Thiếu dự báo, học sinh chọn ngành chưa đúng

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Các trường ĐH, CĐ hiện nay chủ yếu đào tạo căn cứ trên chỉ tiêu mà Bộ GD-ĐT cấp chứ chưa dựa vào nhu cầu nhân lực của xã hội nên dẫn đến tình trạng sinh viên nhiều ngành ra trường rất khó kiếm việc làm.

    Thừa nhân lực, nhiều chỉ tiêu đào tạo

    PGS-TS Nguyễn Kim Hồng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP.HCM cho biết, trong những năm tới nhiều địa phương không có nhu cầu tuyển giáo viên, song hằng năm nhiều tỉnh có hàng trăm, thậm chí hàng ngàn giáo viên ra trường. Chẳng hạn tại Nghệ An, mỗi năm ngành giáo dục tỉnh chỉ tuyển vài ba chỉ tiêu và dự báo từ nay đến năm 2015 bổ sung rất ít nhân sự. Thế nhưng, chỉ riêng 2 trường: CĐ Sư phạm Nghệ An và ĐH Vinh của tỉnh, hằng năm cho ra trường hơn 1.000 giáo viên. Ông Lê Văn Ngọ, Giám đốc Sở GD-ĐT Nghệ An, thông tin: “Có chăng, ngành cũng chỉ tuyển một số ít giáo viên tin học, mỹ thuật vì nhân sự các môn này còn thiếu”.

    01.jpg
    Tương tự, theo dự báo của nhiều chuyên gia, các ngành thuộc khối kinh tế đang thừa nhân lực. Tuy nhiên, số lượng thí sinh dự thi vào các ngành này đều tăng. Chính vì thế hầu hết các trường ĐH ngoài công lập đều mở những ngành này và xem là thế mạnh để tuyển được thí sinh. Các trường ĐH công lập trước đây chỉ đào tạo những nghề đặc thù, nay cũng phải mở thêm những ngành liên quan đến kế toán - tài chính để thu hút thí sinh.

    Tiến sĩ Trần Huy Hoàng, Trưởng khoa Ngân hàng Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, nhận định: “Xét ở toàn bộ xã hội, nhu cầu nhân sự của các ngân hàng là có giới hạn nhưng số lượng người học lại quá lớn gây nên sự mất cân đối nghiêm trọng. Nếu như có được dự báo về ngành học này cần bao nhiêu lao động trong thời gian tới và các trường đào tạo phù hợp với nhu cầu đó thì sinh viên sẽ không lo thất nghiệp”. Theo khảo sát cung - cầu của Viện Nhân lực ngành ngân hàng tài chính và Hay Group, trong năm 2013 sẽ có khoảng 32.000 sinh viên chuyên ngành tài chính - ngân hàng ra trường nhưng các tổ chức tài chính, ngân hàng chỉ cần tuyển dụng khoảng 20.000 người.

    Thông tin dự báo chưa chuyên nghiệp

    Từ trước đến nay các trường xác định chỉ tiêu đều dựa vào những tiêu chí: số học sinh, sinh viên chính quy/giáo viên, giảng viên quy đổi; diện tích sàn xây dựng trực tiếp phục vụ đào tạo. Như vậy, việc cấp chỉ tiêu đào tạo chưa hề dựa trên yếu tố dự báo hoặc nhu cầu nhân lực xã hội.

    PGS-TS Nguyễn Kim Hồng thừa nhận: “Thực chất, các trường sư phạm hiện cũng chỉ đào tạo căn cứ vào chỉ tiêu của Bộ GD-ĐT. Các trường đào tạo đa ngành cũng vậy, chỉ đào tạo theo chỉ tiêu cho phép, còn việc nhu cầu nhân lực thế nào ít ai quan tâm”. Điều này dẫn đến tình trạng sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, phải làm trái nghề, hoặc chấp nhận học lại ngành khác.

    Ông Hồng cho biết ở nhiều nước phát triển, trung tâm dự báo nguồn nhân lực hoạt động hiệu quả, khoa học, góp phần định hướng, dự báo nguồn nhân lực từ 5, 10 hoặc thậm chí 20 năm. Tại Việt Nam hiện có 2 đơn vị làm công tác này: Trung tâm dự báo nguồn nhân lực quốc gia (thuộc Bộ LĐ-TB-XH) và Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM (Sở LĐ-TB-XH TP.HCM). Nhưng thông tin của 2 trung tâm này chưa thực sự có tính tổng quát, rộng khắp ở nhiều lĩnh vực ngành nghề trong xã hội.
    Trung tâm dự báo quốc gia thường chỉ mua lại thông tin từ tổ chức nước ngoài để đưa ra dự báo. Trong khi đó, ông Trần Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, cho biết một trong những nguyên nhân khiến việc dự báo chưa đạt hiệu quả như mong muốn vì thiếu nhân lực. Hiện tại trung tâm có 46 người nhưng chưa thấm vào đâu so với việc điều tra nhu cầu nhân lực của khoảng 50.000 doanh nghiệp tại TP.HCM để đưa ra các dự báo. Vì thế mỗi năm, trung tâm cũng chỉ điều tra được 10.000 lượt doanh nghiệp.