I-Tải windows 10 Technical Preview Mời bạn đọc tải về và trải nghiệm thử bản preview đầu tiên của Windows 10 dưới dạng .ISO, đây là bản Windows mới nhất của Microsoft kết hợp giữa sự quen thuộc của Windows 7 và những gì mới mẻ trên Windows 8. Vào 23h đêm ngày 01/10/2014, Microsoft chính thức cho phép tải về phiên bản preview đầu tiên của Windows 10 (còn gọi là Windows Technical Preview). Đây là phiên bản dành cho các lập trình viên, những người dùng bình thường cũng như các khách hàng doanh nghiệp muốn xem trước Windows 10 sẽ như thế nào để tối ưu nó tốt hơn cho hệ thống máy chủ cũng như viết các phần mềm chạy được trên Windows 10. Chắc chắn sẽ có lỗi phát sinh, bởi thế bạn nên cân nhắc kỹ khi cài đặt nó lên máy tính của mình, không nên cài đặt làm HĐH chính bởi vì ứng dụng chưa tương thích cũng như lỗi sẽ làm bạn khó chịu. Bản cài đặt được phát hành dưới dạng ISO, vì thế bạn có thể cài đặt nó dễ dàng trên máy tính hoặc trên máy ảo của mình. Đầu tiên, bạn nên đăng kí chương trình Windows Insider Program tại đây, sau khi đăng ký thành viên, bạn sẽ được thông báo về các bản cập nhật cũng như bản preview mới nhất của Windows ngay khi được Microsoft phát hành. Tuy nhiên, bạn phải cung cấp các góp ý, đánh giá của mình cho Microsoft. Cấu hình tối thiểu để cài đặt Windows 10: - CPU: 1GHz hoặc nhanh hơn - RAM: 1GB (32-bit), hoặc 2GB (64-bit) - HDD trống ít nhất 16GB - Microsoft DirectX 9 - Một tài khoản Microsoft và kết nối mạng (khuyến cáo dùng Wi-Fi) Link tải về trực tiếp: - Windows 10 Technical Preview 32-bit (2.93GB, định dạng ISO) - Windows 10 Technical Preview 64-bit (3.81GB, định dạng ISO) Product Key: NKJFK-GPHP7-G8C3J-P6JXR-HQRJR Sau khi tải về, bạn có thể chép chúng ra đĩa CD hoặc thông qua USB để cài đặt bình thường. Như vậy, người dùng cuối cùng cũng đã được tận tay sử dụng Windows 10 thông qua bản Preview được chia sẻ rộng rãi bởi chính Microsoft. Sau một ngày trải nghiệm những tính năng cơ bản của Windows 10 Technical Preview (Windows 10 TP) cũng như nhận thấy nhiều sự phân vân và thắc mắc của bạn đọc về Windows 10 trong phần bình luận của VnReview, sau đây chúng tôi xin gửi đến bạn đọc bài trải nghiệm, đánh giá nhanh Windows 10 Technical Preview giúp bạn có một cái nhìn tổng quan hơn về phiên bản HĐH mới nhất đến từ Microsoft cũng như đưa ra quyết định xem có nên cài đặt trên máy tính của mình hay không. II-Cài đặt Windows 10 Technical Preview Theo đánh giá của cá nhân thì mình thấy quá trình cài đặt Windows 10 Technical Preview và Windows 8.1 là giống nhau đến 99%. Chuẩn bị vào bước cài đặt Windows Lựa chọn ngôn ngữ, múi giờ và phương thức nhập của bàn phím Cài đặt Windows 10 Quá trình cài đặt đang được bắt đầu Thỏa thuận của nhà phát hành với người dùng Lựa chọn kiểu cài đặt HĐH Bạn có thể nâng cấp lên Windows 10 từ một phiên bản cũ hơn mà không mất các phần mềm, thông tin cá nhân đã cài đặt trên máy tính. Còn không thì bạn cũng có thể cài đặt Windows 10 Technical Preview mới hoàn toàn. Lựa chọn phân vùng cài đặt HĐH Quá trình cài đặt Windows lên hệ thống đã chính thức được tiến hành Tốc độ cài đặt của Windows 10 khá nhanh Quá trình cài đặt đã được hoàn thành 3/5 bước Đang cài đặt các gói updates Máy tính được khởi động lại để tiếp tục quá trình cài đặt Windows 10 Technical Preview Chuẩn bị có những thiết lập đầu tiên trên Windows 10 Technical Preview Chỉ sau gần 10 phút, quá trình cài đặt HĐH này đã gần như là hoàn tất. Bây giờ mình sẽ có một số thiết lập cơ bản về Settings đối với HĐH này. Kể từ lúc cài đặt thì đây có lẽ là bước có sự khác biệt đầu tiên so với quá trình cài đặt Windows 8.1 HĐH đã phát hiện ra máy tính của mình đang có kết nối đến Internet, nó đã đưa ra một bảng xác nhận hỏi xem rằng mình có muốn tìm kiếm các máy tính, thiết bị khác đang được kết nối đến mạng Internet mà mình đang kết nối hay không. Thiết lập về Windows Update và một số settings về quyền riêng tư Ở đây, bạn sẽ thiết lập xem có gửi một số thông tin về vị trí khi có ứng dụng sử dụng đến chúng, hay là thông tin về cách mà bạn sử dụng chức năng Trợ giúp (Help) trong Windows như thế nào, để từ đó họ có thể đưa ra các phương án, cách sử dụng và tính năng tốt hơn cho phần mềm của họ. Tiếp tục là 1 số thiết lập liên quan đến quyền riêng tư Tiếp tục là bước thiết lập tài khoản sử dụng Windows Đăng nhập vào tài khoản Microsoft OneDrive được tích hợp sẵn vào Windows 10 Technical Preview. Bạn cũng có thể tắt đi chức năng này nhưng Microsoft không khuyến khích làm điều đó. Cá nhân mình đánh giá thì đây là một ứng dụng hay, có thể đồng bộ dữ liệu dễ dàng giữa các thiết bị chạy nhiều nền tảng khác nhau. Vậy nên bạn cũng không cần tắt nó làm gì. HĐH đang có một số thiết lập cho máy tính dựa trên dữ liệu có sẵn trong tài khoản Microsoft. Wallpaper, màn hình khóa hay một số thiết lập cơ bản trong Settings sẽ tự động thiết lập trên máy tính mới này như trên các máy tính mà bạn cài đặt Windows 8 trước đó. Hoàn tất quá trình thiết lập Bạn cần chờ thêm 1 ít thời gian nữa mới có thể vào màn hình desktop quen thuộc Cài đặt một số apps mặc định của Microsoft Để bớt nhàm chán thì quá trình cài đặt này sẽ có giao diện màu nền thay đổi liên tục Quá trình thiết lập hoàn tất, chuẩn bị đến với màn hình desktop lần đầu tiên Giao diện màn hình Windows 10 Technical Preview lần đầu tiên sử dụng. Nhìn sơ qua thì nó không có gì khác so với Windows 8.1. Chỉ thấy có một số biểu tượng khá mới dưới thanh taskbar, cụ thể như thế nào thì mình sẽ gửi thông tin đến các bạn trong phần B của bài viết. III-Trải nghiệm và đánh giá Trên Windows 10 phiên bản dành cho máy tính, Start Screen đã bị ẩn đi. Bạn chỉ có thể gọi lại tính năng này khi chuột phải vào thanh Task Bar và truy cập vào mục Properties rồi tìm đến thẻ Start Menu và bỏ dấu tích ở tùy chọn "Use the Start menu instead of Start screen". Bạn sẽ cần Sign Out rồi Log In lại để thay đổi có hiệu lực. Start Menu đã quay trở lại Start Screen như trong Windows 8/8.1 đã bị ẩn đi Giao diện Start Screen trên Windows 10 sau khi được bật trở lại không khác nhiều so với trên Windows 8/8.1. Thay cho Start Screen cũ sẽ là Start Menu mới được Microsoft đưa trở lại sau 2 năm vắng bóng trên Windows 8 và 8.1. Vì đây là phiên bản thử nghiệm nên ở phía dưới góc phải desktop, Windows 10 cũng sẽ hiển thị tên mã của bản preview. Start Menu mới trên Windows 10 khác hoàn toàn so với Start Menu trên Windows 7 và Windows 8.1, Start Menu được chia ra làm 2 cột rõ rệt, cột bên trái chứa các ứng dụng đã cài đặt cũng như ô tìm kiếm nhanh, cột bên phải chứa những ô gạch Live Tiles đặc trưng của Windows 8, chúng hoàn toàn có khả năng hiển thị trực tiếp theo thời gian thực. Đáng tiếc là Microsoft chưa áp dụng tính năng gom nhóm các ô gạch (title) giống trên Windows Phone, vì vậy nếu đưa nhiều ô gạch ra Start Menu thì bạn sẽ bị rối mắt và khó sử dụng. Bạn cũng có thể điều chỉnh kích thước hoặc xóa ô gạch bằng cách nhấp chuột phải vào chúng và tùy chỉnh theo ý thích của mình. Start Menu mới trên Windows 10 cũng có khả năng thay đổi kích cỡ, bạn có thể kéo chúng tương tự như khi thay đổi kích cỡ của các cửa sổ nhằm thay đổi kích thước Start Menu theo ý thích của mình, các ô gạch cũng sẽ được tùy chỉnh cho phù hợp. Nếu chú ý kỹ, trên thanh Taskbar của Windows 10 giờ đây được tích hợp thêm 2 nút mới, một nút giúp kích hoạt chức năng tìm kiếm nhanh còn một nút mới có tên gọi "Task View" giúp bạn quản lý các cửa sổ đa nhiệm một cách dễ dàng hơn cũng như quản lý các desktop ảo, một chức năng mới vừa được Microsoft áp dụng. Windows 10 giờ đây đã có khả năng chạy các app Modern UI dưới dạng các cửa sổ, vì thế bạn hoàn toàn có thể sử dụng song song với các app Desktop mà không cần di chuyển qua lại như trước đây. Vì thanh Charms Bar trên Windows 10 đã bị loại bỏ nên khi chạy một app Modern bất kỳ, bạn sẽ có một nút ba chấm ở phía bên góc trái cửa sổ, nút ba chấm ấy có chức năng khá giống với Charms bar giúp bạn tùy chỉnh và điều khiển ứng dụng. Nếu muốn chạy app đó dưới dạng toàn màn hình, bạn chỉ cần nhấp vào nút Full Screen, nếu muốn thoát ra bạn chỉ việc nhấn tổ hợp phím Windows+D để trở về môi trường Desktop. Ở chức năng Task View, bạn có thể di chuyển qua lại giữa các ứng dụng hoặc di chuyển giữa các desktop cũng như di chuyển các cửa sổ từ desktop này sang desktop khác một cách đơn giản và dễ dàng. Tính năng tìm kiếm trên Windows 10 không khác nhiều so với Windows 8, chỉ có điều nó có thể được kích hoạt ngay từ biểu tượng tìm kiếm trên thanh Taskbar mà không cần phải kích hoạt Charms bar hoặc Windows+S như trước nữa. Tính năng Snap View hầu như không xuất hiện trên Windows 10, do đó chúng tôi xin phép không nói đến trong bài viết này. Vì trên môi trường desktop, bạn hoàn toàn có thể kéo cửa sổ chạy các ứng dụng (cả Modern UI và Desktop) lên đầu màn hình và Windows sẽ tự động thay đổi kích thước cho phù hợp. Tính năng CMD (Command Prompt) cũng được Microsoft nâng cấp khá nhiều, bạn đã có thể sử dụng chuột cũng như các phím tắt trên CMD thay vì sử dụng thủ công như trước kia, một điều mà rất nhiều người dùng yêu cầu. Do các thành phần của Windows 10 hầu hết khá giống với Windows 8, vì thế bạn không cần phải lo lắng về tính tương thích của phần mềm và driver (tuy nhiên có một số độc giả phản ánh về việc driver Wi-Fi có vấn đề khi sử dụng Windows 10 TP, chúng tôi khuyên bạn nên tìm hiểu và kiểm tra cẩn thận trước khi cài đặt). Thay vì Internet Explorer 12, phiên bản Technical Preview vẫn chạy IE 11, có lẽ IE 12 sẽ xuất hiện khi Microsoft công bố chính thức Windows 10. Nếu bạn để ý kỹ, trên Windows 10 TP Microsoft có thay đổi một số hiệu ứng khi mở hoặc đóng cửa sổ và thêm bóng mờ ở 4 cạnh bên của cửa sổ, riêng tôi cảm thấy không thích phần này vì Microsoft đang cố gắng làm phẳng hóa HĐH của mình, nhưng tính phẳng ấy bị giảm đi khi hãng thêm vào bóng mờ như trên. Các hiệu ứng mới chưa thực sự mượt mà và còn tình trạng giật lag khá nhiều. Phần PC Settings trên Modern UI và Control Panel trên Desktop vẫn được giữ nguyên trên Windows 10. Chúng có thể tự động thay đổi bố cục khi bạn điều chỉnh kích thước của cửa sổ Thay vì kích hoạt Charms bar để tắt máy, trên Windows 10 TP có tích hợp một nút giúp bạn tắt máy nhanh ở giữa Start Menu. Các icon trên thanh taskbar cũng đã được làm phẳng hơn rất nhiều, tuy nhiên theo tôi thì những icon đó vẫn chưa đồng đều lắm do một số icon (như Recycle Bin) vẫn còn ở dạng 3D. Mong rằng Microsoft sẽ cải tiến hơn trong những bản cập nhật tới. Windows 10 TP vẫn thường xuyên gặp lỗi Full Disk như trên Windows 8 phiên bản thử nghiệm, một vài bạn đọc cũng đã góp ý về tình trạng trên. Mặc khác, do đây là phiên bản Preview, Microsoft thường xuyên cho xuất hiện những thông báo yêu cầu bạn góp ý về Windows 10 giúp Microsoft cải tiến hơn trước khi ra mắt chính thức vào cuối năm sau. Bạn có thể góp ý và gửi phản ánh về Microsoft thông qua ứng dụng Windows Feedback. Tạm kết... Nhìn chung, Windows 10 Technical Preview khá đẹp mắt và khắc phục gần như hoàn toàn những vấn đề mà người dùng khó chịu trên Windows 8, những tính năng mới của Microsoft đặc biệt là Task View sẽ giúp ích cho khá nhiều người. Tuy nhiên, do đây là một phiên bản mới và còn đang trong quá trình thử nghiệm (preview) nên sẽ rất dễ phát sinh lỗi khi sử dụng, bạn đọc cần cân nhắc trước khi cài đặt. Tính đến thời điểm bài viết này đăng tải, tác giả chưa gặp phải bất kỳ lỗi gì quá nghiêm trọng và khó chịu khi sử dụng Windows 10 Technical Preview. Mong rằng sau bài trải nghiệm nhanh này, bạn đọc sẽ có quyết định thật chính xác cho mình về việc có nên cài đặt Windows 10 trên máy tính của mình hay không.