Vật lý 6 Bài 1: Đo độ dài

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Tóm tắt lý thuyết
    I. Đơn vị đo độ dài:
    1. Ôn lại một số đơn vị đo độ dài.
    • Đơn vị đo độ dài hợp pháp của nước việt nam là mét (kí hiệu: m).

    • Đơn vị đo độ dài thường dùng nhỏ hơn mét là:
      • Đềximét (dm) 1m = 10dm.

      • Centimet (cm) 1m = 100cm.

      • Milimet (mm) 1m = 1000mm.
    • Đơn vị đo độ dài thường dùng lớn hơn mét là: Kilomet (km) 1km = 1000m.
    2. Ước lượng độ dài:
    • Ước lượng độ dài 1m trên cạnh bàn và dùng thước kiểm tra lại

    • Ước lượng độ dài 1 gang tay bằng 12cm và dùng thước kiểm tra lại
    II. Đo độ dài.
    1. Tìm hiểu dụng cụ đo độ dài:
    • Khi dùng thước đo, cần biết giới hạn đo và độ chia nhỏ nhất của thước.

    • Giới hạn đo (GHĐ) của thước là độ dài lớn nhất ghi trên thước.

    • Độ chia nhỏ nhất (ĐCNN) của thước là độ dài giữa hai vạch chia liên tiếp trên thước.

    • Ví dụ:
      • Đo chiều rộng sách vật lý 6: Dùng thước có GHĐ: 20cm; ĐCNN: 1mm.

      • Đo chiều dài sách vật lý 6: Thước dùng có GHĐ: 30cm; ĐCNN: 1mm.

      • Đo chiều dài bàn học: Dùng thước có GHĐ: 2m; ĐCNN: 1cm.
    2. Đo độ dài:
    • Sau khi phân nhóm, học sinh phân công nhau để thực hiện và ghi kết quả vào bảng 1.1 SGK.
    Bảng 1.1 : Bảng kết quả đo độ dài

    [​IMG]

    Bài tập minh họa
    Bài 1:
    Tìm số thích hợp điền vào các chỗ trống sau :

    1 m = (1) .... dm; 1 m = (2) .... cm;

    1 cm = (3) .... mm; 1km = (4) .... m.

    Hướng dẫn giải:
    (1) 10 dm. (2) 100 cm.

    (3) 10mm. (4) 1000m.

    Bài 2:
    Có 3 thước đo sau đây:

    - Thước có GHĐ 1m và ĐCNN 1 cm

    - Thước có GHĐ 20 cm và ĐCNN 1 mm.

    - Thước có GHĐ 30 cm và ĐCNN 1 mm

    Hỏi nên dùng thước nào để đo.

    a) Chiều rộng của cuốn sách Vật lý 6 ?

    b) Chiều dài của cuốn sách Vật lý 6 ?

    c) Chiều dài của bàn học ?

    Hướng dẫn giải:
    Câu a:

    Ước lượng chiều rộng cuốn sách giáo khoa (SGK) Vật lý 6 khoảng gần 20 cm. Vì vậy, để đo được chiều ngang của cuốn sách Vật lí 6 ta dùng thước (2) có GHĐ 20 cm và ĐCNN là 1 mm

    Câu b:

    Ước lượng chiều dài cuốn SGK Vật lý 6 khoảng 20 cm. Vì vậy, để đo chiều dọc của cuốn sách Vật lý 6 ta dùng thước (3) có GHĐ 30 cm và ĐCNN 1 mm

    Câu c:

    Ước lượng chiều dài bàn học khoảng hơn 1 m. Nên để đo chiều dài của bàn học ta dùng thước (1) có GHĐ 1m và ĐCNN 1 cm.