Vật lý lớp 9 - Bài 56. Các tác dụng của ánh sáng

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Bài C1 trang 146 sgk vật lý 9. Hãy nêu một số hiện tượng chứng tỏ ánh sáng chiếu vào các vật sẽ làm nóng các vật đó lên.
    Bài giải:
    Phơi các vật ngoài nắng một thời gian thì vật đó sẽ nóng lên; ở bệnh viện, khi chiếu tia hồng ngoại vào chỗ nào đó trên cơ thể, một thời gian sau chỗ đó sẽ nóng lên.




    Bài C2 trang 146 sgk vật lý 9. Hãy kể tên một số công việc trong đó người ta sử dụng tác dụng nhiệt của ánh sáng để phục vụ đời sống hoặc sản xuất.
    Bài giải:
    Phơi khô ngô, đỗ, lạc, thóc lúa... ngoài nắng; làm muối; sưởi nắng trong mùa đông cho ấm người...




    Bài C3 trang 147 sgk vật lý 9. Hãy so sánh độ tăng nhiệt độ của tấm kim loại trong hai trường hợp (bảng 1 SGK) và rút ra kết luận về khả năng hấp thụ năng lượng ánh sáng của các vật màu đen và màu trắng.
    Bài giải:
    Trong cùng một thời gian, với cùng một nhiệt độ ban đầu và cùng một nhiệt độ chiếu sáng thì nhiệt độ của tấm kim loại khi bị chiếu sáng mặt đen tăng nhanh hơn nhiệt độ của tấm kim loại đó khi bị chiếu sáng mặt trắng. Điều đó có nghĩa là, trong cùng điều kiện thì vật màu đen hấp thụ năng lượng ánh sáng nhiều hơn màu trắng.




    Bài C4 trang 147 sgk vật lý 9. Hãy nêu một số ví dụ về tác dụng của ánh sáng đối với cây cối.
    Bài giải:
    Cây cối thường ngả ra, vươn ra chỗ có ánh nắng Mặt Trời.




    Bài C5 trang 147 sgk vật lý 9. Hãy nêu một ví dụ về tác dụng của ánh sáng đối với cơ thể người.
    Bài giải:
    Cho trẻ nhỏ tắm nắng buổi sáng để cơ thể cứng cáp.




    Bài C6 trang 147 sgk vật lý 9. Hãy kể một số dụng cụ chạy bằng pin Mặt Trời. Mô tả hình dạng bên ngoài của một pin Mặt Trời và cách làm cho nó hoạt động.
    Bài giải:
    Máy tính bỏ túi, đồng hồ đeo tay... là những dụng cụ có thể sử dụng pin Mặt Trời. Pin Mặt Trời thường có dạng một tấm phẳng để hứng ánh sáng Mặt Trời chiếu đến. Thông thường, khi ánh sáng Mặt Trời chiếu vào đó thì năng lượng của ánh sáng Mặt Trời sẽ trực tiếp chuyển hóa thành điện năng.




    Bài C7 trang 148 sgk vật lý 9. Muốn cho pin Mặt Trời phát điện phải có điều kiện gì ? Khi pin hoạt động, nó có nóng lên không ? Như vậy, pin hoạt động được có phải do tác dụng của ánh sáng hay không ?
    Bài giải:
    Muốn cho pin Mặt Trời phát điện phải có ánh sáng chiếu vào pin. Khi pin hoạt động thì nó không nóng lên, hoặc nóng lên không đáng kể. Do đó, pin hoạt động được không phải do tác dụng nhiệt của ánh sáng. Muốn khẳng định kết luận này thì ta đem pin vào chỗ tối lờ mờ rồi áp tay vào pin cho nó nóng lên hơn cả lúc chiếu sáng vào nó, thế mà nó vẫn không hoạt động.




    Bài C8 trang 148 sgk vật lý 9. Tương truyền rằng Ác-si-mét đã dùng gương để đốt cháy các chiếc thuyền của người La Mã đến xâm phạm thành Xi-ra-quy-xơ, quê hương của ông. Ác-si-mét đã sử dụng tác dụng gì của ánh sáng Mặt Trời ?
    Bài giải:
    Ác-si-mét đã sử dụng tác dụng nhiệt của ánh sáng Mặt Trời.




    Bài C9 trang 148 sgk vật lý 9. Bố mẹ thường khuyên con cái thỉnh thoảng phải ra ngoài nắng để cho cơ thể được cứng cáp, khỏe mạnh. Bố mẹ định nói đến tác dụng gì của ánh sáng Mặt Trời ?
    Bài giải:
    Bố, mẹ định nói đến tác dụng sinh học của ánh sáng Mặt Trời.




    Bài C10 trang 148 sgk vật lý 9. Tại sao về mùa đông nên mặc quần áo màu tối, còn về mùa hè nên mặc quần áo màu sáng ?
    Bài giải:
    Về mùa đông nên mặc quần áo màu tối vì quần áo màu tối hấp thụ nhiều năng lượng của ánh sáng Mặt Trời và sưởi ấm cho cơ thể. Về mùa hè nên mặc quần áo màu sáng để nó hấp thụ ít năng lượng của ánh sáng Mặt Trời, giảm được sự nóng bức khi ta đi ngoài nắng.