Các toà nhà chọc trời phòng cháy như thế nào?

  1. Tác giả: LTTK CTV
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Các toà nhà chọc trời bị cháy gây nên những tổn thất và thương vong nặng nề, đã khiến cho mọi người quan tâm chú ý. Chính phủ các nước đã định ra pháp quy kiến trúc liên quan đến phòng cháy, việc thiết kế toà nhà chọc trời ở giai đoạn phương án sơ bộ cần phải chuyển giao cho bộ môn an toàn phòng cháy chữa cháy có liên quan xét duyệt: Hiện nay các biện pháp phòng cháy toà nhà chọc trời chủ yếu có các mặt sau: Mỗi mặt sàn tầng lầu đều chia thành nhiều khu vực phòng cháy, chúng độc lập tương đối với nhau, đồng thời có thể dùng tường đặc biệt phân cách, dùng cửa phòng cháy để liên hệ giữa các khu vực, khi xảy ra hoả hoạn có thể đóng lại, khiến cho ngọn lửa không thể lan ra hoặc kéo dài thời gian lan toả, để sơ tán cư dân được thuận tiện. Các hành lang bên trong cần bố trí thành hình đường vòng thông nhau khiến cho khi xảy ra hoả hoạn, đoàn người hoảng loạn dễ tìm được lối đi sơ tán. Hành lang hình đường vòng tương đối dễ thiết kế với các nhà chọc trời có dạng hình vuông, hình tròn, hình bầu dục v.v. tương đối "dày", nếu là toà nhà chọc trời hình chữ nhật tương đối "dẹt" hoặc kiến trúc cao tầng hình quạt gió thì khó làm được, trong trường hợp không thể tránh khỏi làm hành lang kiểu "ngõ cụt", thì ở phía đầu cuối hành lang phải có cầu thang sơ tán. Các gian buồng ở tầng dưới và tầng hầm dễ gây hoả hoạn, như buồng nồi hơi, gara ô tô, buồng biến áp kiểu ngâm dầu, phân xưởng sửa chữa, hàn điện hàn hơi, nhà bếp v.v. cần phải làm tường ngăn cách phòng cháy. Ống hơi than cần đưa trực tiếp từ bên ngoài vào trong nhà bếp không nên đi qua các gian buồng khác. Hết sức tránh dùng than, dầu, khí hoá lỏng hoặc khí than làm nhiên liệu động lực hoặc chất đốt sưởi ấm, cần dùng thiết bị điện tương đối an toàn phù hợp với yêu cầu bảo vệ môi trường. Bộ phận kết cấu kiến trúc cần tuyệt đối theo đúng đẳng cấp chịu lửa quy định, dùng vật liệu không cháy như bêtông cốt thép hoặc thép, khi cần thiết còn phải dùng sơn chống cháy để bảo vệ, khiến cho nó đạt được mức độ chịu lửa theo yêu cầu, thoả mãn yêu cầu thời gian sơ tán. Các vật liệu có tính chất trang trí cũng hết sức tránh dùng đồ gỗ hoặc nhựa. Bên trong toà nhà còn phải lắp đặt các thiết bị phòng chống cháy có hiệu quả, như bộ cảnh báo có khói, vòi rồng, khi gặp hoả hoạn có thể tự động reo lên, tự động phun nước dập lửa, để ngăn ngừa ngọn lửa lan rộng ra. Thang máy chuyên dùng cho nhân viên chữa cháy phải tách ra khỏi cầu thang và thang máy sơ tán, để tránh khi xảy ra hoả hoạn chiều đi của nhân viên chữa cháy và dòng người sơ tán trái ngược nhau gây nên chen chúc lộn xộn, ảnh hưởng đến công tác chữa cháy và sơ tán. Ngoài khả năng phòng cháy của bản thân toà nhà chọc trời ra, các nước đã có tiền lệ điều động máy bay trực thăng đến chữa cháy từ trên không. Nó vừa có thể dập tắt lửa từ trên cao vừa có thể cứu viện những người ở trong toà nhà, để bù vào sự bất cập về chiều cao có hạn của thang chữa cháy. Do đó có thể thấy, sau khi áp dụng một loạt biện pháp phòng bị và cứu viện, vẫn có thể khống chế và giảm bớt tổn thất do hoả hoạn của các toà nhà chọc trời gây nên.