Cảm nhận bài thơ Sang thu của nhà thơ Hữu Thỉnh Vẻ đẹp bức tranh giao mùa trong bài thơ Sang thu của Hữu Thỉnh Mở Bài: Hữu Thỉnh là một trong những gương mặt tiêu biểu, xuất sắc của nền thơ kháng chiến chống Mỹ và đã khẳng định vị trí và bản lĩnh sáng tạo của mình qua hai chặng đường lớn: thơ ca những năm chống Mỹ cứu nước và thơ ca đương đại. Thơ Hữu Thỉnh là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa tính dân tộc và tính hiện đại; giữa chiều sâu triết lí cao độ và chiều rộng của cảm xúc tràn trào; giữa sự hiền hòa, lắng dịu và sức mạnh sôi sục, trào dâng. Phong cách ấy thể hiện sâu sắc trong bài thơ Sang thu, viết năm 1977. Thân bài: Dù viết về chiến tranh hay tình yêu, tâm trạng con người hay non sông đất nước, thơ Hữu Thỉnh cũng thắm đậm sắc màu dân gian vừa bình dị, gần gũi vừa thanh cao, tinh khiết. Bài thơ Sang thu là sự rung động tinh tế của một tâm hồn đầy khát khao, nhạy cảm trước khoảnh khắc giao mùa của đất trời khi bước vào thu, đậm đà chất chiêm nghiệm, suy tư. Hữu Thỉnh đến với thơ ca trước hết với vị trí của một người lính. Bao trùm lên toàn bộ tác phẩm của ông là cảm hứng về nhân dân, đất nước, về cuộc sống và chiến đấu đau thương mà anh hùng bất khuất của dân tộc. Đôi khi, ông lại tìm về với cảm xúc đời thường, trong sự trầm tư, suy nghiệm sâu lắng trước bão tố cuộc đời. Với bài thơ Sang thu, Hữu Thỉnh có dịp trải hồn với thiên nhiên đất nước. Thiên nhiên trong thơ ông là cả một thế giới đa màu sắc, bộn bề hình ảnh và rộn ràng âm thanh của đồng bằng Bắc Bộ. Nhiều khi lại rất trầm lắng trong một thế giới riêng rất bình dị, nhỏ bé, ngỡ như ông đã hóa thân vào cảnh sắc để ca hát trường miên về ruộng đồng cây cỏ, về mùa xuân và nước biếc, về một đám mây lãng đãng trôi hay một làn sương chùng chình qua ngõ, về mùa màng rơm rạ nồng thơm khói bếp hay những chuyển động vĩ đại của đất trời trong khoảnh khắc giao mùa,… Tất cả hiện lên trong thơ ông vừa nguyên sơ hồn hậu, vừa như mới được hồi sinh trong cuộc chuyển giao qua lăng kính của phép tư duy thơ hiện đại. Mở đầu bài thơ là tiếng reo vui dội mạnh lên ở trong lòng khi nhà thơ khi chợt nhận ra dấu hiệu đầu tiên, hết sức quen thuộc của cuộc sống: “Bỗng nhận ra hương ổi Phả vào trong gió se”. Như bất chợt bắt gặp hồn quê trong một buổi sớm mai, được trở về với kí ức xưa cũ trong mênh mông thời gian – hương ổi nồng nàn trong cơn gió se – khiến nhà thơ không khỏi ngỡ ngàng. Phải đâu Hữu Thỉnh không ngờ tới, nhưng cái mùi hương nồng đậm khó quên ấy nó đột ngột đến, quyện tròn đượm ngọt trong hơi thở mà không hề báo trước khiến hồn ông rộn ràng. Nếu đã nhìn thấy những quả ổi căng mộng, e ấp tỏa hương trong tán lá nào đó thì đâu còn gì là thi vị. Ở đây, trong một buổi sớm tinh sương, khoảnh khắc đầu tiên của ngày mới, khi sự sống bắt đầu cựa mình vận động sau giấc ngủ dài, hương ổi ẩn mình trong đám lá xanh mãnh liệt “phả vào trong gió se” nguồn năng lượng dồi dào. Từ “phả” diễn tả độ đậm và độ mạnh của mùi hương. Nó không phải là bịn rịn hay thoảng đưa mà cùng một lúc tràn đến đập mạnh vào giác quan con người, nồng say đến ngây ngất. Thế nên, nhà thơ mới “giật mình”, vội vàng tìm kiếm. Cái mùi hương ngọt nồng ấy kéo nhà thơ hòa mình vào thiên nhiên và cuộc sống. Ông vội vàng đi tìm và bắt gặp: “Sương chùng chình qua ngõ”, để rồi thảng thốt reo lên như con trẻ: “Hình như thu đã về”. Cái cảm giác mê li ấy không ai không từng trải qua một lần trong cuộc đời mình. Hữu Thỉnh đã không hề khoa trương. Những cảm xúc trong ông hết sức chân thành. Ông để cho thiên nhiên thấu nhập vào tâm hồn, len lỏi trong mọi ngóc ngách của giác quan, hòa quyện trong sự sống đang cằng tràn và trở thành nguồn sống trong ông mãi mãi. Lấy hình ảnh “hương ổi” làm dấu hiệu của mùa thu, có lẽ Hữu Thỉnh là người đầu tiên. Phải chăng, ông muốn bình thường hóa cái quy luật và đi ngược lại quan niệm thẩm mĩ của người xưa? Nếu như trong thơ cổ mùa thu thường hiện ra với “cánh lá ngô đồng”, với“mùa thu hoa cúc”, hay mùa thu với phiến “lá mơ phai”,… thì Hữu thỉnh lại bắt đầu bằng “hương ổi”, một ý thơ độc đáo không đặc trưng, không màu sắc, không thi vị… Ông chọn hương chứ không chọn hình ảnh hay màu sắc, không thể nắm bắt hay giữu lấy. Bởi thế nó đã để lại trong người đọc một dư vị đậm đà khó phai. Hương ổi gắn liền với biết bao kỉ niệm của thời thơ ấu, là hương vị của đồng ruộng, của đất trời xứ sở thấm đẫm trong tâm tưởng của mỗi con người Việt Nam. Và cứ mỗi độ thu về, nó lại trở thành tác nhân gợi nhớ. Chính Hữu Thỉnh cũng đã tâm sự rằng giữa đất trời mênh mang, giữa cái khoảnh khắc giao mùa kì diệu thì điều khiến cho tâm hồn ông phải lay động, phải giật mình để nhận ra đó chính là hương ổi. Với ông, thậm chí là với nhiều người khác không làm thơ thì mùi hương đó gợi nhớ đến thời thơ ấu, gợi nhớ đến buổi chiều vàng với một dòng sông thanh bình, một con đò lững lờ trôi, những đàn trâu no cỏ giỡn đùa nhau trên đồng ruộng và những đứa trẻ ẩn hiện trong triền ổi chín ven sông. Mùi hương đơn sơ ấy trở thành chiếc chìa khóa mở thẳng vào tâm hồn mỗi người, có khi là cả một thế hệ,.. Thế rồi, từ sự ngỡ ngàng ban đầu, nhà thơ vội chạy ra với đất trời rộng lớn để xác thực điều mình vừa tưởng thấy: “Sông được lúc dềnh dàng Chim bắt đàu vội vã Có đám mây mùa hạ Vắt nửa mình sang thu”. Từ không gian ngõ hẹp, nhà thơ đến với không gian rộng lớn. Dòng sông sớm nay có chút khác lạ, không xuôi dòng mà “dềnh dàng” không chảy. Cánh chim trên bầu trời cũng “bắt đầu vội vã” khác thường. Không gian lại được mở rộng khi nhà thơ hướng tầm nhìn lên bầu trời cao thẳm. Đám mây mùa hạ với nửa sáng, nửa tối; nửa như còn lưu luyến với mùa hạ không muốn rời đi, nửa như đã “vắt” mình sang trời thu. Chỉ trong khoảnh khắc, đất trời như đang trong một cuộc chuyển luân vĩ đại, nhanh đến giật mình, thảng thốt. Nhà thơ cảm giác hào hứng nhưng không khỏi bàng hoàng. Tất cả diễn ra đột ngột và nhanh chóng quá, thế nên cảm giác sung sướng, hạnh phúc, viên mãn cũng ùa về tràn ngập khiến cho tâm hồn nhỏ bé không khỏi choáng ngợp, ngất ngây bất tận. Ông cũng muốn từ từ đón nhận nó nhưng thực tại lại không cho phép. Không là lúc này thì không là lúc nào hết. Tâm hồn ông bỗng trẻ lại như đứa trẻ thơ lần đầu tiên kinh ngạc trước phép màu của tạo hóa. Bằng phép nhân hóa đặc sắc, kết hợp với lối diễn đạt đầy sáng tạo, nhà thơ đã rất tài tình ghi lại linh hồn của cảnh vật chốn đồng quê Bắc Bộ ăm ắp nước phù sa trong buổi sớm thanh bình. Cái dềnh dàng của dòng sông không chỉ gợi ra vẻ êm dịu của bức tranh thiên nhiên mùa thu mà còn mang đầy tâm trạng của con người. Tất cả như chậm lại, trễ nãi giống như đang ngẫm ngợi, nghĩ suy. Trái ngược với vẻ khoan thai của dòng sông là sự vội vã của cánh chim trời tất bật di trú về phương Nam. Không gian trở nên xôn xao, xáo trộn như chính tâm hồn tác giả khi đứng trước cảnh vật, thể hiện sự nhạy cảm tinh tế, một tình yêu thiên nhiên tha thiết, một trí tưởng tượng bay bổng tuyệt vời. Dường như, đã cảm nhận được đó chỉ là khoảnh khắc, rất vội vàng, nhà thơ trở về với suy tư, chiêm nghiệm cuộc đời như muốn giữ lại tinh chất tâm hồn trong dòng dòng chảy khắc nghiệt của thời gian: “Vẫn còn bao nhiêu nắng Đã vơi dần cơn mưa Sấm cũng bớt bất ngờ Trên hàng cây đứng tuổi”. Nắng mưa vốn là chuyện thường tình của tạo hóa, có sao phỉa buồn, phải lo? Nhưng thi sĩ là thế, lúc nào cũng vu vơ lo nghĩ. Hữu Thỉnh đã nhìn ra từ cái mưa nắng hàng ngày như một sự hụt vơi của cuộc đời người, đến rồi đi và đi cùng với nó là sự tái sinh, cũng có thể là sự tàn phai, hủy diệt. Nắng trên trời hãy vẫn còn vàng tươi, chói chang, gay gắt lắm nhưng rồi sẽ tắt khi sự u ám của mùa thu tràn về. Cái mới đang đến, cái cũ đang tàn phai, biến mất. Nên buồn hay vui, thật khó trả lời. Cách nói mơ hồ của ông càng làm cho ý nghĩ trở nên xung đột mãnh liệt hơn. Hai chữ“bao nhiêu” thường hướng về một cái gì đó đong đếm được nhưng sắc nắng làm sao có thể đem ra mà cân đo? Và “vơi dần cơn mưa”, dù biết là vơi bớt nhưng hao hụt đến mức nào thì ai có thể xác định được? Tất cả chỉ là ước lượng thôi, không có gì là chừng mực cố định cả. Cách nói đầy nghệ thuật càng làm cho nỗi lo trong lòng người trào lên chất chứa trước cuộc phân chia của đất trời. Cho đến khi tiếng sấm vang rền cuối bầu trời báo hiệu sự thất bại hoàn toàn của mùa hạ trước cuộc xâm lấn của mùa thu, khiến ta giật mình. Ai chẳng biết, đối với thi sĩ bốn mùa đều yêu. Nay mùa hạ đang dần rời đi khiến tâm hồn không khỏi luyến lưu. Tác giả chợt nhận ra cái vòng xoay nghiệt ngã đầy tàn nhẫn của đất trời, của đời người. Ông cố gắng trấn tĩnh mình để chấp nhận thực tại nhưng dường như không thể. Tiếng “sấm” là những vang động bất thường của ngoại cảnh, của cuộc đời. “Hàng cây đứng tuổi” là sự từng trải của con người. Khi con người ta từng trải, vững vàng thì dù có bao nhiêu biến động đi chăng nữa cũng không thể làm họ xao lòng. Đến đây, giọng thơ buông lơi, trầm hẳn xuống. Câu thơ không đơn thuần chỉ là giọng kể mà là sự cảm nhận mà còn là sự suy nghĩ, đắn đo, chiêm nghiệm sâu sắc về đời người. Sự biến chuyển của đất trời khi mới bắt đầu vào thu khiến nhà thơ suy nghĩ về cuộc đời người khi đã “đứng tuổi”. Phải chăng, mùa thu đời người là sự khép lại của những tháng ngày sôi nổi với những bất thường của tuổi trẻ và mở ra một giai đoạn mới yên ắng, trầm tĩnh, bình tâm và chắc chắn hơn? Phải chăng, khi đã đi trọn đời người, con người không còn nao động trước những biến động của đất trời nữa? Dĩ nhiên là không phải thế. Trước vũ trụ, con người luôn nhỏ bé. Những biến động bất thường luôn đem đến cho ta sự bất an. Thế nhưng, khi đã từng trải, giàu kinh nghiệm, con người sẽ rất bình tâm đối diện với nó, mạnh mẽ vượt qua để tìm lấy sự an bình trong chính tâm tưởng của mình. Sự sôi nổi, khát vọng vươn cao, chiến thắng hay thất bại không còn quan trọng nữa. Đó là sự từ bỏ cái tầm thường để tìm về sự thanh cao, thoát tục, tự giải thoát bản thân khỏi mọi ràng buộc của trách nhiệm, của tham vọng, vươn đến sự tĩnh tại, ung dung, cái mà ai ai cũng muốn. Kết bài: Bằng hình ảnh thơ tự nhiên, không trau chuốt mà giàu sức gợi cảm, kết hợp với thể thơ năm chữ linh hoạt, Hữu Thỉnh đã thể hiện một cách đặc sắc những cảm nhận tinh tế bức tranh chuyển giao từ cuối hạ sang thu nhẹ nhàng, êm dịu, trong sáng nên thơ…ở vùng đông bằng Bắc Bộ của đất nước, đánh thức tình cảm của mỗi người về tình yêu quê hương đất nước và suy ngẫm về cuộc đời.