Cách để Phát hiện giun sán ở mèo

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Trong bài viết này: Triệu chứng ,Bằng chứng. Xét nghiệm

    Dù chỉ sống trong nhà hay dành thời gian ở ngoài trời thì mèo cũng có thể trở thành vật chủ của các loại ký sinh trùng bên trong như giun đũa, sán dây và giun móc. [1]Mèo con thường nhiễm giun từ mèo mẹ khi bú sữa, còn mèo trưởng thành có thể vô tình nhiễm giun sán do ăn trứng giun hoặc ăn sâu bọ nhiễm giun. Vì mèo tương đối dễ bị nhiễm giun sán nên bạn cần nhận biết dấu hiệu cảnh báo để có thể đưa mèo đến khám bác sĩ thú y ngay từ sớm.[2] Nếu không được điều trị, giun sán có thể gây ra triệu chứng như lông xỉn màu hay bụng chướng to, trong một số trường hợp hiếm có thể khiến mèo mệt mỏi dữ dội. Loại bỏ giun sán tương đối dễ nếu bạn dùng thuốc tẩy giun đúng cách.[3] Cùng với một chút kiến thức, bạn cũng dễ xác định mèo có bị nhiễm giun sán hay không.

    Phần 1: Triệu chứng

    1.jpg

    1. Quan sát sự thay đổi ở bộ lông của mèo. Lông của mèo thường bóng mượt nhưng nếu nhiễm giun sán, lông mèo sẽ trở nên xỉn màu hoặc xẹp xuống.[4]
    Tình trạng này có thể là do mất nước hoặc kém hấp thụ dưỡng chất do nhiễm ký sinh trùng.[5]

    2.jpg

    2. Kiểm tra nướu của mèo. Mèo khỏe mạnh có nướu hồng giống như của người. Nướu có màu nhạt hoặc trắng có thể là dấu hiệu thiếu máu, thường là do nhiễm ký sinh trùng.[6]

    • Để kiểm tra nướu cho mèo, đặt mèo lên đùi hoặc bên cạnh người bạn. Sau đó, nhẹ nhàng nắm lấy đầu mèo bằng tay, một tay dưới hàm và một tay sau tai. Dùng ngón tay để lật phần môi trên của mèo lên sao cho phần nướu phía trên răng lộ ra.[7]
    • Nếu nướu nhạt màu, bạn nên đưa mèo đến bác sĩ thú y khám càng sớm càng tốt.

    3.jpg

    3. Kiểm tra phân mèo. Nếu mèo dùng khay cát đi vệ sinh, bạn có thể dễ dàng theo dõi phân mèo. Kiểm tra các triệu chứng sau:

    • Phân đen, có màu như hắc ín có thể là dấu hiệu mất máu do giun móc bám vào thành ruột của mèo.[8]
    • Mèo có thể bị tiêu chảy do giun sán chiếm không gian trong đường ruột và cản trở tiêu hóa.[9]
    • Nếu mèo bị tiêu chảy lâu hơn 24 tiếng hoặc bạn nhìn thấy phân có máu tươi, có màu đen như hắc ín thì nên đưa mèo đến bác sĩ thú y khám.

    4.jpg

    4. Kiểm tra chất thải nôn mửa. Nôn mửa là tình trạng phổ biến ở mèo. Tuy nhiên, nếu nôn mửa thường xuyên thì mèo cần được đến bác sĩ thú y khám vì đó có thể là dấu hiệu nhiễm giun sán hoặc các vấn đề sức khỏe khác.[10]

    • Giun sán có thể khiến mèo nôn mửa bằng cách cản trở lưu thông đến dạ dày hoặc kích ứng niêm mạc dạ dày.[11]

    5.jpg

    5. Chú ý đến lượng thức ăn của mèo. Mèo nhiễm giun sán nặng thường ăn mất ngon.[12]

    • Nguyên nhân là do nhiều yếu tố như viêm niêm mạc ruột, đau dạ dày và không gian về mặt vật lý mà giun sán chiếm lấy trong ruột.[13]

    6.jpg

    6. Quan sát sự thay đổi về hình dáng cơ thể của mèo. Mèo nhiễm giun sán nặng thường có bụng to, vùng bụng giống như bị sưng lên.[14]

    • Giống như dấu hiệu nôn mửa, chướng bụng là tình trạng phổ biến và có thể do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, dấu hiệu này đủ đáng báo động để bạn đưa mèo đến bác sĩ thú ý khám, dù nguyên nhân tiềm ẩn là gì.[15]

    7.jpg

    7. Chú ý dấu hiệu thờ ơ. Nếu giun sán lấy đi dưỡng chất trực tiếp từ ruột thì mèo hoặc mèo con có thể trở nên thờ ơ, thiếu sức sống và không có năng lượng.[16] Chú ý đến sự thay đổi đáng kể ở mức năng lượng của mèo.
    • Thờ ơ cũng là triệu chứng của nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau và chắc chắn bạn cần đưa mèo đến bác sĩ thú y khám.[17]
    • Là người hiểu rõ nhất về mức năng lượng bình thường của mèo nên bạn cần theo dõi để phát hiện ra sự sụt giảm đột ngột về mức năng lượng hay cường độ chơi đùa của mèo.
     
  2. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    Phần 2: Bằng chứng

    8.jpg

    1. Kiểm tra trứng trong phân của mèo. Đeo găng tay nilông loại dùng một lần và dùng các dụng cụ dùng một lần như que kem để kiểm tra phân của mèo trong hộp cát đi vệ sinh nhằm phát hiện dấu hiệu của giun sán.

    • Sán dây có thể để lại túi trứng bám trên bề mặt của phân. Túi trứng nhìn giống như hạt vừng hoặc hạt dưa chuột, đôi khi có thể lúc nhúc và di chuyển.[18]
    • Thường khó nhìn thấy nguyên một con sán dây trong phân mèo nhưng nếu có, chúng sẽ giống như những con giun dẹt, màu kem được tạo thành từ nhiều đoạn. Sán gây trưởng thành có thể dài đến 60 cm.[19]
    • Trứng giun đũa thường quá nhỏ nên khó nhìn thấy bằng mắt thường nhưng đôi khi nguyên một con giun có thể trôi ra ngoài theo phân hoặc thậm chí là được mèo nôn ra ngoài. Giun đũa nhìn giống sợi mì ống: dài, mịn và có kích thước tương đương sợi mì ống. Giun đũa trưởng thành thường dài khoảng 7,5-15 cm.[20]
    • Giun móc cũng quá nhỏ nên khó thấy. Giun móc trưởng thành cũng nhỏ, thường chỉ dài 2-3 mm nên cũng khó phát hiện.[21]

    9.jpg

    2. Kiểm tra hậu môn của mèo. Túi trứng của sán dây có thể chui ra khỏi hậu môn của mèo và bám vào lông. Vì vậy, bạn có thể kết luận rằng mèo nhiễm sán dây nếu thấy túi trứng màu trắng hơi đục, giống như hạt vừng, bám vào lông của mèo.[22]

    10.jpg

    3. Kiểm tra nơi ngủ và các khu vực yêu thích của mèo. Đôi khi, túi trứng của sán dây có thể mắc kẹt ở những nơi mà mèo ngồi, ví dụ như chỗ ngủ hoặc đồ nội thất mềm. Vì vậy, bạn cần kiểm tra những nơi này nếu nghi ngờ mèo nhiễm giun sán.
     
  3. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    Phần 3: Xét nghiệm

    11.jpg

    1. Gọi cho bác sĩ thú y để đặt lịch khám. Nếu lo rằng mèo nhiễm giun sán, một trong những cách đáng tin cậy nhất là mang mẫu phân đến phòng khám thú y để phân tích. Mẫu phân sẽ được quan sát dưới kính hiển vi để phát hiện trứng giun sán.

    • Trứng của mỗi loại giun sán sẽ có hình dạng khác nhau nên đây là cách hiệu quả nhất để xác định (các) loại giun sán mà mèo mắc phải.[23]
    • Khi gọi cho bác sĩ thú y, bạn cần mô tả các triệu chứng mà mèo biểu hiện.

    12.jpg

    2. Thu thập mẫu phân. Nếu bác sĩ thú y yêu cầu lấy mẫu phân, bạn cần thu thập một ít phân mèo và bảo quản trong túi đựng cho đến khi đưa mèo đi khám.

    • Trứng giun sán dễ bảo quản nhưng tốt nhất bạn nên bảo quản trong túi đựng ở nơi tối, mát mẻ như nhà đậu xe hoặc nhà kho râm mát.[24]
    • Không bảo quản túi đựng phân ở phòng chế biến thức ăn và luôn rửa tay sạch sau khi lấy mẫu phân.[25]
    • Để giảm nguy cơ kết quả âm tính trong xét nghiệm mẫu phân, một số bác sĩ thú y sẽ yêu cầu lấy mẫu phân gộp lại, tức trong 3 lần mà mèo đi vệ sinh trong 3 ngày tách biệt và đựng trong cùng một túi.[26]

    13.jpg

    3. Mang mẫu phân của mèo đến phòng khám. Bác sĩ thú y sẽ kiểm tra cho mèo và tiến hành xét nghiệm mẫu phân nếu cần thiết.

    • Nếu mèo nhiễm giun sán, bác sĩ thú y sẽ kê đơn thuốc. Cho mèo uống thuốc như hướng dẫn và tình trạng nhiễm giun sán sẽ sớm cải thiện.

    Lời khuyên
    • Bạn cần lưu ý rằng mèo có thể trở thành vật chủ cho một số loại giun sán, đặc biệt là giun đũa, mà không có dấu hiệu bệnh tật. Tuy nhiên, nếu giun sinh sản và tích tụ trong đường ruột, chúng có thể hấp thụ dưỡng chất và lấy đi các dưỡng chất thiết yếu của mèo, về lâu dài có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mèo.[27] Đưa mèo đến bác sĩ thú y khám đều đặn để tránh tình trạng này và các nguy cơ sức khỏe khác.
    • Bạn có thể giúp mèo giảm nguy cơ nhiễm ký sinh trùng. Giữ khay cát đi vệ sinh của mèo luôn sạch sẽ bằng cách dọn chất thải rắn mỗi ngày. Đều đặn làm vệ sinh khay cát bằng một lượng nhỏ thuốc tẩy hòa với nước (theo tỉ lệ 1:30) hoặc nước rửa bát dịu nhẹ.[28][29]
    • Hút bụi trong nhà ít nhất một lần mỗi tuần để ngăn ngừa chấy rận.
    Cảnh báo
    • Nếu nghi ngờ mèo nhiễm giun sán hoặc đã kiểm tra giun sán cho mèo, bạn cần rửa tay sạch sau khi xử lý, đồng thời lấy hết phân mèo ra khỏi khay cát. Giữ cho trẻ nhỏ tránh xa mèo cho đến khi đưa mèo đến bác sĩ thú y để điều trị.
    • Lưu ý rằng đôi khi xét nghiệm phân âm tính có thể gây hiểu nhầm. Một số loại ký sinh trùng đẻ trứng không đồng nhất nên ngay cả khi mèo nhiễm giun sán thì có thể vẫn không có dấu hiệu trong mẫu phân mà bạn thu thập. Có thể cần xét nghiệm lặp lại để chẩn đoán nhiễm một số loại ký sinh trùng.[30]