Tổng Hợp Những Bài Văn Mẫu Hay Đáng Đọc (Từ 5 Đến 7 Câu) - Phần IX

  1. Tác giả: LTTK CTV07
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    04.jpg
    Bài 1:

    Đề bài: Viết một bức thư ngắn cho người thân.

    Bài làm:


    Hà Nội, ngày 26 tháng 11 năm 2009.
    Bà ngoại Kính yêu!
    Đã hai tháng cháu không về thăm bà, cháu nhớ bà lắm! Bà dạo này có khoẻ không ạ? Vườn hoa của bà có tốt không? Con cún ở nhà chắc lớn lắm bà nhỉ? Gia đình cháu vẫn khoẻ mạnh bình thường. Bố mẹ cháu vừa mới mua xe máy cho anh Hà để đi học. Năm nay cháu học lớp 3D. Từ đầu năm học tới giờ, cháu luôn được điểm chín, điểm mười đấy bà ạ. Bà ơi, cháu sắp thi giữa học kỳ Một rồi, cháu sẽ cố gắng đạt điểm cao để bà và bố mẹ vui.
    Bà ạ! Đến giờ cháu phải đi học rồi. Cháu kính chúc bà mạnh khỏe. Cháu hứa sẽ học thật giỏi để được nhiều điểm mười. Tết về biếu bà.
    Cháu của bà,
    Dương Ngọc Anh.

    Bài 2:
    Đề bài: Viết một bức thư ngắn cho người thân.

    Bài làm:


    Hà Nội, ngày 9 tháng 11 năm 2006
    Bà kính yêu!
    Lâu lắm rồi chưa được gặp bà, cháu nhớ bà lắm ạ.
    Dạo này bà có khỏe không? Bà có ăn uống được không? Gia đình cháu ngoài này vẫn khỏe. Từ đầu năm đến giờ, cháu được mười bốn điểm mười rồi đấy, bà ạ. Ngày nghỉ, mẹ thường cho cháu đi chơi, lúc thì công viên, dạo phố, lúc thì đi siêu thị ạ.
    Cháu vẫn nhớ năm ngoái được về quê xem múa sư tử cùng anh Tùng, chị Vân, chị Hằng, chị Thảo, anh Việt Anh và anh Sơn. Và đêm đêm ngồi nghe bà kể chuyện cổ tích.
    Cháu hứa với bà cháu sẽ học thật giỏi để bà vui, luôn chăm, ngoan để bà vui hơn nữa ạ.
    Cháu kính chúc bà mạnh khỏe, sống lâu.
    Cháu của bà,
    Nguyễn Thùy Linh – 3G.

    Bài 3:
    Đề bài: Viết về lợi ích của một loại cây mà em biết.

    Bài làm:


    Mùa thứ ba này, nhìn cây vú sữa em cảm thấy như cây thấp xuống, xoè rộng ra hơn mọi năm. Các cành lớn, cành nhỏ lủng lẳng những trái là trái, ước tính đến vài trăm. Trái nào trái nấy căng tròn như những trái cam đường bóng láng. Có những cành chỉ nhỉnh hơn ngón chân cái mà có đến gần chục trái chín mọng đeo lõng thõng từ trong ra ngoài, làm cho cành cây cong vòng hơn cả gọng vó. Nhiều lúc gặp phải những ngọn gió mạnh thổi tới tưởng như chúng sẽ bị gãy gập cả xuống. Nhưng cây vú sữa vốn dẻo dai, bền vững như tình người mẹ trong truyện cổ tích. Đúng là một giống cây ăn trái quý hiếm, một giống cây mang một biểu tượng đẹp về người mẹ. Mỗi lần cầm trái vú sữa trên tay, dẫu chưa ăn mà em đã cảm nhận được hương vị ngọt ngào chảy ra từ những bầu sữa kỳ diệu ấy của người mẹ. Ôi! Tình yêu của người mẹ thật như “Suối trong nguồn” mà suốt cả cuộc đời chúng em không bao giờ đền đáp hết được.

    Bài 4:
    Đề bài: Tả lại con đường đến trường của em.

    Bài làm:


    Từ nhà đến trường em có thể đi qua nhiều ngả khác nhau nhưng em thích nhất vẫn là đi qua đoạn đường Nguyễn Du.
    Đoạn đường này ngắn và hẹp. Lòng đường được hàng me xanh rờn hai bên che bóng mát. Buổi sớm em đi học các vòm me đan vào nhau tưởng như chúng chụm đầu trò chuyện. Những cành me thả lá xuống mặt đường tráng nhựa xám. Một lằn sơn vàng giữa lòng đường chia hai phần cho xe chạy ngược chiều nhau. Xe máy, xe đạp tấp nập trên mặt đường trơn bóng. Đến khúc có những ổ gà lồi lõm thì xe chạy chậm lại, bóp còi toe toe... Em và các bạn đi rất thoải mái trên lề đường tráng xi măng. Nhiều nhà cao tầng đẹp đẽ chen vai nhau đứng sừng sững. Đó là các cơ quan, cửa hàng. Đặc biệt, đoạn đường em đi qua có Bưu điện Thành phố lúc nào cũng có đông người ra vào nhận đồ, gửi hàng. Có lần, mẹ em đã đến đây nhận hàng, quà. Buổi sáng, em đi dạo. Lá me trút như mưa lên tóc, lên vai làm em rất thích. Vì đã đi lại nhiều lần nên đoạn đường này thật quen thuộc đối với em. Em nhớ từng viên gạch, từng gốc me thân thiết.
    Em yêu quý con đường đi đến trường. Sáng nào đi học, em cũng thấy đường sạch, đó là nhờ các cô chú làm vệ sinh. Em và các bạn bảo nhau không nên xả rác bừa bãi để con đường luôn sạch đẹp.

    Bài 5:
    Đề bài: Em hãy tả cây bút chì của em và nói lên những cảm nghĩ của mình.


    Bài làm:


    Vào đầu năm học, mẹ mua cho em đầy đủ các đồ dùng học tập, trong đó có một chiếc bút chì đen mà em rất quý.
    Chiếc bút chì dài độ một gang tay người lớn, to hơn chiếc đũa ăn cơm một chút. Bên ngoài, được bọc một lớp sơn màu vàng tươi như hoa mướp. Hàng chữ màu sáng bạc nổi bật trên nền vàng trông lóa cả mắt. Em không biết người ta viết chữ gì lên đó. Mẹ bảo: “Bút chì này là hàng ngoại đó con!”. Có lẽ vậy nên em không đọc được hết, chỉ biết được một số chữ cái, trong đó có hai chữ mà mẹ giải thích là kí hiệu về độ mềm cứng của bút chì. Một đầu bút có núm tròn tròn màu hồng nhạt dùng để tẩy xóa mỗi khi viết sai.
    Chiếc bút chì đã trở thành người bạn thân yêu của em tự bao giờ em không biết nữa. Nó luôn ở cạnh em mỗi khi học bài, làm bài. Chiếc bút nhỏ xinh xinh như chiếc bút thần kì diệu trong truyện cổ tích mà em đã được đọc, đã cùng em vẽ nên những bức họa chân dung của bố, mẹ, anh, chị em và các chú bộ đội ngày đêm canh gác biển trời đất nước thân yêu. Bút chì đã giúp em tìm ra những con số bí ẩn trong những bài toán tìm x, tìm y và vẽ nên những cảnh đẹp của làng xóm quê hương cùng những ngôi nhà, mảnh vườn, con đường, hàng cây trước ngõ,...
    Chiếc bút chì đen của em là vậy đó. Nhỏ nhỏ, xinh xinh và rất hữu ích. Em rất yêu quý nó.

    Bài 6:
    Đề bài: Hãy nói về quê hương em hoặc nơi em đang ở.

    Bài làm:


    Lệ Thủy, đó chính là tên gọi của quê hương em, một vùng chiêm trũng nằm trên dải đất hẹp ven biển miền Trung, đẹp và trù phú lắm.
    Vào vụ Đông Xuân, chim én bay về đây nhiều vô kể, có những thửa ruộng cùng một lúc có đến hàng trăm con én chao liệng trên tấm thảm nhung xanh. Dọc những bờ ruộng, cò trắng đứng thành hàng, im phăng phắc. Nhưng chỉ cần nghe tiếng động nào đó như tiếng khua đuổi cá của dân chài lưới thì những chấm trắng ấy vội bốc mình lên không trung, dang rộng hai cánh, trôi thành từng đàn về tận tít trời xa… Đứng ở giữa cánh đồng vào thời điểm lúa đang thì con gái, mới thưởng thức được vẻ đẹp rất nên thơ của cánh đồng. Đẹp nhất là ngắm nhìn những đợt sóng lúa đuổi nhau vội vàng, nhấp nhô lên xuống, giống hệt như một tấm thảm nhung xanh mà ai đó đang tung lên hạ xuống. Người làng em đi xa, mỗi lần về quê, không ai không dừng lại để ngắm đồng lúa quê mình, để tìm lại ở đây những kỉ niệm của một thời thơ ấu: đẹp, hồn nhiên và ấm áp hương đồng.