Ánh sáng khác thường của ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu trên bầu trời văn nghệ Việt Nam (Phạm Văn Đồng)

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Ánh sáng khác thường của ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu trên bầu trời văn nghệ Việt Nam (Phạm Văn Đồng)

    Bài làm:

    Mở bài:

    Nói đến Phạm Văn Đồng chúng ta biết đến ông với cương vị một nhà chính trị, nhà cách mạng, nhà ngoại giao tài ba, hơn nữa ông còn là nhà giáo dục, nhà lí luận văn hóa. Mặc dù công việc chính trị, ngoại giao của đất nước bận rộn nhưng ông vẫn dành thời gian để tìm hiểu và viết về các danh nhân văn hóa Việt Nam như Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Chí Minh… Tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc như một nén hương thắp lên nhân kỉ niệm 75 năm ngày mất của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Tác phẩm thể hiện quan điểm, cách nhìn tiến bộ và mới mẻ của Phạm Văn Đồng về Nguyễn Đình Chiểu. Ông gọi Nguyễn Đình Chiểu là “ngôi sao sáng có ánh sáng khác thường (…) càng nhìn càng thấy sáng”.

    Thân bài:

    Vì quá tôn vinh hay say mê Nguyễn Đình Chiểu mà tác giả Phạm Văn Đồng gọi Nguyễn Đình Chiểu là ngôi sao có “ánh sáng khác thường” chăng? Người đọc khi đọc tác phẩm không thấy điều đó. Phạm Văn Đồng dựa trên cơ sở, căn cứ xác đúng, suy nghĩ sâu rộng để viết, đánh giá về Nguyễn Đình Chiểu.
    Trước hết Phạm Văn Đồng nhận ra “ánh sáng khác thường” của ngôi sao Nguyễn Đình Chiểu thể hiện qua cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu là một chiến sĩ, hi sinh phấn đấu vì nghĩa lớn.
    Nói về cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu, Phạm Văn Đồng không viết lại tiểu sử mà chỉ nhấn mạnh vào khí tiết của một người chiến sĩ yêu nước, trọn đời phấn đấu hi sinh vì nghĩa lớn. Đó là một “tâm hồn trong sáng và cao quý lạ thường”. Đất nước, cảnh riêng càng đen tối long đong thì khí tiết thanh cao của Nguyễn Đình Chiểu càng bộ lộ rạng rỡ và cao cả. Điều đó đủ thể hiện trong thơ văn của ông:

    Sự đời thà khuất đôi tròng thịt
    Lòng đạo xin tròn một tấm gương!​

    Câu thơ thể hiện khí tiết thanh cao như môt tấm gương, luôn giữ trọn đạo lí của Nguyễn Đình Chiểu chỉ ở khí tiết, Phạm Văn Đồng còn nói về quan niệm thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu. Với Nguyễn Đình Chiểu, văn với đời là một, văn thơ phải là vũ khí chiến đấu, phục vụ đạo lí chính nghĩa “đánh thẳng vào giặc ngoại xâm và tôi tớ của chúng”.
    Chắc hẳn khi học nhiều nguyễn Đình Chiểu chúng ta không quên câu thơ của ông nói về quan niệm văn chương:

    Học theo ngòi bút chí công
    Trong thi cho ngụ tấm lòng Xuân Thu

    Hay

    Chở bao nhiên đạo thuyền không khẳm
    Đâm mấy thằng gian bút chẳng tà.​

    Nguyễn Đình Chiểu đã xác định ngòi bút là vũ khí đâm gian, là ngòi bút chí công tác phẩm văn chương là con thuyền đạo lí, nội dung của văn chương phải khen chê rõ ràng như kinh Xuân Thu, thể hiện tấm lòng Khổng Tử.
    Để chứng minh cho vẻ đẹp của Nguyễn Đình Chiểu về cuộc đời con người và quan niệm văn chương, tác giả sử dụng kiểu câu tăng tiến “càng… càng” mượn câu chữ Hán “kiến nghĩa bất vi” , sử dụng từ ngữ được chọn lọc kĩ lưỡng.
    Để khẳng định Nguyễn Đình Chiểu là ngôi sao có “ánh sáng khác thường”, tác giả chứng minh qua thơ văn yêu của nhà thơ Nam Bộ này. Phạm Văn Đồng đặt tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu trên cái nền của hoàn cảnh lịch sử lúc bấy giờ. Bởi nhà văn chỉ thực sự lớn khi tác phẩm của ông ta đang phản ánh trung thành những đặc điểm bản chất của lịch sử có ý nghĩa đối với đời sống đất nước, nhân dân. Văn thơ Nguyễn Đình Chiểu không nằm ngoài quy luật đó. Bởi thơ văn của ông làm sống lại “phong trào kháng Pháp oanh liệt, bền bỉ của nhân dân Nam Bộ”.
    Đọc thơ văn Nguyễn Đình Chiểu người ta thấy hiện lên cả một thời kì lịch sử với sự phản bội, đầu hàng hèn hạ của Tự Đức mà tác giả kín đáo thốt lên:

    Hỏi trang dẹp loạn rày đâu vắng
    Nỡ để dân đen mắc nạn này
    (Chạy giặc)​

    Hơn thế, chúng ta thấy được phong trào nổi dậy của nhân dân khắp sáu tỉnh Nam Bộ. “Khởi nghĩa Trương Định ở Gò Công, Thủ khoa Huân ở Mĩ Tho, Phan Tôn ở Bến Tre, Nguyễn Trung Trực ở Rạch Giá…”. Đặc biệt thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh của thời đại. Các tác phẩm “ca nời lòng yêu nước của những anh hùng suốt đời tận trung với nước hay thể hiện những hình ảnh “sinh động và não nùng tình cảm của dân tộc với người chiến sĩ của nghĩa quân”. Điểu này Nguyễn Đình Chiểu thể hiện rõ nhất qua bài Văn tế nghĩa sĩ Cần giuộc.
    Đau đớn bấy mẹ già ngồi khóc trẻ ngọn đèn khuya leo lét trong lều.
    Não nùng thay vớ yếu chạy tìm chồng cơn bóng xế dật dờ trước ngõ.
    Hay Thác mà trả nước non rồi nợ (…) au cũng mộ.
    Chính vì vậy, Văn Tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là khúc ca của những người anh hùng thất thế, nhưng vẫn hiên ngang “Sống đánh giặc, thác cũng đánh giặc…”
    Với niềm đam mê, tìm hiểu, cách nhìn nhận, đánh giá mới mẻ, Phạm Văn Đồng nhìn thấy sự sáng tạo độc đáo của Nguyễn Đình Chiểu trong Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Tác giả còn khẳng định đó là những vẫn thơ xuất phát từ bầu nhiệt huyết của tâm hồn Nguyễn Đình Chiểu trào ra qua đầu ngọn bút “ngòi bút, nghĩa là tâm hồn trung nghĩa của nguyễn Đình Chiểu”. Thật mới mẻ và sâu sắc, khi đánh giá về thơ văn yêu nước của Nguyễn Đình Chiểu, tác giả không nhắc lại những vần thơ mà chỉ khát quát và đi sâu phân tishc vào tác phẩm tiêu biểu Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. chứng tỏ, tác giả có trí tuệ, hiểu biết sâu sắc về Nguyễn Đình Chiểu.
    Ở đây có sự kết hợp giữa con tim và khối óc của tác giả tạo những câu văn vào hàng hay nhất, làm rung động lòng người. Xây dựng kết cấu tác phẩm này, Phạm Văn Đồng không đi theo trình tự thời gian mà đi theo mức độ quan trọng, nặng nhẹ của vấn đề. Vì thế, cuối cùng tác giả nhắc đến truyện Lục Vân Tiên và không thể kĩ càng như phần thơ văn yêu nước. tuy nhiên, nói đến Lục Vân Tiên, tác giả nhằm mục đích chứng minh cho luận điểm ban đầu “Nguyễn Đình Chiểu, là ngôi sao có ánh sáng khác thường”.
    Đây là bài trường ca ca ngợi chính nghĩa và đạo đức đáng quý trọng ở đời, ca ngợi những người trung nghĩa. Các nhân vật trong Lục Vân Tiên là những người đáng kính, đáng yêu, trọng nghĩa khinh lợi, họ là những tấm gương dũng cảm, gương sáng và đạo đức tiêu biểu như ông Quán, Hớn Minh, Tử Trực, Vân Tiên, Nguyệt Nga… truyện Lục Vân Tiên nôm na, dễ hiểu, dễ nhớ, truyền bá rộng rãi trong dân chúng, lối kể chuyện giản dị.
    Tác giả nêu ra một vài hạn chế, sơ suất về văn chương của Lục Vân Tiên nhưng cuối cùng vẫn khẳng định Lục Vân Tiên có ấn tượng sâu sắc với người dân Nam Bộ.
    Từ những luận điểm trên, Phạm Văn Đồng đã làm sáng tỏ luận đề bao trùm: Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trên bầu trời văn nghệ của dân tộc, một vì sao có ánh sáng khác thường, càng nhìn càng thấy sáng. Nhìn ở đây là khám phá, tìm hiểu qua cuộc đời và thơ văn của Nguyễn Đình Chiểu.
    Qua tác phẩm, người đọc không chỉ hiểu thêm về Nguyễn Đình Chiểu, đánh giá đúng vị trí của ông trong nền văn nghệ của dân tộc mà còn hiểu hơn về bác Tô – Phạm Văn Đồng: qua cách nghị luận, sắp xếp luận điểm, logic, chặc chẽ đạt được mục đích nghị luận. Lời văn, câu văn với hình ảnh so sánh thể hiện tình cảm tha thiết gây xúc động trong lòng người đọc. Người đọc thấy được cách nhìn nhận đánh giá khách quan của tác giả về Nguyễn Đình Chiểu, thể hiện cái nhìn thấu hiểu con người hôm nay đối với người xưa.

    Kết bài:

    Cùng với Nguyễn Trãi – người anh hùng của dân tộc, tác phẩm Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc đã thể hiện những đánh giá cao của Phạm Văn Đồng về cuộc đời, thơ văn Nguyễn Đình Chiểu thông qua cách lập luận trữ tình xác đáng cái nhìn mới mẻ, tiến bộ và tấm lòng kính trọng và nâng niu đối với Nguyễn Đình Chiểu và thơ văn của ông cũng như giá trị văn hóa của dân tộc. Bác Tô đã đi xa – nhưng người dân Việt Nam luôn nhớ tới bác không chỉ ở sự nghiệp chính trị, ngoại giao thần tài mà thế hệ hôm nay nhớ tới bác với cương vị nhà lí luận văn hóa.