Trước khi chọn trường Đại học cần cân nhắc những điều gì?

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Kỳ thi THPT quốc gia đang đến gần cũng là lúc các thí sinh phải cân nhắc nên chọn trường đại học nào để theo học. Đây là một trong những quyết định quan trọng nhất mà bạn phải thực hiện. Trước khi lựa chọn trường đại học, thí sinh nên cân nhắc kỹ những điều sau để đưa ra quyết định đúng đắn nhất.

    Chuyên ngành


    Nếu bạn thực sự yêu thích một ngôi trường nào đó về mọi điều kiện cơ sở vật chất, vị trí... nhưng lại không đào tạo chuyên ngành yêu thích của mình thì bạn nên xem xét lại. Bởi cho dù trường có tốt đến đâu, đó cũng không phải là nơi phù hợp nếu nó không có những chuyên ngành bạn ưa thích.
    Chẳng han nếu bạn muốn theo đuổi ngành Báo chí truyền thông nhưng lại chọn một trường chuyên đào tạo về kinh tế, yêu thích ngành Giáo viên nhưng chọn trường chuyên đào tạo Kỹ thuật... Vậy liệu lựa chọn của bạn có đúng không? Hay liệu khi vào học bạn sẽ hứng thú và theo đuổi đến cùng không?
    Hãy nghiên cứu kỹ về chương trình học của một trường để có quyết định đúng đắn nhất cho tương lai. Thí sinh cũng nên nhớ rằng đừng bao giờ vì một công việc kiếm nhiều tiền mà bỏ qua sở thích! Bởi đơn giản chỉ cần bạn thực sự hứng thú và có chuyên môn với ngành nghề mình đang theo đuổi, "tài chính" sẽ luôn theo đuổi bạn.

    01.jpg

    Chi phí


    Chi phí cũng là một vấn đề rất đáng để tâm khi bạn chọn trường. Nếu bạn chọn trường phù hợp với khả năng kinh tế của gia đình cũng cần quan tâm tới chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất. Đừng ham rẻ mà lựa chọn những trường kém chất lượng.
    Với những bạn có hoàn cảnh kinh tế vừa phải, chọn một ngôi trường công là hợp lý nhất. Bởi mức học phí giữa trường công và trường dân lập chênh nhau khá lớn. Để hiểu rõ hơn về sự khác biệt giữa trường công lập, dân lập và tư thục, bạn có thể tham khảo TẠI ĐÂY.

    Cơ sở vật chất


    Một ngôi trường khai trang, hiện đại có đầy đủ cơ sở vật chất để phục vụ việc học tập, nâng cao kỹ năng thực hành là điều rất cần thiết. Vì thế bạn nên tìm hiểu về đội ngũ giảng viên, khuôn viên trường... để biết rõ liệu mình sẽ được đào tạo trong một ngôi trường như thế nào.
    Chẳng hạn như Đại học Y Hà Nội có tòa nhà A3 phục vụ công tác đào tạo, thực tập, thực hành và nghiên cứu khoa học cho các bộ môn Vi sinh, Y sinh học di truyền, Mô phôi, Phẫu thuật thực hành, Trung tâm Gen-Protein, Khoa Điều dưỡng và Nữ hộ sinh, Bộ môn Toán tin, Bộ môn Giáo dục Quốc phòng. Hay Học viện Báo chí và tuyên truyền có studio phát thanh, studio truyền hình... giúp sinh viên rèn luyện kỹ năng nghiệp vụ.

    Chính sách hỗ trợ sinh viên


    Những vấn đề về ký túc xá, nơi ở, chế độ miễn giảm học phí, học bổng, quyền lợi... là những vấn đề mà rất nhiều sinh viên khi theo học một trường nào đó quan tâm. Nếu một trường có chính sách hỗ trợ sinh viên tốt, bạn cũng sẽ có động lực để phấn đấu học tập hơn.

    Tỷ lệ việc làm


    Nhiều trường đại học công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp kiếm được việc làm trong vòng 6 tháng - 1 năm trên website. Biết rõ được con số sinh viên sau khi ra trường kiếm được công việc đúng chuyên ngành hay mức lương... sẽ giúp bạn nắm bắt được tình hình và lựa chọn ngành nghề đúng hơn.
    Chẳng hạn như trong đề án tuyển sinh 2018, Bộ GD-ĐT quy định các trường đại học phải công bố tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm hai năm gần nhất. Theo đó, trường ĐH Kinh tế tài chính TP.HCM công bố 100% sinh viên của trường tốt nghiệp có việc làm; ĐH Bách khoa Hà Nội là 90%, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) 91%. Các trường ĐH Ngoại thương, Kinh tế quốc dân, Kinh tế TP.HCM, Học viện Ngân hàng tỷ lệ sinh viên có việc làm dao động 94-96%...