Trong bài viết này: Rắn ở Bắc Mỹ, Rắn ở Anh, Rắn ở Ấn Độ, Úc: Những loài rắn nguy hiểm nhất thế giới Từ thời xa xưa rắn vốn luôn xuất hiện trong trí tưởng tượng của con người và cũng là nỗi sợ hãi. Chúng là đề tài của nhiều câu truyện cổ tích. Mặc dù rắn độc chỉ chiếm dưới 1/3 trong tổng số chủng loại rắn (trừ khi bạn sống ở Úc, con số này là 65%!), nhưng bạn cũng nên biết cách phân biệt rắn độc. Cẩn thận với tất cả rắn, nhưng vết cắn của rắn không độc không gây đau, chỉ như kim châm. Phương pháp 1: Rắn ở Bắc Mỹ 1. Tìm hiểu về rắn. Có bốn loại rắn độc tại Mỹ: rắn hổ mang nước, rắn đuôi chuông, rắn hổ mang (copperhead) và rắn san hô. 2. Rắn hổ mang nước. Rắn hổ mang nước có con ngươi mắt hình e-líp, màu sắc thay đổi từ đen đến xanh lá cây. Chúng có sọc trắng dọc theo theo bên đầu. Rắn hổ mang nước thường xuất hiện dưới nước hoặc quanh khu vực có nước, nhưng chúng cũng thích nghi với cuộc sống trên cạn. Rắn con có đuôi màu vàng tươi. Chúng thường sống đơn độc một mình, do đó nếu bạn thấy nhiều con rắn cùng sống yên bình với nhau thì có lẽ không phải rắn hổ mang nước. 3. Rắn đuôi chuông. Tìm vòng sừng trên đuôi. Một số rắn không độc làm giả tiếng lách cách của vòng sừng này bằng cách chà đuôi qua lá cây, nhưng chỉ rắn đuôi chuông mới có vòng sừng giống cái nút ở cuối đuôi. Nếu không thể thấy vòng sừng thì bạn quan sát đầu rắn có hình tam giác rất rõ và con ngươi mắt hình e-líp như mắt mèo. 4. Rắn hổ mang. Loài rắn này có hình dạng cơ thể tương tự rắn hổ mang nước nhưng màu sáng hơn nhiều, thay đổi từ nâu đồng đến cam tươi, hồng bạc và màu quả đào. Rắn hổ mang con cũng có đuôi màu vàng. 5. Rắn san hô. Rắn san hô đẹp nhưng cực độc, chúng rất đẹp và trông giống một số loài rắn khác như rắn sữa (là loài rắn không độc). Mặc dù vậy rắn san hô có màu dễ phân biệt, với các dải màu đen, vàng và đỏ, đầu vàng và có một dải đen trên mũi. Có một câu nói để phân biệt rắn san hô với rắn vua là 'Đỏ chạm vàng là rắn độc. Đỏ chạm đen là rắn không độc'. Tuy nhiên, rắn san hô hầu như không bao giờ cắn vì chúng rất e ngại con người. Chưa có trường hợp tử vong nào được biết đến do rắn san hô Arizona, và chỉ có vài trường hợp do rắn san hô ở miền Trung đến Đông Nam Hoa Kỳ. 6. Quan sát đặc điểm màu sắc. Rắn độc tại Mỹ thường có nhiều màu, trong khi đó đa số các loài rắn chỉ có một màu đồng nhất là vô hại. Tuy nhiên, rắn hổ mang nước cũng có độc nên bạn không thể phân biệt chúng theo cách quá đơn giản như vậy. Bạn cũng cần thận trọng với rắn độc nuôi trong chuồng khi chúng thoát ra. 7. Kiểm tra hình dạng đầu. Rắn không độc có đầu tròn như hình chiếc thìa và rắn độc có đầu hình tam giác. Hình dạng này do tuyến nọc độc tạo ra (đặc điểm này không rõ trên rắn san hô). 8. Tìm vòng sừng. Nếu rắn có vòng sừng trên đuôi thì đó là rắn đuôi chuông có độc. Tuy nhiên, một số rắn không độc làm giả vòng sừng bằng cách lúc lắc đuôi nhưng không có "nút" vòng sừng, do đó âm thanh nghe như lắc hũ muối nhỏ. 9. Tìm cảm biến nhiệt. Một số rắn độc tại Mỹ có một chỗ trũng nhỏ giữa mắt và lỗ mũi. Chỗ trũng này là nơi rắn sử dụng để cảm nhận nhiệt do con mồi của chúng phát ra. Rắn san hô không thuộc nhóm rắn có đặc điểm này. 10. Chú ý hành vi bắt chước. Một số rắn không độc bắt chước hình thức và hành vi của rắn độc. Răn săn chuột có thể trông giống rắn đuôi chuông, rắn sữa và rắn vua trông giống rắn san hô. Luôn luôn ứng phó với rắn như rắn độc nếu bạn không biết chắc nó có độc hay không. Mặc dù cần thận trọng nhưng bạn không nên giết rắn - bạn có thể phạm pháp khi làm vậy, và việc giết rắn không độc có thể tạo điều kiện để rắn độc và sinh vật có hại phát triển số lượng. 11. Rắn nước (water moccasin) có mắt hình e-líp, trong khi đó loài rắn nước vô hại có mắt tròn. Dù thế nào bạn cũng nên để nó yên và cho nó rời đi chỗ khác.
Phương pháp 2: Rắn ở Anh 1. Chú ý rắn Adder! Rắn Adder là loài rắn độc phổ biến, có đặc điểm nổi bật là dấu chữ V hay X trên đầu. Một đặc điểm khác là con ngươi có dạng khe hẹp thẳng đứng, các sọc zigzag tối màu trên lưng và hình ô-van tối màu dọc theo hai bên sườn. Chúng có các khoang màu từ xám đến xanh dương và đen (phổ biến nhất). Màu nền thường là xám xanh, mặc dù cũng có màu nâu hoặc đỏ gạch. Rắn Adder phổ biến ở Anh, chủ yếu ở các vùng phía nam. Vết cắn của chúng rất đau và cần chữa trị ngay, nhưng thường không gây tử vong. Rắn Adder không hung dữ lắm trừ khi bị quấy nhiễu. Nếu được chọn thì chúng sẽ tránh xa bạn.
Phương pháp 3: Rắn ở Ấn Độ 1. Chú ý rắn Big Four. Ấn Độ là nơi cư ngụ của một số loài rắn, nhiều trong số đó là rắn độc, nhưng Big Four là loài rắn phân bố rộng khắp và khá độc. 2. Rắn hổ mang (Common Cobra). Khi bạn nghĩ đến những người dụ rắn, những con rắn chui ra từ rổ, đó chính là loài rắn hổ mang chúng ta đang đề cập. Chúng có chiều dài thay đổi từ 0,9m đến 1,8m, và có đầu rộng. Chúng có thể phình mang phía sau đầu, tạo ra vẻ bề ngoài đặc trưng và rất đáng sợ. Màu cơ thể rắn hổ mang tùy thuộc vào địa bàn sinh sống của chúng. Thông thường rắn hổ mang ở nam Ấn Độ có màu vàng đến nâu. Rắn hổ mang ở phía bắc Ấn Độ thường có màu nâu đậm hoặc đen. Chúng sợ người và sẽ đe dọa khi bị kích động, nhưng thường bỏ đi. Nếu muốn tấn công thì chúng sẽ ra đòn nhanh, đôi khi cắn nhiều nhát. Rắn hổ mang lớn có thể cắn chặt và sâu, giải phóng lượng nọc độc tối đa. Nếu bị rắn hổ mang cắn bạn phải tìm cách điều trị ngay lập tức - loài rắn hổ mang này gây ra rất nhiều cái chết cho con người trên khắp Ấn Độ. 3. Rắn hổ Ấn Độ (Common krait). Rắn hổ Ấn Độ có chiều dài từ 1,2m đến 2m. Đầu chúng trũng xuống và hơi rộng hơn cổ, mõm tròn. Mắt của chúng nhỏ và đen hoàn toàn. Thân rắn màu đen với các dải màu trắng sữa đơn hoặc kép. Vảy có hình lục giác, và vảy dưới đuôi dính liền nhau. Rắn hổ Ấn Độ hoạt động vào ban đêm, ban ngày chúng thường ẩn nấp ở nơi tối tăm, khô ráo. Chúng dễ bị điều khiển và sợ người vào ban ngày, nhưng ban đêm sẽ tấn công nếu bị kích động. 4. Rắn hổ bướm (Russel's Viper). Đây là loài rắn to khỏe với thân màu nâu pha lẫn đỏ và vàng. Trên thân có ba hàng chạy dọc với các chấm màu nâu đậm hoặc đen giống như con mắt, bắt đầu từ phần đầu và mờ dần khi đến đuôi. Các chấm ở hai bên hông nhỏ hơn và tròn hơn các chấm trên lưng. Đầu hình tam giác, thu nhỏ tại mõm và mở rộng nhiều tại cổ, trên đầu có hai chấm hình tam giác. Mắt có con ngươi thẳng đứng, lưỡi có màu đen hơi đỏ tía. Nọc độc của rắn hổ bướm đủ mạnh để bạn phải tìm cách điều trị ngay lập tức. Nếu bạn kích động nó (không chỉ vô tình đạp phải), nó sẽ cảnh báo bằng âm rít cao độ giống như nồi áp suất. 5. Rắn lục hoa cân (Saw-scaled viper). Đây là loài rắn phổ biến thứ hai tại Ấn Độ, sau rắn hổ bướm. Chúng có chiều dài từ khoảng 40cm đến 80cm. Thân có màu nâu đậm đến đỏ, xám hoặc pha trộn các màu này. Trên thân có các chấm màu vàng nhạt hoặc nâu rất nhạt, dọc theo đó là các đường tối màu đan vào nhau. Rắn lục hoa cân rất dữ khi bị kích động, và sẽ tạo ra âm thanh như đang cưa khi chà sát các vảy lưng với nhau. Đừng lẩn quẩn quanh đó nếu bạn nghe thấy âm thanh này, đây là một trong những loài có tốc độ tấn công nhanh nhất thế giới. Nếu bạn bị rắn cắn thì phải điều trị. Đôi khi đó chỉ là vết cắn khô, nhưng chỉ có chuyên gia y tế mới biết chắc chắn.
Phương pháp 4: Úc: Những loài rắn nguy hiểm nhất thế giới 1. Rắn dữ. Rắn dữ còn có tên là rắn Taipan Nội địa, nổi tiếng với nọc độc nguy hiểm nhất hành tinh. Nọc của nó mạnh hơn bất kì sinh vật nào khác từng biết đến, nhưng không có hồ sơ ghi nhận số trường hợp tử vong do chúng gây ra. Chiều dài thân rắn dữ có thể lên đến 1,8m và có màu thay đổi từ nâu đậm đến vàng nhạt. Vào mùa đông thân rắn có màu tối hơn mùa hè. Đầu gần như đen hoàn toàn. Rắn dữ sống tại các cánh đồng đất đen nơi giao nhau của Queensland, Nam Úc và Lãnh thổ Bắc Úc. 2. Rắn nâu phương Đông. Không giống rắn Taipan Nội địa là loài rắn độc nhất, rắn nâu phương Đông là nguyên nhân gây ra hầu hết những cái chết do rắn cắn tại Úc. Cũng như tất cả các loài rắn khác, nếu được lựa chọn chúng sẽ bỏ đi thay vì tấn công, nhưng nếu bị đe dọa, bị nắm hay giẫm phải, chắc chắn chúng sẽ tấn công. Rắn nâu phương Đông có thể dài hơn 2m và rất nhanh nhẹn - đặc biệt vào những ngày nóng. Chúng mềm mại với màu thân thay đổi từ nâu vàng nhạt đến xám hoặc nâu đậm. Bụng có màu nhạt hơn và có các chấm cam đậm hơn. Chúng sống ở phía đông nước Úc, từ sa mạc đến vùng duyên hải, và thích sống ở các đồng cỏ, rừng rậm. Chắc chắn bạn phải được cấp cứu ngay nếu bị chúng cắn. Lời khuyên Nên nhớ rắn sợ chúng ta hơn chúng ta sợ nó. Lý do duy nhất chúng cắn là vì bị hoảng sợ hoặc bị đe dọa, đặc biệt với rắn độc. Cẩn thận khi đi bộ. Luôn quan sát và khảo sát khu vực bạn đang làm việc, và tạo ra nhiều tiếng ồn. Tạo tất cả cơ hội để rắn rời khỏi lối đi của bạn. Tại khu vực vừa có rắn san hô vừa có rắn sữa không độc, bạn nhớ câu nói "Đỏ chạm vàng là chết, đỏ chạm đen thì không sao". Câu nói này chỉ đúng tại miền đông Bắc Mỹ! Đừng đưa tay hay chân vào nơi không thể thấy không gian xung quanh, đây là nguyên nhân nhiều người leo núi bị rắn cắn. Không bao giờ sờ vào rắn nếu bạn không biết nó có phải rắn độc hay không, và không bao giờ nuôi rắn độc làm thú cưng. Mang giày ống hoặc giày chất lượng tốt, tất dày và quần dài vải dày (không mặc quần đùi) bất kì khi nào bạn đến nơi có mật độ rắn độc cao. Các nhà sinh vật học thường mang giày ống cao đến đầu gối khi đi bộ qua những khu vực này. Do bị sợ hãi bất ngờ nên đa số rắn đều phóng thích rất nhiều nọc độc. Tuy nhiên, rắn già và lớn thường có lượng nọc hạn chế, nhưng dù nọc ít thì vết cắn cũng nguy hiểm. Nếu bạn thấy rắn ở khu xóm thì nên báo mọi người biết. Như vậy họ sẽ thận trọng khi ra ngoài cùng với trẻ em hay thú nuôi, đặc biệt khi bạn cho rằng đó là rắn độc. Giáo dục là yếu tố quan trọng nhất để giữ an toàn trước rắn. Học cách phân biệt rắn tại bất kì khu vực nào bạn lui tới. Sổ tay hướng dẫn về khu vực rất quan trọng. Nếu bạn gặp rắn ở khu vực rậm rạp, nhớ lùi lại thật chậm. Bước đi ở nơi có cỏ thấp để tránh tình trạng này. Rắn cũng leo lên cây nên bạn cần chú ý không gian xung quanh. Cảnh báo Nhiều loài rắn độc hiện nay đang bị đe dọa tuyệt chủng tại Mỹ. Bạn sẽ phạm pháp nếu giết hoặc can thiệp vào cuộc sống của sinh vật bị đe dọa tuyệt chủng, bao gồm cả các loài rắn độc trong danh sách bảo vệ. Ngoài ra, tại nhiều tiểu bang pháp luật cũng không cho phép giết, bắt, quấy nhiễu hay sở hữu bất kì loài rắn hoang nào, dù có nọc độc hay không. Nhìn mắt rắn không phải là cách chính xác để phân biệt rắn độc. Rắn hổ mang, rắn mamba đen và các loài rắn rất độc khác có con ngươi tròn, trong khi trăn đuôi đỏ, trăn xanh và các loài trăn leo cây có mắt hình e-líp. Đừng tiếp cận một con rắn lạ chỉ vì nó có con ngươi tròn, đặc điểm đó không có nghĩa nó không độc. Một số con rắn trông giống như không có độc nhưng lại có độc, và ngược lại. Bạn phải biết những loài rắn trong khu vực mình sống. Không quấy nhiễu hoặc tiến gần rắn để tìm cách phân biệt nó, trừ khi bạn đã chắc chắn nó không phải rắn độc. Hầu hết các loài rắn đều muốn lảng tránh bạn.