Tổng Hợp Những Bài Cảm Thụ Văn Học Hay Đáng Đọc - Phần IV

  1. Tác giả: LTTK CTV07
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    07.jpg
    Bài 1:

    Trong cuốn Hồi kí Bác Hồ, hai nhà văn Hoài Thanh và Thanh Tịnh đã tả phong cảnh Quê hương Bác như sau:
    "Trước mắt chúng tôi, giữa hai dãy núi là nhà Bác với cánh đồng quê Bác. Nhìn xuống cánh đồng có đủ các màu xanh, xanh pha vàng của ruộng mía, xanh rất mượt của lúa chiêm đương thời con gái, xanh đậm của những rặng tre; đây đó một vài cây phi lao xanh biếc và nhiều màu xanh khác nữa."
    Đọc đoạn văn trên, em có nhận xét gì về cách dùng những từ ngữ chỉ màu xanh? Cách dùng từ ngữ như vậy đã góp phần gợi tả điều gì về cảnh vật trên quê Bác?


    Bài làm:

    Tác giả dùng từ chỉ màu xanh thật là đa dạng, phong phú hợp với từng cảnh vật, với từng giai đoạn phát triển của cảnh. Cách dùng từ của tác giả đã gợi nên một bức tranh sinh động, tràn trề sức sống của cảnh vật ở quê Bác.

    Bài 2: Đọc bài thơ sau:
    Quê em
    Bên này là núi uy nghiêm
    Bên kia là cánh đồng liền chân mây
    Xóm làng xanh mát bóng cây
    Sông xa trắng cánh buồm bay lưng trời...
    (Trần Đăng Khoa)
    Em hình dung được cảnh quê hương của nhà thơ Trần Đăng Khoa như thế nào?

    Bài làm:

    Bài thơ cho ta thấy quê hương của tác giả đẹp tuyệt vời. Một bên là ngọn núi uy nghiêm có từ bao đời. Một bên là cánh đồng rộng mênh mông, bát ngát:
    Bên này là núi uy nghiêm
    Bên kia là cánh đồng liền chân mây​
    Giữa làng quê là bóng cây rợp mát. Xa xa, dòng sông hiện lên những cánh buồm như đàn chim sải cánh bay trên trời cao:
    Xóm làng xanh mát bóng cây
    Sông xa trắng cánh buồm bay lưng trời...​
    Vẻ đẹp của quê hương làm cho tác giả càng thêm tự hào về đất nước Việt Nam.

    Bài 3: Trong bài Tiếng đàn Ba-la-lai-ca trên sông Đà, nhà thơ Quang Huy đã miêu tả một đêm trăng vừa tĩnh mịch vừa sinh động trên công trường sông Đà như sau:
    Lúc ấy
    Cả công trường say ngủ cạnh dòng sông
    Những tháp khoan nhô lên trời ngẫm nghĩ
    Những xe ủi, xe ben sóng vai nhau nằm nghỉ
    Chỉ còn tiếng đàn ngân nga
    Với một dòng trăng lấp loáng sông Đà.

    Khổ thơ trên có những hình ảnh nào đẹp nhất? Hình ảnh đó cho ta thấy ý nghĩa gì sâu sắc?


    Bài làm:

    Bằng biện pháp nhân hoá, nhà thơ Quang Huy đã miêu tả một đêm trăng vừa tĩnh mịch vừa sinh động trên công trường Sông Đà. Hình ảnh đẹp nhất được gợi lên đó là:
    “Chỉ còn tiếng đàn ngân nga
    Với một dòng trăng lấp loáng sông Đà.”

    Đó là hình ảnh mang đậm ý nghĩa sâu sắc giữa con người và thiên nhiên hoà quyện, gắn bó với nhau thật là đẹp đẽ. Tiếng đàn ngân nga lan toả trong đêm trăng như lay động cả mặt nước sông Đà, làm cho dòng sông như dòng trăng lấp loáng nên thơ.

    Bài 4: Trong bài Bài ca về trái đất, nhà thơ Định Hải có viết:
    Trái đất này là của chúng mình
    Quả bóng xanh bay giữa trời xanh
    Bồ câu ơi, tiếng chim gù thương mến
    Hải âu ơi, cánh chim vờn sóng biển
    Cùng bay nào, cho trái đất quay!
    Cùng bay nào, cho trái đất quay!

    Đoạn thơ trên giúp em cảm nhận được những điều gì về trái đất thân yêu?

    Bài làm:


    Nhà thơ giúp em cảm nhận được trái đất là một tài sản vô cùng quý giá của mọi người. Trái đất được tác giả so sánh với quả bóng xanh bay giữa trời xanh. Trái đất luôn ấm áp tiếng chim gù và hình ảnh cánh chim hải âu bay trên sóng biển. Điều đó cho ta thấy trái đất của chúng ta được bình yên trong sáng. Đó là biểu tượng của cuộc sống thanh bình của mọi người trên đất nước chúng ta.

    Bài 5: Trong bài Hạt gạo làng ta, nhà thơ Trần Đăng Khoa có viết:
    Hạt gạo làng ta
    Có bão tháng bảy
    Có mưa tháng ba
    Giọt mồ hôi sa
    Những trưa tháng sáu
    Nước như ai nấu
    Chết cả cá cờ
    Cua ngoi lên bờ
    Mẹ em xuống cấy...

    Em hiểu đoạn thơ trên như thế nào? Hình ảnh đối lập trong đoạn thơ gợi cho em những suy nghĩ gì?

    Bài làm:

    Tác giả lớn lên từ đồng quê Việt Nam nên ông đã hiểu được nỗi vất vả của người nông dân khi làm ra hạt gạo nuôi sống con người. Bởi lẽ, hạt gạo làm ra với bao mồ hôi, công sức, với bao khó khăn do thiên nhiên gây ra. Đó là “cái bão tháng bảy, cái mưa tháng ba, cái nắng tháng sáu” khắc nghiệt như vậy. Đến nỗi “cua ngoi lên bờ” để tránh nắng nóng, cá cờ cũng phải chết vì không chịu được cái nắng gay gắt, ấy vậy mà “mẹ em xuống cấy”. Qua đây, em thấy được nỗi vất vả, khó nhọc của người nông dân khi làm ra hạt gạo. Vì vậy, em càng quý trọng công sức lao động của người nông dân.