Bài 7: Thực tiễn và vai trò của thực tiễn đối với nhận thức - GDCD 10

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    A. Kiến thức trọng tâm
    I. Mở đầu bài học

    II. Nội dung bài học



    1. Thế nào là nhận thức?

    • Nhận thức cảm tính: được tạo nên do sự tiếp xúc trực tiếp của các cơ quan cảm giác với sự vật hiện tượng. Đem lại cho con người hiểu biết các đặc điểm bên ngoài của chúng.
    • Nhận thức lý tính: Dựa trên các tài liệu do nhận thức cảm tính đem lại nhờ các thao tác của tư duy phân tích, so sánh, tổng hợp..Tìm ra bản chất quy luật của sự vật hiện tượng.
    => Nhận thức là quá trình phản ánh sự vật, hiện tượng của thế giới khách quan vào bộ óc của con người để tạo nên những hiểu biết về chúng.

    2. Thực tiễn là gì?

    • Thực tiễn là toàn bộ những hoạt động vật chất có mục đích, mang tính lịch sử - xã hội của con người nhằm cải tạo tự nhiên và xã hội.
    • Có ba hình thức:
      • Hoạt động sản xuất vật chất,
      • Hoạt động chính trị - xã hội
      • Hoạt động thực nghiệm khoa học.
    3.Vai trò của thực tiễn đối với nhận thức

    • Thực tiễn là cơ sở nhận thức
    • Thực tiễn là động lực của nhận thức
    • Thực tiễn là mục đích của nhận thức
    • Thực tiễn là tiêu chuẩn của chân lí.
    =>Thực tiễn là cơ sở của nhận thức, là động lực của nhận thức, là mục đích của nhận thức và là tiêu chuẩn để kiểm tra kết quả của nhận thức.

    B. BÀI TẬP VÀ HƯỚNG DẪN GIẢI
    Câu 1: Dựa vào kiến thức đã học và thực tế cuộc sống, em hãy giải thích quan điểm: Thực tiễn là cơ sở của nhận thức.

    Hướng dẫn giải:
    Mọi sự hiểu biết của con người đều trực tiếp nảy sinh từ thực tiễn. Nhờ có sự tiếp xúc, tác động vào sự vật, hiện tượng mà con người phát hiện ra các thuộc tính, hiểu được bản chất, quy luật của chúng.

    Quá trình hoạt động thực tiễn cũng đồng thời là quá trình phát triển và hoàn thiện các giác quan của con người. Nhờ đó, khả năng nhận thức của con người ngày càng sâu sắc, đầy đủ hơn về sự vật, hiện tượng.

    Vì vậy ta khẳng định: Thực tiễn là cơ sở của nhận thức.

    Câu 2: Em hiểu thế nào về nguyên lí giáo dục: Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội?

    Hướng dẫn giải:
    “Học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, nhà trường gắn liền với xã hội”

    Em hiểu nguyên lí giáo dục này như sau: Đây là nguyên tắc dựa trên thực tiễn, có thực tiễn mới có khả năng đáp ứng nhu cầu của người học, của xã hội vì thực tiễn là cơ sở, động lực, mục đích của nhận thức và là tiêu chuẩn của chân lí.

    Học luôn đi đôi với hành: Nhờ có thực tiễn, con người mới có những tri thức mới để tiếp tục học tập, đồng thời kiểm nghiệm được tính đúng sai và giá trị đích thực của tri thức đã tiếp nhận được.

    Câu 3: Bản thân em đã có việc làm nào gắn với học hành? Việc kết hợp giữa học với hành có tác dụng thế nào đối với quá trình học tập của em?

    Hướng dẫn giải:
    Từ những kiến thức đã học trên lớp, cụ thể là các tiết học công nghệ , em có thể giúp bố mẹ canh tác đất, khử đất chua, phèn ,chọn lựa giống tốt. Việc kết hợp giữa học và hành có thể giúp em nhớ sâu kiến thức hơn và có thể áp dụng trong cuộc sống.

    Câu 4: Dựa vào kiến thức đã học, em hãy cho biết ý nghĩa của câu tục ngữ “đi một ngày đàng học một sàng khôn”.

    Hướng dẫn giải:
    Câu tục ngữ “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn” là kinh nghiệm mà cha ông ta đã đúc rút để truyền cho thế hệ đi sau. Kiến thức mà chúng ta muốn tìm hiểu tựa như đại dương bao la, những gì chúng ta biết chỉ là một giọt nước nhỏ mà thôi. Bởi vậy không ngừng tìm kiếm, không ngừng học hỏi là điều mà bạn nên biết, nên làm.

    Câu tục ngữ có hai vế, hiểu theo nghĩa tường minh thì “Đi một ngày đàng” có nghĩa là đi một ngày ở trên đường, “học một sàng khôn” là chúng ta biết thêm được một số điều mà chúng ta bắt gặp ở trên đường.

    Xét về nghĩa hàm ý thì câu tục ngữ muốn nhắn gửi đến mọi người rằng hãy ra ngoài để tìm hiểu kiến thức, bổ sung cho mình hiểu biết để không bị tụt hậu. Bởi thế giới bên ngoài luôn có rất nhiều thứ hay ho, nếu cứ mãi ở nhà, mãi ngồi yên một chỗ thì kiến thức cũng sẽ chỉ dậm chân một chỗ mà thôi.

    Câu tục ngữ vừa nói đến thời gian vừa nói đến không gian. Chúng ta cần bỏ thời gian để đi đến những vùng đất lạ, đến những nơi đó chúng ta sẽ thấy được có nhiều điều bất ngờ. Chúng ta sẽ học hỏi từ mọi người, học hỏi từ văn hóa của vùng miền đó.

    Câu 5: Trong khi chuẩn bị cho bài học Thực tiễn và vai trò của thực tiễn đối với nhận thức, Hà nói với Hằng:

    Chúng mình cố gắng thực hiện tốt các giờ thực hành, thí nghiệm của các môn học là vận dụng lí thuyết vào thực tiễn đấy.

    Hằng bĩu môi:

    Vận dụng lý thuyết vào thực tiễn phải là những vấn đề lớn có giá trị cao cơ. Việc thực hành, thí nghiệm của bọn mình chỉ có tác dụng bổ sung cho giờ học lí thuyết thôi, đâu phải là vận dụng lý thuyết vào thực tiễn.

    Em đồng ý với ý kiến nào? Không đồng ý với ý kiến nào? Vì sao?

    Hướng dẫn giải:
    Em đồng ý với ý kiến của Hà, không đồng ý với ý kiến của Hằng

    Vì: Các giờ thực hành, thí nghiệm của các môn học là một hình thức vận dụng lý thuyết vào thực tiễn

    Bằng thực hành, thí nghiệm, học sinh tự nhận biết được tính đúng đắn hay sai lầm của kiến thức đã học, từ đó hiểu và ghi nhớ kiến thức tốt hơn, có thể áp dụng ra ngoài thực tế cuộc sống, bằng những kiến thức thu nhận được thành có ích.