Tóm tắt và nhận xét cốt truyện tác phẩm “Chiếc lược ngà” – Nguyễn Quang Sáng

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Đề bài :Tóm tắt và nhận xét cốt truyện tác phẩm “Chiếc lược ngà” – Nguyễn Quang Sáng

    Bài làm:
    Tác phẩm “ Chiếc lược ngà” được nhà văn Nguyễn Quang Sáng viết năm 1966, tại chiến trường Nam Bộ, khi thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đang diễn ra khốc liệt. Dù viết trong hoàn cảnh chiến tranh ác liệt, nhưng tác phẩm lại đề cao giá trị nhân đạo về tình người, mà ở đây là tình cha con sâu sắc, tình phụ tử thiêng liêng giữa người chiến sĩ cách mạng và cô con gái nhỏ tên Thu.
    Do chiến tranh, anh Sáu phải rời xa vợ con để lên đường tham gia kháng chiến. Khi anh đi, đứa con gái tên Thu của anh chưa đầy một tuổi. Anh đi kháng chiến biền biệt, tám năm sau mới có cơ hội trở về thăm nhà. Nhưng trái với tâm trạng hào hứng, mong mỏi của ông Sáu, bé Thu không chịu nhận cha. Con bé xa lánh, đối xử lạnh nhạt với ông Sáu khiến cho ông rất buồn phiền, đau khổ. Ông cố gắng chuyện trò, đối xử tốt với con nhưng con bé vẫn không muốn lại gần ông. Bé Thu không nhận cha vì ông Sáu có vết sẹo dài trên mặt, khác với bức ảnh cưới ba chụp với má nó vẫn nhìn thấy. Chỉ đến khi nghe bà ngoại kể về nguyên nhân vết thẹo trên mặt ba là do chiến tranh dể lại, bé Thu mới như vỡ òa. Đến khi ông Sáu phải tiếp tục ra chiến trường, bé Thu đã gọi ba lần đầu tiên, tiếng ba như xé lòng mọi người. Thu không cho ba đi, khăng khăng đòi giữ ba ở lại. Tình cảm cha con xa cách bao năm qua như được vỡ òa trong khoảnh khắc, khiến hai ba con ôm nhau khóc nức nở. Ông Sáu hứa với con khi chia ly rằng sẽ tặng con gái một chiếc lược ngày ông trở về. Và trong thời gian kháng chiến, ông đã tỏ mỉ làm tặng con gái chiếc lược bằng ngà, khắc lên đó dòng chữ “ yêu nhớ tặng Thu con của ba”. Nhưng rồi chiến tranh khốc liệt, ông Sáu đã hy sinh khi tâm nguyện gặp lại con và tặng con chiếc lược chưa được thực hiện. Lúc hy sinh, ông Sáu đã nhờ người đồng đội trao tận tay con gái chiếc lược ngà.
    Đọc truyện “ Chiếc lược ngà”, ta thấy cốt truyện tương đối đơn giản, không có nhiều tình tiết gay cấn, nhưng để lại cho người đọc rất nhiều cảm xúc, và nỗi xúc động nghẹn ngào. Chỉ hai tình huống nhưng cũng đủ làm cho câu truyện trở nên có ý nghĩa và khác sâu vào tâm trí của người đọc. Tình huống đầu tiên, là khi hai cha con gặp nhau nhưng con không nhận cha. Khi bé Thu chịu nhận cha thì cũng là lúc chia ly. Hai cha con chỉ kịp ôm nhau khóc và ông Sáu hứa sẽ tặng con gái chiếc lược. Rồi đến tình huống thứ hai, là khi ông Sáu cố gắng hoàn thành chiếc lược ngà, chờ đến ngày được gặp và tặng con, nhưng chưa kịp thì ông Sáu đã hy sinh. Ông không thể tự tay trao cho con gái chiếc lược đã ngày đêm làm tặng con. Có thể thấy, hai tình huống dường như là sự giằng co, tạo nên nút thắt, điểm nhấn cho câu truyện. Tất cả đều tập trung khắc họa rõ nét tình cảm cha con sâu nặng giữa bé Thu và ông Sáu. Dù trong hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, dù phải xa cách lâu ngày đến mức con không nhận cha chỉ vì vết thẹo. Nhưng đến khi phát hiện ra sự thật, thì tình cảm đó trở nên vô cùng mãnh liệt. Đó là tình cảm thiêng liêng, quý báu, vốn có của con người.
    Tình cảm của cô con gái bé bỏng mãnh liệt bao nhiêu, thì tình thương yêu bao la, bất diệt, không thể thay thế của người cha dành cho con gái của mình, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng luôn nồng nàn, tha thiết.
    Thật vậy, Chiếc lược ngà là một câu truyện đầy xúc động, mang giá trị tinh thần, giá trị nhân văn của tình mẫu tử sâu sắc. Truyện khiến ta nhận ra rằng, tình cảm cha con là thứ tình cảm bất diệt, dù cho có trải qua năm tháng, trải qua hoàn cảnh khốc liệt của chiến tranh hay bất cứ thứ gì khác, thì thứ tình cảm đó cũng không bao giờ có thể thay đổi.