Viết bài tập làm văn số 1 - Văn tự sự và miêu tả - Ngữ văn 7

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Tóm tắt bài
    1. Ôn lại những kến thức chung về văn tự sự
    a. Khái niệm
    • Văn tự sự hay còn gọi là văn kể chuyện (tường thuật lại chuyện) hay kể chuyện đời thường, kể truyện tượng tượng
    b. Yêu cầu
    • Với bài tự sự kể chuyện đời thường
      • Biết sắp xếp sự việc theo một trình tự có ý nghĩa.
      • Trình bày bài văn theo một bố cục mạch lạc 3 phần.
      • Tuỳ theo yêu cầu đối tượng kể để lựa chọn tình huống và sắp xếp sự việc có ý nghĩa.
    • Với bài tự sự kể chuyện tưởng tượng
      • Biết xây dựng cốt truyện tạo tình huống tưởng tượng hợp lý.
      • Câu chuyện tưởng tượng phải có ý nghĩa và bố cục rõ ràng (theo kết cấu 3 phần của bài tự sự)
    c. Bố cục
    • Mở bài
      • Giới thiệu chung về nhân vật và sự việc.
    • Thân bài
      • Kể diễn biến sự việc.
        • Khi kể chuyện, cụ thể kể các sự việc liên tiếp nhau theo thứ tự tự nhiên, việc gì xảy ra trước kể trước, việc gì xảy ra sau kể sau, cho đến hết.
        • Nhưng để gây chú ý bất ngờ, hoặc để thể hiện tình cảm nhân vật, ta có thể đem kết quả, sự việc hiện tại kể ra trước; sau đó mới dùng cách kể bổ sung hoặc để nhân vật nhớ lại và kể tiếp các sự việc xảy ra trước đó.
    • Kết bài
      • Kể kết cục sự việc.
      • Nêu cảm nghĩ về truyện.
    d. Một số đề gợi ý
    Đề 1. Trong vai Âu Cơ (hoặc Lạc Long Quân), hãy kể lại câu chuyện "Con Rồng cháu Tiên".

    Đề 2. Tưởng tượng và kể lại cuộc gặp gỡ với một nhân vật trong truyền thuyết mà em đã học.

    Đề 3. Tưởng tượng và kể lại chuyện cổ tích "Sọ Dừa" theo một kết thúc mới.

    Đề 4. Kể lại một kỷ niệm đáng nhớ thời thơ ấu của mình.

    Đề 5. Hãy tưởng tượng và kể lại cuộc trò chuyện, tâm sự giữa các đồ dùng học tập.

    Đề 6. Tưởng tượng cuộc thi của các loài hoa và trong vai một loài hoa, em hãy kể lại cuộc thi đó.

    Đề 7. Kể về một thầy (cô) giáo kính yêu nhất của em.

    2. Ôn lại những kến thức chung về văn miêu tả
    a. Khái niệm
    • Văn miêu tả là loại văn giúp người đọc, người nghe hình dung những đặc điểm, tính chất nổi bật của một sự vật, sự việc, con người, phong cảnh…. làm cho đối tượng miêu tả như hiện lên trước mắt người đọc, người nghe.
    b. Yêu cầu
    • Tả cảnh
      • Xác định đối tượng miêu tả: Cảnh nào? Ở đâu? Vào thời điểm nào?
      • Quan sát lựa chọn được những hình ảnh tiêu biểu.
      • Trình bày những điều quan sát được theo một thứ tự.
    • Tả người
      • Tả chân dung nhân vật (cần tả nhiều về ngoại hình, tính nết…)
      • Tả người trong tư thế làm việc (tả người trong hành động: Chú ý các chi tiết thể hiện cử chỉ, trạng thái, cảm xúc)
    • Miêu tả sáng tạo
      • Tả cảnh phải bám vào một số nét thực của đời sống.
      • Ví dụ khi tả một phiên chợ trong tưởng tượng của em cần dựa trên những đặc điểm thường xảy ra của cảnh đó làm cơ sở tưởng tượng như:
        • Thời tiết, khí hậu ra sao?
        • Không khí của cảnh, số lượng người với những lứa tuổi, tầng lớp nào? Chợ diễn ra ở địa điểm nào?
        • Tả người trong tưởng tưởng: Nhân vật thường là những người có đặc điểm khác biệt với người thường như các nhân vật ông Tiên, ông Bụt trong cổ tích hay một người anh hùng trong truyền thuyết. Cần dựa vào đặc điểm có tính bản chất để tưởng tượng những nét ngoại hình cho phù hợp, tạo sự hấp dẫn.
    c. Bố cục
    • Bố cục của một bài văn tả cảnh
      • Mở bài
        • Giới thiệu cảnh được tả
      • Thân bài
        • Tập trung tả cảnh vật chi tiết theo một thứ tự
      • Kết bài
        • Thường phát biểu cảm tưởng về cảnh vật miêu tả.
    • Bố cục một bài văn tả người
      • Mở bài
        • Giới thiệu người được tả (chú ý đến mối quan hệ của người viết với nhân vật được tả, tên, giới tính và ấn tượng chung về người đó)
      • Thân bài
        • Miêu tả khái quát hình dáng, tuổi tác, nghề nghiệp.
        • Miêu tả chi tiết: ngoại hình, cử chỉ, hành động, lời nói… (chú ý tả người trong công việc cần quan sát tinh tế vào các động tác của từng bộ: Khuôn mặt thay đổi, trạng thái cảm xúc, ánh mắt…).
        • Thông qua tả để khơi gợi tính cách nhân vật: Qua tả các chi tiết người đọc có thể cảm nhận được tính cách của đối tượng và thái độ của người miêu tả đối với đối tượng đó.
      • Kết bài
        • Nhận xét hoặc nêu cảm nghĩ của người viết về người được miêu tả.
    d. Một số đề gợi ý
    Đề 1. Em hãy tả dòng sông mùa lũ.

    Đề 2. Hãy miêu tả ngôi nhà em ở.

    Đề 3. Em hãy miêu tả quang cảnh tưng bừng nơi em ở vào một ngày đầu xuân mới.

    Đề 4. Miêu tả một cảnh đẹp mà em đã gặp trong mấy tháng nghỉ hè (có thể phong cảnh nơi em nghỉ mát hoặc cánh động hay rừng núi quê em).

    Đề 5. Từ bài văn Lao xao của Duy Khán, em hãy tả lại khu vườn trong một buổi sáng đẹp trời.


    Bài tập minh họa
    Ví dụ
    Đề 1. Miêu tả cô giáo đang say sưa giảng bài trên lớp.

    Gợi ý làm bài

    1. Yêu cầu

    • Kiểu bài
      • Văn tả người.
    • Nội dung
      • Miêu tả qua dáng vóc, cách ăn mặc... đặc biệt là những chi tiết liên quan đến tính cách, phẩm chất... của cô.
      • Khi tả cô giáo đang giảng bài, cần chú ý các chi tiết: giọng điệu, cử chỉ, nội dung bài được cô thể hiện như thế nào? Bài giảng của cô tác động như thế nào đối với người nghe?
      • Cô có ý nghĩa với tuổi thơ của người viết như thế nào?
    • Hình thức
      • Lời văn giàu cảm xúc, thể hiện tình cảm trân trọng gần gũi, thân thương đối với cô giáo.
    2. Dàn bài

    a. Mở bài

    • Giới thiệu khung cảnh lớp học, tên cô giáo hoặc tên môn học.
    b. Thân bài

    • Miêu tả những nét tiêu biểu về cử chỉ, hình dáng, điệu bộ, biểu hiện sư phạm của cô giáo... gắn với diễn biến của bài học hoặc giờ học.
    c. Kết bài

    • Nêu cảm nghĩ của em về cô giáo qua giờ học đó.
    Bài văn tham khảo

    Đối với mỗi người chúng ta chắc hẳn đều có những ấn tượng hay những kỉ niệm mà ta không thể nào quên được. Đó đơn giản chỉ là những buổi tựu trường hay những hôm khai giảng và cả những người bạn khó quên. Còn đối với riêng tôi thi hình ảnh cô giáo chủ nhiệm say sưa giảng bài luôn để lại trong tôi những ấn tượng khó quên đối với tôi.

    Đó là cô Mai cô giáo dạy văn và cũng là cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi. Cô mới làm cô giáo chủ nhiệm trong lớp chúng tôi khi chúng tôi mới bước vào năm học lớp sáu. Cô là một cô giáo rất nhiệt tình, rất chu đáo đối với chúng tôi nên có thể nói cô là cô giáo được tất cả lũ học sinh trong lớp chúng tôi yêu quý. Lớp chúng tôi không phải là một lớp chuyên văn mà là một lớp chuyên toán thế nên việc học văn đối với chúng tôi mà nói là một việc khó khăn. Thế nhưng chính cô đã truyền cho chúng tôi những cảm hứng về môn văn để chúng tôi dần dần yêu thích nó hơn chứ không ghét nó như trước kia nữa. Môn văn dần dần đến với chúng tôi thật nhẹ nhàng như cái cách giảng bài say sưa và giọng nói truyền cảm của cô đối với chúng tôi. Cô là một cô giáo cũng ở quê chúng tôi chính vì thế mà cô rất hiểu những đứa trẻ khó khăn như chúng tôi. Cô không chỉ đứng trên lớp giảng bài mà thường xuyên đến chỗ chúng tôi, xem chúng tôi ghi chép ra sao. Những lúc như thế nhìn ánh mắt cô thật nghiêm nghị nhưng cũng thật trìu mến; trong đó có cả tình yêu thương của cô dành cho lũ học trò chúng tôi nữa.

    Cô để lại trong chúng tôi rất nhiều những kỉ niệm nhưng đối với riêng tôi thì cái tiết học văn của chúng tôi khi mới bước vào lớp sáu luôn để lại trong chúng tôi những kỉ niệm khó quên về cách giảng bài say sưa nhưng cũng đầy cuốn hút của cô. Hôm ấy tôi vẫn còn nhớ như in cô giáo tôi mặc một chiếc áo dài màu vàng càng làm tôn thêm những nét đẹp trên con người cô. Trông cô thật dịu dàng với tà áo dài đó và cô như đang đưa một làn gió, một không khí đến cho lớp học của chúng tôi. Cô giới thiệu về bản thân mình cho chúng tôi rồi chỉ một lát sau cô đã dẫn dắt chúng tôi đến với tiết học đầu tiên. Chúng tôi ngồi dưới lớp đứa nào đứa đấy chăm chú từng hành động, từng cử chỉ của cô. Bàn tay mềm mại với những ngón tay búp măng nhỏ nhỏ, xinh xinh của cô dần dần viết những nét chữ rất đẹp mà chúng tôi cứ nghĩ những nét chữ ấy chỉ có trong những quyển tập viết của chúng tôi thôi. Tà áo dài thướt tha ấy đi đi lại lại trên bục giảng khiến chúng tôi cảm thấy đây không giống một buổi học văn thông thường nữa mà là một buổi thảo luận về văn thì đúng hơn bởi chính sự hiền dịu của cô dành cho chúng tôi. Tấm bảng đứng bắt đầu dày những phấn trắng; những nét chữ đều đặn, gọn gàng, chỗ thanh chỗ đậm, chỗ được gạch chân được cô trình bày rất khoa học chứng tỏ người viết là một người cực kì cẩn thận. Nhìn nét chữ của cô chúng tôi càng ngại ngùng về tính cẩu thả của mình.

    Cô giới thiệu cho chúng tôi một cách chi tiết về hoàn cảnh ra đời cũng như nội dung chính của tác phẩm, cô nói đây là một bài văn khó nên chúng tôi cần chú ý. Sau đó cô hướng dẫn cho chúng tôi về cách đọc tác phẩm sao cho truyền cảm nhất. Cô đọc cho chúng tôi một đoạn đầu, cả lớp tôi ngồi im phăng phắc nghe cô đọc. Chao ôi, sao giọng cô truyền cảm và ấm áp như vậy, chúng tôi chưa được nghe một giọng đọc nào hay đến vậy. Cô say sưa đọc từng dòng chữ cho chúng tôi mà không vấp một chữ nào, chúng tôi đứa nào đứa đấy tròn mắt vì cô đọc rất lưu loát đoạn văn này. Cô đặt câu hỏi cho chúng tôi trả lời mỗi khi có câu hỏi nào khó cô lại gợi ý cho chúng tôi, cô không chỉ dùng lời mà cô còn dùng cánh tay làm hành động để cho chúng tôi hiển nữa. Ở những câu hỏi ấy cô còn cho điểm để cho chúng tôi hào hứng hơn. Những bạn không trả lời được cô hơi chau mày rồi cô từ từ giảng lại cho bạn ấy hiểu được. Ở những chi tiết khó cô thường nhấn mạnh nói lại một vài lần để cho chúng tôi có thể nhớ được. Cô không giảng một cách nhanh chóng mà cô luôn hỏi chúng tôi đã hiểu bài chưa. Những khi như thế chúng tôi đồng thanh đáp “chúng em hiểu bài rồi ạ!”. Những lúc như thế cô mỉm cười rồi lại tiết tục giảng. Một tiết học đầu tiên của cô diễn ra vô cùng nhanh chóng, chúng tôi đứa nào đứa đấy đều không muốn kết thúc buổi học một chút nào bởi cô giảng cho chúng tôi rất hấp dẫn.

    Tiết học đã tan mà những lời giảng dạy của cô vẫn còn văng vẳng bên tai chúng tôi. Cô không chỉ lại ở một người dạy văn mà cô còn là một người truyền cảm hứng cho chúng tôi để chúng tôi yêu văn hơn, hiểu văn hơn.

    Đề 2. Hãy kể một chuyến du lịch trong thế giới cổ tích, gặp gỡ với nhân vật mà em yếu mến nhất.

    Gợi ý làm bài

    1. Yêu cầu

    • Kiểu bài
      • Kể chuyện tưởng tượng.
    • Nội dung
      • Tưởng tượng và kể lại hoàn cảnh gặp gỡ với nhân vật (trong một giấc mơ sau khi được học, được đọc hoặc nghe kể về câu chuyện có nhân vật ấy khi đi tham quan đến một nơi có khung cảnh thiên nhiên gợi nhớ đến câu chuyện và nhân vật...).
      • Kể lại diễn biến: Căn cứ sự việc liên quan đến nhân vật (do nhân vật tạo ra hoặc liên quan đến nhân vật).
    • Hình thức
      • Xây dựng một số lời thoại với nhân vật để từ đó hiểu thêm về nhân vật, hiểu thêm ý nghĩa truyện...
      • Kể đan xen với tả, bộc lộ cảm xúc.
    2. Dàn bài

    a. Mở bài

    • Giới thiệu chung: Đêm hè, nghe bà kể chuyện, em mơ thấy biết bao chuyện lạ trong thế giới cổ tích.
    b. Thân bài

    • Kể lại câu chuyện:
      • Em gặp gỡ và trò chuyện với Lang Liêu trong truyền thuyết "Bánh chưng, bánh Giầy".
      • Gặp gỡ chị Tấm trong cổ tích "Tấm Cám".
      • Gặp hai anh em Tân và Lang trong "Sự tích trầu cau".
      • Gặp Sọ Dừa và nàng út trong truyện "Sọ Dừa".
    c. Kết bài

    • Cảm nghĩ của em
      • Tỉnh dậy trong cảm giác vui sướng, hạnh phúc.
      • Càng yêu quý bà hơn.
    Bài văn tham khảo

    Đêm mùa hè, vầng trăng dịu dàng toả sáng khắp nơi. Ánh trăng chảy tràn qua kẽ lá, đọng từng giọt sáng lung linh trên chiếc chõng tre, nơi bà cháu em đang nằm hóng mát. Bà em có cả một kho truyện cổ tích mà lúc nào em cũng háo hức đón nghe. Tiếng bà kể chậm rãi thủ thỉ bên tai; em thấy mình bổng bềnh lơ lửng trong thế giới thần kì...

    Tiếng trống đồng rộn rã đâu đây. A, hôm nay là ngày vua Hùng mở hội chọn người kế vị. Hai mươi vị hoàng tử đã vào cung, các lễ vật lần lượt được dầng lên. Chao ôi, toàn những sản vật quý hiếm trên rừng dưới biển, những ngọc ngà châu báu lấp loá dưới ánh mặt trời. Vua Hùng vẫn như còn băn khoăn điều gì. Vừa lúc đó, Lang Liêu bước vào. Khác với các anh, Lang Liêu vẫn mặc bộ quần áo nâu giản dị thường ngày. Chàng kính cẩn mở mâm lễ vật dâng vua cha. Một mùi thơm vừa mộc mạc vừa tinh khiết dậy lên. Vua Hùng tươi nét mặt và phán rằng:

    - Đây mới chính là thứ lễ vật quý giá ta từng mong đợi! Lang Liêu, con xứng đáng là người nối ngôi cha!

    Lạ lùng quá! Lễ vật gì đã khiến cho vua Hùng hài lòng đến thế? Em vội vã bước tới gần Lang Liêu:

    - Lang Liêu ơi, chàng đã dâng vua cha lễ vật gì vậy?

    Lang Liêu mỉm cười:

    - Cô bé ơi, có gì đâu! Tôi đã dùng gạo nếp, đậu xanh, thịt lợn, để làm ra hai thứ bánh dâng lên vua cha. Bánh Chưng vuông tượng trưng cho mặt đất, bánh Giầy tròn là hình ảnh của bầu trời. Bằng chính sức lao động của minh, tôi muón dâng lên Tiên Vương và vua cha cả trời đất này!

    - Chà! Hay thật! Lang Liêu ơi! Chàng sẽ là vị vua hiền tài nhất của muôn dân.

    Tạm biệt Lang Liêu, em bước tiếp. Đang mải mê ngắm nhìn cỏ cây, hoa lá, em bỗng giật mình nghe tiếng khóc tức tưởi đâu đây. Kia rồi... bên bờ giếng có một cô gái quần áo rách rưới đang khóc. Chẳng lẽ chị Tấm đây sao?! Em khe khẽ hỏi:

    - Chị Tấm ơi, chị có điều chi oan ức vậy?

    Chị Tấm ôm mặt nức nở:

    - Mẹ con nhà Cám đã giết Bống của tôi rồi! Hu... hu...

    Em lau nước mắt cho chị:

    - Nín đi chị Tấm! Một con cá Bống bé nhỏ, có gì mà chị phải tiếc thương đến thế!

    - Nhưng đối với tôi lúc này, Bống là tất cả! Bống là người bạn tâm tình, là niềm an ủi. Mất Bống, tôi đau khổ lắm!

    Hiểu được nỗi lòng của chị, em dịu dàng khuyên:

    - Một cô gái chăm ngoan, nhân hậu như chị nhất định sẽ được hạnh phúc, chị Tấm ạ!

    Chị Tấm nhìn em, mắt ánh lên niềm hi vọng và tin tưởng.

    Bỗng nhiên, một vầng hào quang loé sáng, Bụt xuất hiện ngay trước mặt. Đưa tay chậm rãi vuốt chòm râu bạc trắng như bông, Bụt ân cần nói với chị Tấm:

    - Cháu đừng buồn nữa! Cháu hãy tìm xương Bống bỏ vào lọ rồi chôn xuống chân giường. ít lâu sau, điều kì diệu sẽ đến với cháu đấy, cháu ạ!

    Chị Tấm chưa kịp cảm ơn thì Bụt đã biến mất sau làn khói sương hư ảo. Em cùng chị tìm xương Bống nhưng tìm hoài không thấy. May sao con gà tốt bụng đã giúp chị tìm ra. Chị Tấm làm theo lời Bụt dặn. Lúc chia tay, em chúc chị gặp nhiều may mắn.

    Em lại thong dong bước tiếp. Trên bãi cỏ non xanh, một bầy hươu dang nhởn nhơ gặm cỏ. Em mải mê bước theo chú hươu sao có cặp sừng tuyệt đẹp. Một khu rừng hiện ra trước mắt em. Tiếng chim hót ríu rít, suối chảy róc rách, những bông hoa rực rỡ lạ kì đang ngả đầu vào nhau thì thầm trò chuyện. Em dừng lại trước một tảng đá lớn màu trắng đục. Cạnh tảng đá là một cây cau cao vút, tàu cau rủ xuống như âu yếm, chở che. Một dây trầu với những chiếc lá xanh mượt mềm mại quấn chặt lấy thân cau như chẳng muốn rời.

    Em thốt lên thích thú:

    - Ổ! Thì ra anh em, vợ chồng nhà họ Cao đã gặp nhau ở chốn này!

    - Đúng đấy cô bé ạ!

    Em giật mình ngẩng lên. Ngọn cau lắc lư thổ lộ tâm tình:

    - Cô bé ơi, ta đã nghi ngờ vợ và em trai, những người thân yêu nhất của ta. Ta dã mắc phải một lỗi lầm không thể tha thứ. Nhưng điều may mắn cuối cùng là gia đình ta đoàn tụ ở đây thành một tổ ấm vĩnh hằng. Cô bé ơi, hãy trân trọng tình máu thịt và đừng dể tâm hồn bị vấy bẩn bởi những điều nghi kị xấu xa...

    Một giọt nước trong suốt như nước mắt từ tàu cau rơi xuống lá trầu không rồi rơi xuống tảng đá. Mắt em bỗng cay cay. Tình cảm yêu thương gắn bó của ba con người tội nghiệp này làm cho em cảm động.

    Em tiếp tục cuộc phiêu du. Đến khi mỏi chân, em dừng lại trước cảnh tượng kì lạ: Một chàqg trai tuấn tú nằm trên chiếc võng đào mắc giữa hai thân cây đang say sưa thổi sáo. Trên triền đồi, đàn bò đông đúc đang thong dong gặm cỏ. Em vạch kẽ lá ra nhìn, sợ rằng một tiếng động mạnh lúc này sẽ phá hỏng mọi chuyện. Tiếng sáo vẫn dìu dặt như tâm tình, như mời gọi.

    Bỗng có tiếng cành cây khô gãy dưới bước chân. Chàng trai biến mất, chỉ còn Sọ Dừa lăn lóc trên đám cỏ xanh. Có lẽ đây là chàng Sọ Dừa trong câu chuyện cổ tích bà đã kể cho em nghe nhiều lần.

    Lát sau, một cô gái xinh đẹp tươi cười bước tới bên chàng. Nàng mở chiếc giỏ mây ra, lấy cơm canh ân cần mời chàng ăn. Sọ Dừa ăn uống ngon lành. Trong khi đó, cô gái nhìn chàng với ánh mắt đầy thiện cảm.

    Khi cô gái ra về, em vội vàng chạy theo và hỏi:

    - Chị ơi! Chị có phải là nàng Út con gái phú ông không? Tại sao chị lại yêu chàng Sọ Dừa xấu xí ?

    Nàng út tươi cười đáp:

    - Em lạ lắm phải không? Lần đầu gặp Sọ Dừa, chị cũng có cảm giác sợ hãi như mọi người. Nhưng thấy ai cũng xa lánh chàng, mà chàng nào có tội tình gì nên chị lại thấy thương thương. Chàng phải chịu thiệt thòi quá nhiều. Chị muốn làm vơi đi phần nào nỗi cô đơn buồn tủi của chàng. Dần dần, chị đã quên hẳn cái vỏ ngoài xấu xí của chàng. Chị nhận thấy chàng là một con người hiếu thảo, siêng năng và có một tâm hồn đẹp đẽ. Chị say mê tiếng sáo của chàng và chị đã yêu chàng từ lúc nào chẳng rộ.

    - Ôi! Chị xinh đẹp và nhân hậu quá! Em chúc chị và chàng Sọ Dừa của chị dược sống hạnh phúc bên nhau !

    Em vừa dứt lời thì một đám mây ngũ sắc sà xuống bao quanh Sọ Dừa. Thoáng chốc mây tan, một chàng trai tuấn tú hiện ra. Chàng dịu dàng nắm tay nàng út. Nàng út bối rối định rụt tay lại thì một giọng nói trầm ấm quen thuộc vang lên:

    - Nàng đừng sợ! Ta chính là Sọ Dừa đây! Tấm lòng nhân hậu của nàng và lời cầu chúc chân thành của cô bé đã giúp ta trở lại làm người.

    Nàng Út nắm tay em và thốt lên sung sướng:

    - Trời ơi! Chị biết lấy gì để đền ơn em đây!

    - Em xin chúc mừng anh chị!

    Em choàng tỉnh dậy. Bà vẫn nằm bên cạnh, miệng móm mém nhai trẩu. Mùi trầu nồng ấm phảng phất xung quanh. Em ôm chặt lấy bà rồi thầm thì: “Bà ơi! Bà chính là bà tiên đầy phép màu nhiệm. Bà đã cho cháu những giấc mơ thật tuyệt vời!”.