Tại sao uống bia, rượu ta lại bị say?

  1. Tác giả: LTTK CTV21
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Vào các dịp lễ tết, hay đơn giản là tối thứ 7 buồn tẻ với hàng đống suy tư, buồn chán trong đầu và thế là bạn quyết định rủ vài người bạn ra quán lai rai. “Bia vào lời ra” , bạn dần cảm thấy đầu mình nhẹ tênh, bao nhiêu mệt nhọc tan biến vào trong những tràn cười sảng khoái ngập tràn.
    Nhưng đến lon thứ 7, 8 thì cảm giác phấn khích mất hết và thay vào đó là nhức đầu, hoa mắt, đi đứng loạng choạng và không làm chủ được hành động của mình. Đó chính là dấu hiệu đến lúc cuộc vui nên tàn không thì hậu quả sau đó sẽ khó lường vì bạn sẽ chả còn nhận thức gì về cái chuyện gọi là “sau đó” nữa. Tất cả những biểu hiện trên người ta gọi là say. Thế nhưng tại sao cơn say chỉ ập đến khi bạn uống rượu, bia mà không phải khi bạn uống nước ngọt?
    949321261-1.jpg
    Trong rượu bia, luôn có một nồng độ cồn (Etanol) nhất định, tùy lượng cồn trong đó mà người ta phân loại nặng, nhẹ khác nhau. Và Etanol chính là tác nhân đem bạn đi từ hết cảm giác này sang cảm giác khác, từ lâng lâng vui vẻ sang say mèm thiếu kiểm soát.
    Khi bạn uống ly đầu tiên, Etanol bắt đầu cuộc hành trình dạo quanh cơ thể bạn. Với lượng Etanol bạn vừa cho vào cơ thể, 20% ở lại dạ dày, ngấm qua màng tế bào theo máu đi khắp cơ thể và qua cả trái tim bạn nữa nhưng yên tâm là nó “chưa” làm gì tim bạn cả. Lượng còn lại sẽ đi vào ruột non và được hấp thu cùng những chất dinh dưỡng khác. Một lượng nhỏ sẽ được bài tiết qua mồ hôi, nước bọt, nước tiểu và hơi thở.
    Và rắc rối bắt đầu khi nó đến với hệ thần kinh trung ương (não bộ). Để hiểu những điều diễn ra tiếp theo, bạn cần phải biết những chất dẫn truyền thân kinh trong não sau đây :
    signal.jpg
    • Dopamine : giúp não bộ kiểm soát chuyển động và phối hợp vận động. ( Thiếu Dopamine là tác nhân gây ra bệnh Parkinson – Run tay chân )
    • Glutamate : có tác dụng kích thích các tế bào thần kinh, liên kết các nơron
    • Axit gamma aminobutyric (GABA) : đảm bảo sự hoạt động ổn định của não bộ, ức chế các hoạt động thái quá của nơron thần kinh (căng thẳng, bất an), giúp tăng cường cảm giác thư thái trong hệ thần kinh (do đó GABA còn được gọi là liều thuốc an thần tự nhiên do cơ thể tự sản sinh).
    Các nơron thần kinh cực kì nhạy cảm với chất độc nên ngay khi Etanol len lỏi vào hệ thần kinh trung ương, bạn sẽ có những cảm giác rất khác thường. Đầu tiên, Etanol giải phóng các Dopamine ở vỏ não gây cảm giác dễ chịu, lâng lâng và sau đó nó liên kết với các cơ quản thụ cảm thần kinh. Trong các cơ quan thụ cảm này tồn tại Glutamate. Tại đây, Etanol ức chế các hoạt động của Glutamate và như đã nói tác dụng của Glutamate ở trên, sự ức chế này khiến các liên kết nơron không ổn định làm cho não chậm đáp ứng với các kích thích nên bạn thấy cơ thể mình phản ứng chậm với tác động xung quanh nếu thiếu tập trung. Ngoài ra, Etanol còn liên kết với GABA nhưng trái với sự ức chế Glutamate, Etanol kích hoạt các thụ thể GABA. Và chính GABA là chất khiến chúng ta khi say lại cảm thấy “nhẹ tênh”, bao nhiêu muộn phiền tiêu tan, khiến bạn thấy bình tĩnh hơn kèm theo cảm giác buồn ngủ, chao đảo nhè nhẹ. Đấy! Vậy bạn đã hiểu tại sao uống bia rượu ta lại say rồi chứ ?

    Thế còn hiện tượng đau đầu sau một đêm quá chén ở đâu ra? Sau khi lòng vòng trong cơ thể bạn, Etanol theo máu về gan – cơ quan chức năng chính trong việc phân hóa Etanol. Etanol được đào thải và loại bỏ thông qua quá trình oxy hóa. Trong gan, Etanol được enzim phân hóa thành Etanal, Etanal lại tiếp tục bị phân hóa thành Axit Axêtic. Axit Axêtic được các tế bào trên toàn cơ thể phân hủy thành năng lượng và CO2. Etanal chính là thủ phạm gây ra hiện tượng đau đầu. Việc đưa một lượng lớn cồn vào trong người khiến các tế bào gan không kịp xử lý, Etanal tích tụ và về lâu dài không những chỉ đau đầu mà còn có hại cho các cơ quan khác trong cơ thể.
    Tóm lại, say là hiện tượng khi cồn ngấm qua màng tế bào ở dạ dày, theo máu đi lên hệ thần kinh trung ương và tại đó ức chế, kích thích hoạt động của một số chất dẫn truyền thần kinh, tạo cảm giác khác thường – gọi là “say”.
    beer-1.jpg
    Từ nguyên lý gây say, ta có thể suy ra biện pháp hạn chế say là kéo dài thời gian cồn ngấm vào màng tế bào ở dạ dày. Cách hay nhất chính là trước khi “nhập cuộc”, bạn nên ăn các loại thức ăn chứa hàm lượng tinh bột cao (Cơm, bánh mì,…) kèm với sữa chua. Việc ăn các loại bánh có bột với sữa chua tạo ra một hỗn hợp tráng lên thành bao tử, giảm thiểu lượng Etanol ngấm vào màng tế bào cùng một lúc. Nhưng, cực kì lưu ý một điều là mọi cách chống say chỉ nhằm kéo dài thời gian cồn xâm nhập vào máu chứ không giảm đi lượng cồn phải hấp thụ và xử lý. Đừng tưởng bở có “bí kíp” mà làm tới, hậu quả là người ta hết say sau một ngày còn bạn thì có thể vẫn còn đâu đó trên mây cả tuần đấy.