Cách để Chăm sóc ốc sên vườn

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Trong bài viết này: Làm nhà cho ốc sên, Chăm sóc ốc sên

    Ốc sên vườn là một trong những loài động vật rẻ, dễ nuôi nhất vì chúng thường xuất hiện rất nhiều và ăn lá trong vườn. Bạn cần cho chúng ăn và uống nước ít nhất là 2 ngày một lần, tuy nhiên nếu biết chúng cần những gì thì việc chăm sóc cũng khá dễ dàng. Nếu được chăm sóc tốt, ốc sên vườn có thể sống tới vài năm.

    Phương pháp 1: Làm nhà cho ốc sên

    1.jpg

    1. Dùng một bể chứa bất kỳ có lỗ thông khí nếu nuôi ốc sên ngắn ngày. Nếu chỉ muốn quan sát ốc sên một vài ngày sau đó lại thả chúng về vườn thì bạn có thể dùng một lọ đựng mứt hoặc dưa muối được đục lỗ thông khí để làm nhà cho ốc sên. Tuy nhiên, ốc sên có thể bị nắp kim loại làm bị thương nên thay vì dùng nắp, bạn có thể dùng một mảnh vải thưa trùm kín miệng lọ và buộc lại bằng một dây cao su.

    • Lưu ý rằng ốc sên có thể bò trên mặt phẳng đứng và thoát ra ngoài nếu bể chứa không có nắp đậy.

    2.jpg

    2. Dùng bể chứa lớn hơn hoặc bể kính, chẳng hạn như bể Kritter Keeper, nếu muốn nuôi ốc sên lâu dài. Nếu định nuôi ốc sên lâu hơn một vài ngày thì bạn cần dùng bể chứa phù hợp với kích cỡ của chúng. Để nuôi lâu dài, bể nhựa chỉ có thể dùng cho ốc sên con hoặc loài ốc sên trưởng thành có kích cỡ nhỏ nhất.[1] Hầu hết các loài ốc sên cần một chiếc bể rộng để có thể sống và khỏe mạnh và sạch sẽ. Bạn có thể mua một chiếc bể kính đáp ứng đủ yêu cầu này ở cửa hàng bán thú cưng để làm nhà cho chúng.

    • Dùng bể có thể tích 20 lít hoặc lớn hơn để ốc sên có đủ không gian di chuyển. Nếu nuôi nhiều hoặc có ý định chăm sóc những con ốc sên con sẽ được sinh ra thì bạn nên chọn một chiếc bể lớn hơn.

    3.jpg

    3. Đảm bảo bể nuôi có lỗ thông khí. Cũng giống như con người, ốc sên hấp thụ oxy từ không khí và thải ra khí các-bon. Chính vì vậy mà bể nuôi cần có lỗ thông khí, và tốt nhất là có nhiều lỗ ở các cạnh để không khí lưu thông tốt hơn. Nhiều người cho biết rằng ốc sên trở nên linh động hơn khi không khí có thể lưu thông qua những khe nhỏ ở đáy bể nuôi.[2]

    4.jpg

    4. Duy trì bể nuôi ở nhiệt độ phòng. Chỉ cần môi trường ẩm ướt thì rất nhiều loài ốc sên vườn có sức chịu đựng nhiệt độ khá tốt, tuy nhiên, chúng linh hoạt và an toàn nhất ở nhiệt độ phòng. Bạn hãy giữ chúng trong bóng râm khi trời nóng và tránh để chúng tiếp xúc với nhiệt độ quá lạnh.

    5.jpg

    5. Mua đất thả vào bể nuôi. Để giảm thiểu nguy cơ nhiễm vi khuẩn có hại, thuốc trừ sâu và các mối đe dọa khác, bạn nên mua đất từ cửa hàng thú cưng để cho vào trong bể nuôi.[3] Lựa chọn tiếp theo là dùng đất tự nhiên từ trong vườn không nhiễm thuốc trừ sâu hay phân bón hóa học. Bạn sẽ dùng đất này rải một lớp kín hoàn toàn đáy bể.

    • Tránh dùng đất trồng cây vì đất này có thể chứa hóa chất có hại cho ốc sên.

    6.jpg

    6. Rải một lớp vật liệu tự nhiên trên lớp đất. Bạn có thể rải rêu nước, than bùn, phân trộn hoặc chất khoáng bón cây lên trên lớp đất.[4] Các vật liệu này sẽ giữ hơi ẩm ở trong đất, tạo ra môi trường sống lý tưởng cho ốc sên.

    7.jpg

    7. Trang trí nhà cho ốc sên. Bạn hãy đặt một vài thứ vào bể để ốc sên có thể ẩn náu và trèo lên. Điều này sẽ khiến chúng thoải mái hơn và nhìn cũng khá vui mắt. Hầu hết các cửa hàng thú cưng có bán các khúc gỗ giả để động vật nhỏ chui qua hoặc các loại ống cho chuột hamster mà ốc sên có thể cũng sẽ thích. Có khi bạn cũng có thể tìm được vật gì đó hữu ích từ trong vườn đấy! Tuy nhiên, đừng bao giờ dùng đá trang trí bể nuôi vì ốc sên có thể ngã xuống từ thành bể và vỡ vỏ nếu bị đập vào đá. Vỏ cây và cành cây thường sẽ hỏng sau vài tuần nên bạn sẽ cần thay thế chúng.

    • Không dùng bìa các-tông để trang trí vì chúng sẽ bị nấm mốc, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của ốc sên.

    8.jpg

    8. Đậy bể nuôi bằng nắp nặng hoặc được buộc chặt. Ốc sên có sức khỏe đáng kinh ngạc so với kích thước của chúng; chúng có thể trèo lên miệng của hầu hết các loại bể chứa. Bạn nên dùng bể chứa có chốt ở nắp để ngăn chúng thoát ra ngoài. Nếu nắp bể không có chốt, bạn có thể dùng một vật nặng, chẳng hạn như một chồng sách đè lên trên.

    9.jpg

    9. Tìm ốc sên để nuôi. Bạn có thể tìm thấy ốc sên ở những chỗ có bùn lầy trong vườn, chậu cây cảnh cũ hoặc các nơi ẩm ướt khác. Nếu không thấy chú ốc sên nào, bạn có thể để một chút rau xanh trong vườn, sau một thời gian quay lại kiểm tra xem ốc sên có ra ăn không. Sau cơn mưa to, ốc sên thường bò ra ngoài, vì vậy bạn sẽ dễ dàng tìm thấy chúng hơn trong cơn mưa hoặc sau cơn mưa.

    • Ốc sên vườn thường khá an toàn khi tiếp xúc, tuy nhiên bạn vẫn nên rửa tay trước và sau khi chạm vào chúng để hạn chế nguy cơ gây hại cho bản thân cũng như cho ốc sên.[5]
    • Hãy đeo găng tay nếu không muốn chạm vào chúng.
     
  2. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    Phương pháp 2: Chăm sóc ốc sên

    10.jpg

    1. Xịt nước để giữ bể nuôi luôn ẩm. Bạn hãy xịt nước vào rêu nước, than bùn và các vật thể khác đặt dưới đáy bể nuôi bất cứ khi nào thấy chúng bị khô. Các vật thể này luôn cần được giữ cho ẩm ướt.[6] Nếu không thể xịt nước ít nhất là hai ngày một lần, bạn có thể để một viên đá lạnh, hoặc một mảnh vải hay miếng bọt biển ngâm nước vào trong bể.

    11.jpg

    2. Nhẹ nhàng xịt nước lên ốc sên. Ốc sên có thể sẽ khỏe mạnh hơn nếu bạn xịt nước cho chúng mỗi ngày hoặc hai ngày một lần. Tuy nhiên, hãy để ý đến nhiệt độ của nước. Khi thời tiết lạnh, bạn hãy dùng nước ấm để xịt và dùng nước ở nhiệt độ phòng khi trời nóng hoặc dùng hệ thống sưởi.[7]

    12.jpg

    3. Cho ốc sên ăn thức ăn sạch hàng ngày. Đa số ốc sên không kén ăn và chúng thích ăn hầu hết các loại rau và hoa quả tươi. Bạn nhớ rửa kỹ thức ăn với nước sạch trước khi cho ốc sên ăn và cắt thức ăn lớn thành miếng hoặc lát mỏng.[8] Bạn có thể luộc một số loại thức ăn, chẳng hạn như cà rốt và khoai tây, trong khoảng vài phút để chúng mềm hơn. Hãy luôn để thức ăn được nấu chín nguội hoàn toàn trước khi cho ốc sên ăn.

    • Một số ốc sên có thể ăn thịt sống, trứng sống, bánh mì nâu, hoặc yến mạch (ngâm nước nhưng không nấu chín). Bạn nên cung cấp cho ốc sên một khẩu phần ăn đa dạng để chúng nhận được đủ các chất dinh dưỡng cần thiết.[9]

    13.jpg

    4. Tìm hiểu các loại thức ăn có thể gây hại cho ốc sên. Hiện nay vẫn chưa có nhiều nghiên cứu về một khẩu phần ăn đầy đủ chất dinh dưỡng nhất cho ốc sên và có nhiều quan điểm khác nhau giữa những người nuôi ốc sên về các loại thức ăn có thể gây hại cho chúng. Dưới đây là một số loại thức ăn nguy hiểm cho ốc sên được phân loại theo mức độ từ cao đến thấp:[10]
    Các loại thức ăn mặn có thể giết chết ốc sên. Bạn hãy tránh cho chúng ăn bất kỳ loại thức ăn nào có muối.

    • Tránh cho ốc sên ăn mì, cơm và hạt kê. Các loại thực phẩm chứa nhiều tinh bột này có thể sẽ khiến hệ tiêu hóa của ốc sên bị tắc nghẽn, vì vậy bạn không nên cho ốc sên ăn những thứ này.
    • Các loại rau nhà trồng tiếp xúc với khí thải ô tô cũng có thể gây hại cho ốc sên.
    • Các loại thực phẩm có tính axit, chẳng hạn như hoa quả thuộc họ cam chanh, cà chua và quả kiwi có thể gây hại cho ốc sên hoặc không. Bạn nên cho ốc sên ăn các loại thực phẩm này với số lượng ít cùng với những thức ăn khác.

    14.jpg

    5. Cung cấp cho ốc sên vật liệu để tạo vỏ. Bạn có thể sử dụng một nguồn canxi sạch bất kỳ. Với đa số những người nuôi sên thì vỏ trứng và vỏ ốc sên đã chết trong vườn là những nguồn canxi khá tốt. Nếu muốn nuôi ốc sên để sinh sản thì bạn có thể mua những nguồn canxi đậm đặc hơn, chẳng hạn như mai mực hay thực phẩm bổ sung canxi nguyên chất từ các cửa hàng thú cưng.[11]

    • Luôn giữ một nguồn bổ sung canxi ở trong bể nuôi. Bạn cần bổ sung mỗi khi các nguồn này đã cạn, tuy nhiên hãy sử dụng nguồn bổ sung canxi với hàm lượng canxi lớn hơn 20% ở mức độ vừa phải.[12]

    15.jpg

    6. Giữ ốc sên sạch sẽ. Khi thấy vỏ ốc sên bị bẩn, bạn có thể dùng bàn chải đánh răng để làm sạch chúng. Tuy nhiên, bạn không nên dùng xà phòng và chải thật nhẹ nhàng để tránh làm hỏng vỏ ốc, sau đó nhỏ một vài giọt nước lên vỏ để loại bỏ lượng đất còn sót lại.

    16.jpg

    7. Dọn dẹp bể nuôi ốc sên hàng tháng hoặc bất cứ khi nào thấy bẩn. Bạn nhấc ốc sên lên bằng cách nhẹ nhàng luồn ngón tay xuống đầu chúng sau đó đặt chúng lên một cái khăn trong bể nhốt tạm. Sau khi đổ hết đất cũ trong bể nuôi ra vườn, bạn sẽ dùng một miếng bọt biển ướt nhúng xà phòng dịu nhẹ cọ sạch thành bể và đáy bể để loại bỏ các vết nhầy do ốc sên để lại cùng các loại cặn bẩn. Tráng lại bể cẩn thận để đảm bảo xà phòng không còn sót lại vì xà phòng có thể gây hại cho sên.

    • Đừng bỏ bê việc chăm sóc ốc sên nếu bạn dùng bể chứa nhỏ.
    • Không nhốt ốc sên trong bể chứa thiếu không khí.
    • Khi thay đất hoặc các vật liệu khác vào bể sạch, bạn làm theo các bước như khi bắt đầu làm nhà cho ốc sên.

    Lời khuyên
    • Để nhấc ốc sên lên, bạn nhẹ nhàng luồn tay xuống dưới đầu chúng. Nếu ốc sên rụt đầu vào, bạn hãy để một miếng thức ăn ở phía trước để dụ chúng bò lên tay, sau đó luồn ngón tay hoặc bàn tay xuống dưới cả mình ốc sên trước khi nhấc chúng lên để tránh làm rơi ốc sên xuống đất.
    • Để một bó lá khô vào bể nuôi ốc sên và giữ chúng luôn ẩm ướt. Ốc sên thích bò lên lá và trốn dưới lá, chúng sẽ dành phần lớn thời gian trong bó lá này.
    • Nếu ốc sên bò lên nóc bể nuôi, có thể là do nó không có đủ không khí và muốn trèo lên cao để hít thở. Để giải quyết vấn đề này, bạn có thể khoan một số lỗ ở dưới đáy bể để không khí lưu thông tốt hơn hoặc mua một chiếc bể mới.
    • Nếu ốc sên có vẻ không thích bạn và không chịu chui ra khỏi vỏ, hãy nhẹ nhàng cầm nó thật lâu, nó sẽ thò đầu ra thôi. Cứ làm như vậy và ốc sên sẽ dần dần quen với bạn.
    • Nước máy có chứa clo nên sẽ có hại cho ốc sên nếu dùng quá nhiều, chính vì vậy, thay vì nước máy, bạn hãy dùng nước mưa hoặc nước suối đóng chai.
    Cảnh báo
    • Trong khi một số loài ốc sên khác, chẳng hạn như ốc sên khổng lồ Châu phi hoặc ốc sên ăn hạt táo thích uống nước trong đĩa nước, ốc sên vườn lại có thể gặp nguy cơ đuối nước. Bạn nên dùng bình xịt nước hoặc súng xịt nước để giữ ẩm cho bể nuôi ốc sên vườn, không dùng đĩa đựng nước.
    • Giám sát trẻ nhỏ, đảm bảo chúng không ăn ốc sên để tránh những bệnh nguy hiểm và đảm bảo tính mạng của sên không bị đe dọa.
    Những thứ bạn cần
    • Ốc sên vườn
    • Bể nuôi, chẳng hạn như một chiếc bình hoặc bể kính.
    • Rêu nước, than bùn, phân hữu cơ hoặc khoáng chất bón cho cây (được bán trực tuyến hoặc ở các cửa hàng thú cưng)
    • Đồ trang trí (que gỗ, đá, v.v)
    • Hoa quả và rau tươi
    • Vỏ trứng hoặc nguồn canxi khác
    • Bình hoặc súng xịt nước