Tổng Hợp Những Bài Văn Mẫu Hay Đáng Đọc (Từ 5 Đến 7 Câu) - Phần III

  1. Tác giả: LTTK CTV07
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Bài 1:
    Đề bài: Quan sát đồ vật: Quyển sách Tiếng Việt của em.

    Bài làm:

    Đố các bạn biết mình quý nhất quyển sách nào trong bộ sách giáo khoa? Đó là quyển sách Tiếng Việt ba tập một bố mình mua cho đấy! Quyển sách hình chữ nhật bề ngang dài một gang tay. Bìa sách làm bằng giấy bìa cứng, trên cùng là dòng chữ nhỏ màu đỏ: “Bộ giáo dục và đạo tạo”, bên dưới có dòng chữ: “Tiếng Việt” chiếm hết bìa ngang cuốn sách. Ở giữa là ông mặt trời đang tươi cười hiền hậu chiếu những tia nắng ấm áp xuống mặt đất. Dưới cùng là chú ngé đang ngẩng đầu lên, trông thật ngộ nghĩnh. Quyển sách dày 128 trang, gồm các bài học tập đọc, học thuộc lòng, bài đọc thêm, chính tả, từ ngữ, ngữ pháp và tập làm văn được xếp theo từng tuần, từng chủ đề.
    Trong các bài làm mình thích nhất là bài “Chăm vườn hoa” vì hoa đã biết làm đẹp cho đời.
    Dùng xong, mình cho cẩn thận vào ngăn bàn.
    Mình yêu quyển sách Tiếng Việt ba tập một biết bao vì nó đã giúp mình hiểu biết thêm về quê hương đất nước. Mình khoác cho nó thêm một tấm áo ni lông bên ngoài và giữ gìn nó thật cẩn thận.

    Bài 2:
    Đề bài: Kể về một ngày hội mà em biết.

    Bài làm:

    Ở quê em có một hội lớn lắm. Đó là lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn - Hải Phòng, nổi tiếng trên khắp các vùng miền cả nước. Nhân dân ta có câu: “Dù ai buôn đâu bán đâu, mồng chín tháng tám thì về chọi trâu”. Vào ngày hội du khách khắp nơi đổ về xem hội rất đông. Trước khi bắt đầu chọi trâu có một màn múa cờ truyền thống rất đặc sắc. Sau đó, các cụ già làng dắt trâu ra, thế là bắt đầu một ngày hội chọi trâu. Con trâu thứ nhất là số 87. Con trâu thứ hai là số 89. Con trâu số 89 là con trâu của làng em. Hai con trâu hùng hổ đánh nhau. Sau bao nhiêu trận đấu quyết liệt hòa lẫn là những tiếng reo hò của khán giả, ông trâu số 89 của làng em đã chiến thắng. Ông trâu ấy thực sự mang vinh quang, tự hào và cả sự sung túc cho làng em.
    Em rất thích hội chọi trâu bởi hội chọi trâu chứng minh sự thịnh vượng của quê hương em.

    Bài 3:
    Đề bài: Kể về một ngày hội mà em biết.

    Bài làm:

    Hằng năm, cứ đến mùa xuân, quê em lại tưng bứng mở hội đua thuyền trên sông Hồng. Sáng hôm ấy, dọc hai bên bờ sông với đường đua dài 1000m, kẻ khua trống, người thổi kèn tàu, hết sức đông vui và náo nhiệt. Đường đua bắt đầu ở một khúc đầu làng em. Dưới sông năm con thuyền đua đã xếp thành hàng ngang ở vạch xuất phát. Trên thuyền, các tay đua là những thanh niên khỏe mạnh ngồi thành hàng, tay lăm lăm mái chèo. Mỗi đội có một màu áo khác nhau. Đến giờ xuất phát, kèn trống nổi lên thì các chiếc thuyền lao nhanh vun vút về đích. Hai bên bờ sông tiếng hò reo, cổ vũ của người xem làm náo động cả một khúc sông. Đội làng em đã về đích trước tiên. Cuối hội là phần trao giải thưởng, ai cũng có mặt đông đủ để chúc mừng các tay đua.
    Hội đua thuyền là nét văn hoá truyền thống của quê hương em. Em sẽ học giỏi, tập thể thao cho cơ thể khỏe mạnh để được tham gia hội đua thuyền.

    Bài 4:
    Đề bài: Kể về một ngày hội mà em biết.

    Bài làm:

    Hội Trung thu rước đèn họp bạn hồi năm ngoái thật là vui. Mẹ mua cho em một chiếc đèn lồng hình con bướm. Tối hôm rằm tháng Tám, khi nghe thấy trống ếch dồn dập ngoài ngõ, em vội xách đèn lồng ra nhập vào đoàn quân tí hon tiến về bãi cỏ rộng đầu xóm rồi quây thành vòng tròn quanh bãi. Sau lời tuyên bố của chị phụ trách, chúng em xếp thành hàng dài đi vòng quanh xóm, đi đầu là hai con rồng. Đoàn rước đèn chúng em đi đến đâu, tiếng trống vang lên đến đó, làm cả xóm náo nhiệt lên như ngày hội lớn. Đi được một vòng, chúng em quay lại bãi cỏ để chuẩn bị phá cỗ. Tiết mục phá cỗ cũng không kém phần vui vẻ như khi rước đèn. Chúng em vừa ăn bánh kẹo, hoa quả, vừa tiến hành văn nghệ. Khi ông trăng đã lên cao, chúng em mới ra về.
    Ngày hội đó đã để lại trong em nhiều kỉ niệm khó quên.

    Bài 5:
    Đề bài: Kể về một ngày hội mà em biết.

    Bài làm:


    Vào mồng năm tháng giêng hàng năm, hội Gò Đống Đa bắt đầu diễn ra. Hội tổ chức tại Gò Đống Đa. Mọi người đi xem rất đông, ai cũng muốn xem tượng đài Quang Trung. Hội bắt đầu bằng hoạt động tưởng nhớ tới anh hùng áo vải Quang Trung - Nguyễn Huệ. Hội có những trò chơi như: chơi cờ, đánh đu, trọi gà,...
    Khi hội kết thúc, em vẫn thấy nuối tiếc và nhớ tới vị anh hùng áo vải Nguyễn Huệ. Em tự hứa là sẽ học thật giỏi để phục vụ đất nước, noi gương những anh hùng đi trước.