Cảm nhận vẻ đẹp phẩm chất nhân vật ông Hai trong truyện ngắn “Làng” của nhà văn Kim Lân

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    • Mở bài
    Trong nền văn học hiện đại Việt Nam, Kim Lân được biết đến qua những truyện ngắn về hình ảnh người nông dân và bức tranh sinh hoạt ở làng quê. Truyện ngắn Làng của Kim Lân đã khắc họa chân thực hình ảnh người nông dân trong buổi đầu đến với Cách Mạng. Họ không phải là những người suốt ngày sống quẩn quanh với mảnh vườn, cam chịu một cuộc sống bế tắc và bi thảm mà là những người nông dân đi tản cư kháng chiến có tình yêu làng gắn chặt với tình yêu Cách mạng, đất nước. Nhân vật ông Hai trong tác phẩm là một bằng chứng.
    • Thân bài:
    Truyện ngắn Làng khai thác một tình cảm bao trùm và phổ biến trong con người Việt Nam thời kỳ kháng chiến: tình yêu quê hương, đất nước. Đây là tình cảm mang tính cộng đồng. Nhưng thành công của Kim Lân là đã diễn tả tình cảm, tâm lý chung ấy trong sự thể hiện cụ thể, sinh động ở một con người. Cụ thể là ở nhân vật ông Hai.

    Tình yêu làng của nhân vật ông Hai ít nhiều thay đổi theo thời gian nhưng trước sau như một. Ông lúc nào cũng gắn bó, chung thủy với cái làng chợ Dầu thân thiết của mình. Trước cách mạng, mỗi lần đi đâu xa, nói về làng của mình, ông chỉ đề cập đến “cái sinh phần” của viên tổng đốc làng ông. Lão có vẻ hãnh diện về cái sinh phần ấy lắm, bởi vì nó có bề dày lịch sử và một phần có sự đóng góp của ông: “Chết! Chết, tôi chưa thấy cái dinh cơ nào mà lại được như cái dinh cơ cụ Thượng làng tôi. Có lảm lắm là của, vườn hoa, cây cảnh nom như động ấy”. Rồi ông ca ngợi cái con đường lát đá, những ngôi nhà tường vôi mái ngói, cái giếng làng,… trong niềm tự hào to lớn lắm.

    Những từ sau ngày khởi nghĩa, vẫn có tính hay khoe về làng nhưng ông chẳng hề đả động đến cái lăng của viên tổng đốc ấy nữa. Bởi vì, lúc này ông đã nhận ra rằng để xây được cái lăng ấy, bản thân ông và những người trong làng này đều phải chịu khổ sở. Bây giờ nói đến làng, lão lại đề cập đến “những ngày khởi nghĩa rồn rập ở làng mà ông gia nhập trong phong trào từ thời kỳ còn bóng tối. Những buổi tập quân sự, cả giới phu lão, có cu râu tóc bạc phơ cũng vác gậy đi tập một, hai”. Ông nhớ rành rọt trong tâm trí của mình “những hố, những u, những giao thông hào của làng”. Ông kể về làng của mình như một thứ tật nghiện chứ không cần chú ý đến người nghe có thích lắng nghe hay không.

    Vì lẽ đó, tới những ngày phải đi tản cư, lòng ông cứ băn khoăn chẳng muốn rời xa cái làng thân yêu ấy một tý nào bởi vì theo lão “quê cha đất tổ một lúc rứt ruột bỏ đi làm gì mà không đau xót”. Xa làng rồi, ông Hai mới cảm thấy nhớ làng Dầu biết chừng nào. Lắm lúc đang nghĩ ngợi vẩn vơ, ông lại chợt nhớ đến những ngày cùng làm việc với anh em, và lại khao khát được quay trở về làng để cùng mọi người đắp ụ, xẻ hào, khuân đá. Nỗi mong ngóng ấy cứ dằn vặt và trào dâng trong lòng ông. Thật đúng là: “Khi ta ở đất chỉ là đất ở; Khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” (Tiếng hát con tàu – Chế Lan Viên)

    Dõi theo tác phẩm, ta thấy ở nhân vật ông Hai, tình yêu làng của ông thống nhất, hòa quyện với tình cảm yêu mến, thủy chung đối với cuộc cách mạng của dân tộc, đối với đất nước. Bản thân ông luôn tự hào làng của mình là làng kháng chiến, những người dân trong làng từ già đến trẻ đều là những con người có tinh thần quả cảm và bất khuất. Chính lòng yêu nước đã làm cho ông cảm thấy vui mừng, tự hào về tinh thần dũng cảm cũng như thành tích chiến đấu của đồng bào dân tộc mà ông theo dõi được trên báo chí hằng ngày: “Ruột gan ông cứ múa cả lên…”

    Quá đỗi hãnh diện về truyền thống anh hùng của làng và lòng yêu nước sâu sắc vốn có của mình, ông Hai đã quá bàng hoàng, sửng sốt, đau đớn trước cái tin chợ Dầu: “Việt gian từ thằng chủ tịch mà đi”. Thế là bao nhiêu niềm kiêu hãnh về truyền thống bất khuất của mảnh đất “chôn nhau cắt rốn”, bao nhiêu mơ ước được quay về làng bỗng hoàn toàn sụp đổ… Ông đau khổ như vừa lạc vào một vùng bóng tối dày đặc. Là người dân của làng chợ Dầu, ông Hai cảm thấy mình có tội nhục nhã xiết bao: “nước mắt ông giàn ra”.

    Đó là những giọt nước mắt câm hờn, khổ đau, tủi nhục của con người sắt son, chung thủy với cuộc cách mạng. Trước kia, ông yêu làng là thế, bây giờ mới chớm nghĩ trở về, ông đã lập tức phản đối ngay “Về làm gì cái làng ấy nữa, chúng nó theo Tây cả rồi!Về tức là bỏ kháng chiến, bỏ Cụ Hồ”. Cao quý biết bao những lời lẽ đó của ông Hai! Đã thế, ông còn nguyền rủa đối với những ai có tư tưởng bán nước hạ mình: “Chúng bay ăn cơm hay ăn cái giống gì vào mồm mà lại làm việc bán nước để nhúc nhã thế này?”

    Đến lúc bị mụ chủ nhà đuổi khóe về làng, ông Hai lại càng khổ sở và đau đớn hơn nữa, lòng căm thù cái làng Việt gian ấy bỗng trổi dậy ở đáy lòng ông. Qua lời tâm sự với con, ông Hai bày tỏ tình yêu sâu nặng với làng Chợ Dầu (nhà ta ở làng Chợ Dầu), bày tỏ tấm lòng thủy chung son, sắt với kháng chiến, với Cụ Hồ (chết thì chết có bao giờ dám đơn sai), một lòng sống vì đất nước: “Làng thì yêu thật nhưng làng theo Tây thì phải thù”.

    Dù cái tin làng chợ Dầu theo giặc cứ chồng chéo đan xen trong lòng ông lão nhưng trong ông vẫn cháy lên một niềm tin tưởng sắt đá, tin tưởng vào Cụ Hồ, tin tưởng vào cuộc kháng chiến của dân tộc. Niềm tin ấy đã phần nào giúp ông có thêm nghị lực để vượt qua khó khăn này.

    Càng buồn tuổi bao nhiêu, ông Hai lại càng trở nên tươi vui, rạng rỡ hẳn lên khi nghe tin cải chính về làng Dầu của mình. Ông vui mừng lịm người và đi thông báo cho cả xóm biết. Đồng thời lấy ngay việc Tây đốt nhà mình là một bằng chứng có giá trị hùng hồn và đầy sức thuyết phục nhất: “Tây nó đốt nhà tôi rồi, đốt nhẵn… Láo, láo hết, toàn là sai sự mục đích cả”.

    Thanh minh cho tin đồn bậy đó, chắc hẳn lòng ông thanh thản biết bao. Người nông dân đáng cảm phục ấy chấp nhận hy sinh tất cả chứ không chịu khuất thân với giặc. Họ sẵn sàng hy sinh của cải và tính mạng mình vì Tổ quốc. Điều ấy đã trở thành truyền thống tốt đẹp từ bao đời nay của dân tộc ta.

    Nhắc đến Kim Lân người ta thường nghĩ đến hai tác phẩm đặc sắc: “Vợ nhặt” và “Làng”. Ở hai tác phẩm ấy, ông đều tỏ ra sắc sảo khi xây dựng hình tượng người nông dân trong nạn đói khủng khiếp của Cách Mạng Tháng Tám và hình ảnh người nông dân bước đầu đến với cách mạng.

    Hình ảnh ông Hai có thể được xem là gạch nối giữa người nông dân trong quá khứ và người nông dân đang làm chủ cuộc đời mới. Họ vẫn giữ trong tâm hồn mình những tình cảm tốt đẹp đối với làng quê, ruộng vườn, con trâu, cái cày… nhưng tâm hồn họ khỏe khoắn, lành mạnh chứ không sống cam chịu, bất lực như anh Pha trong “Bước đường cùng” của Nguyễn Công Hoan, Chị Dậu trong “Tắt đèn” của cụ Ngô Tất Tố hoặc hình ảnh của một Chí Phèo, Lão Hạc của Nam Cao phải chọn lấy cái chết để giải quyết số phận bi thảm và bế tắc của mình.

    Từ tình cảm gắn bó với mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” họ đã dần dần gắn bó thủy chung với cách mạng, với cụ Hồ, với dân tộc. Có thể nói trong số những người nông dân xuất hiện trong nền văn học sau những ngày Cách Mạng Tháng Tám, người ta không thể nào quên được hình ảnh ông Hai của nhà văn Kim Lân.

    Lần giở lại những trang văn trong những năm kháng chiến của dân tộc, ta đã không ít lần bắt gặp hình ảnh người nông dân yêu nước như ông Hai. Đó còn là hình ảnh ông Tư vườn chim trong truyện ngắn “Giấc mơ ông lão vườn chim” của nhà văn Anh Đức với những “cơn đau rừng” quặn thắt ruột gan khi rừng tràm, vườn chim bị bọn xâm lược bắn giết tàn phá. Nguồn vui của ông đơn sơ bình dị: “Cái chi tao dứt bỏ được chớ cái vườn chim này với mấy thằng bộ đội thì tao không dứt ra được đâu”.

    Tình yêu làng của nhân vật ông Hai thống nhất, hòa quyện trong tình yêu nước. Từ tình yêu làng thiết tha, chuyển biến lên thành tình yêu nước sâu đậm. Tình yêu nước được đặt cao hơn tình làng. Đây là nét đẹp truyền thống mang tinh thần thời đại. Ông Hai là hình ảnh tiêu biểu của người nông dân trong thời kì kháng chiến chống Pháp. Chính họ, những người nông dân yêu nước ấy đã góp phần không nhỏ vào những kỳ tích oan hùng, những thắng lợi rực rỡ trong cuộc trường chinh giữ nước vĩ đại của dân tộc Việt Nam.

    Sự vận động tình yêu làng, yêu nước trong tình cảm của nhân vật ông Hai (và cũng là của người lao động Việt Nam thời kì đầu cuộc kháng chiến chống Pháp), đi từ sự tự phát (trước cách mạng, họ có tình yêu làng, yêu nước một cách tự nhiên) đến tự giác (họ yêu làng, yêu nước trên ý thức nhận rõ kẻ thù xâm lược. Họ một lòng đi với cách mạng, ủng hộ cụ Hồ, ủng hộ đường lối và chính sách của Chính phủ kháng chiến, quyết một lòng đứng về phía cách mạng.

    Ở truyện ngắn này, Kim Lân đã chứng tỏ khả năng phát hiện và diễn tả tâm lý nhân vật khá sắc sảo. Đặc biệt tài miêu tả nội tâm nhân vật ông Hai. Lúc thì tác giả diễn tả tâm lý qua những biểu hiện bề ngoài như cử chỉ, nét mặt, lời nói… lúc thì tác giả miêu tả trực tiếp những ý nghĩ sâu kín trong nội tâm nhân vật.

    Góp phần vào thành công của truyện ngắn “Làng” ta còn phải kể đến nét đặc sắc của ngôn ngữ nghệ thuật tiêu biểu là ngôn ngữ nhân vật. Kim Lân vốn đã rất am hiểu và gần gũi với những nhân vật quần chúng của mình, nhà văn đã để họ được nói năng, suy nghĩ, hành động một cách hết sức tự nhiên mà bộ lộ được tâm lý, cá tính rất sinh động.

    Ngôn ngữ của ông Hai – cả trong những đối thoại và lời độc thoại – đều tỏ ra lời ăn tiếng nói, cách nghĩ của một ông lão nông dân vốn gắn bó tha thiết với làng quê và rất thành tâm với cách mạng, với kháng chiến. Đây là tấm lòng chung thủy với kháng chiến được bộc bạch qua những lời tâm sự của ông với đứa con và cũng là tự nhủ: “Anh em đồng chí biết cho bố con ông. Cái lòng bố con ông là như thế đấy, có bao giờ dám đơn sai”…
    • Kết bài
    Qua việc tạo dựng tình huống truyện độc đáo, bất ngờ; bút pháp miêu tả tâm lý, nhân vật đặc sắc; cách sử dụng ngôn ngữ nhân vật điển hình…, tác phẩm đã khắc họa cụ thể sinh động hình ảnh nhân vật ông Hai có tình yêu làng quê thắm thiết thống nhất với lòng yêu nước để từ đó tác giả nhằm ca ngợi tình cảm và tình thần kháng chiến của những người nông dân phải rời làng tản cư trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Đọc truyện, ai trong chúng ta lại chẳng cảm thấy yêu mến, tự hào về lớp lớp cha ông đi trước… Với nhân vật ông Hai trong truyện ngắn Làng, nhà văn Kim Lân đã góp thêm một bằng chứng về tinh thần yêu nước và tình yêu quê hương xứ sở của người dân Việt Nam.