Vai trò của người lãnh đạo anh minh qua Chiếu dời đô (Lí Công Uẩn) và Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn)

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Vai trò của người lãnh đạo anh minh qua Chiếu dời đô (Lí Công Uẩn) và Hịch tướng sĩ (Trần Quốc Tuấn)

    6.jpg
    Lí Công Uẩn và Trần Hưng Đạo – Bậc lãnh đạo kiệt xuất

    • Mở bài:
    Nhân gian thường nói: “Anh hùng tạo thời thế” quả thật rất đúng đắn. Không những“Thời thế tạo anh hùng” mà người anh hùng cũng có thể gây tạo ra thời thế lập nên chiến công hiển hách, dựng nên đại nghiệp. Đặc biệt là đối với những bậc lãnh đạo anh minh, họ đóng vai trò quyết định đối với vận mệnh của dân tộc, đối với sự tồn vong của đất nước. Thông qua “Chiếu dời đô” của Lí Công Uẩn“Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấnđã minh chứng thuyết phục nhận định ấy.
    • Thân bài:
    Vậy thế nào là người lãnh đạo anh minh?

    Người lãnh đạo anh minh trước hết phải là người có tài năng xuất chúng, đức dộ được mọi người tôn kính. Họ vượt lên trên quần chúng vì có tầm nhìn xa trong rộng, thấu suốt thời cuộc, nắm vững thiên cơ, điều binh, khiển tướng như thần. Bởi thế, người lãnh đạo anh minh xuất thân đã có dũng khí phi thường khiến người người ngưỡng mộ và tôn vinh. Họ luôn là người quyết định và quyết đoán trong công việc và thực hiện một cách quyết liệt, vô cùng mạnh mẽ. Vượt lên trên tất cả, họ hành động vì nhân dân, vì đất nước, vì sự yên bình của giang sơn xã tắc.
    Sự lãnh đạo anh minh của Lí Công Uẩn và Trần Quốc Tuấn

    Trước hết, đối với lịch sử, người lãnh đạo anh minh có vai trò tạo dựng lịch sử đất nước. Khi chiến thắng được ngoại xâm, đất nước hòa bình, Lí Công Uẩn nghĩ đến việc dời đô, mở ra một thời đại mới, đưa đất nước phát triển cường thịnh, một mặt tăng đem lại đời sống ấm no cho muôn dân, một mặt tăng cường sức mạnh quốc gia chống lại âm mưa xâm lược của kẻ thù. Đó là một nhiệm vụ cấp bách. Tuy nhiên, việc dời đô là quốc gia đại sự, nó liên quan đến sự yên định của đất nước, không thể một sớm một chiều mà dời đổi. Một quyết định sai lầm có thể là hiểm họa đẩy đất nước vào con đường diệt vong.
    Lí Công Uẩn thấu rõ điều đó, nhưng ông quyết tâm dời đổi là bởi ông đã nhìn thấy cái hạn chế của Hoa Lư không còn phù hợp nữa. Đồng thời ông cũng nhìn thấy cái thuận lợi của thành Đại La, tương ứng với khát vọng lớn của ông. Thật sự, khi kinh đô được dời về Đại La, vận thế của đất nước bước sang một thời kì phông thịnh rực rỡ, chứng minh quyết định của Lí Công Uẩn là hoàn toàn đúng đắn, sáng suốt hơn người.
    Khi đất nước có giặc ngoại xâm, người lãnh đạo anh minh là người có vai trò khơi dậy và liên kết sức mạnh toàn dân tộc trong trận chiến chống kẻ thù. Có thể nới, họ là người quyết định vận mệnh của dân tộc trong từng khoảnh khắc. Nhìn thấy tướng sĩ ham chơi, lơ là việc quân, đánh mất ý chí, buông bỏ nhiệm vụ, Trần Quốc Tuấn rất đau lòng. Trong khi, quân giặc tàn bạo đang lăm le bờ cõi, sứ giả của chúng kiêu căng ngạo mạn, tham tàn, bạo ngược báo hiệu điều chẳng lành.
    Để bảo vệ tổ quốc, lấy lại tôn nghiêm của triều đình, rửa nhục cho dân tộc không có con đường nào khác ngoài con đường kháng chiến tiêu diệt kẻ thù. Bằng “Hịch tướng sĩ”, Trần Quốc Tuấn đã tỏ lòng mình đồng thời nêu cao ý chí, thiết quân luật, tập trung tinh thần và sức mạnh toàn quân tạo nên một thế trận hùng mạnh chưa từng có quét sạch quân thù ra khỏi bờ cõi, lấy lại giang sơn, ai ai cũng nức lòng khen ngợi.
    Chính người lãnh đạo anh minh sẽ tạo ra thời thế, bởi họ thấu suốt thời cuộc, thông thạo kim cổ, thời vận, ứng hiểu nhân tâm, nắm được thiên mệnh, nhân khí. Một khi đã thấu rõ họ thường quyết đoán và hành động quyết liệt, tạo dựng lòng tin tưởng vững chắc vào thắng lợi.
    Lí Công Uẩn tỏ lời dự bàn trong “Chiếu dời đô” là để xem lòng dân thế nào, thực sự ông đã kiên quyết hành động và mong muốn được toàn dân ủng hộ mà hết lòng phò trợ.
    Trần Quốc Tuấn đâu phải không thể nghiêm trị tướng sĩ, lời tỏ bày thống thiết trong“Hịch tướng sĩ” ấy chẳng phải là lấy cái tâm đại lượng mà thắng cái sai lầm ích kỉ đó sao. Tự thức tỉnh bản thân mà đem cái chí, cái dũng ra cùng chủ tướng chống giặc. Bởi thế, dù quân ít, lương thảo hạn chế, ta vẫn thắng được kẻ thù.
    Người lãnh đạo anh minh luôn tin tưởng vào thế tất thắng của dân tộc và biến niềm tin ấy thành sự thật chứ không phải là giả biện. Thắng lợi của Lí Công Uẩn trong nhiệm vụ canh tân đất nước và Trần Quốc Tuấn trong nhiệm vụ tiêu diệt quân thù là minh chứng rõ ràng nhất cho vai trò của họ đối với vận mệnh dân tộc.
    Vượt lên trên tất cả, người lãnh đạo anh minh hành động vì nước, vì dân, vì sự tồn vong của dân tộc. Lí Công uẩn không chọn Kinh Bắc, quê hương ông làm nơi định đô như các vị vua khác mà chọn Đại La là bởi ông đã đã vượt lên cái ích kỉ của người xưa, không vì lợi ích bản thân, dòng tộc mà vì muôn dân, vì đất nước. Trần Quốc Tuấn vượt lên tư thù, dẹp bỏ điều riêng tư, lấy nhân nghĩa quy tụ sức mạnh toàn quân, tướng sĩ một lòng dốc sức trong một nhiệm vụ chống giặc. Bởi thế, họ được người người ủng hộ, tin tưởng, đến nay vẫn còn được ngợi ca.
    • Kết luận:
    “Đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo” luôn là lý tưởng của dân tộc ta trong mọi thời kì lịch sử. Ở những người lãnh đạo anh minh, tư tưởng ấy càng thêm sáng rõ. Lí Công Uẩn và Trần Quốc Tuấn xứng đáng là bậc anh hùng của thời đại, là người lãnh đạo anh minh xuất chúng có tầm ảnh hưởng to lớn đến vận mệnh dân tộc ta trong suốt chiều dài lịch sử.