Bình giảng bài ca dao: “Trèo lên cây bưởi hái hoa”

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Đề bài: Bình giảng bài ca dao: “Trèo lên cây bưởi hái hoa”

    Bài làm:

    “Trèo lên cây bưởi hái hoa
    Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
    Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
    Em có chồng rồi anh tiếc lắm thay
    Ba đồng một mớ trầu cay
    Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không
    Bây giờ em đã có chồng
    Như chim vào lồng, như cá cắn câu
    Cá cắn câu biết đâu mà gỡ?
    Chim vào lồng biết thủa nào ra?”
    Bài ca dao là lời tâm sự của đôi trai gái yêu nhau nhưng không lấy được nhau vì những nguyên nhân khách quan nào đó. Khi biết tin cô gái lấy chồng chàng trai đau khổ nhưng bất lực, chỉ biết gặp người thương để thổ lộ, giãi bày sự luyến tiếc cao đội của mình.
    Lời kể của chàng trai hồn nhiên, giản nhị nhưng hết sức cụ thể, sống động và gợi cảm. Chàng trai không chỉ nhắc đến “hoa bưởi”, “nụ tầm xuân” “vườn cà” mà còn nhớ như in cả động tác “trèo lên”, “bước xuống”..tất cả những cái đó đã gắn chặt với thời niên thiếu của đôi trai gái.
    Chàng trai chỉ có thể hoặc chỉ dám nghĩ nhiều, nói nhiều về quá khứ, còn hiện tại chỉ thốt lên được mỗi một câu như một lời nghẹn ngào rồi im lặng: “Em có chồng rồi, anh tiếc lắm thay”.
    Sự ngừng lại và im lặng của chàng trai khiến cho sự đáp lời của cô gái được bắt đầu một cách tự nhiên, đúng lúc và hợp lí. Cô gái đồng cảm với tình yêu và sự luyến tiếc của chàng trai nhưng chẳng những không an ủi, khuyên giải mà còn phàn nàn, trách móc về sự thiếu chủ động và chậm trễ của chàng:

    “Ba đồng một mớ trầu cay
    Sao anh chẳng hỏi những ngày còn không?”
    Sự trách móc thật cần thiết và đáng quý vì nó thể hiện một tình yêu đã không được thể hiện và thực hiện bằng cách khác. “Sao anh chẳng hỏi…?” không có tình yêu thực sự làm sao có thể nói lên những lời trách móc âu yếm như vậy được? Và đó cũng là sự an ủi lớn nhất đối với chàng trai lúc này.
    Câu “Ba đồng một mớ trầu cay” thật giản dị, tự nhiên, bao hàm nhiều ý tứ. Nó nói được nhiều điều khó nói. Trầu càng rẻ thì cái giá phải trả cho sự không thực hiện được tình yêu của đôi trai gái càng đắt, sự đáng tiếc càng tăng và do đó chàng trai càng đáng trách. Về phần cô gái, nói như vậy là rất khiêm nhường, tự hạ và do đó càng đáng thương, đáng quý.
    Cô gái trả lời khôn khéo, kín kẽ, vừa có tình vừa có lý, vừa khiêm nhường, vừa tự trọng không thể bắt bẻ và chê trách:

    “Bây giờ em đã có chồng
    Như chim vào lồng, như cá cắn câu
    Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
    Chim vào lồng biết thủa nào ra”
    Bài ca dao “trèo lên cây bưởi hái hoa” là sự đối đáp tỏ tình của đôi trai gái gặp nhau, biết nhau và cảm nhau muộn mằn khi cô gái đã có chồng. Như chim đã có nơi chốn, cá đã có người câu, như phận em đây là gái đã có chồng.