Trong bài viết này: Loại bỏ nguồn thức ăn và nơi trú ẩn của chồn hôi, Xua đuổi chồn hôi, Xử lý chồn hôi đã xâm nhập Chồn hôi nói chung là loài động vật vô hại, nhưng tốt nhất là bạn không nên để chúng đến gần. Bạn sẽ có nguy cơ bị xịt mùi hôi, hoặc tệ hơn nữa là bị chồn hôi mang bệnh dại cắn. Chồn hôi là động vật ăn tạp vốn có thể sống bằng rác thải của con người, do đó chúng thường ở trong sân hoặc bên dưới sàn nhà. Bạn hãy học cách làm cho khu đất nhà mình trở nên bớt hấp dẫn với những con chồn hôi đang cần nơi trú ngụ và loại bỏ những con đã xâm nhập vào nhà. Phần 1: Loại bỏ nguồn thức ăn và nơi trú ẩn của chồn hôi 1. Dọn dẹp các loại quả hạch, quả mọng và các nguồn thức ăn tự nhiên khác. Chồn hôi là động vật ăn xác thối, vì vậy chúng sẽ ăn bất cứ nguồn dinh dưỡng nào tìm được. Nếu trong sân nhà có cây quả hạch, quả mọng, táo dại hoặc các loại quả khác, bạn cần dọn dẹp vườn mỗi khi thấy cần. Các cây cỏ khác trong vườn như các đống vụn cỏ cũng nên được dọn dẹp, vì trong đó có thể chứa hạt hoặc các nguồn thức ăn khác của chồn hôi. Nếu có vườn trồng cây, bạn cần hái rau và quả chín ngay khi có thể để ngăn lũ chồn hôi đang đói khỏi tìm đến kiếm ăn. Đặt khay bên dưới máng ăn cho chim để hứng hạt rơi xuống và thường xuyên dọn sạch hạt rơi vãi khi chim ăn. 2. Bảo vệ thùng rác. Cũng như gấu mèo và các loài động vật sống lang thang khác, chồn hôi có thể chỉ cần sống nhờ vào rác. Do đó bạn cần luôn đậy chặt thùng rác. Đôi khi các thùng rác thông thường không đậy kín được. Để đề phòng những con vật đi lang thang, bạn có thể mua thùng rác có chốt đậy chặt với giá khá rẻ ở cửa hàng bán đồ gia dụng. Nếu có thể, ban đêm bạn hãy cất thùng rác trong nhà kho hoặc nhà để xe; như vậy mùi rác sẽ không thu hút chồn hôi. Sử dụng thùng kín để đựng phân trộn, vì chồn hôi thích ăn vỏ trứng, vỏ hoa quả, rau củ để lâu ngày và các thứ khác mà bạn có thể dùng làm phân trộn. 3. Loại bỏ những nơi chồn hôi có thể ẩn náu. Chồn hôi thích trú ngụ dưới gầm sàn, hành lang và các khu vực được che chắn khác. Bạn có thể dùng hàng rào, gỗ dán hoặc đá để rào chắn lại những không gian có thể thu hút chồn hôi. Các đống gỗ hoặc vật liệu xây dựng có thể trở thành nơi ở của chồn hôi. Bạn nên cất trữ vật liệu trong nhà kho hoặc thùng kín để ngăn chặn chồn hôi chui vào. Những bụi cây lớn cũng là nơi trú ẩn tốt của chồn hôi. Nếu bạn trông thấy chồn hôi lảng vảng bên ngoài những bụi cây hoặc các tán cây thấp, có lẽ bạn cần cắt tỉa bớt cành cây để những nơi đó không còn hấp dẫn đối với chúng.
Phần 2: Xua đuổi chồn hôi 1. Lắp đèn sáng trong sân. Chồn hôi là loài vật sống về đêm và sợ ánh sáng mạnh. Sân nhà bạn sẽ ít hấp dẫn chồn hôi hơn nhiều nếu ban đêm được thắp đèn sáng. Tuy nhiên bạn cũng nên nhớ là ánh sáng mạnh cũng có khả năng thu hút các loài côn trùng như dế và bướm đêm. Đèn sẽ phải để sáng suốt đêm, vì vậy bạn nên cân nhắc sử dụng đèn mặt trời hoặc đèn tiết kiệm năng lượng để đỡ tốn tiền điện. Bạn cũng có thể lắp đèn cảm ứng chuyển động có tính năng bật sáng khi chồn hôi hoặc các con vật khác lại gần. Như vậy ánh sáng đèn sẽ có tác dụng xua đuổi chồn hôi khi chúng xâm nhập. 2. Dùng hóa chất xua đuổi chồn hôi. Một số loại hóa chất được biết là có tác dụng xua đuổi chồn hôi. Nếu bạn sử dụng các chất này vòng quanh sân và những khu vực nghi ngờ có chồn hôi sống, chúng sẽ bắt đầu tránh những nơi đó. Hóa chất xua đuổi chồn hôi cần phải sử dụng lặp lại cách vài ngày một lần, nhất là sau khi mưa lớn. Chồn hôi sợ mùi nước tiểu của cáo và chó, vì chúng là con mồi của hai loài vật này trong tự nhiên. Nếu bạn biết cách để lấy nước tiểu của chó thì có thể sử dụng. Bạn cũng có thể mua các sản phẩm có thành phần nước tiểu cáo hoặc chó ở cửa hàng và xịt vòng quanh sân. Bình xịt ớt dùng để đuổi sóc và các loài động vật hoang dã khác cũng có tác dụng xua đuổi chồn hôi. Xịt lên cây cối và những khu vực mà bạn trông thấy chồn hôi. Amoniac cũng khiến chồn hôi sợ và rút lui. Bạn có thể dùng giẻ cũ nhúng vào amoniac và đặt bên dưới sàn hoặc hành lang để ngăn chồn hôi xâm nhập. Vỏ các loại quả họ cam quýt cũng là chất xua đuổi chồn hôi tự nhiên. Rải vỏ cam chanh xung quanh khu đất và bên dưới sàn hành lang. 3. Lắp đặt vòi phun nước cảm ứng chuyển động. Những vòi nước kiểu này sẽ tự động phun nước khi có con vật nào đó đến gần. Đây là một cách tự nhiên và an toàn để ngăn chồn hôi vào sân. Bạn hãy lắp đặt vòi nước gần những khu vực nghi ngờ chồn hôi có thể nhắm tới.
Phần 3: Xử lý chồn hôi đã xâm nhập 1. Đặt bẫy. Bẫy lò xo hoạt động bằng cách dùng mồi dụ chồn hôi vào bẫy và sập cửa lại để không cho chúng thoát ra. Sau đó bạn có thể đem chồn hôi thả vào rừng hoặc nơi hoang dã. Bạn có thể dùng bơ lạc, cá mòi đóng hộp, thức ăn mèo hoặc các loại thức ăn nặng mùi khác để làm mồi bẫy chồn hôi. Đặt gần nơi trú ẩn của chồn hôi hoặc lối vào sân nhà bạn. Bẫy chuyên dùng để bắt gấu mèo, mèo hoang và các loài động vật hoang dã cũng có hiệu quả bẫy chồn hôi. Khi thả chồn hôi vào rừng, bạn cần mặc quần áo dày, đeo găng tay dày và nhớ đặt cửa bẫy theo hướng ngược với mặt của bạn. Thông thường thì chồn hôi sẽ rời khỏi chuồng một cách êm thấm, nhưng bạn vẫn nên cẩn thận kẻo bị chúng xịt vào người. 2. Làm bẫy bằng thùng rác. Mua một thùng rác kim loại dung tích 120 lít và một tấm ván gỗ dài. Ngay trước khi trời tối, đặt thùng rác thẳng đứng tại nơi bạn muốn bẫy chồn hôi. Dựa thùng rác vào tường hoặc một vật nào đó chắc chắn để chồn hôi không lật đổ được. Bạn có thể dùng thức ăn mèo làm mồi. Lấy một tấm ván dài và chắc chắn (tấm ván phải đủ nặng và dày để có thể chịu được sức nặng của chồn hôi; kích thước khoảng 5 x 10 cm). Dùng tấm ván để kê làm lối đi cho chồn hôi từ dưới đất đi lên và lọt vào thùng rác. Chồn hôi sẽ không thể thoát khỏi thùng rác. Nếu bạn xử lý cẩn thận, hy vọng chúng sẽ không xịt mùi hôi. Đậy nắp thùng rác sau khi chồn hôi rơi vào bẫy. Dùng xe tải chở thùng rác có chồn hôi bên trong vào rừng. Thả chồn hôi bằng cách buộc (hoặc kẹp) một sợi dây dài khoảng 7 mét vào tay cầm trên nắp thùng rác. Bằng cách này, bạn có thể mở nắp để thả chồn hôi về với tự nhiên mà không bị chúng xịt vào người. 3. Gọi cơ quan kiểm soát động vật. Nếu muốn nhờ người có chuyên môn xử lý chồn hôi, bạn hãy gọi cho trung tâm kiểm soát động vật trong vùng để họ cử người tới xử lý. Họ có đủ kiến thức và công cụ để bẫy và thả chồn hôi. Lời khuyên Bạn nên kiên nhẫn khi thả một con chồn hôi đã bị bẫy. Có thể bạn phải đợi một vài phút để chồn hôi định thần lại và ra khỏi bẫy. Tìm hiểu luật địa phương trước khi bẫy và thả chồn hôi đến nơi khác. Có thể khu vực bạn sống không cho phép làm việc này. Nếu có thể, bạn nên tránh bẫy chồn hôi vào mùa xuân và hè là mùa sinh sản của chúng. Bạn có thể bẫy phải con chồn cái đang nuôi con và lũ con sẽ bị chết đói nếu không có mẹ.