Trong bài viết này: Xác định nguyên nhân của hành vi xấu, Điều chỉnh hành vi xấu, Điều chỉnh môi trường và nếp sống của mèo Có thể bạn yêu chú mèo của mình hơn bất kỳ điều gì trên đời, nhưng đôi khi bạn cũng không thể chấp nhận được những hành vi nhất định như cắn xé đồ đạc, cào mọi người, và đi vào những khu vực không được phép lui tới. Bạn sẽ cần phải rèn luyện lòng kiên nhẫn và sức chịu đựng để ngăn chặn hành vi xấu của mèo cưng. Bằng những kỹ thuật đúng đắn và một số điều chỉnh nhất định đối với nếp sinh hoạt, bạn sẽ có thể ngăn mèo trong việc thực hiện hành vi tiêu cực. Phần 1: Xác định nguyên nhân của hành vi xấu 1. Hiểu hầu hết các vấn đề về hành vi thông thường ở mèo. Mặc dù mỗi con mèo đều có cá tính riêng và có thể có những vấn đề hay hành vi xấu riêng biệt, nhưng nhìn chung chúng đều biểu hiện qua bảy cách sau:[1] Tránh hay từ chối sử dụng khay vệ sinh. Đánh dấu lên đồ nội thất và những vật dụng khác bằng nước tiểu của mình. Cào lên đồ gia dụng và các vật dụng khác trong nhà. Chú mèo cũng có thể cào cả bạn hay người khác trong lúc chơi đánh nhau. Cư xử hung hăng với người khác, thậm chí với chủ của chúng. Cư xử hung hăng với những con mèo khác trong nhà. Biểu lộ sự căng thẳng hoặc lo lắng. Tỏ ra sợ hãi đối với đồ vật hay người. 2. Mang mèo đến phòng khám thú y để kiểm tra tình trạng sức khỏe. Đôi khi, mèo phản ứng bằng hành động hoặc biểu thị vấn đề về hành vi là do chúng đang gặp rắc rối về sức khoẻ. Chẳng hạn, mèo nhà bạn có thể từ chối sử dụng khay vệ sinh vì nó đang mắc chứng nhiễm trùng đường tiết niệu, hoặc, mèo tỏ ra hung hăng vì đang bị đau ở đâu đó mà bạn thấy. Vài chú mèo có thể trở nên sợ sệt đối với người hay đồ vật nếu gặp vấn đề về thị lực; hoặc, chúng có thể liếm lông một cách thái quá nếu mắc đang mắc bệnh cường giáp trạng.[2] Mang mèo đến phòng khám thú y để kiểm tra nhằm phát hiện những vấn đề về sức khỏe khiến mèo biểu lộ hành vi không tốt và điều trị kịp thời để tình hình không chuyển biến xấu đi. Nếu bác sỹ thú y xác nhận chú mèo hoàn toàn khỏe mạnh, bạn có thể tập trung vào những vấn đề khác trong môi trường sống có thể dẫn đến hành vi không ngoan ở mèo. 3. Nhận ra những điều kiện sống liên quan đến hành vi không ngoan ở mèo. Một khi xác định được mèo nhà bạn không có vấn đề về sức khỏe, bạn cần cân nhắc xem nguyên nhân nào khiến mèo biểu hiện một hoặc một vài hành vi xấu. Phân tích những nguyên nhân về môi trường sống dẫn đến hành vi xấu ở mèo:[3] Khay vệ sinh bẩn hoặc không thoải mái khiến mèo không thích đi vệ sinh trong khay. Mèo đang bị bắt nạt bởi một con mèo khác trong nhà, dẫn đến việc lảng tránh dùng khay vệ sinh và tỏ ra hung dữ. Một chú mèo mới vừa được nhận nuôi khiến cho mèo phải đánh dấu lãnh thổ của mình bằng nước tiểu. Một con chó mới trong nhà cũng có thể khiến cho chú mèo của bạn tỏ ra sợ sệt hay hung hăng. Thiếu trụ cào móng, dẫn đến việc cào lên đồ nội thất và vật dụng khác trong nhà.
Phần 2: Điều chỉnh hành vi xấu 1. Tránh trừng phạt bằng lời hay hành động đối với mèo. Sự trừng phạt về thể chất hoặc tinh thần là một trong những phương pháp kém hiệu quả nhất để sửa hành vi xấu. Trên thực tế, việc đánh hay mắng mỏ mèo có thể khiến chúng rỏ ra sợ sệt khi ở gần bạn, trở nên nhát người và thể hiện hành vi cào/cắn một cách dữ tợn hơn. Chú mèo của bạn sẽ tiếp tục hành vi xấu khi không có bạn ở đó, dần dần, nó biết rằng mình sẽ không bị phạt nếu thực hiện hành vi xấu ngoài tầm mắt của bạn.[4] Sự trừng phạt về thể chất hay tinh thần nhìn chung hiệu quả kém, không thể ngăn chặn mèo thực hiện hành vi xấu và là giải pháp ngắn hạn đối với những vấn đề của mèo. Bên cạnh đó, những sự trách phạt này còn tạo ra một không khí căng thẳng hơn cho bạn và thú cưng của mình. Mặc dù khó mà không đánh hoặc mắng mèo khi chúng quậy phá, chẳng hạn như khi chúng đánh dấu nước tiểu lên đồ đạc hoặc đi vệ linh lên thảm thay vì đi vào khay vệ sinh riêng, nhưng điều quan trọng là bạn phải giữ bình tĩnh như một người chủ và cố gắng áp dụng kỹ thuật khác hiệu quả hơn. 2. Áp dụng sự điều chỉnh từ xa. Kỹ thuật này liên kết một bề mặt, mùi hương, vị hoặc âm thanh không dễ chịu với hành vi xấu nhằm ngăn chặn chú mèo thực hiện hành vi đó. Bạn có thể sử dụng những món đồ có sẵn trong nhà để tiến hành điều chỉnh từ xa, chẳng hạn như:[5] Bề mặt: Bạn có thể lót giấy dính, giấy nhôm hoặc thảm trải sàn bằng nhựa chống trơn lên khu vực mà bạn không muốn mèo lui tới. Mèo thường không thích đi trên các kết cấu bề mặt này. Mùi: Bạn có thể sử dụng những mùi hương mà loài mèo không thích cho các khu vực mà bạn không muốn chúng bước vào. Chẳng hạn, đặt một miếng vải hay bông gòn ngâm với tinh chất xả, nước hoa, nước xịt phòng, hương cam quýt, nha đam, tinh dầu khuynh diệp hay tinh dầu lộc đề xanh lên trên đồ vật hoặc bề mặt cần giới hạn mèo. Vị: Bạn có thể xát một số loại thực phẩm nhất định lên bề mặt mà mèo thích nhai hoặc cào, chẳng hạn như dưa đắng, sản phẩm có hương cam quýt, tương ớt, ớt Cayenne hoặc gel nha đam. Dần dần, chú mèo sẽ hình thành mối tương quan giữa hương vị “đáng ghét” với vật thể cũng như bề mặt ấy và không muốn tiếp xúc nữa. Âm thanh: Sử dụng những âm thanh làm cho mèo bị giật mình nhằm ngăn chặn chúng trong việc thực hiện hành vi xấu hay đi lên một bề mặt nào đó. Bạn có thể huýt sáo, lắc chuông hay lắc một chiếc hộp bằng kim loại có vài đồng xu bên trong. Thử áp dụng tiếng động thay vì tiếng nói của bạn để làm cho chú mèo giật mình ngay lúc nó định làm điều mà bạn cho là không tốt, dần dần, mèo sẽ liên hệ hành vi ấy với âm thanh khó chịu. 3. Phớt lờ chú mèo khi nó bắt đầu hành vi không tốt lúc đang chơi cùng nhau. Nếu bạn nhận thấy mèo bỗng dưng hứng thú với việc chơi một cách thô bạo hay hung hăng, thử sửa sai hành vi này bằng cách phớt lờ nó đi.[6] Làm điều này bằng việc bước sang phòng khác và đóng cửa lại. Chờ cho đến khi mèo dịu lại rồi hãy chạm vào hay chú tâm vào chúng. Chú mèo sẽ hiểu ra rằng hành vi xấu sẽ khiến bạn nổi giận trong giờ chơi và không dám làm vậy nữa.
Phần 3: Điều chỉnh môi trường và nếp sống của mèo 1. Giữ vệ sinh khay vệ sinh sạch sẽ. Nếu chú mèo đang tỏ ra xa lánh khay vệ sinh, quan trọng là bạn phải duy trì độ sạch sẽ của khay để khuyến khích chúng sử dụng khay vệ sinh. Điều này bao gồm việc xúc và thay cát/đất mỗi ngày, làm sạch khay một lần mỗi tuần và đảm bảo khay vệ sinh luôn hấp dẫn đối với mèo. Đa số mèo không thích dùng khay vệ sinh có nắp đậy hay bao đựng vì chúng cảm thấy không được thoải mái, vì thế, hạn chế sử dụng những loại khay này.[7] Nếu bạn nuôi nhiều mèo, mỗi con nên có một khay vệ sinh riêng và thêm một khay nữa để dự trù. Cố gắng đặt khay vệ sinh rải rác khắp nhà để mỗi chú mèo đều có đủ không gian cũng như sự riêng tư khi đi vệ sinh. Tìm một khu vực yên tĩnh trong nhà, nơi mèo vừa đi vệ sinh vừa có thể nhìn quanh để thấy được liệu có ai đi đến phía sau mình hay không. Chắc rằng khay vệ sinh đủ lớn để mèo có thể ngồi thoải mái và còn thừa khoảng 3-5 cm diện tích trong khay. Loài mèo thường không thích đi trong khay vệ sinh quá đầy cát. 2. Cung cấp trụ cào móng và khung giờ chơi hàng ngày. Hầu hết mèo bộc lộ những điều xấu là do chúng cảm thấy buồn tẻ hay bị thôi thúc, vì thế, việc bạn cam kết chơi đùa với chúng hàng có một tầm quan trọng nhất định. Hãy dùng một hoặc nhiều món đồ chơi để đùa nghịch với mèo nhằm ngăn chúng chơi giỡn thô bạo với bàn tay hoặc cánh tay bạn. Tập trung sự chú ý của mèo vào những món đồ chơi trong giờ chơi và đổi đồ chơi khác mỗi tuần để mèo không cảm thấy chán.[8] Trụ cào móng có tác dụng rất tốt trong việc ngăn mèo cào vào đồ nội thất hay đồ vật bằng vải trong nhà. Đặt các trụ cào móng ở những khu vực sinh hoạt chung trong nhà hay địa điểm yêu thích của mèo. 3. Sử dụng pheromone ở loài mèo trong nhà để giảm tình trạng căng thẳng. Nếu chú mèo bắt đầu dùng nước tiểu để đánh dấu hoặc đi tiểu sai vị trí thì việc sử dụng pheromone tổng hợp của mèo sẽ rất có hiệu quả. Chất này giúp mèo bớt căng thẳng và ngăn chặn chúng đánh dấu nước tiểu lên đồ đạc khi cảm thấy âu lo hay sợ hãi.[9] Chất pheromone này thường được phun bằng máy khuếch tán hoặc bình xịt và có bán tại các cửa hàng vật nuôi.