Cách để Tránh bị rắn đuôi chuông tấn công

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    Rắn đuôi chuông là loài rắn độc sống trong nhiều vùng ở Hoa Kỳ, Canada và Mexico. Ở Trung và Nam Mỹ, chúng có mặt hầu như khắp những vùng hoang dã. Không như người ta thường nghĩ, rắn đuôi chuông không chủ ý săn đuổi con người – thức ăn tự nhiên của chúng là chuột nhắt và chuột đồng, chuột túi, các loài chim nhỏ, ếch và đôi khi cả những con côn trùng có nhiều thịt. Nói cho cùng, bản năng của rắn là tự vệ. Nếu suy nghĩ một chút, bạn sẽ thấy rắn là loài động vật rất dễ bị tổn thương vì không có chân, không có tai và cũng không to lớn, vì thế nọc độc trở thành cơ chế tự vệ chủ yếu của chúng. Rắn tiêm nọc độc qua hai chiếc răng nanh ngay khi con mồi hoặc mối nguy hiểm đến gần. Vì vậy, nhiệm vụ của bạn là phải ứng xử có trách nhiệm và cảnh giác. Hãy thận trọng, tự tin và giữ an toàn.

    Các bước

    1.jpg

    1. Biết về con rắn bạn đang đối mặt. Nó là rắn đuôi chuông hay là một loài rắn khác? Để đảm bảo an toàn, bạn đừng đến gần để nhìn nếu không biết nó là loài rắn nào. Và nếu không thể quan sát con rắn từ xa, bạn cũng đừng nghĩ đến việc tiến đến gần hơn. Nhưng sẽ có ích nếu bạn quan sát được bề ngoài của con rắn, chủ yếu là để biết cách xử trí khi bạn hoặc người đi cùng bạn bị rắn cắn. Ở khoảng cách an toàn, bạn hãy quan sát:

    • Đầu rắn phẳng, hình tam giác (mặc dù chỉ riêng đặc điểm này chưa đủ để kết luận) – phần sau đầu rộng hơn phần trước.
    • Thân mình dày.
    • Có các lỗ giữa mũi và mắt – đây là các lỗ cảm nhận nhiệt.
    • Mắt có mí lót và con ngươi hình bầu dục – đặc điểm này có thể không rõ ràng và bạn sẽ phải đến khá gần để quan sát.
    • Màu sắc – thông thường rắn đuôi chuông có các mảng màu da và nâu xen lẫn; tuy nhiên, rắn đuôi chuông Mohave có màu xanh lá cây và các vạch mỏng ở chót đuôi. Nếu có thể nhìn thấy các vạch này bằng mắt thường thì có lẽ là bạn đã đến quá gần.
    • Các vòng kêu lách cách ở chót đuôi (do vảy biến đổi thành). Các vòng này ở rắn con chưa phát triển đầy đủ – bạn nên lưu ý điều này, vì vết cắn của rắn con cũng có độc. Các vòng này có thể bị vỡ, biến dạng hoặc không kêu, vì vậy bạn đừng chỉ dựa vào đó để nhận dạng rắn đuôi chuông. Hãy nghe âm thanh của rắn đuôi chuông tại sở thú San Diego: Âm thanh của rắn đuôi chuông.

    2.jpg

    2. Lưu ý về thời gian và địa điểm rắn đuôi chuông thường xuất hiện nhất. Bạn thường gặp rắn đuôi chuông nhất khi đi dã ngoại, leo núi, cắm trại, thậm chí khi đến các khu di tích ở các điểm du lịch.

    • Hầu hết rắn đuôi chuông ưa môi trường nóng, một số loại thích khí hậu sa mạc, số khác thích khí hậu ẩm hơn, chẳng hạn như rắn đuôi chuông Eastern Diamondback. Phần lớn rắn đuôi chuông sống ở miền nam Hoa Kỳ và Mexico, mặc dù chúng cũng được tìm thấy ở các vùng sa mạc của Canada ở Alberta và British Columbia, xung quanh Hedley, Keremeos, và Osoyoos.
    • Rắn đuôi chuông thích nhất là những buổi tối mùa hè, khi mặt trời lặn và đêm xuống – chúng hoạt động mạnh nhất vào ban đêm trong những tháng hè. Trùng hợp là khi mặt trời lặn cũng là khi mắt người không nhìn rõ, vì vậy bạn hãy cẩn thận. Bạn nên dùng đèn pin khi đi lại và đi giày an toàn.
    • Rắn đuôi chuông ưa những ngày ấm áp. Vào bất cứ mùa nào trong năm, ngay cả mùa đông, rắn đuôi chuông cũng có thể ra ngoài tìm nơi ấm áp – nhiệt độ thích hợp cho rắn đuôi chuông dao động trong khoảng 21° đến 32°C.
    • Phần lớn rắn đuôi chuông không nằm yên ở nơi trống trải mà thường di chuyển đi chỗ khác. Rắn đuôi chuông muốn tránh đụng độ với những loài săn mồi có thể dễ dàng phát hiện ra chúng ở nơi trống trải, bao gồm con người và các động vật to lớn. Vì vậy, bạn sẽ thường gặp rắn đuôi chuông nhất là ở xung quanh các tảng đá, bụi rậm hoặc bất cứ nơi nào có hang hốc để ẩn nấp. Tuy nhiên, vào những ngày nắng, bạn có thể thấy chúng sưởi ấm trên những tảng đá ấm áp hoặc trên đường nhựa.

    3.jpg

    3. Mặc trang phục thích hợp. Khi ở trong vùng thường có rắn đuôi chuông sinh sống, bạn cần chú ý về trang phục – Phần lớn các nạn nhân bị rắn cắn vào bàn tay, bàn chân và mắt cá chân. Vì vậy, ngoài việc không thò tay vào những nơi nguy hiểm, trang phục cũng là “đồng minh” quan trọng của bạn:

    • Đừng đi giày xăng đan – giờ là lúc bạn phải sử dụng đôi bốt dã ngoại dày, chất lượng tốt, kèm với đôi tất phù hợp. Bốt cao trên mắt cá là tốt nhất, vì mắt cá thường là nơi bị rắn cắn. Không đi giày xăng đan, giày hở ngón hoặc chân trần khi đi trong sa mạc. Còn nhiều mối nguy hiểm khác ngoài rắn đuôi chuông đang chực chờ sự liều lĩnh của bạn.
    • Quần dài và vừa vặn.
    • Đi ghệt bảo hộ nếu có thể, đặc biệt là khi bạn không mặc quần dài.

    4.jpg

    4. Ứng xử đúng khi đi dã ngoại, leo núi, đi bộ. Khi đang ở trên lãnh địa của rắn đuôi chuông, bạn hãy đặt mình vào vị trí của rắn đuôi chuông, nghĩ xem chúng hành xử như thế nào để ứng xử cho phù hợp:

    • Luôn có ít nhất một người đồng hành. Nếu bạn đi một mình và bị rắn cắn thì sẽ rất tai hại. Nhớ đem theo điện thoại gọi được và báo cho gia đình hoặc bạn bè biết tuyến đường và thời gian mà bạn định đi.
    • Tránh đường đi của rắn. Cách dễ nhất để không gặp phải rắn đuôi chuông là tránh xa đường đi của chúng. Cảnh giác khi đi dã ngoại, đi bộ và leo núi. Bám vào các lối mòn người ta thường đi và không đi vào những vùng cỏ mọc cao, những bụi cây thấp, nơi rắn đuôi chuông có thể ẩn nấp.
    • Không thò tay vào những nơi nguy hiểm. Đừng thò tay vào các khe hở, dưới các tảng đá, rìa đá và các bụi rậm khi bạn đi tản bộ. Đó là những nơi ẩn nấp chủ yếu của rắn đuôi chuông. Khi đi bộ đường dài, tốt nhất là bạn hãy đem theo chiếc gậy chắc, hoặc ít nhất là chiếc que chắc và nhẹ để khỏi phải dùng tay ở những nơi rắn có thể trú ẩn.
    • Không ngồi lên gốc cây hoặc khúc gỗ mà chưa kiểm tra bên trong trước. Chẳng may bạn lại ngồi ngay lên một con rắn đuôi chuông thì…
    • Bước lên trên thay vì bước qua. Khi cần phải đi qua các khúc gỗ hoặc hòn đá, bạn nên bước lên trên bề mặt vật đó chứ đừng bước qua. Như vậy, bạn sẽ phát hiện được con rắn có thể nấp ở dưới và nhanh chóng tránh đi.
    • Nhìn kỹ trước khi nhảy. Cẩn thận quan sát nơi đặt bàn chân khi tiếp đất. Con rắn sẽ bị kích động và tấn công nếu bạn nhảy xuống bên cạnh hoặc ngay trên nó. Loài rắn nghe bằng sự rung động, chúng có thể nhận biết là có người đến gần khi bạn giậm chân mạnh từ xa nhưng lại không thể nhanh chóng lẩn trốn nếu bạn bất ngờ xuất hiện mà không cảnh báo trước.
    • Khi đi dã ngoại, bạn hãy đem theo gậy quất vào các bụi cây và các cây mọc thấp trước khi giẫm lên hoặc đi qua để lũ rắn bỏ đi. Chúng sẽ bò ngay dưới các bụi cây hoặc các đám cỏ dày, vì vậy bạn đừng đặt bàn chân vào hoặc trên những nơi đó! Nếu buộc phải bước lên những nơi rắn có thể ẩn nấp, bạn hãy dùng gậy thăm dò trước để con rắn có cơ hội trốn đi.
    • Rời khỏi chỗ có rắn. Nếu lỡ bước vào phạm vi của rắn đuôi chuông, bạn cần bình tĩnh lùi lại càng nhanh và càng nhẹ nhàng càng tốt.
    • Cẩn thận với các vùng nước. Rắn đuôi chuông biết bơi, vì vậy bất cứ thứ gì trông như chiếc gậy dài đều có thể là rắn đuôi chuông.
    • Đừng kích động rắn đuôi chuông. Hành động chọc tức một con rắn sẽ nhận được phản ứng – bạn sẽ trở thành mục tiêu của nó. Nhớ rằng rắn sẽ tự vệ khi bị tấn công, và nếu bạn chọc gậy, ném đá, dùng chân đá vào con rắn hoặc làm bất cứ hành động ngu ngốc nào với nó thì nghĩa là bạn đang chuốc lấy rắc rối. Tệ hơn nữa, rất có thể nọc độc của rắn đuôi chuông khi giận dữ sẽ khác với khi nó chỉ phản ứng nhanh để tự vệ — độc tính của nọc rắn lúc đó thường tăng cao, trong khi con rắn bị giật mình có thể chỉ cắn mà không tiêm nọc độc (có thể chứ không chắc chắn). Và bất kể nọc độc của con rắn mạnh đến mức nào thi rắn đuôi chuông đang tức giận cũng có nhiều khả năng tấn công hơn.
    • Không đụng đến con rắn. Nhiều người bị cắn trong lúc đang cố gắng làm anh hùng loại bỏ một con rắn mà họ cho là gây hại. Ngoài việc rắn không phải là loài gây hại, chúng thường sẽ cắn để tự vệ. Dĩ hòa vi quý – bạn hãy lùi lại và để cho con rắn trườn đi. Và hãy cẩn thận – không phải tự nhiên mà người ta hay ví “giận dữ như con rắn bị chém” – một con rắn bị thương là kẻ đặc biệt nguy hiểm.

    5.jpg

    5. Thận trọng khi cắm trại. Có các rủi ro khi đi cắm trại mà bạn cần chú ý.
    • Kiểm tra địa điểm trước khi cắm trại. Đến địa điểm cắm trại vào ban ngày và dựng lều trại khi trời sáng. Vào những đêm ấm áp, rắn đuôi chuông có thể vẫn lảng vảng xung quanh, và bạn sẽ gặp nguy hiểm khi không nhìn rõ khi làm việc.
    • Nếu đang cắm trại ở nơi có rắn đuôi chuông sinh sống, bạn hãy kéo kín khóa cửa lều vào ban đêm, kẻo lại gặp bất ngờ kinh hãi khi thức dậy. Luôn luôn kiểm tra trước khi đi ngủ để đảm bảo các vị khách phiền toái này không vào chiếm chỗ trước vì thích thú với hơi ấm và chỗ ẩn nấp dễ chịu trong lều.
    • Đảm bảo mọi người đều phải nhớ đóng cửa lều khi ra vào.
    • Giũ túi ngủ trước khi chui vào nằm. Nhiều người dùng túi ngủ không cẩn thận từng bị đánh thức theo cách chẳng dễ chịu chút nào.
    • Cẩn thận khi đi nhặt củi. Các đống củi là nơi ẩn nấp lý tưởng của rắn đuôi chuông.
    • Soi đèn pin mỗi lần đi ra ngoài vào ban đêm.

    6.jpg

    6. Trông chừng trẻ em. Trẻ em có bản tính tò mò và không biết sợ. Điều này có thể hữu ích trong môi trường an toàn nhưng lại không tốt chút nào khi ở nơi nguy hiểm. Bạn cần dạy trẻ hiểu sự nguy hiểm của rắn đuôi chuông, biết những việc không được làm và việc cần làm để tránh gặp rắn đuôi chuông, đồng thời biết cách ứng phó nếu trẻ chạm trán rắn đuôi chuông. Khi đi dã ngoại cùng trẻ em, người lớn luôn phải đi trước, và tốt nhất là có một người lớn nữa đi sau cùng.

    7.jpg

    7. Chú ý các dấu hiệu cảnh báo! Các dấu hiệu cảnh báo bao gồm các biểu hiện của rắn và các tấm biển do những người có trách nhiệm dựng lên để báo về sự hiện diện của rắn đuôi chuông:
    • Nhận biết các dấu hiệu cho thấy rắn đuôi chuông sắp tấn công. Đây là các dấu hiệu thông thường, nhưng đôi khi rắn đuôi chuông cũng tấn công mà không có dấu hiệu báo trước, vì chúng có thể cắn ở bất cứ tư thế nào khi cần thiết:
    • Rắn cuộn tròn – tư thế cuộn tròn cho phép chúng ra đòn tấn công hiệu quả nhất.
    • Phần thân phía trước của rắn (đầu) ngóc lên.
    • Các vòng ở đuôi rắn rung và phát ra âm thanh lách cách.
    • Một điều nguy hiểm nữa bạn cần phải biết: rắn đuôi chuông không phải lúc nào cũng có thể “rung chuông” để cảnh báo đòn tấn công sắp xảy ra. Ví dụ, nếu bạn giẫm lên con rắn trước khi nó kịp rung chuông, nó sẽ cắn trước rồi mới rung chuông. Đôi khi rắn không rung chuông là do bản năng tự vệ của chúng cao hơn trong thời kỳ lột da, giao phối và sinh sản. Cũng có khi con rắn chỉ muốn dựa vào màu sắc để ngụy trang, nhưng rốt cuộc chúng vẫn bị con người giẫm lên. Ngoài ra, các vòng chuông bị ướt cũng không kêu được. Rắn đuôi chuông phải có ít nhất hai vòng ở chót đuôi mới phát ra âm thanh, do đó những con rắn con không thể “rung chuông” cho đến khi trưởng thành, nhưng chúng vẫn luôn có nọc độc. Bạn cần lưu ý tất cả những khả năng này. Mặt khác, nếu có tiếng kêu lách cách thì rõ ràng là bạn đã được cảnh báo, vì vậy bạn hãy lùi lại.
    • Chú ý các biển báo của ban quản lý công viên. Khi nhìn thấy cảnh báo rằng có rắn đuôi chuông hiện diện trong khu vực, bạn cần thực hiện các biện pháp đề phòng như mô tả ở trên.

    8.jpg

    8. Lưu ý về tấm tấn công của rắn đuôi chuông. Rắn đuôi chuông có thể tấn công trong khoảng cách bằng một phần ba đến một nửa toàn bộ chiều dài cơ thể của chúng. Tuy nhiên, thật không khôn ngoan nếu bạn đánh giá thấp chiều dài của con rắn, và rắn đuôi chuông có thể tấn công xa hơn dự tính của bạn. Cú mổ của rắn đuôi chuông nhanh hơn mắt người bình thường có thể nhìn thấy.

    9.jpg

    9. Giữ bình tĩnh khi bạn hoặc ai đó bị cắn. Nếu không may bị rắn đuôi chuông cắn, dù sự cố này là nghiêm trọng, bạn cần bình tĩnh và ngồi yên, vì nếu bạn cuống quýt và cử động nhiều thì nọc độc sẽ lan ra nhanh hơn. Điều cốt yếu là bình tĩnh, giữ bất động và đến bệnh viện càng sớm càng tốt để ngăn nọc độc lan ra. Để vết cắn thấp hơn tim (không nâng cao vết thương; vì điều này sẽ tăng sự lưu thông máu và nọc độc càng lan nhanh hơn), rửa vết thương và tháo hết những thứ có thể thít chặt trên vết cắn, chẳng hạn như nhẫn (khi bị sưng, các vật thít chặt có thể cắt đứt dòng máu lưu thông đến vết thương và gây hoại tử mô). Để biết thêm thông tin về cách xử trí vết cắn của rắn đuôi chuông, bạn có thể xem Cách để trị rắn cắn.

    10.jpg

    10. Đọc lại các bước trên trước khi đi vào lãnh địa của rắn đuôi chuông. Chia sẻ thông tin này với những người đi cùng để cảnh báo họ về sự cần thiết phải chú ý, bình tĩnh và thận trọng với những rủi ro có thể xảy ra.

    Lời khuyên
    • Đa phần các trường hợp rắn cắn xảy ra từ tháng 4 đến tháng 10, khoảng thời gian mà rắn đuôi chuông hoạt động mạnh nhất.
    • Không để chó chạy qua đám cỏ cao trên đầu gối khi đến nơi hoang dã. Rắn cũng cắn cả chó, và chó thường dễ chết hơn người khi bị rắn cắn, vì chúng có kích thước nhỏ hơn.
    • Các báo cáo cho người ta chết do bị ong bắp cày và ong mật cắn nhiều hơn là do rắn đuôi chuông cắn.
    • Loài rắn đuôi chuông đảo Santa Catalina không rung chuông; chúng không có các bộ phận phát ra tiếng kêu.
    • Gọi dịch vụ chuyên nghiệp khi bạn muốn loại bỏ rắn đuôi chuông trong vườn nhà. Giữ bình tĩnh khi gặp phải rắn đuôi chuông trong sân— bình tĩnh là đều cốt yếu khi đối phó với bất cứ tình huống nguy hiểm nào.
    • Hầu như con người ai cũng sợ rắn, nhưng bạn cũng nên hiểu vai trò của rắn trong hệ sinh thái. Rắn có thể kiểm soát số lượng động vật gặm nhấm mà nếu không bị tiêu diệt thì có thể lan tràn nhiều nơi, phá hoại mùa màng, kho thực phẩm và lây truyền bệnh dịch. Khi rắn bị loại bỏ khỏi nơi ở của chúng, số lượng thú gặm nhấm sẽ tăng cao. Hơn nữa, rắn đuôi chuông là nguồn thức ăn cho các loài động vật săn mồi.
    • Đôi khi những con rắn nhỏ có thể bò vào thuyền ẩn nấp mà bạn không biết. Trong trường hợp này, bạn hãy thật bình tĩnh và chèo thuyền vào bờ. Bước ra và nhẹ nhàng lùa con rắn ra khỏi thuyền bằng mái chèo hoặc gậy dài.
    • Lời đồn rắn đuôi chuông con độc hơn rắn trưởng thành chỉ là chuyện hoang đường. Các tuyến nọc của rắn trưởng thành lớn hơn nhiều, vì vậy cho dù rắn con có trút hết nọc độc thì cũng không thể bằng lượng nọc độc của rắn trưởng thành tiêm vào con mồi.
    Cảnh báo
    • Không rạch, hút hoặc dẫn lưu vết rắn cắn – đây là những phương pháp xưa cũ không được chứng thực là có hiệu quả.
    • Đừng bao giờ nhặt lên một con rắn đuôi chuông có vẻ như đã chết. Có thể nó chỉ ngủ say hoặc chỉ đơn giản không cử động mà bạn khó nhận biết bằng mắt. Hãy để con rắn ở yên đó.
    • Vỉa hè vẫn còn ấm sau khi mặt trời lặn. Rắn đuôi chuông có thể bò lên mặt đường hoặc hè phố ấm áp để sưởi trong buổi tối trời lạnh. Bạn hãy cẩn thận khi đi lại trên đường hoặc vỉa hè lát gạch.
    • Đừng bao giờ nhặt con rắn đuôi chuông vừa bị giết chết. Nó có thể cắn theo phản xạ cho dù đã chết.
    • Đừng mua bộ xử lý rắn rắn; chúng không có hiệu quả.
    • Đừng bao giờ dùng ga rô cầm máu trên chi bị rắn cắn. Việc này có thể gây hoại tử và mất chi. Hãy bình tĩnh và tìm sự chăm sóc y tế.
    • Rắn đuôi chuông là loài động vật được bảo vệ ở nhiều nơi. Bạn đừng giết chúng, ngoại trừ trong tình huống nguy cấp đe dọa con người hoặc vật nuôi. Hành động này là dại dột và có thể khiến bạn phải vào tù vì giết hại động vật được bảo vệ.