Vẻ đẹp hình tượng người lính qua bài thơ Đồng chí (Chính Hữu) và Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật)

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Vẻ đẹp hình tượng người lính qua bài thơ Đồng chí (Chính Hữu) và Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật)


    13.jpg
    • Mở bài:
    Đối tượng phản ánh của nền văn học Cách mạng 1945 -1975 chính là tổ quốc, là người lính chiến đấu, là nhân dân anh hùng. Hình tượng người lính trong hai bài thơ Đồng chí của Chính Hữu và Bài thơ về tiểu đội xe không kính của Phạm Tiến Duật là hình tượng đẹp, đã góp phần tô đậm bức chân dung người lính Cụ Hồ với những phẩm chất anh hùng, đáng được ngợi ca.
    • Thân bài:
    Đề tài về người lính là đề tài truyền thống trong văn học, thể hiện vẻ đẹp mạnh mẽ, anh hùng của những con người gánh vác trách nhiệm bảo vệ đất nước, non sông.

    Hình tượng người lính trong hai bài thơ:

    Hình tượng người lính chống Pháp qua bài Đồng chí (Chính Hữu):


    Đồng chí được viết đầu xuân 1948, sau chiến thắng Việt Bắc thu đông 1947. Với bút pháp hiện thực và lãng mạn, bài thơ đã khắc hoạ hình tượng người lính với những phẩm chất tốt đẹp, ghi dấu ấn những năm tháng gian khổ trong buổi đầu kháng chiến:
    Họ là những người lính xuất thân từ ruộng đồng lam lũ. Rất nhanh chóng, họ gắn bó với nhau bởi mục đích, lí tưởng chung:

    “Quê hương anh nước mặn, đồng chua
    Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá
    Anh với tôi đôi người xa lạ
    Tự phương trời chẳng hẹn quen nhau”.

    Vì tổ quốc thiêng liêng và khát vọng cuộc sống hòa bình, tự do, họ sẵn sàng ra đi vì nghĩa lớn, bỏ lại những gì quý giá, thân thiết nhất nơi làng quê:

    “Ruộng nương anh gửi bạn thân cày
    Gian nhà không mặc kệ gió lung lay”

    Cuộc sống nơi rừng sâu nước độc, họ sẵn sàng cùng nhau chịu đựng, san sẻ những khó khăn, thiếu thốn của cuộc đời người lính:

    “Áo anh rách vai
    Quần tôi có vài mảnh vá
    Miệng cười buốt giá
    Chân không giày”

    Trong gian khó, họ đã vun đắp tình đồng chí đồng đội thắm thiết: chia sẻ, thấu hiểu tâm sự của nhau ; đoàn kết gắn bó

    “Thương nhau tay nắm lấy bàn tay!
    Đêm nay rừng hoang sương muối
    Đứng cạnh bên nhau chờ giặc tới”

    Không chỉ thế, dù cuộc sống cso khắc nghiệt đến đâu, kẻ thù có ngoan cố đến thế nào, họ vẫn luôn hướng về ánh sáng, hướng về cái đẹp: “Đầu súng trăng treo”.
    Bài thơ Đồng chí đã làm sống lại một thời khổ cực của cha anh ta, làm sống lại chiến tranh ác liệt. Bài thơ khơi gợi lại những kỉ niệm đẹp, những tình cảm tha thiết gắn bó yêu thương mà chỉ có những người đã từng là lính mới có thể hiểu và cảm nhận hết được.
    Với nhiều hình ảnh chọn lọc, từ ngữ gợi cảm mà lại gần gũi thân thuộc, với biện pháp sóng đôi, đối ngữ được sử dụng rất thành công, Chính Hữu đã viết nên một bài ca với những ngôn từ chọn lọc, bình dị mà có sức ngân vang. Bài thơ đã ca ngợi tình đồng chí hết sức thiêng liêng, như là một ngọn lửa vẫn cháy mãi, bập bùng không bao giờ tắt, ngọn lửa thắp sáng đêm đen của chiến tranh.

    Hình tượng người lính thời chống Mĩ qua bài Bài thơ về tiểu đội xe không kính (Phạm Tiến Duật)

    Ra đời trong bối cảnh cuộc kháng chiến chống Mĩ ác liệt, Bài thơ về tiễu đội xe không kinh đã dựng lại một cách tự nhiên, chân thật cuộc sống chiến đấu gian khổ nhưng phơi phới lạc quan của những chiến sĩ lái xe trên tuyến đường Trường Sơn.
    Tuy hiện thực chiến tranh vô cùng khốc liệt nhưng người lính lái xe vẫn luôn giữ tư thế hiên ngang, ung dung:

    “Ung dung buồng lái ta ngồi,
    Nhìn đất, nhìn trời, nhìn thẳng”

    Xe không có kính khiến cho cả thế giới sinh động pho bay ra trước mắt họ:

    “Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng
    Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim
    Thấy sao trời và đột ngột cánh chim
    Như sa, như ùa vào buồng lái”

    Thái độ bất chấp gian khổ, hiểm nguy, họ tràn đầy tinh thần lạc quan:

    “Không có kính, ừ thì có bụi,
    Bụi phun tóc trắng như người già
    Chưa cần rửa, phì phèo châm điếu thuốc
    Nhìn nhau mặt lấm cười ha ha”.

    Ở họ là tình cảm đồng chí đồng đội keo sơn, thắm thiết, bền chặt, cùng vào sinh ra tử, sống chết có nhau:

    “Những chiếc xe từ trong bom rơi
    Ðã về đây họp thành tiểu đội
    Gặp bè bạn suốt dọc đường đi tới
    Bắt tay qua cửa kính vỡ rồi.
    Bếp Hoàng Cầm ta dựng giữa trời
    Chung bát đũa nghĩa là gia đình đấy”

    Ở họ là tinh thần yêu nước, ý chí quyết chiến quyết thắng, tất cả vì miền Nam ruột thịt. Khi nào miền Nam còn bóng giặc là khi đó họ sẵn sàng lên đường. Không có gì có thể ngăn chuyến xe của họ đi tới:

    “Võng mắc chông chênh đường xe chạy
    Lại đi, lại đi trời xanh thêm.
    Không có kính, rồi xe không có đèn,
    Không có mui xe, thùng xe có xước,
    Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước:
    Chỉ cần trong xe có một trái tim.”

    Chính tình đồng chí, đồng đội đã biến thành động lực giúp các anh vượt qua khó khăn, nguy hiểm, chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thân yêu. Sức mạnh của người lính thời đại Hồ Chí Minh là vẻ đẹp kết hợp truyền thống và hiện đại. Họ là hiện thân của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là hình tượng đẹp nhất của thế kỷ “Như Thạch Sanh của thế kỷ hai mươi” (Tố Hữu). Chất thơ toát ra từ những hình ảnh độc đáo, từ cảm hứng về vẻ hiên ngang, dũng cảm, sự sôi nổi trẻ trung của những người lính lái xe, từ ấn tượng cảm giác được miêu tả cụ thể, sống động và gợi cảm.

    Nhận xét, đánh giá:
    Hai bài thơ đều khắc họa rất chân thật, sinh động và thành công hình tượng người lính : từ sự mộc mạc, chân chất trong suy nghĩ của những người lính xuất thân từ đồng ruộng trong Đồng chí cho đến cách sống lạc quan, trẻ trung, có phần ngang tàng của những người lính lái xe trong Bài thơ về tiểu đội xe không kính. Chính những điều này đã tạo nên nét riêng độc đáo về hình tượng, để lại dấu ấn trong lòng người đọc.
    Bằng tài năng, những trải nghiệm và sự gắn bó hết mình với cuộc sống của người lính, hai nhà thơ – chiến sĩ Chính Hữu và Phạm Tiến Duật đã có được tiếng nói chung trong cảm hứng ngợi ca về người lính. Vì thế, tuy ra đời trong hoàn cảnh, thời gian khác nhau, cả hai bài thơ đều làm bật lên những phẩm chất cao đẹp, quý báu của người lính Cụ Hồ : tinh thần dũng cảm; ý chí vượt qua khó khăn, gian khổ; lòng lạc quan yêu đời, tinh thần sẵn sàng chiến đáu hi sinh vì nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc.
    • Kết luận:
    Hình tượng người lính trong hai bài thơ mang vẻ đẹp của con người Việt Nam trong thời đại cách mạng : bình dị nhưng chói sáng tinh thần yêu nước. Đây là hình tượng đẹp, khơi gợi ở người đọc những cảm xúc tự hào, cảm phục và biết ơn sau sắc đối với những người đã không tiếc xương máu của mình quyết tử cho tổ tổ quốc quyết sinh.