Cảm nhận tình yêu quê hương xứ sở của nhà thơ Y Phương qua bài thơ Nói với con

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    • Mở bài:
    Y phương là nhà thơ dân tộc thiểu số trưởng thành trong thời kì kháng chiến chống Mĩ. Thơ ông thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ và trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của con người miền núi. Nói với con là một trong những bài thơ hay và nổi tiếng của Y Phương. Mượn lời tâm sự của người cha nói với con, nhà thơ đã gởi gắm biết bao tình cảm yêu quý tự hào về những vẻ đẹp của quê hương mình và lời nhắn nhủ con phải luôn ghi nhớ cội nguồn sinh dưỡng của mình, sống kiên cường mạnh mẽ không khuất phục trước khó khăn.
    • Thân bài:
    Viết về tình cảm gia đình, đã có nhiều tác phẩm hay. nhưng với bài thơ Nói với con, Y Phương đã góp một tiếng nói chan thành, mộc mạc và cảm động về tình cảm cha con đầy xúc động và thiêng liêng. Tác giả mở đầu bài thơ bằng một khung cảnh gia đình đầm ấm hạnh phúc:

    Chân phải bước tới cha
    Chân trái bước tới mẹ
    Một bước chạm tiếng nói
    Hai bước tới tiếng cười

    Lời thơ nôm na, bình dị kết hợp với lối nói điệp cấu trúc, những hình ảnh thơ sóng đôi, một cách diễn đạt rất đặc trưng của người dân miền núi nhà thơ đã gợi lên một bầu không khí gia đình đầm ấm hạnh phúc. Đứa con đang chập chững những bước đi đầu tiên trong cuộc đời mình. Bên cạnh con là hình ảnh mẹ cha khuôn mặt tươi vui rạng rỡ nụ cười đang dang rộng vòng tay đón chờ con phía trước.

    Tiếng nói dịu dàng đằm thắm, tràn ngập tình yêu thương của cha mẹ như vỗ về, động viên khích lệ con dũng cảm bước những bước đi đầu tiên trong cuộc đời mình mà không cần có mẹ cha nâng đỡ dìu dắt. Gởi gắm trong đó là ước mơ khát vọng của cha mẹ mong muốn sau này con lớn lên có thể sống một đời tự lập không cần có mẹ cha bảo bọc chở che.

    Nhìn con chập chững bước đi mà lòng cha mẹ vui mừng khôn xiết. Không có niềm vui mừng lớn lao nào cho bằng đối với người làm cha làm mẹ khi nhìn thấy con ngày một khôn lớn trưởng thành. Những câu thơ của tác giả như đưa ta trở về với những năm tháng tuổi thơ ngày ấy ta cũng còn nhỏ dại, chập chững những bước đi đầu tiên trong cuộc đời mình trong niềm vui hân hoan sung sướng của mẹ cha.

    Ta lớn lên trong tình thương, trong sự bảo bọc nâng đỡ, dạy dỗ của mẹ cha chắc chắn sau này ta sẽ có được tương lai tươi sáng. Gia đình mãi mãi là cội nguồn sinh dưỡng, là tổ ẩm thiêng liêng trong cuộc đời của mỗi con người, nơi ta được sống trong tình thương trong sự chở che đùm bọc của cha mẹ nơi có biết bao kỉ niệm thân thương gắn bó mà trong suốt cuộc đời ta không thể nào quên được.

    Tiếp đến, từ mái ấm gia đình, nhà thơ mở ra không gian rộng lớn của quê hương xứ sở:

    Người đồng mình yêu lắm con ơi
    Đan lờ cài nan hoa
    Vách nhà ken câu hát
    Rừng cho hoa
    Con đường cho những tấm lòng
    Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
    Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.

    “Người đồng mình” cách gọi sao mà thân thương gần gũi. Ẩn trong đó là biết bao tình cảm mến yêu, trân trọng của nhà thơ đối với đồng bào mình. Những người dân tộc Tày đã cùng ông sinh ra và lớn lên trong một buôn làng, thung bản xa xôi heo hút. Ông yêu biết bao người đồng mình bởi đối với ông những người đồng mình là những người tài hoa khéo léo. Tuy khó khăn, vất vả nhưng họ biết tự tay làm đẹp cho cuộc sóng của mình:

    Đan lờ cài nan hoa
    Vách nhà ken câu hát

    Dưới bàn tay lao động tài hoa khéo léo của người Tày, những công cụ thô sơ bình dị ấy bỗng trở nên đẹp hơn nhờ những đan hoa cài gắn chặt. Người Tày yêu lao động và yêu cả những lời ca câu hát của quê hương đất nước mình. Lúc nào cũng hát ca, tâm hồn luôn lạc quan, yêu đời, yêu cuộc sống. Vách nhà đối với người Tày, đó là nơi gái trai gặp gỡ hẹn hò đính ước. Một chàng trai Tày khi đã đem lòng thương yêu một người con gái nào đó, đêm đến họ thường đứng ngay vách nhà cô gái ấy. Họ mượn những lời ca câu hát để bày tỏ tâm tư, tình cảm mến yêu của mình.

    Những lời ca câu hát mượt mà đằm thắm tự bao đời nay đã nuôi dưỡng tâm hồn của biết bao người dân Tày, đã khơi dậy trong họ tình yêu niềm tự hào về vẻ đẹp của quê hương đất nước mình, một dân tộc có một truyền thống văn hóa lâu đời, có những phong tục tập quán riêng, và chính những lời ca câu hát ấy đã nối liền con người với quá khứ xa xưa, để từ đó con người cảm thấy gắn bó hơn với mảnh đất mình đã sinh ra và lớn lên.

    Cùng với đó, thiên nhiên núi rừng cũng hào phóng ban tặng cho ta biết bao hoa thơm trái ngọt, hương hoa nồng nàn thanh khiết, sắc hoa tươi thắm tô điểm làm đẹp cho cảnh sắc của quê hương đất nước. Rừng, hoa là hình ảnh ẩn dụ tượng trưng cho những nguồn tài nguyên thiên nhiên bao la rộng lớn, tượng trưng cho biết bao những điều tốt đẹp mà thiên nhiên xứ sở đã ban tặng để làm cho cuộc sống con người được đủ đầy no ấm.

    Con người được khôn lớn trưởng thành đâu phải chỉ nhờ có công lao mẹ cha sinh thành dưỡng dục mà bên cạnh đó con người còn nhận được sự cưu mang bảo bọc của quê hương đất nước. Chính quê hương đã góp phần nuôi dưỡng sự sống, đem lại cho con người những điều kiện tốt đẹp để có được cuộc sống đủ đầy no ấm, an vui.

    Trên khắp mọi nẻo đường của quê hương đất nước, dù đi đâu về đâu ta cũng bắt gặp những con người, những tấm lòng thơm thảo thủy chung, nhân ái nghĩa tình, luôn biết sống yêu thương đùm bọc giúp đỡ lẫn nhau. Ta luôn nhận được sự chở che cưu mang đùm bọc của người làng mình trong những lúc khó khăn gian khổ. Quê hương ta đẹp đẽ vô cùng. Đó là nơi ta đã sinh ra và lớn lên, nơi cho ta sự sống đầu đời, nơi đã chứng kiến biết bao vui buồn, hạnh phúc trong cuộc đời của mỗi con người:

    Cha mẹ mãi nhớ về ngày cưới
    Ngày đầu tiên đẹp nhất trên đời.

    Quê hương gắn liền với biết bao buồn vui hạnh phúc của mỗi con người. Quê hương đã chứng kiến biết bao người con gái con trai khôn lớn trưởng thành, gặp gỡ, thương nhau rồi thành vợ thành chồng. Quê hương là nơi tình yêu lứa đôi được hình thành sinh sôi nảy nở, là nơi ta dựng xây tổ ấm gia đình hạnh phúc. Biết bao thế hệ con người đã sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này. Nó thiêng gần gũi vô cùng. Đúng như Nguyễn Khoa Điềm từng nói trong bài thơ “Đất nước”:

    Đất là nơi anh đến trường
    Nước là nơi em tắm
    Đất là nơi ta hò hẹn
    Đất nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm

    Không chỉ gợi cho con về cội nguồn sinh dưỡng, người cha còn nói với con về những đức tính cao đẹp của “người đồng mình” để từ đó gởi gắm biết bao ước mơ kì vọng của cha dành cho con:

    Người đồng mình thương lắm con ơi
    Cao đo nỗi buồn
    Xa nuôi chí lớn
    Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
    Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
    Sống trong thung không chê thung nghèo đói
    Sống như sông như suối
    Lên thác, xuống ghềnh
    Không lo cực nhọc
    Người đồng mình thô sơ da thịt
    Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con
    Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
    Còn quê hương thì làm phong tục

    Điệp ngữ “người đồng mình” lặp đi lặp lại hai lần kết hợp với bốn từ “thương lắm con ơi” như một lần nữa nhấn mạnh tình thương yêu vô bờ của nhà thơ đối với người dân của quê mình. Những con người cả một đời đói nghèo lam lũ, bần cùng bế tắc, phải chịu biết bao cảnh bất công tàn bạo, khổ cực đắng cay vì bom đạn chiến tranh, vì sự thống trị dã man của quân thù xâm lược. Cuộc sống đói nghèo, khổ cực nó cứ dai dẳng đeo bám biết bao kiếp người bất hạnh từ đời này sang đời khác.

    Nỗi buồn của con người nơi đây không thể nào cân đo đong đếm được. Nó mênh mông sâu thẳm, chất cao như mây núi. Dù đói nghèo gian khổ, con người vẫn không đầu hàng khuất phục. Họ vẫn luôn tin tưởng, hi vọng hướng lòng mình về tương lai phía trước. Họ luôn sống kiên cường mạnh mẽ, giàu ý chí nghị lực vương lên, không bao giờ lùi bước trước mọi gian khổ khó khăn của đời mình mà luôn tìm cách vượt qua. Phải chăng chính môi trường hoàn cảnh, cuộc sống đói nghèo lam lũ ấy đã hun đúc tôi luyện đem lại cho con người một ý chí, một tinh thần chịu đựng gian khổ, một sức sống phi thường mạnh mẽ mà không có một hoàn cảnh, một trở lực nào khiến cho con người có thể gục ngã?

    “Sống như sông như suối” tràn đầy nghĩa tình, biết nhớ về cuội nguồn quê hương. “Sống như sông như suối” là kiên trì nhẫn nại vượt qua mọi thác ghềnh hiểm trở. Trước gian khổ khó khăn không hề sợ hãi, dũng cảm đối mặt với những chông gai thử thách trong cuộc đời mình và tìm cách vượt qua. “Sống như sông như suối” là sống kiên cường mạnh mẽ, không khuất phục trước khó khăn, hoàn toàn làm chủ tương lai cuộc sống của chính mình.

    Người đồng mình thô sơ da thịt, chân chất quê mùa, lối sống mộc mạc bình dị nhưng chẳng có ai tầm thường nhỏ bé. bởi họ mang trong mình biết bao phẩm chất tốt đẹp. Trước gian khổ khó khăn không bao giờ đầu hàng khuất phục. Con người có ý chí nghị lực phi thường, sống giàu tình nặng nghĩa, yêu quê hương nồng nàn tha thiết. Bằng sức lao động, họ dựng xây, bồi đắp cho quê hương ngày càng giàu đẹp, xây dựng và giữ gìn phong tục cho muôn đời sau:

    Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
    Còn quê hương thì làm phong tục

    Mỗi một con người âm thầm nhẫn nại, góp một phần công sức nhỏ bé của mình vào công cuộc dựng xây quê hương đất nước để làm cho đất nước mình ngày càng vững bền, lớn lao, tươi đẹp. Chính những con người chân chất quê mùa ấy đã làm ra đất nước. Và từ cuộc sống lao động cần lao nhưng thắm đượm tình nghĩa đã làm nên bản sắc văn hóa, những phong tục tập quán tốt đẹp của quê hương đất nước để mỗi người dân Tày hôm nay và mai sau luôn cảm thấy yêu quý, tự hào về quê hương đất nước mình:

    Con ơi tuy thô sơ da thịt
    Lên đường
    Không bao giờ nhỏ bé được
    Nghe con

    Lời nhắn nhủ chân thành tha thiết. Gởi gắm trong đó là bao ước vọng lớn lao của người cha mong muốn con sau này lớn khôn trên bước đường đời đầy chông gai thử thách hãy sống kiên cường mạnh mẽ, đừng bao giờ khuất phục trước gian khổ khó khăn. Hãy nâng cao giá trị đời sống của cá nhân mình, sống có hoài bão, ước mơ, giàu niềm tin nghị lực. Đừng chấp nhận sống một cuộc đời tầm thường, nhỏ bé, chật hẹp, ích kỉ, chỉ lo nghĩ cho bản thân mình mà hãy sống lao động và cống hiến không ngừng để góp phần làm đẹp quê hương đất nước.

    Hãy nối tiếp truyền thống đấu tranh hào hùng của quê hương đất nước, trân trọng giữ gìn những vẻ đẹp, truyền thống, phẩm chất, bản sắc văn hóa, phong tục tập quán của người đồng mình. Hãy luôn tự hào về nguồn cội, về mảnh đất mình đã sinh ra và lớn lên vì tất cả những điều đó đều góp phần làm cho cuộc đời của mỗi con người trở nên cao đẹp và đầy ý nghĩa.

    Trong hành trang của người con mang theo khi “lên đường” có một thứ quí giá hơn mọi thứ trên đời. Đó là ý chí, nghị lực, truyền thống quê hương. Lời dặn của cha thật mộc mạc, dễ hiểu, thấm thía, ẩn chứa niềm hi vọng lớn lao của cha, hi vọng đứa con sẽ tiếp tục vững bước trên đường đời, tiếp nối truyền thống và làm vẻ vang quê hương.

    Có thể nói Ý Phương với một tấm lòng yêu quê hương đất nước nồng nàn tha thiết, sự trân trọng và tự hào về người đồng mình. Ông đã phát hiện ra nét đẹp này trong đời sống tâm hồn của người dân tộc Tày và của cả dân tộc ta trong suốt những năm tháng đầy đau thương, mất mát.

    Với cách diễn đạt lặp đi lặp lại rất đặc trưng của người dân miền núi để từ đó người cha muốn nhắn nhủ con dù đất nước có đói nghèo lam lũ, có quê mùa đơn sơ nhỏ bé thì con ơi đừng bao giờ coi thường, từ bỏ hay lãng quên. Bởi đó là nơi ta đã sinh ra và lớn lên, là nguồn cội dưỡng nuôi và che chở, là nơi tổ tiên ông cha đã bao đời sinh sống, lập nghiệp, nơi chứa đựng biết bao nghĩa tình, kỉ niệm thiêng liêng gắn bó

    Nếu ai đó quay lưng ngoảnh mặt từ bỏ cội nguồn quê hương đất nước thì mãi mãi con người đó không thể khôn lớn trưởng thành, và đó là hành động vong ơn bội nghĩa đi ngược lại với những giá trị truyền thống tốt đẹp của ông cha. Phải mang trong mình một tình yêu quê hương làng bản mặn mà, nồng nàn, thắm thiết thì nhà thơ mới căn dặn con mình một cách chân thành thiết tha đến thế.
    • Kết bài:
    Nói với con là bài ca ca ngợi những đức tính tốt đẹp của người đồng mình. Người cha mong con sống có tình nghĩa với quê hương, phải giữ đạo lí “Uống nước nhớ nguồn” của cha ông từ bao đời để lại. Hơn nữa, con phải biết chấp nhận gian khó và vươn lên bằng ý chí của mình để vững bước trên con đường đời, để tự tin trong cuộc sống. Giọng thơ thiết tha, trìu mến nhưng lại trang nghiêm. Các hình ảnh thơ cụ thể mà có tính khái quát, mộc mạc mà vẫn giàu chất thơ. Nó tựa như một khúc ca nhẹ nhàng mãi còn vang vọng trong tâm hồn người đọc.
     
  2. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪
    Bài tham khảo:
    Qua bài thơ “Nói với con” của Y Phương, hãy làm sáng tỏ: “Nghệ thuật mở rộng khả năng của tâm hồn, làm cho con người vui buồn nhiều hơn, yêu thương và căm hờn được nhiều hơn…”

    Trong văn bản Tiếng nói của văn nghệ, nhà văn Nguyễn Đình Thi viết: “Nghệ thuật mở rộng khả năng của tâm hồn, làm cho con người vui buồn nhiều hơn, yêu thương và căm hờn được nhiều hơn…”

    Em hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng sự hiểu biết của mình về bài thơ Nói với con của Y Phương, hãy làm sáng tỏ.

    Gợi ý làm bài:

    1. Giải thích ý kiến:

    – Nghệ thuật mở rộng khả năng của tâm hồn là cách nói giàu hình ảnh nhằm khẳng định vai trò, chức năng to lớn của văn học, nghệ thuật.

    – Văn học có khả năng tác động mạnh mẽ đến đời sống tâm hồn con người, khơi dậy những tình cảm trong sáng, lành mạnh, cao đẹp; làm cho tâm hồn con người trở nên phong phú, tinh tế, nhạy cảm; biết vui buồn trước mọi vui buồn của cuộc sống, biết yêu thương, trân trọng con người, trân trọng cái đẹp và biết căm hờn, đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác để bảo vệ chính nghĩa, lẽ phải, sự công bằng,…

    2. Phân tích bài thơ Nói với con của Y Phương để làm sáng tỏ ý kiến:

    Y Phương là nhà thơ dân tộc Tày. Thơ ông thể hiện tâm hồn chân thật, mạnh mẽ, trong sáng, cách tư duy giàu hình ảnh của người miền núi. Nói với con là bài thơ tiêu biểu của Y Phương.

    Nói với con là bài thơ đã mở rộng khả năng của tâm hồn của bạn đọc:

    – Bằng những lời tâm tình với con, Y Phương đã gợi về cội nguồn sinh dưỡng, cội nguồn hạnh phúc của mỗi con người chính là gia đình và quê hương. Từ đó thức tỉnh mỗi người phải biết sống gắn bó với gia đình, quê hương, xứ sở.

    – Ngợi ca vẻ đẹp của “người đồng mình” người cha mong muốn con mình và cũng nhắn gửi mỗi người phải luôn tự hào về truyền thống tốt đẹp của gia đình, quê hương.

    – Bài thơ hướng con người đến lối sống mạnh mẽ, trong sáng, cao thượng, thủy chung, tình nghĩa với những gì gần gũi, thân thuộc, sẵn sàng lao động, cống hiến, biết vươn lên trong cuộc sống, sống cuộc đời có ý nghĩa, góp phần xây dựng quê hương ngày thêm giàu đẹp.

    – Bài thơ đi từ tình cảm gia đình mà mở rộng ra tình cảm quê hương, từ những kỉ niệm gần gũi mà nâng lên thành lẽ sống. Bài thơ đã vượt ra khỏi phạm vi gia đình để mang một ý nghĩa khái quát: Nói với con không chỉ là bài thơ viết về tình phụ tử mà con là một thông điệp giàu giá trị nhân văn về một tư thế, một cách sống cao đẹp
    ở đời.

    Đặc sắc nghệ thuật của thi phẩm khi truyền tải những thông điệp giàu giá trị nhân văn để mở rộng khả năng của tâm hồn của bạn đọc:

    Bài thơ được viết theo thể thơ tự do, mạch cảm xúc tự nhiên, cách nói giàu hình ảnh, mộc mạc mà vẫn giàu chất thơ, cụ thể mà giàu sức khái quát. Các biện pháp tu từ: so sánh, điệp ngữ kết hợp với những câu thơ ngắn dài khác nhau phần nào góp phần không nhỏ vào việc diễn tả cuộc sống, cách suy nghĩ, cách thể hiện cảm xúc của người miền núi. Giọng điệu tha thiết, trìu mến, lúc bay bổng, nhẹ nhàng, lúc triết lí sắc nhọn… tạo sự cộng hưởng hài hòa với những cung bậc tình cảm trong lời người cha truyền thấm sang con. Bố cục chặt chẽ, từ ngữ giản dị, mộc mạc như lời nói hàng ngày của người miền núi. Nhìn chung, qua bài thơ, Y Phương đã lột tả cái hồn cốt trong bản sắc người dân tộc với tiếng thơ mang phong cách độc đáo.

    Đánh giá, nâng cao:

    – Bài tiểu luận Tiếng nói của văn nghệ của Nguyễn Đình Thi được viết từ năm 1948, giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhưng ý kiến bàn về vai trò của văn nghệ với đời sống tâm hồn con người đến ngày nay vẫn còn nguyên giá trị. Ý kiến trên của Nguyễn Đình Thi thật đúng đắn và sâu sắc, khẳng định được tác dụng to lớn của văn chương: văn chương mở rộng khả năng của tâm hồn, hướng con người
    đến chân, thiện, mỹ.

    – Để văn nghệ có khả năng mở rộng tâm hồn con người, nhà văn cần phải bám sát và nắm bắt những vấn đề cơ bản, cốt lõi nhất của đời sống, bằng tài năng và tâm huyết của mình hãy sáng tạo nên những tác phẩm văn chương giàu sức hấp dẫn từ nội dung đến hình thức, chứa đựng những thông điệp nhân văn sâu sắc có sức mạnh “thanh lọc” và “nhân đạo hóa con người”. Điều đó vừa là thiên chức vừa là trách nhiệm của nhà thơ, nhà văn, là yêu cầu thiết yếu, sống còn của sáng tạo nghệ thuật.

    – Người đọc cần thấy văn chương mở rộng khả năng của tâm hồn con người. Từ đó, có sự tri âm, sự đồng cảm với tác phẩm, với nhà thơ, nhà văn để có thể sẻ chia những tình cảm đồng điệu. Khi ấy, văn chương sẽ có sức sống lâu bền trong lòng người đọc nhiều thế hệ.