Jim Keller là một trong những kỹ sư hàng đầu hiện nay về kiến trúc vi xử lý, ông cũng là người đứng đằng sau nhiều dự án CPU và SoC hàng đầu trong nhiều năm qua như AMD K8, Zen hay những con SoC dòng A đầu tiên của Apple. Sau một thời gian làm việc cho Tesla thì hôm nay, Jim Keller đã gia nhập Intel với cương vị là lãnh đạo bộ phận bán dẫn. Theo thông cáo báo chí từ Intel, hãng này vừa thuê Jim Keller về làm phó chủ tịch kiêm lãnh đạo nhóm kỹ thuật bán dẫn - một bộ phận rất quan trọng và "nặng ký" tại Intel nhằm thực hiện tham vọng trở lại thị trường SoC và các giải pháp vi xử lý tích hợp. Intel không tiết lộ về kế hoạch phát triển các vi xử lý trong tương lai nhưng điều thú vị là tiến sĩ Murthy Renduchintala - giám đốc kỹ thuật của Intel nói rằng công ty đang "bắt tay vào các sáng kiến thúc vị để thay đổi cơ bản cách chúng ta phát triển bán dẫn khi bước vào một thế giới của các tiến trình sản xuất và kiến trúc vi xử lý không đồng nhất." Đây có thể xem là một gợi ý về đường hướng tương lai của Intel và nó phần nào trùng khớp với việc Intel lùi thời hạn sản xuất hàng loạt các CPU tiến trình 10 nm sang năm 2019. Trong suốt 1 thập niên qua, Keller tập trung phát triển các phần cứng tiêu thụ điện năng thấp. Không chỉ giúp Tesla phát triển các phần cứng tiết kiệm điện dùng trên xe điện của hãng này mà trước đó khi làm việc tại Apple và PA Semiconductor, ông đã phát triển các SoC di động của Apple và thậm chí là kiến trúc Zen của AMD vốn được xem là một ví dụ điển hình về sự cải tiến về mức tiêu thụ điện năng so với kiến trúc vi xử lý trước đây của AMD. Do đó, kinh nghiệm của Keller sẽ rất phù hợp với mọi kế hoạch phát triển trong tương lai của Intel nhằm tạo ra những phần cứng có hiệu suất cao - điện năng thấp. Tầm tác động và vai trò của Keller đối với tương lai của Intel ra sao thì thời gian sẽ trả lời nhưng kinh nghiệm và tài năng của Keller thì khó ai bì kịp. Ông đã giám sát nhiều sản phẩm then chốt, đặc biệt là những vi xử lý hiệu năng cao dành cho người tiêu dùng ở cả 3 công ty gồm AMD với Zen, Apple với dòng A series và giờ là Intel. Không kể Intel thì chúng ta đều đã thấy hiệu năng và điện năng của các CPU này như thế nào, AMD có hàng loạt phiên bản Ryzen lẫn EPYC dùng kiến trúc Zen, hiệu năng rất cao trong khi dòng A series của Apple nhiều năm liền nằm ở top SoC hiệu năng cao trong thế giới di động. Thế nhưng, cũng cần phải nói rằng khi về với Intel, ông sẽ phải lãnh đạo một nhóm rất nhiều kỹ sư và họ đã làm phát triển chu kỳ sản phẩm kéo dài trong suốt nửa thập niên. Một ngôi sao như Keller có thể hoặc không thể tác động lớn đến một kiến trúc vi xử lý nhưng có thể hình dung, Intel sẽ khai thác năng lực lãnh đạo của ông nhiều hơn vào thời điểm này. Trong một thời gian ngắn, Intel đã tuyển mộ được 2 tướng cực mạnh, trước đó là Raja Koduri về trông coi bộ phận phát triển vi xử lý đồ họa chuyên biệt - một mảng mà Intel luôn thiếu và luôn yếu; giờ là Jim Keller - người sẽ gia nhập với vai trò tương tự nhưng tổng quản mảng kỹ thuật bán dẫn. Có một điều trùng hợp thú vị là cả Koduri lẫn Keller đều từng làm việc tại Apple lẫn AMD. Hy vọng bộ đôi Koduri - Keller song kiếm hợp bích sẽ giúp Intel cho ra lò những con CPU/GPU hiệu năng cao, điện năng thấp theo một lộ trình ổn định và phù hợp hơn trong thời gian tới.