Cảm nhận những ấn tượng sâu sắc về con người trong bài thơ “Tây Tiến” của Quang Dũng

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    • Mở bài:
    Tây Tiến là bài thơ đặc sắc của Quang Dũng và của nền thơ hiện đại Việt Nam. Trong bài thơ, Quang Dũng đã đặc biệt dùng những từ ngữ mạnh mẽ, đẹp đẽ và tấm lòng trân trọng sâu sắc để khắc họa vẻ đẹp hình ảnh con người nơi miền đất Tây Tiến hoang vu, xa xôi mà thắm đượm nghĩa tình.
    • Thân bài:
    Trước hết, vẻ đẹp cuộc sống con người hiện lên ấm áp qua bức tranh một chiều Tây Tiến. Cả bài thơ Tây Tiến là nỗi nhớ, là hoài niệm. Bởi vậy, tác giả chỉ nói về những ấn tượng, đọng lại lâu nhất trong tâm trí của mình. Nhớ về Tây Tiến, Quang Dũng không thể nào quên được những kỉ niệm đầm thắm, thắm thiết tình quân dân. Những kỉ niệm ấy sâu đậm, da diết đến nổi nhà thơ phải thốt lên:“Nhớ ôi Tây Tiến”. Cùng với nỗi nhớ, những cảnh sinh hoạt bình dị cứ hiện dần lên. Nào là:“cơm lên khói”,… Rồi đến “thơm nếp xôi”:

    “Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khói
    Mai Châu mùa em thơ nếp xôi”.

    Cuộc sống miền Tây gian khổ là thế. Nhưng người lính Tây Tiến có không ít những kỉ niệm ngọt ngào. Tây Tiến vẫn có bao cảnh thơ mộng để mà ghi nhớ. Hai câu thơ này được nhiều người nhắc đến như những hình ảnh đẹp nhất, xúc động nhất của cuộc sống miền Tây. Biết bao nhớ nhung, lưu luyến được nhà thơ gửi gắm trong hai câu thơ trữ tình, đằm thắm ấy. Cuộc sống nơi rừng núi xa xôi bình dị và gần gũi biết bao. Đầm ấm không chỉ ở cảnh “cơm lên khói”, ở hương vị “thơm nếp xôi” mà còn là tình người thắm thiết gắn bó.

    Hai câu thơ gợi nhớ đến kỉ niệm ngọt ngài. Cảm giác êm ái, hạnh phúc cứ lâng lâng khắp người. Cứ mỗi lần nhớ đến, trái tim không ngừng rung động mãnh liệt. Vừa nhớ đến cảnh, lại nhớ đến người. Nơi rừng núi hoang vu, khốc liệt, hình ảnh cuộc sống con người hiện ra ấm áp. Nó tiếp thêm sức mạnh cho người lính trên mỗi bước đường chông gai, nguy hiểm.

    Hai từ “mùa em” được sử dụng thật tinh tế. Nó gợi ra hình ảnh người con gái của bản làng Mai Châu với đôi bàn tay dịu dàng làm nên cuộc sống. Nó xoa dịu những nỗi đau thương, làm tan biến bao nỗi cực nhọc của người lính. Nó gợi nhớ về quê hương và cuộc sống thanh bình của những miền quê đất nước. Càng khát khao hòa bình, người lính càng quyết tâm chiến đấu, quyết tâm vượt qua khó khăn, tiến lên phía trước.

    Vẻ đẹp con người Tây Tiến ghi đậm trong kỉ niệm tình quân dân thắm thiết. Ở đoạn thơ thứ hai, mạch cảm xúc của nhà thơ đi sâu vào những kỉ niệm của tình quân dân gắn bó thắm thiết. Những kỉ niệm thật đẹp ấy, thật nên thơ ấy đã làm những sinh hoạt tập thể. Những ngày hội chung vui giữa bộ đội với nhân dân kết tình thắm thiết. Những điệu múa trong đêm hội đuốc hoa và tiếng khèn gợi cảm, e ấp hòa trong tiếng rừng mênh mang:

    “Doanh trại bừng lên hội đuốc hoa
    Kìa em xiêm áo tự bao giờ
    Khèn lên man điệu nàng e ấp
    Nhạc về Viêng Chăn xây hồn thơ”.

    Qua bốn câu thơ, Quang Dũng đã miêu tả được vẻ đẹp hào hoa, thanh lịch của những chàng trai Hà Nội. Tâm hồn người lính trẻ như bốc men say trong đêm hội thắm thiết tình quân dân. Âm thanh trầm bổng của tiếng khèn, ánh sáng bập bùng của lửa trại và dáng điệu thướt tha của những cô gái đẹp. Tất cả đã tạo nên một vẻ đẹp lung linh, huyền ảo, như thực như mơ. Đoạn thơ như làm diệu hẳn không khí dữ dội của núi rừng hiểm trở. Âm thanh và ánh sáng chan hòa trong hình ảnh đẹp, nên thơ và ấm cúng của bản làng.

    Sau những cuộc hành quân dài mệt mỏi, người lính có dịp nghỉ ngơi và sống cùng người dân. Những đêm hội tưng bừng trong những tháng ngày chiến đấu khốc liệt khẳng định mạnh mẽ ý chí kiên cường và tình yêu cuộc sống của họ. Họ không chỉ chiến đấu mà họ còn sống cùng nhân dân, sống cùng đất nước. Cuộc chiến đấu còn kéo dài bởi kẻ thù còn ngoan cố. Ngày mai họ lại lên đường. Những cuộc vui rồi sẽ hết. Nhưng chính nó lại có thể giúp người lính thêm vững tin vào nhiệm vụ chiến đấu, vững tin vào lý tưởng cách mạng, vững tin vào mục tiêu giải phóng đất nước.

    “Kìa em xiêm áo tự bao giờ” là một câu thơ đẹp. Không chỉ đẹp bởi màu sắc trong đêm hội núi rừng mà còn đẹp ở tâm hồn lưu luyến, bồi hồi. Nó vừa biểu hiện sự ngạc nhiên bất ngờ khi “em” xuất hiện với áo xiêm ruwacj rỡ, vừa như tiếng reo vui đầy hào hứng. Cuộc sống chiến đấu vốn rất gian nan và thầm lặng. Bởi thế, “em” đã mang đến một niềm vui mới mẻ, một nguồn sống dạt dào, làm tươi trẻ trái tim người lính.

    Trong bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng, chúng ta bắt gặp khá nhiều những câu thơ viết về cảnh vật và con người miền Tây với bao tình cảm yêu thương gắn bó:

    “Người đi Châu Mộc chiều sương ấy
    Có thấy hồn lau nẻo bến bờ
    Có nhớ dáng người bên độc mộc
    Trôi dòng nước lũ hoa đong đưa”.

    Hình ảnh “người đi Châu Mộc” mang những nét độc đáo của cuộc sống và con người miền Tây. Nơi đầu sóng ngọn thác. Đó không phải là vẻ đẹp yểu điệu, dịu dàng hay yếu đuối. Đó là một vẻ đẹp mạnh mẽ, thật dữ dội. Những con người dũng cảm, ngang tàn đã từng vượt ghềnh băng thác mà không sợ hiểm nguy.

    Bông hoa rừng bên bờ suối dưới con mắt của Quang Dũng trở nên đong đưa, tình tứ lạ thường, như gửi tình theo dòng nước lũ. Ở đoạn thơ này, những câu hỏi: “có thấy – có nhớ” được nhắc đi nhắc lại như là lời tự vấn tự hỏi lòng mình của nhà thơ. Thực ra đây chỉ là một cách để Quang Dũng bày tỏ tâm tình. Những câu hỏi “có thấy… có nhớ” như là lời tác giả tự hỏi tư vấn lòng mình. Liệu khi xa nơi ấy có còn nhớ những cảnh vật, những con người ấy không? Nhưng đây là những câu hỏi tu từ. Hỏi chỉ để khẳng định rõ hơn tình cảm và nỗi nhớ của mình đối với con người và cảnh vật miền Tây.

    Bút pháp nghệ thuật của Quang Dũng trong đoạn thơ này cũng hết sức đặc sắc ở câu thơ đầu. Cảnh vật và con người như nhòa đi sương khói của thời gian.“Người đi” là ai? “Chiều sương ấy” là chiều sương nào? Tất cả không được xác định một cách cụ thể. Tất cả như nhòe đi và chìm khuất trong sương mờ. Để rồi sau đó từng hình ảnh, chi tiết cứ hiện dần lên một cách rõ nét. Từ “dáng người trên độc mộc” cho đến những bông hoa đong đưa làm duyên bên thác lũ.
    • Kết bài:
    Ngọn bút tài hoa, tinh tế của Quang Dũng chỉ thoáng vài nét mà ghi lại được cái hồn của cảnh vật. Từ cái hoang vu của ngàn lau, cái dáng dấp tạo hình của người lái đò đến cái ngả nghiêng đong đưa của những bông hoa rừng dường như muốn làm duyên bên đong thác lũ. Bốn câu thơ như bức tranh thủy mặc gợi lên những say mê ngây ngất. Chất thơ, chất nhạc, chất họa hòa quyện với nhau đến mức khó mà tách biệt. Những ấn tượng sâu sắc về con người miền Tây được khắc tạc bằng những lời thơ rắn rỏi, mạnh mẽ mà lại hết sức hiền hòa, diệu dàng và nghĩa tình như hoa tươi, như núi rừng xanh mơ.