Cách để Nuôi ếch cảnh

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Trong bài viết này: Chọn một chú ếch, Chuẩn bị nơi ở cho ếch, Cho ăn và chăm sóc ếch

    Ếch là những sinh vật nhỏ nhắn xinh đẹp mà bạn có thể nuôi như một vật làm cảnh độc đáo và thú vị. Tuy nhiên, các loài ếch thì có vô số, mỗi loài lại có các nhu cầu chăm sóc riêng. Bạn có thể sử dụng bài viết này như một hướng dẫn chung để lựa chọn và chăm sóc một chú ếch cảnh, tuy nhiên bạn cũng nên nghiên cứu sâu thêm về loài ếch bạn đang nuôi.

    Phần 1: Chọn một chú ếch

    1.jpg

    1. Tìm hiểu một số giống ếch thích hợp cho người mới bắt đầu nuôi ếch cảnh. Khi nói đến ếch, điều đầu tiên bạn cần biết là trên thị trường hiện nay có muôn vàn loài ếch – một số khá dễ nuôi, số khác lại đòi hỏi bạn dành nhiều thời gian và có kiến thức chuyên sâu trong việc chăm sóc. Nếu đây là lần đầu nuôi ếch cảnh, bạn nên chọn một loài ếch dành cho người mới nuôi ếch trong số những loài sau:

    • Ếch lùn châu Phi (African dwarf frog): Loài ếch lùn châu Phi là lựa chọn tốt dành cho những người bắt đầu nuôi ếch cảnh, vì chúng có kích thước nhỏ, năng động và dễ chăm sóc. Chúng không đòi hỏi mồi sống và là loài sống hoàn toàn dưới nước.
    • Cóc bụng lửa phương Đông (Oriental fire-bellied toads): Loài ếch này thích hợp cho người mới chơi ếch muốn nuôi một chú ếch cạn (không sống dưới nước). Loài này khá hoạt bát và có kích thước không quá lớn.
    • Ếch cây bụng trắng (White's tree frog): Ếch cây bụng trắng có lẽ là loài ếch cây dễ chăm sóc nhất – chúng tương đối nhanh nhẹn, dễ ăn, thậm chí thỉnh thoảng chịu ở trên tay người (một đặc điểm ít gặp ở loài ếch).
    • Ếch Pacman: Đây là loài ếch có kích thước lớn, sống trên cạn và dễ chăm sóc. Chúng thường ít hoạt động nên không đòi hỏi nhiều không gian, nhưng có thể không thú vị lắm đối với trẻ em.
    • Là người chưa quen nuôi ếch, bạn nên tránh chọn các loài ếch độc hoặc ếch quý hiếm đắt tiền. Ếch độc khá yếu ớt và đòi hỏi việc chăm sóc khá phức tạp; loại ếch đắt tiền là lựa chọn khá mạo hiểm cho những người chưa quen chăm sóc ếch. Tốt nhất là ban đầu bạn nên chọn loại ếch không quá đắt tiền, dễ nuôi, rồi dần dần nâng cấp lên.

    2.jpg

    2. Tránh bắt ếch hoang dã nuôi làm cảnh. Mặc dù bạn có thể bắt ếch hoang dã về nuôi như thú cưng, nhưng có nhiều yếu tố mà bạn cần cân nhắc trước.

    • Thứ nhất, có thể bạn sẽ khó xác định được loài ếch mà bạn bắt được. Các loài ếch khác nhau đều có các nhu cầu rất khác nhau về thức ăn, nhiệt độ và môi trường sống. Do đó, nếu bạn cố nuôi một chú ếch hoang dã trong điều kiện không thích hợp, nó có thể sẽ chết.
    • Nếu vẫn quyết định nuôi ếch hoang dã, bạn nên để ý kỹ môi trường nơi bạn bắt được nó. Nó nhảy xung quanh đám lá cây và đám cỏ trong rừng, ẩn nấp dưới tảng đá hoặc bơi dưới hồ? Bạn sẽ phải mô phỏng các điều kiện này ở nhà.
    • Tuy nhiên, bạn vẫn nên cố gắng xác định đúng loài ếch mà bạn bắt được bằng cách tìm hình ảnh trên mạng, tham khảo sách về loài ếch hoặc hỏi các chuyên gia về động vật hoang dã ở địa phương. Điều này sẽ giúp bạn biết chính xác các nhu cầu của ếch.
    • Thứ hai, nhiều loài ếch hoang dã đang có số lượng sụt giảm, thậm chí có nguy cơ tuyệt chủng. Khi bắt một con ếch trong môi trường thiên nhiên, bạn có thể sẽ gây tổn hại cho số lượng ếch hoang dã, đặc biệt là đối với loài quý hiếm đang bị đe dọa.
    • Thứ ba, đôi khi những con ếch hoang dã có thể mang mầm bệnh. Bạn cần đảm bảo chú ếch bạn bắt được phải linh lợi và khỏe mạnh!
    • Ở một số vùng, việc bắt các loài vật được bảo vệ là phạm luật, vì vậy bạn nên kiểm tra các quy định của quốc gia/địa phương nơi bạn sống trước khi bắt một con ếch hoang dã.

    3.jpg

    3. Cân nhắc kích cỡ của ếch và nhu cầu về không gian của chúng. Kích cỡ của ếch (khi phát triển tối đa) và kích thước bể nuôi cần được cân nhắc đầu tiên khi bạn chọn nuôi một chú ếch.

    • Đôi khi những chú ếch bé xíu trong tiệm chú cưng sẽ biến thành những quái vật khổng lồ khi lớn hết cỡ. Ví dụ, loài ếch yêu tinh (pixie frog) ban đầu chỉ có kích thước chưa đến 2,5 cm chiều dài, nhưng chúng có thể đạt đến kích thước hơn 20 cm chiều dài khi trưởng thành.
    • Các loài ếch lớn đòi hỏi nhiều không gian. Ví dụ, một chú ếch bò (bullfrog) lớn hết cỡ sẽ cần bể có dung dích 284 lít trở lên. Nếu bạn nuôi loài ếch này trong bể nhỏ hơn kích thước trên, chúng sẽ sống không thoải mái và có thể bị bệnh.
    • Bể lớn sẽ chiếm nhiều không gian trong nhà và bạn cũng mất nhiều công sức hơn để làm vệ sinh. Ếch cỡ to cũng ăn nhiều hơn, và bạn sẽ phải tốn tiền mua thức ăn hơn.
    • Đây cũng là một lý do khác khiến bạn phải tìm hiểu và xác định đúng loài ếch phù hợp trước khi mua.

    4.jpg

    4. Suy nghĩ về nhu cầu thức ăn của ếch. Trước khi hấp tấp mua ngay chú ếch đẹp nhất ở cửa hàng (hoặc xấu nhất - tùy vào ý thích của bạn), bạn nên dành chút thì giờ tìm hiểu xem nó ăn gì.

    • Hầu hết các loài ếch đều thích ăn dế, giun (chẳng hạn như trùn quế và trùn night crawler) và các loài giun khác. Tuy nhiên, điều quan trọng bạn cần nhớ là ếch thường thích ăn mồi sống, đặc biệt nếu bạn là người cẩn thận về việc này.
    • Loài ếch cỡ to thường đòi hỏi nhiều thức ăn bổ dưỡng hơn, trong đó có thể bao gồm chuột nhắt, cá vàng hoặc cá bảy màu. Bạn sẽ phải tốn nhiều thời gian để cung cấp những loại thức ăn như vậy cho ếch, và việc này cũng không dành cho người nhát gan!
    • Bên cạnh đó, bạn sẽ cần nghĩ xem phải tìm nguồn thức ăn cho ếch ở đâu- cửa hàng thực phẩm gần nhà bạn chắc là không bán dế sống rồi! Bạn có tìm được cửa hàng nào ở gần có cung cấp thức ăn cho các loài thú cưng đặc biệt không?
    • Tất nhiên, bạn có thể tìm được thức ăn cho ếch trong khu vườn sau nhà, nhưng việc này sẽ mất khá nhiều thời gian và lúc có lúc không. Ngoài ra, sâu bọ trong vườn thường bị phơi nhiễm hóa chất trừ sâu nên không tốt cho ếch.

    5.jpg

    5. Tìm hiểu mức độ hoạt động của loài ếch bạn định nuôi. Một điều quan trọng nữa bạn cần biết là mức hoạt động của loài ếch định nuôi. Điều này đặc biệt cần thiết nếu bạn chọn ếch làm thú cưng cho trẻ em, vì bọn trẻ hầu như đều muốn có một con vật khiến chúng thích thú.

    • Nhiều loài ếch to, đẹp hoặc lạ mắt thường được những người mới nuôi ếch ưa chuộng, nhưng những loài ếch này thường ít vận động nhất. Chúng chỉ ngồi yên như tượng và ngủ cả ngày nên có thể sẽ rất mau chán.
    • Nếu đang tìm một loài ếch năng động, tốt hơn là bạn nên mua loài ếch cỡ nhỏ, ếch sống trong nước và một số loài ếch cây, vì những loài này hay nhảy và bơi lội nên trông sẽ rất vui mắt.
    • Bạn cũng nên nhớ rằng ngay cả loài ếch năng động nhất cũng không có trò gì hơn là nhảy xung quanh hoặc ăn dế - bạn không thể dẫn ếch đi dạo, dạy ếch làm trò, thậm chí cầm nó lên tay. Do đó, điều quan trọng bạn cần cân nhắc là liệu một chú ếch có phải là thú cưng lý tưởng cho bạn (hoặc con bạn) không).

    6.jpg

    6. Hiểu rằng nuôi ếch cảnh cũng đồng nghĩa là thực hiện một cam kết. Bạn cần biết rằng quãng thời gian mà bạn phải lo cho ếch cảnh sẽ không giống như khi nuôi cá vàng – thực ra, một chú ếch cưng cỡ to được chăm sóc tốt có thể sống đến 25 năm!

    • Vì lẽ đó, bạn cần phải chuẩn bị tinh thần chăm sóc chú ếch trong nhiều năm tới – cho ếch ăn, giữ môi trường sạch sẽ và chăm sóc khi nó bị bệnh.
    • Bạn cũng nên tính toán cho các kỳ nghỉ của bạn từ giờ trở đi, vì sẽ phải có ai đó chăm sóc ếch khi bạn đi vắng. Rất khó tìm một tình nguyện viên sốt sắng đến cho ếch ăn nếu chú ếch của bạn chỉ ăn dế sống, thậm chí cả chuột nhắt!
    • Nếu đã mua một con ếch cảnh nhưng sau đó nhận thấy rằng nuôi nó quá tốn kém hoặc tốn công sức, bạn sẽ phải giải quyết việc này bằng các cách thức phù hợp.
    • Nếu đó là ếch hoang dã bắt trong vườn nhà hoặc ở công viên, bạn có thể thả nó về chỗ cũ. Bạn nên kỹ lưỡng một chút và trả nó về về càng gần vị trí ban đầu của nó càng tốt – dù nơi đó là dưới đám lá cây, trên mặt đất trong rừng hoặc cạnh dòng suối.
    • Tuy nhiên, nếu chú ếch là do bạn mua về từ tiệm thú cưng và không phải là loài ếch bản địa, bạn sẽ không thể thả nó vào nơi hoang dã. Bạn cần đem chú ếch trả lại tiệm, bán cho người chủ mới, tặng nó cho trường học để học sinh nuôi làm thú cưng của lớp, hoặc liên hệ với một tổ chức chăm sóc động vật ở địa phương.

    7.jpg

    7. Tìm hiểu xem bạn có cần xin giấy phép không.Ở một số nơi, bạn cần có giấy phép mới được nuôi ếch làm thú cưng, đặc biệt đối với loài ếch đang có nguy cơ tuyệt chủng hoặc ếch độc.

    • Ví dụ, ở Mỹ, loài ếch móng vuốt châu Phi (African clawed frog) bị cấm nuôi ở các bang như California và Oregon, vì chúng là mối đe dọa với các loài bản địa hoang dã nếu được thả ra.
    • Liên hệ với chính quyền địa phương để biết thêm thông tin về yêu cầu giấy phép trong vùng bạn sinh sống.
     
  2. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    Phần 2: Chuẩn bị nơi ở cho ếch

    8.jpg

    1. Tìm hiểu xem chú ếch của bạn cần loại bể nào. Nói về bể nuôi ếch, các loài ếch khác nhau có các nhu cầu rất khác nhau, vì vậy bạn cần chuẩn bị nơi ở cho ếch trước khi mua.

    • Bể cạn: Đây là kiểu bể nuôi ếch đơn giản nhất, nhưng chỉ được dùng cho các loài ếch sống trong môi trường khô ráo.
    • Bể nước: Loại bể này chi sử dụng cho các loài ếch sống hoàn toàn dưới nước – căn bản đó là loại bể thủy sinh chứa đầy nước, tương tự như bể cá.
    • Nửa cạn nửa nước: Đây là loại bể nuôi ếch phổ biến nhất, với một nửa bể chứa nước, nửa kia để khô. Hầu hết các loài ếch đều sinh trưởng tốt trong môi trường này.
    • Bể cây: Bể cây được thiết kế đặc biệt dành cho loài ếch cây vốn thích leo trèo trên các cành cây. Loại bể này thường cao hơn và hẹp hơn các loại bể khác.
    • Hồ nước ngoài trời:Trong một số trường hợp, bạn có thể nuôi loài ếch bản địa trong hồ nước tại sân nhà. Đôi khi chỉ cần xây một hồ nước là bạn cũng thu hút được các loài ếch trong vùng tìm đến sân nhà mình mà chẳng cần nhọc công đi bắt! Tuy nhiên, bạn không bao giờ nên nuôi loài ếch ngoại lai trong hồ nước ngoài trời, vì chúng có thể phá vỡ hệ sinh thái trong vùng khi chúng ăn thịt các loài ếch bản địa và các loài côn trùng đang nguy cấp.

    9.jpg

    2. Đặt bể ở vị trí thuận lợi. Khi đã có bể nuôi ếch, bạn sẽ phải quyết định xem nên đặt bể ở đâu.

    • Bế nuôi ếch phải được đặt ở nơi không bị ánh nắng mặt trời chiếu thẳng vào, vì điều này có thể làm tăng nhiệt độ trong bể đến mức khó chịu cho ếch (và có lẽ còn gây nguy hiểm) .
    • Bạn cũng nên đặt bể ở khu vực xa bếp, vì khói và mùi thức ăn có thể gây hại cho ếch.
    • Cẩn thận đừng để bể nuôi ếch tiếp xúc với các sản phẩm xịt (chẳng hạn như sơn xịt trong nhà để xe hoặc keo xịt tóc trong phòng ngủ) vì các chất này có thể ngấm qua da ếch và khiến ếch bị bệnh.

    10.jpg

    3. Lót đáy bể bằng vật liệu nền phù hợp. Đây là vật liệu dùng để che phủ đáy bể. Điều chủ yếu bạn cần cân nhắc khi lót đáy bể là độ ẩm thích hợp trong bể và khả năng dễ làm sạch của vật liệu lót nền.

    • Sỏi là lựa chọn tốt cho hầu hết các loài ếch phổ biến – sỏi dễ rửa sạch, lại có nhiều màu sắc và kích cỡ. Các lựa chọn khác bao gồm đất trồng cây, vỏ thông, cát và vỏ bào gỗ tuyết tùng hoặc gỗ thông.
    • Khi lót vật liệu nền xong, bạn hãy trang trí bên trong bể theo ý thích của ếch! Bạn có thể phủ lên lớp sỏi nền một lớp rêu để ngôi nhà của ếch có vẻ tự nhiên hơn. Nhớ giữ ẩm cho rêu bằng cách thỉnh thoảng xịt nước sạch lên và nhớ để ý đến mốc.
    • Đặt vài hòn đá vào bể cũng hay, vì như vậy chú ếch của bạn có chỗ để trèo lên. Chỉ cần bạn đảm bảo những hòn đá không có cạnh sắc có thể khiến ếch bị thương.
    • Bạn cũng có thể trang trí bể bằng các cành cây nhựa hoặc các cây thật có kích thước nhỏ, hoặc các khúc cây rỗng làm chỗ ẩn nấp cho ếch. Mua hoặc tự làm hình nền cho bể, chẳng hạn như cảnh rừng mưa nhiệt đới, vì khung cảnh này sẽ khiến ếch có cảm giác quen thuộc.

    11.jpg

    4. Tìm hiểu nhu cầu về ánh sáng và nhiệt độ của ếch. Các nhu cầu về nhiệt độ và sưởi ấm của từng loài ếch sẽ rất khác nhau, vì vậy bạn cần nghiên cứu trước khi lắp đặt bể.

    • Không như thằn lằn, rắn và rùa, phần lớn các loài ếch không có nhu cầu đặc biệt về ánh sáng, vì chúng hấp thụ vitamin D hoàn toàn qua thức ăn.
    • Tuy nhiên, thường thì bạn sẽ cần cung cấp ánh sáng cho ếch đến 12 tiếng mỗi ngày, đặc biệt nếu bể được đặt ở nơi không có ánh sáng tự nhiên.
    • Đèn huỳnh quang là lựa chọn an toàn nhất cho ếch, vì loại đèn này thường không quá nóng. Các loại đèn nóng có thể gây nguy hiểm nếu ếch tìm cách nhảy lên đèn.
    • Về việc sưởi ấm, nhiệt độ lý tưởng cho ếch sẽ tùy thuộc hoàn toàn vào từng loài. Cách dễ nhất để thay đổi nhiệt độ trong bể là thay đổi nhiệt độ của cả phòng.
    • Hoặc, bạn cũng có thể mua đèn sưởi (treo bên trên bể thay vì đặt trong bể) hoặc tấm sưởi (quấn xung quanh bên ngoài bể) để tăng nhiệt độ bên trong.
    • Nếu cần tăng nhiệt độ trong bể nước hoặc bể nửa nước nửa cạn, bạn sẽ phải mua máy sưởi nước vỏ thủy tinh hoặc loại thả chìm hoàn toàn trong nước.
    • Nhớ mở máy sưởi vài ngày trước khi bạn thả ếch vào bể. Như vậy bạn sẽ có thể theo dõi và đảm bảo nhiệt độ thích hợp cho ếch.
     
  3. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    Phần 3: Cho ăn và chăm sóc ếch

    12.jpg

    1. Cho ếch ăn dế (hoặc các loài giun khác). Như đã nhắc đến ở trên, các loài ếch phổ biến nhất thích ăn dế, giun và các loại côn trùng khác, những loài ếch cỡ lớn thỉnh thoảng còn ăn cả chuột nhắt hoặc cá vàng như một món khoái khẩu.

    • Số lượng và tần suất cho ăn sẽ tùy thuộc vào từng con ếch, và ban đầu có thể bạn phải thử nghiệm mới biết được.
    • Đầu tiên, bạn nên thử cho ếch ăn 3 con dế mỗi ngày. Nếu nó ăn hết veo 3 con dế và mấy ngày sau trông vẫn còn thèm thuồng, bạn có thể tăng số lượng dế cho ếch ăn. Nếu chú dế chỉ ăn một hai con và không đụng đến con còn lại thì bạn nên giảm bớt.
    • Bạn cũng có thể thử nghiệm với nhiều loại thức ăn khác nhau, chẳng hạn như sâu bột, sâu sáp và châu chấu để xem chú ếch của bạn thich món nào hơn. Ếch sống dưới nước thường thích ăn trùn huyết và tôm nước mặn.

    13.jpg

    2. Giữ cho ếch sạch sẽ và đủ nước. Một điều rất quan trọng là cung cấp nước sạch hàng ngày để ếch uống và tắm.
    Ếch hấp thụ nước qua da thay vì uống. Vì lẽ đó, chúng thường ngồi trong bể tắm hoặc hồ nước rất lâu. Bạn nên khử clo trong nước cung cấp cho ếch, nếu có thể.
    Bạn cũng sẽ cần làm vệ sinh bể vài ngày một lần để loại bỏ chất thải của ếch, lau sạch thành bể, kiểm tra mốc hoặc rong, và nói chung là duy trì một môi trường trong lành cho ếch.

    14.jpg

    3. Tránh cầm ếch. Đơn giản là ếch không thích bị cầm trên tay, vì vậy bạn nên để cho ếch ở trong bể và hãy bằng lòng với việc chỉ ngắm nhìn nó.

    • Nếu không thể cưỡng lại ý thích mà cầm ếch lên, bạn nhớ rửa tay kỹ và lau khô tay trước, và tránh bôi bất cứ loại kem dưỡng da nào, vì ếch có thể hấp thụ các sản phẩm như vậy qua da và có nguy cơ ngã bệnh.
    • Lưu ý rằng chú ếch sẽ vặn vẹo khi bạn cầm nó lên và có thể làm ướt tay bạn – đây là dấu hiệu cho thấy chú ếch đang căng thẳng vì bị cầm, và bạn phải thả nó xuống bể càng sớm càng tốt.
    • Bạn cũng cần cẩn thận đừng làm rơi ếch khi cầm nó trên tay – ngay cả khi nó vặn vẹo – vì ếch có thể bị thương nghiêm trọng khi rơi từ trên cao xuống.

    15.jpg

    4. Chú ý đến sức khỏe của ếch. Một khi ếch đã bị bệnh thì có thể rất khó chữa và tiên lượng hiếm khi khả quan. Vì vậy, cách tốt nhất để giữ sức khỏe cho ếch là phòng chống bệnh ngay từ đầu.

    • Nếu chú ếch của bạn bắt đầu có vẻ như gầy đi và suy dinh dưỡng, bạn hãy nghĩ lại xem bạn đã cung cấp đủ loại thức ăn cho ếch chưa. Ếch không thể sống được với chế độ ăn chỉ toàn dế hoặc sâu bột. Canxi là một trong những khoáng chất mà ếch thường bị thiếu hụt, vì vậy bạn hãy cân nhắc rắc thực phẩm bổ sung canxi dạng bột vào thức ăn trước khi cho ếch ăn.
    • Chú ý dấu hiệu bệnh chân đỏ ở ếch, một căn bệnh có thể gây tử vong thường xảy ra ở ếch nuôi nhốt. Bệnh chân đỏ có biểu hiện là đỏ vùng da mặt dưới chân và bụng ếch; những con ếch bị bệnh sẽ lờ đờ và ủ rũ. Nếu nghi ngờ ếch bị bệnh chân đỏ, bạn nên cọ rửa sạch bể để loại bỏ ký sinh trùng, sau đó cho ếch tắm nước sulfamethazine trong 2 tuần.
    • Bạn cũng cần chú ý đến tình trạng nhiễm nấm và các bệnh như chướng hơi và bệnh mùa xuân (spring disease). Trong nhiều trường hợp, bạn cần đưa ếch đến bác sĩ thú y để được kê toa thuốc kháng sinh phù hợp.

    Lời khuyên
    • ĐỪNG bao giờ sử dụng hướng dẫn của các tiệm thú cưng! Có thể các hướng dẫn đó là sai! Một số cửa hàng cũng có các lời khuyên hữu ích, nhưng bạn nên tìm kiếm thông tin trên mạng. Nhiều cửa hàng có những sai lầm tai hại về loài cua ký cư và các loài khác
    • Đừng để cho trẻ còn nhỏ lại gần ếch! Trẻ có thể bóp con ếch hoặc làm nó bị thương!
    • Đừng bóp con ếch!
    • Ruồi khô đông lạnh cũng là thức ăn rất tuyệt cho ếch mà bạn có thể mua ở các tiệm bán thú cưng. Có khi thức ăn này cũng bán ở siêu thị.
    Cảnh báo
    • Luôn phải khử clo trong nước! Nước máy có thể giết chết ếch, trừ khi đã được khử clo.
    • Bài viết này chỉ là hướng dẫn chung. Bạn nên nghiên cứu thêm về các nhu cầu của ếch trước khi nuôi.