Cách để Nhận biết chuột hamster mang thai

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Trong bài viết này: Xác định hamster mang thai, Đảm bảo an toàn cho lứa hamster con

    Có lẽ bạn để ý thấy chuột hamster của mình dạo gần đây có hành vi khác thường. Một trong các nguyên nhân đằng sau sự thay đổi hành vi này là do hamster đã mang thai. Khi biết cần quan sát các dấu hiệu nào và cách cầm hamster, bạn có thể xác định liệu hamster của mình có mang thai hay không, đồng thời đảm bảo an toàn cho lứa hamster con sắp ra đời.

    Phần 1: Xác định hamster mang thai

    1.jpg

    1. Xác định giới tính của hamster. Hiển nhiên rồi, chỉ có hamster cái mới mang thai. Phần lớn mọi người đều biết giới tính của chuột hamster mình nuôi, nhưng lỡ như bạn không biết, hãy xem Cách để phân biệt giới tính chuột hamster để biết thêm thông tin về cách xác định xem hamster của bạn có phải là cái không.
    Nắm gáy của hamster (nắm chắc phần da bên trên vai của hamster nhưng không kẹp) và nhẹ nhàng lật hamster lại để kiểm tra giới tính của nó. Hamster đực sẽ có tình hoàn nổi lên xung quanh đuôi khiến cho phần mông của chúng cộm lên, trong khi hamster cái không có đặc điểm này, thay vào đó là các cặp núm vú dưới bụng nhô lên nhiều hơn.

    • Nếu bạn luôn nghĩ rằng chuột hamster của mình có gới tính cái dựa vào tên của nó khi mua, có lẽ bạn nên kiểm tra lại.
    • Lưu ý rằng nếu bạn đoán hamster mang thai vì thấy bụng của nó phình lên thì có lẽ hamster đã ở trong thời kỳ mà bạn nên hạn chế đụng vào nó, bởi vì việc cầm hamster đang ở giai đoạn cuối của thai kỳ sẽ khiến nó bị stress.

    2.jpg

    2. Nghĩ xem hamster cái của bạn có từng ở gần hamster đực không. Thời gian mang thai trung bình của hamster là 15-21 ngày, do đó hamster của bạn phải kết đôi với hamster đực trong khoảng 3 tuần qua mới có thể mang thai.[1] Nếu hamster cái không gặp hamster đực trong hơn 4 tuần qua thì nó không thể có thai.

    3.jpg

    3. Xét tuổi của hamster. Hamster có thể bắt đầu sinh sản khi được 6-7 tuần tuổi.[2] Cách duy nhất để loại trừ khả năng mang thai của hamster do chưa trưởng thành về giới tính là nó chưa được 6 tuần tuổi.
    Điều này cũng có nghĩa là bạn cần cẩn thận tách đàn hamster khi chúng được gần 6 tuần tuổi, vì hamster đến tuổi này sẽ bắt đầu giao phối. Hamster đực cũng cần phải tách khỏi mẹ.

    4.jpg

    4. Loại trừ các bệnh lý. Chỉ riêng đặc điểm bụng phình to là chưa đủ để xác định hamster đang mang thai. Bụng sưng phồng thực ra có thể là dấu hiệu của một căn bệnh hoặc một tình trạng khác. Các bệnh có thể khiến hamster trông như mang thai bao gồm:[3]

    • Bọc mủ tử cung, một bệnh nhiễm trùng tử cung khiến tử cung căng phồng vì mủ.
    • Tình trạng phì đại các cơ quan nội tạng như gan hoặc lách cũng có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư
    • Bệnh tim, một bệnh có thể dẫn đến sự tích tụ dịch trong bụng
    • Các vấn đề về ruột làm sưng phồng bụng do tiêu hóa kém
    • Bạn có thể nhận thấy các dấu hiệu khác cho thấy chuột hamster bị bệnh, bao gồm khát nước nhiều hơn (bình nước cạn nhanh hơn bình thường), chán ăn (lưu ý nếu bạn ít phải cho thêm thức ăn) và tiêu mỡ cơ thể (thường ở vùng sườn).

    5.jpg

    5. Quan sát phần bụng phình to của hamster. Có thể đây là đặc điểm đầu tiên giúp bạn nhận ra hamster đang mang thai, nhưng nếu không phải vậy, bạn hãy quan sát xem bụng của hamster có bắt đầu to dần lên không. Nếu hamster vẫn ăn uống và hoạt động như bình thường và từng có dịp để giao phối thì rất có thể đây là dấu hiệu cho thấy hamster đang mang thai.

    • Lưu ý rằng thường thì hamster không “cho thấy” nó đang mang thai cho đến cuối giai đoạn thứ ba của thai kỳ (trên 10 ngày), do đó khi bạn nhận ra bụng hamster to lên thì có thể chỉ còn không đến 1 tuần nữa là nó sẽ sinh con.[4]
    • Ngoài việc bụng to lên, núm vú của hamster cũng sẽ to hơn. Tuy nhiên núm vú của giống hamster nhỏ có to lên cũng khó nhận biết, thế nên bạn đừng lo nếu không tìm ra chúng bên dưới lớp lông tơ.[5] Hamster có thể khó chịu khi bị cầm lên ở cuối thai kỳ, vì vậy bạn đừng nhấc nó lên để tìm núm vú.

    6.jpg

    6. Quan sát hành vi làm ổ. Hamster cái thường làm ổ ở cuối thai kỳ, vì vậy việc hamster thu thập vật liệu và đem đến một góc yên tĩnh trong chuồng có thể là dấu hiệu cho thấy nó sắp sinh.[6]

    7.jpg

    7. Để ý hành vi tích trữ thức ăn. Hamster mang thai có thể bắt đầu ăn ít hơn bình thường và cũng giấu nhiều thức ăn hơn, có thể ở trong ổ của nó. Dĩ nhiên là chỉ dựa vào riêng hành vi này thì bạn không thể xác định chắc chắn hamster mang thai, nhưng đây cũng là một dấu hiệu bổ sung.

    8.jpg

    8. Chú ý các dấu hiệu cho thấy hamster sắp sinh. Trong giai đoạn cuối của thai kỳ, hamster có thể trở nên cuống quýt hơn. Các dấu hiệu hamster sắp sinh bao gồm: bồn chồn và liên tục chuyển từ ăn sang chải chuốt rồi sang làm ổ và có thể rít lên khi bạn tiến đến gần.

    9.jpg

    9. Đem hamster đến bác sĩ thú y. Nếu bạn không theo dõi được tất cả các dấu hiệu trên, bác sĩ thú y có thể sẽ giúp bạn xác định hamster có mang thai hay không. Tuy nhiên, bác sĩ thường cảnh báo rằng ngay cả người có chuyên môn chăm sóc động vật cầm hamster lên cũng có thể gây căng thẳng cho hamstervà khiến hamster mẹ bỏ rơi con hoặc ăn con.

    • Nếu bụng hamster căng phồng quá 7-10 ngày mà không sinh con (hoặc nếu không có các đặc điểm hành vi khác của thai nghén kèm theo), bạn hãy đem hamster đến phòng khám thú y, vì có thể đó là triệu chứng của một bệnh nào đó chứ không phải là mang thai.
     
  2. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    Phần 2: Đảm bảo an toàn cho lứa hamster con

    10.jpg

    1. Không chạm vào bụng hamster mẹ để sờ lũ con của nó. Hamster mang thai cực kỳ nhạy cảm với sự xáo trộn, và nếu bị căng thẳng, rất có thể chúng sẽ làm hại con khi chúng ra đời. Chắc chắn bạn sẽ gây căng thẳng cho hamster mẹ nếu sờ vào bụng nó, do đó việc này gây nguy hiểm cho sức khỏe của lứa hamster con.

    11.jpg

    2. Cho hamster mẹ ăn thức ăn bổ dưỡng trong suốt thời gian mang thai. Bạn nên chú ý hơn đến chế độ ăn của hamster mẹ để đảm bảo sức khỏe cho lứa con. Cho hamster mẹ ăn chế độ ăn quen thuộc của nó, vì những thay đổi đột ngột có thể khiến hamster khó chịu trong dạ dày. Tuy nhiên, chế độ ăn lý tưởng của hamster là thức ăn viên dành cho chuột, vì hamster không biết lựa chọn thức ăn lành mạnh (nhưng không ngon bằng).

    • Một lượng thật nhỏ sữa hoặc phô mai sẽ cung cấp canxi cho lứa hamster con trong bụng mẹ và cũng giúp hamster mẹ có nhiều sữa hơn sau khi sinh con.[7]
    • Bạn có thể cho hamster ăn một lượng vừa phải trứng luộc kỹ, quả hạch, lúa mạch và yến mạch như một nguồn protein bổ sung.[8]
    • Các vitamin và khoáng chất có trong hoa quả và rau củ như bông cải xanh, dưa chuột, súp lơ, táo, nho, chuối và dâu có thể tốt cho hamster đang mang thai. Tuy nhiên, bạn chỉ nên cho ăn một lượng rất nhỏ để tránh các vấn đề về dạ dày - ruột.[9]

    12.jpg

    3. Để cho hamster mẹ được yên tĩnh một mình bắt đầu từ khoảng ngày thứ 13 sau khi giao phối. Hamster mang thai thích được ở một mình ít nhất là 2 ngày trước khi sinh con. Điều này có nghĩa là đến ngày thứ 13 sau khi hamster giao phối, bạn không nên can thiệp vào chuồng hoặc ổ của hamster. Bạn cũng cần thật cẩn thận khi cho thức ăn vào chuồng; nếu không, hamster mẹ có thể ăn con của nó sau khi sinh.[10]
    Có thể bạn không biết hamster giao phối vào lúc nào, vì vậy bạn cứ coi như thời điểm hamster “cho thấy” dấu hiệu mang thai là ngày thứ 10 sau khi nó giao phối.[11]

    13.jpg

    4. Tách những con hamster còn lại ra chuồng khác. Ngoài tình trạng căng thẳng, việc có những con hamster khác trong chuồng cũng có thể khiến hamster mẹ ăn con của nó. Để đảm bảo an toàn cho lứa hamster con, bạn hãy tách những con hamster khác ra chuồng riêng ngay khi biết chắc hamster mẹ đã mang thai.

    • Nếu những con hamster nuôi chung trong chuồng bắt đầu đánh nhau chứ không hòa thuận như mọi khi thì đây có thể là một dấu hiệu cho thấy một trong số chúng có thể đã mang thai, đặc biệt là khi còn có thêm các biểu hiện khác đi kèm.

    14.jpg

    5. Không cầm hamster con trong hai tuần đầu tiên. Trong 2 tuần đâu sau khi sinh, hamster mẹ sẽ nhận biết con nhờ vào mùi của chúng. Nếu bạn cầm hamster con lên tay, cho dù là vô tình, hamster mẹ sẽ tấn công con của nó. Khoảng 2 tuần sau khi sinh, hamster con có thể an toàn khi bạn cầm chúng lên.

    • Tình trạng này cũng bao gồm cả việc bạn vô tình làm lây mùi của bạn vào chuồng. Đừng dọn dẹp chuồng trong thời gian này.

    15.jpg

    6. Điều chỉnh vị trí bình uống nước. Nhớ rằng bình uống nước cho hamster thường được để ở độ cao phù hợp với hamser trưởng thành, vì vậy bạn hãy điều chỉnh lại vị trí bình nước sao cho hamster con có thể uống được.

    16.jpg

    7. Bắt đầu cho hamster con ăn sau 7-10 ngày. Mặc dù hamster con chưa hoàn toàn cai sữa cho đến sau tuần thứ ba, nhưng bạn có thể bắt đầu đặt thức ăn vào chuồng cho hamster con sau 7-10 ngày. Hamster con có thể ăn thức ăn viên, nhưng bạn nên ngâm nước cho mềm trước khi cho hamster con ăn.

    17.jpg

    8. Đem hamter con đến phòng khám thú y ngay nếu bạn thấy hamster mẹ bỏ rơi con. Đặc biệt khi hamster mẹ mới đẻ lứa đầu, nó có thể bỏ con hoặc ăn con do các yếu tố gây căng thẳng trong môi trường. Nếu gặp phải trường hợp này, bạn cần tách riêng hamster mẹ khỏi con của nó và đem hamster con đến bác sĩ thú y ngay. Bác sĩ có thể giới thiệu cho bạn một trạm cứu hộ động vật hoặc bệnh viện thú y có khả năng chăm sóc hamster con bị bỏ rơi.

    Cảnh báo
    • Không kẹp chặt gáy của hamster, bằng không, bạn có thể làm hamster bị lồi mắt.