Đề bài : Cảm nhận về “Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê” của Hạ Tri Chương Bài làm: Hạ Tri Chương (659- 744) là một thi sĩ lớn thời nhà Đường.Không chỉ vậy, ông còn là bạn vong niên với thi tiên Lý Bạch. Ông xa quê lập nghiêp từ nhỏ, nên lúc nào cũng canh cánh nỗi nhớ quê hương tha thiết. Tác phẩm “ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê” là một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, thể hiện rõ nỗi lòng của ông sau bao nhiêu năm xa quê được đặt chân về quê hương khi tuổi đã xế chiều. Câu thơ đầu tiên cho người đọc cảm nhận được quãng thời gian dài đằng đẵng Hạ Tri Chương rời xa quê hương. Mấy chục năm ông phải bôn ba nơi đất khách quê người, giờ đây đến khi được về nhà thì cũng đã là lúc cuối đời. Ông trở về quê hương mà ngỡ như là người khách lạ về làng: Thiếu tiểu li gia, lão đại hồi ( Trẻ đi, già trở về nhà) Câu thơ sử dụng phép đối lập, nói đến ngày Hạ Tri Chương ra đi và ngày trở về của ông. Người ta thường chỉ đi vài năm sẽ trở về thăm quê, nhưng tác giả thì khác. Ông đi xa quê từ khi còn trẻ, đến khi công danh sự nghiệp vững vàng, trở về quê hương tìm lại những gì thuộc về mình thì ông đã không còn trẻ nữa. Đọc câu thơ, chúng ta có thể cảm nhận được nỗi đau xót của tác giả. Ông đã đi xa một quãng thời gian quá dài, nhưng vẫn luôn da diết nhớ về quê hương dù cho cuộc sống đã đầy đủ sung túc, vẫn không quên đi cội nguồn. Tình cảm của ông được khắc họa rõ nét hơn ở câu thơ tiếp theo: Hương âm vô cải mấn mao tồi. (Giọng quê không đổi, sương pha mái đầu) Có thể thấy, ông có một tấm lòng son sắt thủy chung với quê hương vô bờ bến. Xa quê bao nhiêu năm rồi, từ lúc tóc còn xanh cho đến khi tóc đã bạc thì giọng quê vẫn thế, vẫn là giọng nói của nơi đây, nơi ông sinh ra và lớn lên. Thời gian chỉ làm thay đổi được vẻ bên ngoài, chứ không thể thay đổi được bên trong con người ông, nét quê, hồn quê ông vẫn giữ, dù cho đã trở nên giàu sang, sống cuộc sống khác xưa. Hạ Tri Chương quả thật là một con người thủy chung, nghĩa tình. Một con người tình nghĩa, yêu và nhớ quê hương như vậy, nhưng thật đau xót thay cho ông, khi ông trở về quê hương, đứng ở nơi mình sinh ra thì lại như một người khách lạ, không ai còn nhận ra ông: Nhi đồng tương kiến, bất tương thức Tiểu vấn: Khách tòng hà hà xứ lai ( Trẻ con nhìn lạ không chào Hỏi rằng khách ở đâu đến làng?) Nghịch lý xuất hiện ở đây, bản thân tác giả có lẽ cũng đã đoán được trước. Ông xa quê bao nhiêu năm, là bấy nhiêu thời gian quê hương ông có sự đổi thay. Những người đồng trang lứa, bà con thân thiết, không biết rằng ai còn ai mất? Hay họ cũng như ông, đều đã đầu hai thứ tóc rồi chăng? Qua bao nhiêu thời gian, thế hệ này nối tiếp thế hệ kia, giờ đây những đứa trẻ sinh ra ở đây, hồn nhiên không biết ông là ai, khiến ông cảm thấy bâng khuâng, đau xót, có chút gì đó tiếc nuối. Nhưng dẫu thế nào thì đến những ngày tháng cuối đời, ông cũng đã được đặt chân lên mảnh đất quê hương. Có lẽ làm được điều này sao bao năm xa quê, không chỉ là tâm nguyện của riêng ông, mà là của rất nhiều người con xa quê. Thật vậy, “ Ngẫu nhiên viết nhân buổi mới về quê” là tiếng lòng của Hạ Tri Chương nói về cảm xúc thương nhớ quê hương da diết, tình cảm sâu đậm dành cho quê hương. Với những thủ pháp nghệ thuật độc đáo, giàu tính hàm xúc, giúp cho người đọc cảm nhận được rõ nét tâm trạng của tác giả và cảm thấy thật sự xúc động.