trở lại đại dương. Do nước nóng nên hòa tan được một lượng lớn các khoáng chất. Bằng cách ước tính lượng chất lỏng hiện chảy từ các lỗ thủy nhiệt này cho thấy toàn bộ thể tích của các đại dương có thể thấm qua lớp vỏ đại dương trong khoảng 10 triệu năm. Do đó, quá trình này có ảnh hưởng rất quan trọng đến độ mặn. Các phản ứng giữa nước biển và đá bazan ở lớp đáy đại dương không phải là một chiều, một số muối hòa tan cũng phản ứng với đá và được loại bỏ khỏi nước.
    Nguồn cấp muối cho đại dương còn là các núi lửa dưới biển, và các vụ phun trào núi lửa dưới nước. Quá trình này tương tự như quá trình trước đó khi nước biển phản ứng với đá nóng và hòa tan các thành phần khoáng chất.
    nui-lua.jpg
    Liệu các đại dương tiếp tục trở nên mặn hơn? Không hẳn. Thực tế, biển đã có cùng hàm lượng muối trong hàng trăm triệu đến hàng tỷ năm trước. Hàm lượng muối đã đạt đến trạng thái ổn định. Lượng muối hòa tan được loại bỏ khỏi nước biển để tạo thành các khoáng chất mới ở đáy đại dương đã tương đương với lượng muối được các con sông và các quá trình thủy nhiệt cung cấp mới.
    Như vậy chúng ta đã hiểu được nguyên nhân nước biển mặn. Bất cứ nơi nào nước tiếp xúc với các lớp đá của vỏ trái đất, dù trên đất liền, trong đại dương hoặc lớp đáy đại dương, một số khoáng chất trong đá sẽ hòa tan trong nước và được mang tới đại dương. Hàm lượng muối trong nước biển không thay đổi do các khoáng chất mới từ muối hình thành trên đáy biển bằng với tốc độ muối được thêm vào.