Bài 2: Tự chủ - GDCD 9

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    A. Kiến thức trọng tâm


    I. Đặt vấn đề



    1. Đọc truyện:

    • Một người mẹ
    • Chuyện của N
    Gợi ý trả lời câu hỏi:



    a) Bà Tâm đã làm gì trước nỗi bất hạnh lớn của gia đình?

    • Biết tin bà Tâm rất choáng váng, đau khổ đến mất ăn mất ngủ vì thương con. Mặc dù đau đớn nhưng bà không khóc trước mặt con. Bà chấp nhận nén chặt nỗi đau để chăm sóc cho con.
    • Ngoài ra, bà còn giúp đỡ những người bị HIV/AIDS khác và vận động mọi người không nên xa lánh họ.


    b) Theo em, bà Tâm là người như thế nào?

    • Theo em, bà Tâm là một người biết làm chủ bản thân mình điều khiển được những suy nghĩ, tình cảm và hành vi của mình trong mọi hoàn cảnh, tình huống, luôn có thái độ bình tĩnh, tự tin và biết điều chỉnh hành vi của mình.


    c) N đã từ một học sinh ngoan đến chỗ nghiện ngập và trộm cắp như thế nào? Vì sao như vậy?

    • Do không làm chủ được bản thân về suy nghĩ, việc làm (do bị bạn xấu rủ rê, lôi kéo).
    • Do thiếu suy nghĩ, không biết điều chỉnh hành vi, việc làm sai trái của mình: Tiếp tục trốn học, trộm cắp, hút chích.


    d) Theo em, tính tự chủ được thể hiện như thế nào?

    • Bà Tâm: Làm chủ được tình cảm, thái độ, hành vi, việc làm của mình.
    • N: Không làm chủ được tình cảm, thái độ, hành vi, việc làm của mình.


    e) Vì sao con người cần phải biết tính tự chủ?

    • Bởi vì: Tự chủ là một đức tính quý giá. Khi có tính tự chủ sẽ giúp cho con người sống đúng đắn, cư xử có đạo đức và có văn hóa. Và nó giúp cho con người vượt qua những khó khăn và cám dỗ.
    II. Nội dung bài học.

    * Khái niệm tự chủ:

    • Tự chủ là làm chủ bản thân.
    • Người biết tự chủ là người làm chủ được suy nghĩ, tình cảm, hành vi của mình trong mọi hoàn cảnh, điều kiện của cuộc sống.
    * Biểu hiện của tính tự chủ: Thái độ bình tĩnh tự tin. Biết tự điều chỉnh  hành vi của mình, biết tự kiểm tra,đánh giá bản thân mình.

    * Ýnghĩa của tính tự chủ:

    • Tự chủ là 1 đức tính quí giá.
    • Có tính tự chủ con người sống đúng đắn, cư xử có đạo đức, có văn hoá.
    • Tính tự chủ giúp con người vượt qua khó khăn, thử thách và cám dỗ.
    * Rèn luyện tính tự chủ:

    • Suy nghĩ kĩ trước khi nói và hành động.
    • Xem xét thái độ,lời nói hành động.
    • việc làm của mình đúng hay sai.
    • Biết rút kinh nghiệm và sửa chữa.
    B. BÀI TẬP VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI
    Câu 1. Em đồng tình với những ý kiến nào sau đây? Vì sao?

    a) Người tự chủ biết tự kiềm chế những ham muốn của bản thân

    b) Không nên nóng nẩy, vội vàng trong hành động

    c) Người tự chủ luôn hành động theo ý mình

    d) Cần biết điều chỉnh thái độ, hành vi của mình trong các tình huống khác nhau

    đ) Người có tính tự chủ không cần quan tâm đến hoàn cảnh và đối tượng giao tiếp

    e) Cần giữ thái độ ôn hòa, từ tốn trong giao tiếp với người khác

    Hướng dẫn giải:
    * Em đồng tình với những ý kiến (a), (b), (d), (e):

    a) Người tự chủ biết tự kiềm chế những ham muốn của bản thân

    b) Không nên nóng nẩy, vội vàng trong hành động

    d) Cần biết điều chỉnh thái độ, hành vi của mình trong các tình huống khác nhau

    e) Cần giữ thái độ ôn hòa, từ tốn trong giao tiếp với người khác

    => Em đồng tình là bởi vì những biểu hiện đó là những biểu hiện của người có tính tự chủ, thể hiện sự quan tâm, suy nghĩ chín chắn

    * Em không đồng tình với ý kiến (c) và (đ):

    c) Người tự chủ luôn hành động theo ý mình

    đ) Người có tính tự chủ không cần quan tâm đến hoàn cảnh và đối tượng giao tiếp

    => Em không đồng tình là bởi vì người có tính tự chủ là người biết điều chỉnh suy nghĩ, hành động của mình cho phù hợp với những tình huống, hoàn cảnh khác nhau, không hành động một cách mù quáng theo ý thích cá nhân của mình. Nếu ý thích đó là không đúng, không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh hay chuẩn mực xã hội.

    Câu 2: Em hãy kể lại một câu chuyện về một người biết tự chủ?

    Hướng dẫn giải:
    Một câu chuyện liên quan đến tính tự chủ là:

    Hoa và Lan là hai bạn thân chơi với nhau từ nhỏ. Một hôm, đang ở trong nhà, Hoa mới nghe tiếng gọi của Lan nên chạy ra. Chưa kịp hỏi có việc gì thì Hoa đã nghe những lời mắng thậm tệ của Lan. Hoa thực sự rất ngỡ ngàng và chưa biết lí do vì sao. Mẹ Hoa nghe Lan nói lời nặng nhẹ, cũng chạy ra và mắng lại Lan sao nói Hoa như vậy. Còn Hoa vẫn bình tĩnh, cản mẹ và bảo mẹ vào nhà để hỏi rõ ràng câu chuyện. Sau khi hạ hoả xong, Lan mới nói lại đầu đuôi câu chuyện cho Hoa, Hoa phì cười và nói Lan đã hiểu nhầm về cô ấy, Hoa đã giải thích và giúp Lan hiểu rõ ngọn ngành. Lan xin lỗi Hoa và mẹ Hoa.

    Trong trường hợp này, Hoa là người tự chủ về suy nghĩ và hành động của mình, không vì những câu chửi mắng của bạn mà chửi lại bạn, Hoa còn bình tĩnh để Lan hạ giận sau đó kể lại câu chuyện rõ ràng để làm rõ mọi chuyện.

    Câu 3: Chủ nhật, Hằng được mẹ cho đi chơi phố. Qua các cửa hiệu có nhiều quần áo mới đúng mốt, bộ nào Hằng cũng thích, em đòi mẹ mua hết bộ này đến bộ khác làm mẹ rất bực mình. Buổi đi chơi phố mất vui. Em hãy nhận xét việc làm của Hằng. Em sẽ khuyên Hằng như thế nào?

    Hướng dẫn giải:
    • Việc làm của Hằng biểu hiện của một người không có tính tự chủ, Hằng chỉ nên cho phép mình mua một bộ đồ mà cảm thấy mình thích nhất để mua. Ngược lại, Hằng lại thấy bộ nào cũng thích cũng đòi mua. Chính hành vi của Hằng đã làm mẹ bực mình.
    • Em sẽ khuyên Hằng : bạn làm như vậy là không nên vì mẹ không thể chiều theo ý thích của Hằng để mua hết những bộ nào Hằng thích được. Làm như vậy chứng tỏ Hằng không suy nghĩ chín chắn, hành vi của Hằng là sai, bạn cần phải biết rút kinh nghiệm.
    Câu 4: Hãy tự nhận xét bản thân em đã có tính tự chủ chưa? (Trước những khó khăn, xích mích, xung đột, em có giữ được bình tĩnh và thái độ ôn hoà, lễ độ không? Khi bị bạn bè rủ rê, lôi kéo, em có theo họ không? ....). Hãy nêu một số tình huống đòi hỏi tính tự chủ mà em có thể gặp ( ở nhà, ở trường, ở nơi công cộng) và dự kiến cách ứng xử phù hợp.

    Hướng dẫn giải:
    * Tự nhận xét bản thân mình:

    • Bản thân em là người có tính tự chủ
    • Khi bị kẻ xấu rủ rê, lôi kéo, em không theo họ mà luôn giữ vững lập trường của mình, chăm lo học hành và tham gia các hoạt động xã hội.
    * Một số tình huống đòi hỏi em có tính tự chủ:

    • Giờ kiểm tra toán, bài khó quá không làm được, bạn bên cạnh cho em chép bài nhưng em từ chối.
    • Bố mẹ đi vắng, em ở nhà một mình trông em bé.
    • Chủ nhật cùng bạn đi xem phim, phải xếp hàng mua vé nhưng có người khác chen ngang, em ôn tồn yêu cầu người đó không nên làm thế, phải thể hiện nếp sống văn minh của người có văn hóa.
    • Bạn rủ em trốn tiết chơi điện tử, em đã kiên quyết từ chối và khuyên bạn không nên làm thế.