‘Thu giá’ và ‘tụ nước’: Chưa cần sự trong sáng của ngôn ngữ, chỉ cần sự trong sáng của tư duy

  1. Tác giả: LTTK CTV20
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    [​IMG]
    Bởi chẳng có thứ ngôn ngữ nào là hoàn toàn trong sáng, chỉ có đúng và sai. Nhưng tư duy của người làm lãnh đạo thì nhất định phải trong sáng.
    “Trong sáng” theo giải thích của từ điển thì có nghĩa là không chút vẩn đục, không bị pha tạp, ở trạng thái tốt đẹp hoàn toàn lành mạnh, vô tư. Thế nên nói ngôn ngữ trong sáng thì thật là khó, bởi ngôn ngữ nào cũng có sự pha tạp, vay mượn.
    Nhưng nghĩ ra hẳn một vài từ mới để chỉ một hiện tượng cũ nhằm làm giảm bớt trách nhiệm liên đới hay để trốn tránh, tạo kẽ hở lạng lách vì lợi ích thiểu số thì đó là không lành mạnh, vô tư, là đi ngược với khái niệm trong sáng. Và đó là sự không trong sáng về lối tư duy.
    Nói giảm, nói tránh và đánh tráo khái niệm
    Liên tiếp trong 2 ngày, những khái niệm mới được Bộ Giao Thông và Sở Giao thông Tp. HCM đưa ra công chúng khiến nhiều người phải cất công đi tra từ điển tiếng Việt mà vẫn không hiểu.
    “Thu giá” thay cho “thu phí” đã được các chuyên gia ngôn ngữ khẳng định là một từ vô nghĩa. Nghĩa là dùng từ sai hoàn toàn với nghĩa gốc của nó.
    “Tụ nước” thì mới nghe có vẻ chỉ là để giảm đi mức độ “ngập lụt” nhưng về cách cấu tạo từ thì cũng quá là mới mẻ. Bởi từ “tụ” theo gốc Hán nghĩa là họp lại, sum họp, tích trữ, thu góp. Nếu dùng với nghĩa tích lại thì nó cũng là một dạng ngoại động từ đi với danh từ, không phải tính từ đi với danh từ nên nó không phải là một từ có nghĩa về mặt cấu tạo từ. Nếu dùng với nghĩa đó thì chỉ có thể xây dựng cụm từ như “tích tụ nước”.
    Tuy nhiên, trong quá trình phát triển của ngôn ngữ, cũng có rất nhiều trường hợp ngoại lệ, không thể giải thích hợp lý, do dùng lâu mà thành quen. Nhưng những từ đó không bao hàm dụng ý làm sai lệch khái niệm của sự vật, hiện tượng. Tạo ra một từ mới để miêu tả một hiện tượng cũ ai cũng đã biết và quen thuộc nhằm nói giảm, nói tránh, bóp méo khái niệm về hiện tượng thì không thể nói là vô tư, không có dụng ý gì được.

    [​IMG]

    Ngập lụt được sửa thành “tụ nước”. (Ảnh: TTXVN)​
    Vậy cái dụng ý ở đây là gì? Theo Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể:
    “…trước đây, mỗi lần điều chỉnh mức thu BOT gặp rất nhiều khó khăn vì phải thông qua HĐND địa phương, mà HĐND thì không thể quyết định linh động được. Còn khi chuyển sang giá thì bản chất của nhà đầu tư vẫn hưởng như vậy. Ngược lại nhà nước sẽ điều chỉnh nhanh chóng để đáp ứng được điều kiện của từng trạm thu giá ở từng vị trí, từng khu vực”.
    Ông cũng cho biết: “Giờ mình xem BOT là một sản phẩm của doanh nghiệp nên họ tự định giá, còn phí là mang tính chất của Nhà nước, liên quan tới HĐND, Quốc hội quyết định”.
    Theo đánh giá của TS.Nguyễn Sĩ Dũng, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: “Thu giá” thật ra là một “sáng tạo” để lách qua những quy định rất chặt chẽ của Luật Phí và lệ phí”.
    “Theo quy định của luật, một tổ chức được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao cung cấp dịch vụ công thì có thể thu phí để bù đắp các chi phí. Tuy nhiên, việc thu phí chỉ hợp pháp, khi khoản phí như vậy được đưa vào Danh mục phí được ban hành kèm theo luật. Rất tiếc, phí BOT không có trong Danh mục này”.
    Nhưng nếu với khái niệm “giá” thì doanh nghiệp BOT không còn lệ thuộc vào những quy định về phí và lệ phí nữa và họ có thể tự định giá được dịch vụ mình cung cấp. Trong một thị trường gần như là độc quyền (đường BOT thì không có cạnh tranh) mà doanh nghiệp cung cấp lại được tự mình định giá thì quả là không ổn. Rủi ro phải trả giá không hợp lý đối với người sử dụng dịch vụ, sản phẩm sẽ là rất cao.

    [​IMG]

    Theo đánh giá của TS.Nguyễn Sĩ Dũng “Thu giá” thật ra là một “sáng tạo” để lách qua những quy định rất chặt chẽ của luật phí và lệ phí. (Ảnh: Zing.vn)​
    Còn “tụ nước” thì sao? Chắc là để nghe cho nó bớt “ngập”. Sau này tổng kết cuối quý, cuối năm, thay vì mấy chục tuyến đường còn tình trạng ngập nước sẽ giảm xuống còn mấy tuyến đường thôi, còn lại là tụ nước.
    Bản thân từ “tụ” nghe cũng thật là tích cực và “chủ động”. Người ta tụ nghĩa, tụ hội, tụ họp lại với nhau một lúc để làm việc gì đó rồi lại tản đi. Nước cũng thế, tụ lại chơi chơi vậy rồi tản đi ngay đấy, chứ đâu phải là vì không còn chỗ nào mà chảy nữa nên mới phải tràn về rồi thành ngập đâu?
    Định danh và sức mạnh của ngôn từ
    Xưa nay, người ta chỉ tạo ra từ mới để mô tả những sự vật, hiện tượng mới, chưa được gọi tên. Hoặc là dùng những từ cũ và thêm nghĩa mới vào. Chứ tạo ra từ mới cho hiện tượng mà ai cũng hiểu và thống nhất về cách gọi tên rồi thì là một việc làm vô nghĩa. Trừ khi nó nhằm mục đích làm lệch lạc khái niệm cũ.
    Vào thời Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc, văn hóa truyền thống đầy nội hàm nhân văn và hướng thiện bị coi là lạc hậu. Mượn cớ phá bỏ “Tứ Cựu”, và nhằm gợi lại nhiệt tình cách mạng trong dân chúng Trung Quốc, người ta cho đặt tên mới cho những khái niệm giàu truyền thống đã ăn sâu trong tâm thức người dân hàng nghìn năm.
    Bữa cơm tất niên ngày 30 Tết bị đổi thành “Ức khổ phạn” (Cơm hồi ức lại sự vất vả). Qua đó biến một phong tục truyền thống mang nhiều màu sắc tâm linh, kính ngưỡng Thần thành bữa cơm giáo dục giai cấp. Rằng ai ai cũng nhất định phải nuốt vào trong bụng, ghi nhớ vào tâm khảm, vĩnh viễn không quên nỗi khổ giai cấp. Từ đó nâng cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, làm cách mạng, rộng đường để Mao Trạch Đông thực hiện những hành động thanh trừng những người bất đồng chính kiến, giành lại quyền kiểm soát sau thất bại của cuộc Đại Nhảy vọt.

    [​IMG]

    Khi ngôn ngữ biến tướng từ một nét văn hóa thành những thứ như” Ức khổ phạn” tại Trung Quốc thì quả thật rất nguy hại. (Ảnh: Intense Orgasm)​
    Để “hạ bệ” những tri thức uyên bác trong văn hóa truyền thống mà chính quyền Trung Quốc cho là hủ lậu một thời, họ không ngại đổi trắng thay đen tên gọi để đánh mất khái niệm đúng về sự vật, hiện tượng. “Hoàng lịch” (lịch do Hoàng đế ban hành) bị biến thành “Hoàng lịch” (lịch mầu vàng), rồi sau bị đổi thành “âm lịch” hay “Nông lịch”. Từ đó các thế hệ sau hiểu nhầm rằng tác dụng của lịch pháp truyền thống chỉ để tính toán thời vụ và phủ nhận hoàn toàn tính chất “âm dương hợp lịch” của lịch pháp truyền thống.
    Trên thực tế, tác dụng của Hoàng lịch truyền thống không chỉ giới hạn trong lĩnh vực nông nghiệp. Hoàng lịch đề cập tới những phương diện như hôn nhân gia đình, nghi lễ, xây dựng, di chuyển, cuộc sống thường ngày, tế tự an táng…
    Trong đó thể hiện đầy đủ tư tưởng Âm Dương Ngũ Hành, ẩn chứa quy luật diễn hóa tuần hoàn của tự nhiên. Tức là kết quả của tương tác giữa thời gian và không gian, giữa “âm” và “dương”, đồng thời phản ánh cách cổ nhân lý giải về quy luật đối với vũ trụ về tương sinh tương khắc, họa phúc hoán chuyển, thay triều đổi đại, tuần hoàn lặp lại. Đó chính là văn hóa truyền thống đầy uyên thâm và có tính giáo dục, cân nhắc tới giá trị quan thiên thời, địa lợi, nhân hòa.
    Thanh niên Trung Quốc ngày nay nói đến Nông lịch, chỉ biết nó có liên quan đến vài ngày lễ truyền thống thưa thớt còn sót lại và liên quan tới việc nhà nông, chứ không biết trong đó ẩn chứa nội hàm văn hóa truyền thống sâu sắc. Thậm chí cái gì liên quan đến nông dân, truyền thống cổ xưa thì thường bị hiểu là “giác ngộ chính trị” không cao, được liên hệ với “phong kiến, ngu muội, lạc hậu”. Đó chính là tác dụng của việc thay đổi khái niệm bằng cách đặt tên mới cho những sự vật, hiện tượng cũ.
    Ngôn ngữ chính là chiếc cầu nối giữa các thế hệ, là phương tiện truyền tải văn hóa của một dân tộc. Phá hoại ngôn ngữ chính là phá hoại nền văn hóa được kế thừa từ đời này sang đời khác.

    [​IMG]

    Ngôn ngữ chính là cầu nối các mối quan hệ, nếu ta bóp méo đi vì một lý do nào đó cho tư lợi hoặc chính trị thì thật nguy hại. (Ảnh: datviet.com)​
    Người xưa nói: “Ngôn vi tâm thanh, văn dĩ tải đạo”, nghĩa là “Ý ở trong lời, văn để chở đạo”. Ngôn ngữ chính là công cụ ghi chép và lưu lại trí huệ vĩ đại của dân tộc. Thế nên một dân tộc tự tôn phải tôn trọng ngôn ngữ của mình, một dân tộc tự trọng phải bảo vệ ngôn ngữ của mình và một dân tộc tự cường chắc chắn sẽ phải sử dụng ngôn ngữ của mình một cách chính xác.
    Trong trước tác “Trường Đoản Kinh”, ghi lại các học thuyết của bách gia chư tử luận về thuật cơ quyền (cơ trí quyền mưu) của bậc vương bá có một tiết viết về “Định Danh”. Trong đó nói rõ, tên gọi phải phân biệt được sự vật, thể hiện rõ đạo lý. Có định danh cho rõ ràng, hợp lý, thì mới thấy rõ được bản chất của sự vật. “Danh thực đã rõ thì cái lý của thiên hạ cũng rõ” (Vương An Thạch), nghĩa là định rõ được danh thì dân chúng mới thực hành theo được đúng.
    Người làm lãnh đạo tất nhiên phải hiểu rõ việc này. Những quy định, làm rõ khái niệm, tên gọi sự vật, hiện tượng trong phạm vi quản lý và điều tiết phải rõ ràng, thì bên dưới tổ chức triển khai những chỉ đạo mới dễ dàng và nhanh gọn, hiệu quả.
    Đừng tự đưa mình vào thế khó, bởi những khái niệm không chỉ được ghi lại bằng con chữ vô tri trên những trang giấy báo cáo. Đó là tri thức hàng trăm hàng ngàn năm, là sự công nhận của biết bao con người và các thế hệ. Là một sự thân thương và quá rõ ràng để có thể thay đổi. Nhất là khi sự thay đổi nhằm một múc đích nào đó không có lợi cho đa số, tất yếu sẽ trở thành sự bất bình và hoài nghi.
     
    Chỉnh sửa cuối: 7/6/18