Bài 5: Quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo - GDCD 12

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    A. Kiến thức trọng tâm
    I. Mở đầu bài học
    II. Nội dung bài học
    1. Bình đẳng giữa các dân tộc
    a. Thế nào là bình đẳng giữa các dân tộc

    • Quyền bình đẳng giữa các dân tộc được hiểu là các dân tộc trong một quốc gia không bị phân biệt theo đa số hay thiểu số, trình độ văn hóa cao hay thấp, không phân biệt chủng tộc màu da đều được nhà nước và pháp luật tôn trọng, bảo vệ và tạo điều kiện phát triển.
    b. Nội dung quyền bình đẳng giữa các dân tộc
    • Bình đẳng về chính trị
    • Bình đẳng về kinh tế
    • Bình đẳng về văn hóa, giáo dục
    c. Ý nghĩa về quyền bình đẳng giữa các dân tộc
    • Bình đẳng giữa các dân tộc là cơ sở của đoàn kết giữa các dân tộc và đại đoàn kết dân tộc, góp phần thực hiện mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh”.
    d. Chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước về quyền bình đẳng giữa các dân tộc.
    • Ghi nhận trong hiến pháp và các văn bản pháp luật về quyền bình đẳng giữa các dân tộc
    • Thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng đồng bào dân tộc
    • Nghiêm cấm mọi hành vi kì thị và chia rẽ dân tộc.
    2. Bình đẳng giữa các tôn giáo
    a. Khái niệm bình đẳng giữa các tôn giáo

    • Quyền bình đẳng giữa các tôn giáo được hiểu là các tôn giáo ở Việt Nam đều có hoạt động tôn giáo trong khuôn khổ của Pháp luật, đều bình đẳng trước pháp luật, những nơi thờ tự tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật bảo vệ.
    b. Nội dung cơ bản quyền bình đẳng giữa các tôn giáo
    • Các tôn giáo được nhà nước công nhận đều bình đẳng trước pháp luật, có quyền hoạt động tôn giáo theo quy định của pháp luật.
    • Hoạt động tín ngưỡng tôn giáo theo quy định của pháp luật được nhà nước bảo đảm các cơ sở tôn giáo hợp pháp được pháp luật bảo hộ.
    c. Ý nghĩa quyền bình đẳng giữa các tôn giáo
    • Là cơ sở, tiền đề quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc, thúc đẩy tình đoàn kết keo sơn gắn bó nhân dân Việt Nam, tạo thành sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc ta trong công cuộc xây dựng đất nước phồn vinh.
    d. Chính sách của Đảng và pháp luật của nhà nước về quyền bình đẳng giữa các tôn giáo
    • Nhà nước đảm bảo quyền hoạt động tín ngưỡng tôn giáo theo quy định của pháp luật
    • Nhà nước thừa nhận và đảm bảo cho công dân có hoặc không có tôn giáo được hưởng mọi quyền công dân và có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ công dân.
    • Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, đồng bào theo tôn giáo không theo tôn giáo xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc
    • Nghiêm cấm mọi hành vi vi phạm quyền tự do tôn giáo, lợi dụng các vấn đề dân tộc, tín ngưỡng, tôn giáo để hoạt động trái pháp luật.
    B. BÀI TẬP VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI
    Câu 1: Em hãy nêu một vài chính sách của Nhà nước thể hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo.

    Hướng dẫn giải:

    Chính sách thể hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc: Ưu tiên các dân tộc ít người, hỗ trợ kinh tế, ổn định cuộc sống, định canh định cư. Mặt khác, những học sinh của đồng bào dân tộc ít người, khi đi thi thường được cộng thêm điểm ưu tiên so với những học sinh ở khu vực có điều kiện hơn.

    Chính sách thể hiện quyền bình đẳng giữa các tôn giáo: Mọi người đều được coi trọng như nhau. Bằng chứng, hiện tại nhà nước đã cho phép những người thiên chúa giáo tham gia vào hoạt đông của nhà nước như: quân đội, chính trị...

    Câu 2: Tại sao để thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc, Nhà nước cần quan tâm đến các dân tộc thiểu số có trình độ phát triển kinh tế - xã hội thấp?

    Hướng dẫn giải:
    Nước ta có 54 dân tộc khác nhau. Mỗi dân tộc có một phong tục tập quán khác nhau và cũng có nền kinh tế phát triển khác nhau. Với nhiều dân tộc ít người, nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn hơn.

    Để thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc, Nhà nước cần quan tâm đến các dân tộc thiểu số có trình độ phát triển kinh tế - xã hội thấp là bởi vì: Một đất nước muốn phát triển thì không chỉ cần một dân tộc phát triển mà cần tất cả các dân tộc trong quốc gia đó phát triển. Vì vậy, nhà nước luôn chú trọng đầu tư phát triển cho các dân tộc có nền kinh tế thấp nhằm mục đích nâng cao đời sống của những người dân và đồng thời giảm sự chênh lệch về kinh tế của các dân tộc. Tạo nên một đất nước có các dân tộc phát triển đồng đều để cùng kết hợp lại với nhau đưa đất nươc đi lên.

    Câu 3: Thực hiện bình đẳng giữa các dân tộc, tôn giáo có ý nghĩa như thế nào trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa?

    Hướng dẫn giải:
    Bình đẳng giữa các dân tộc là cơ sở của đoàn kết giữa các dân tộc và xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo sức mạnh phát triển bên vững đất nước, góp phần thực hiện mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh".

    Bình đẳng giữa các tôn giáo là cơ sở tiền đề quan trọng của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thúc đẩy tình đoàn kết keo sơn gắn bó của nhân dân Việt Nam, tạo sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc xây dựng đất nước phồn thịnh.

    Câu 4: Nêu một vài ví dụ chứng tỏ Nhà nước quan tâm tạo điều kiện thực hiện quyền bình đẳng về kinh tế, văn hóa, giáo dục giữa các dân tộc.

    Hướng dẫn giải:
    Hiến pháp 2013, điều 16 quy định: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội

    Nhà nước đảm bảo tỉ lệ thích hợp người dân tộc thiểu số trong các cơ quan quyền lực nhà nước ở

    Chương trình 135 giúp phát triển kinh tế những xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

    Nhà nước dành nguồn đầu tư tài chính để mở mang hệ thống trường, lớp ở vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc và miền núi; có chính sách học bổng và ưu tiên con em đồng bào dân tộc vào học các trường chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học


    Câu 5: Anh Nguyễn Văn T yêu chị Trần Thị H. Hai người quyết định kết hôn, nhưng bố chị H không đồng ý, vì anh T và chị H không cùng đạo. Cho biết ý kiến của em về việc này.

    Hướng dẫn giải:
    Em cảm thấy không đồng tình với việc vì anh T và chị H không cùng đạo mà bố chị H không cho phép cưới nhau.

    Mỗi người sinh ra đều theo một đạo riêng. Và mục đích cuối cung cũng chỉ là cầu mong bình yên, ấm no và hạnh phúc cho mình cũng như những người thân xung quanh mình. Vì thế việc làm như vậy của bố chị H là không đúng, như vậy là chưa tôn trọng các tôn giáo khác.

    Nếu em không may rơi vào trường hợp như vậy em sẽ cùng người yêu thuyết phục bố bằng cách nói rõ lí lẽ cho bố hiểu. Bởi con người xấu hay tốt không phải do tôn giáo mà họ theo quy định mà do sự rèn luyện của từng người. Vì vậy, dù có khác tôn giáo khác phong tục nhưng không nên vì điều đó mà chối bỏ không chấp nhận người mà con gái mình chọn ý chung nhân của mình

    Câu 6: Em hãy chọn câu trả lời đúng trong các câu dưới đây.

    Quyền bình đẳng giữa các tôn giáo được hiểu là:

    a. Công dân có quyền không theo bất kì một tôn giáo nào

    b. Người theo tín ngưỡng, tôn giáo có quyền hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.

    c. Người đã theo một tín ngưỡng, tôn giáo không có quyền bỏ để theo tín ngưỡng, tôn giáo khác.

    d. Người theo tín ngưỡng, tôn giáo có quyền hoạt động theo tín ngưỡng, tôn giáo đó.

    Hướng dẫn giải:
    Đáp án đúng là : b. Người theo tín ngưỡng, tôn giáo có quyền hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định của pháp luật.