Văn học và tình thương: “Cái cốt lõi của văn học là lòng nhân ái” (Rasul Gamzatop)

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Văn học và tình thương: “Cái cốt lõi của văn học là lòng nhân ái” (Rasul Gamzatop)


    19.jpg
    • Mở bài:
    Bàn về vai trò và ý nghĩa của văn học, Rasul Gamzatop cho rằng: “Người ta thường nói văn học là nhân học. Tôi công nhận. Nhưng với riêng tôi, văn học không chỉ là môn khoa học về con người. Cái cốt lõi của văn học là lòng nhân ái”. Câu nói trên của Rasul Gamzatop đã khẳng định ý nghĩa văn học là nhân học và lòng nhân ái trong văn học.
    • Thân bài:
    Văn học là gì?

    Văn học là khoa học về văn chương. Đây là một loại hình sáng tác, tái hiện những vấn đề của đời sống xã hội và con người. Phương thức sáng tạo của văn học được thông qua sự hư cấu. Cách thể hiện nội dung các đề tài được biểu hiện qua ngôn ngữ. Sản phẩm của văn học là tác phẩm văn chương.

    Lòng nhân ái là gì?

    Lòng nhân ái là tấm lòng yêu thương con người. Người sống có lòng nhân ái luôn tôn trọng, yêu quý, giúp đỡ và bảo vệ con người.

    Ý nghĩa của câu nói: “Cốt lõi của văn học là lòng nhân ái”

    Văn học miêu tả, phân tích, khám phá, phát hiện các mặt về đời sống con người từ sinh lí đến tâm linh ở góc độ khách quan một cách chân thực. Văn học không chỉ thực hiện chức năng của một bộ môn nghệ thuật phản ánh cái đẹp mà còn góp phần biểu hiện toàn diện đời sống con người như một bộ môn khoa học về con người.

    Cốt lõi của văn học chính là lòng thương người (lòng nhân ái). Văn học không những phải lấy con người làm đối tượng phản ánh mà còn hướng đến phục vụ đời sống con người. Ngoài việc miêu tả, phân tích, khám phá về con người,… nhà văn còn phải sử dụng ngòi bút thể hiện lòng thương người; phải biết đau với cái đau của cuộc đời, của nhân loại, của thời đại; biết lên án cái ác, ngợi ca cái thiện; phê phán cái xấu, biểu dương cái đẹp; biết nâng niu bảo vệ sự sống, quý trọng, tôn vinh nhân cách và phẩm giá con người.

    Vì sao “Cốt lõi của văn học chính là lòng thương người “

    Văn học xưa và nay luôn chú trọng đến tính nhân văn cao cả trong biểu đạt. Với văn học, chất liệu đầu tiên để cấu thành tác phẩm là ngôn từ. Nhưng yếu tố cuối cùng quyết định sự sống còn của tác phẩm lại không phải là ngôn từ. Đó chính là hình tượng nhân vật. Nhân vật văn học không ai khác chính là những con người trong cuộc sống. Trở thành đối tượng phản ánh của văn học, con người hiện ra sinh động, chân thực trong mỗi tác phẩm.
    Đọc tác phẩm ta nhận ra mình qua mỗi nhân vật ở từng ngóc ngách nội tâm, từng biểu hiện tình cảm, hiểu đúng hơn và nhiều hơn về cái thế giới tinh thần phong phú và bí ẩn vốn bị cái bề ngoài bao phủ. Và chính cái “thế giới tinh thần phong phú và bí ẩn” ấy thể hiện rõ nhất cái “nhân học” của văn chương.
    Thông qua “Truyện Kiều” và cuộc đời đầu gian truân, trắc trở, tủi nhục của Thúy Kiều, đại văn hào Nguyễn Du muốn thể hiện sự nhận thức sâu sắc về tình đời, tình người trong xã hội phong kiến đương thời và thái độ trân trọng, bênh vực, đề cao con người của ông. Đó là một tấm lòng đầy tính nhân văn.
    Đến với “Chí Phèo”, ta nhận ra một con người của thời đại như một cổ máy. Trong khi ấy, một kẻ tha hóa phẩm chất nhưng đồng thời cũng là những tâm trạng, những nghĩ suy số phận của cả một lớp người nông dân nghèo thời Pháp thuộc. Chí Phèo đau khổ, độc ác, nghèo hèn, nhục nhã, hỗn hào chửi cả làng… Và cao hơn hết là nỗi khát vọng được làm người, nỗi ao ước được trở về với cuộc sống đời thường.
    Hiểu tâm lí của nhân vật, độc giả lại càng hiểu về chính bản thân mình và cái thế giới với biết bao con người khác quanh mình. Từ nhân vật văn học đi vào cái thế giới của chính mình thông qua sự so sánh tương cận, người đọc nhận rõ “có mình” ở trong đó trên khía cạnh tinh thần hoặc đời sống. Từ đó làm nảy sinh sự đồng cảm, thấu hiểu, thúc đẩy hành động. Sản phẩm tạo ra trong quá trình tương tác đó chính là “nhân học” – tình yêu thương con người và cuộc sống.
    Văn học là sự thể hiện tinh tế tư tưởng và tình cảm, ước mơ và khát vọng, quan điểm và lý tưởng thẩm mĩ của nhà văn đối với con người và cuộc sống. Mỗi trang văn, mỗi bài thơ (đích thực) dù nói về gì, đề tài gì rộng lớn hay bé nhỏ đều thể hiện lòng yêu, sự ghét của tác giả, thể hiện một quan điểm nhân sinh hoặc lên án cái ác, hoặc ca ngợi tình yêu, đưa tới sự hướng thiện, cái cao cả, cái đẹp của thiên nhiên và con người.
    Những tác phẩm có giá trị về nội dung tư tưởng lớn và nghệ thuật cao được công nhận và sống với thời gian. Đọc “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi ta không thể không nghĩ đến một thời đại đau thương mà đầy khí phách, hào hùng của dân tộc ta trong cuộc chiến đấu với kẻ thù xâm lược. Dù đứng ở vị trí một dân tộc nô lệ hay một dân tộc chiến thắng, dân tộc ấy đều thể hiện tinh thần nhân đạo cao cả, ngay cả đối với kẻ thù của mình.
    Trên bình diện tâm lí, thật lòng khó có thể tha thứ cho những tội ác khủng khiếp mà kẻ thù đã gây ra cho ta. Thực tế trên thế giới, sau chiến thắng của một đội quân là những cuộc tàn sát đẫm máu khủng khiếp không khác gì kẻ thù đã gây ra cho họ. Và ai cũng cho rằng đó là lẽ phải, là chân chân lí, là tình yêu thương. Nhưng đó lại là một sai lầm, thể hiện bản chất ích kỉ, sự thù ghét của con người. Lần đầu tiên trong lịch sử, dân tộc ta đã minh chứng điều ngược lại mới là lẽ phải, mới là chân lí, tha thứ mới là nhân văn. Tư tưởng ấy còn được tiếp tục duy trì và phát huy đạt đến đỉnh cao trong thời đại Hồ Chí Minh thế kỉ XX.

    * Khẳng định: Cái cốt lõi của văn học chính là lòng nhân ái, là tình yêu vô hạn đối với con người. Đặc biệt là những con người nghèo khổ, bất hạnh.

    * Phê phán: Cũng có những nhà văn có năng lực, nhưng khám phá, khai thác con người ở góc độ trần tục, thấp hèn, nhầy nhụa. Hoặc thông qua lăng kính chủ quan áp đặt làm cho hình ảnh con người trở nên trần trụi, méo mó,… thiếu tình người, không mang tính nhân văn, tác động xấu đến nhận thức, tâm hồn người đọc.., đều bị phê phán, lên án. Họ thường là những con người lợi dụng văn học để mưu cầu lợi ích, hoặc phục vụ cho những thế lực xấu, đi ngược lại thiên hướng của văn chương.

    * Bình luận: Câu nói của Rasul Gamzatop đã khẳng định để làm rõ thêm về quan niệm:“Văn học không chỉ là môn khoa học về con người. Cái cốt lõi của nó là lòng nhân ái” là có cơ sở. Từ đó, câu nói làm rõ thêm chức năng, nhiệm vụ của văn học với con người và đời sống. Văn chương có khả năng nhận thức vô cùng to lớn trên nhiều bình diện của hiện thực đời sống về tự nhiên cũng như về xã hội.
    Nhưng đó là sự nhận thức về phương diện triết học, chính trị, xã hội, tâm lí và thẩm mĩ… Văn học chính là cuốn sách giáo khoa về đời sống. Văn học lấy con người trên bình diện đời sống làm đối tượng phản ánh. Chức năng đó diễn ra trong quá trình nhà văn nhận thức hiện thực bằng tác phẩm nghệ thuật, tác phẩm nghệ thuật, đến lượt mình, trở thành một công cụ thẩm mĩ giúp người đọc nhận thức cuộc sống và hiện thực qua những khám phá và sáng tạo của nhà văn.
    • Kết bài :
    Cái cốt lõi của văn học là lòng thương người, vì con người mà phục vụ. Một nhà văn chân chính phải lấy con người làm đối tượng phản ánh các giá trị nhân bản trong đời sống xã hội.