Đề bài: Bình giảng một vài bài thơ của Xuân Quỳnh mà mình yêu thích Bài làm: Phân tích đề – Đề không nêu cụ thể bài thơ nào của Xuân Quỳnh. Vì thế, người viết có quyền chọn bất kì bài nào. Tuy nhiên, nên chọn những bài từng được học trong chương trình văn trung học. Hoặc chọn một bài thơ về đề tài tình yêu của Xuân Quỳnh, vì đây là mảng đề tài mà nhà thơ thể hiện sâu sắc tài nàng, tâm hồn của mình. – Khi chọn một bài thơ trữ tình của Xuân Quỳnh để bình giảng, cần lưu ý kiểu bài. Vả lại, đề tương đối tự do, người viết nên chú trọng thể hiện sự cảm nhận sâu sắc riêng của mình đối với tác phẩm. Dưới đây bài bình giảng về bài thơ Hoa cúc xanh của Xuân Quỳnh. Hoa cúc xanh Hoa cúc xanh, có hay là không có Trong đầm lầy tuổi thơ của anh xưa Một dòng sông lặng lẽ chảy về xa Thung lũng vắng sương bay đầy cửa sổ Hoa cúc xanh có hay là không có Một ngôi trường bé nhỏ cuối ngàn xưa Mơ ước của người hay mơ ước của hoa Mà tươi mát mà dịu dàng đến thế Cỏ mới mọc con chim rừng thơ bé Nước trong ngần thầm thì với ngàn lau Trái tim ta như nắng thuở ban đầu Chưa chút gợn một lần cay đắng Trên thềm cửa mùa thu vàng gió nắng Đời yên bình chưa có những chia xa Khắp mặt đầm xanh biếc màu hoa Hương thơm ngát cả một vùng xứ sở Những cô gái da mịn màng như lụa Những chàng trai đang độ tuổi hai mươi Người yêu người, yêu hoa cỏ đất đai Những câu chuyện xoay quanh mùa hái quả … Hoa cúc xanh có hay là không có Tháng năm nào ấp ủ thơ ngây Có hay là không thung lăng của ngày xưa Anh đã ở và em thường tới đó Châu chấu xanh, chuồn chuồn kim thắm đỏ Những ngả đường phơ phất gió heo may Cả một vùng vương quốc tuổi thơ ngây Bao mơ ước mượt mà như lá cỏ… Anh đã nghĩ chắc là hoa đã có Mọc xanh đầy thung lũng của ta xưa. Trong đời thơ Xuân Quỳnh (1942 – 1988), hiếm thấy bài thơ nào lại viết lâu đến thế (1964 – 1987). Năm 23 tuổi, làm thơ được vài ba năm. Năm 1987, chị 45 tuổi. Một bài thơ được thai nghén gần trọn đời thơ. Càng hiếm hơn, một bài thơ như thế, lại là thơ hay, bởi thường cảm xúc nồng cháy ban đầu đã nguội lạnh, thi nhân làm người thợ thơ, gọt đẽo ý nghĩ mình cho vừa vẹn câu chữ. Còn ở đây? Nhà thơ viết về một kỉ niệm, mà kỉ niệm ấy được nuôi dưỡng trong tâm hồn. Bao năm, nó vẫn sống, vẫn xanh biếc như thuở ban đầu. Vì thế, 23 năm là thời gian kỉ niệm ở với con người, sống cuộc đời của nó trong trái tim người con gái hôm qua. Với trái tim thiếu nữ, “hoa cúc xanh” là một vùng kỉ niệm được sống lại với nhà thơ Hai mươi ba năm trước, chính người con gái ấy, một hôm bắt gặp một bông hoa cúc xanh. Từ giờ phút ấy, kỉ niệm xưa rộn ràng, sống động trong tim nàng. Với trái tim thiếu nữ, “hoa cúc xanh” là một vùng kỉ niệm được sống lại với nhà thơ, là biểu tượng điệp trùng về không gian, lẫn thời gian, về tình yêu trong trắng đẹp đẽ, là ước mơ rạng rỡ nhưng mãi mãi không còn. Ở đấy, là một không gian có thật: Một dòng sông lặng lẽ chảy về xa Thung lũng vắng sương bay đầy cửa sổ Một ngôi trường bé nhỏ cuối ngàn xa Một thời điểm hiển diện Tháng năm nào ấp ủ ngây thơ Và tình yêu, mới trong sạch, tươi xinh nhường nào! Cỏ mới mọc con chim rừng thơ bé Nước trong ngần thầm thì với ngàn lau Trái tim ta như nắng thuở ban đầu Chưa chút gợn một lần cay đắng Tất cả lộng lầy, rộn rịp sắc màu. Chả trách nhà thơ ca ngợi: Cả một vùng vương quốc tuổi thơ ngây! Tình yêu ấy đã qua, trở thành kí ức xưa cũ, thời gian lại phủ lên nỗi nhớ da diết càng khiến lòng người ngơ ngác: có hay không một “mùa thu vàng nắng gió”; có hay không một mùa hoa xanh biếc thuở ban đầu? Kỉ niệm xao động, mạnh mẽ khiến nàng không dám khẳng định, không dám nhận về mình nữa! Hóa ra, không chỉ có nàng là chủ nhân của nó. Theo nàng, người yêu của mình mới thật là chủ nhân của thung lũng huyền diệu kia. Anh là ai, một người không hề biết, nhưng trong trái tim của nàng, đã đẹp đẽ, tươi sáng bội phần. Thật kì lạ trái tim người phụ nữ Việt Nam, đăm thắm, tha thiết, mãnh liệt là thế, nhưng bao giờ cũng vị tha, cũng sống cho người mình yêu. Mùa xanh xưa bao năm xao xuyến trong lòng, vậy mà nàng vẫn run rẩy với nó, vẫn cố tìm một sự đồng hành để khẳng định: Anh đã ở và em thường tới đó Châu chấu xanh, chuồn chuồn kim thắm đỏ Những ngả đường phơ phất gió heo may Cả một vùng vương quốc tuổi thơ ngày Bao mơ ước mượt mà như lá cỏ… Anh đã nghĩ chắc là hoa đã có Mọc xanh đầy thung lũng của ta xưa. Ở đây, dường như chân lí cũng thuộc về “người mình yêu”. Đấy cũng là lẽ thường của trái tim người phụ nữ Việt Nam, yêu là dâng hiến, là sống cho người khác. Thơ Xuân Quỳnh không ồn ào, hoa mỹ, nhưng đậm đà hương vị dân tộc và giàu nữ tính bởi trái tim nhà thơ luôn nồng nàn hơi ấm như trái tim bao người con gái Việt Nam. Quang Dũng có những câu thơ: Em mãi mãi là hai mươi tuổi – Ta mãi là mùa xanh xưa! “Hoa cúc xanh” bao năm rồi vẫn xanh biếc và thơm ngát bởi vẫn sống trong trái tim con người bất chấp năm tháng cuộc đời. Và, các bạn hẳn thấy, cùng với thời gian, kỉ niệm cũng rộn ràng, rực rỡ hẳn lên. Hãy nuôi dưỡng những gì tốt đẹp, trong sáng và tươi xinh buổi ban đầu. Tình yêu hôm qua không mất, nếu con người không cố tình chôn vùi trong sương mù của sự lãng quên!