Đề bài: Cảm nhận về tác phẩm “ Chiếc lá cuối cùng” của O. Henry. Bài làm: Nhà văn O- Henry ( 1862- 1910) là nhà văn nổi tiềng của nền văn học nước Mỹ đầu thế kỷ XX, với những tác phẩm văn học nhẹ nhàng, sâu lắng, mang giá trị nhân văn sâu sắc. Các tác phẩm của ông đều mang đến cho người đọc những cảm nhận riêng về tình yêu, tình cảm giữa người với người. “ Chiếc lá cuối cùng” là một trong những câu chuyện nổi tiếng nhất của ông. Truyện chỉ có ba nhân vật và đều là những họa sĩ nghèo: Xiu, Giôn-xi và cụ Bơ-men. Truyện kể vẻ cuộc sống chật vật của những họa sĩ nghèo, đó là hai nữ họa sĩ trẻ Xiu và Giôn xi, họ sống cùng căn hộ với người họa sĩ già Bơ- men. Những con người ấy gắn bó với nhau nhờ những sở thích và nghệ thuật. Và vào mùa đông ấy, khi chứng bệnh viêm phổi hoành hành, “ đánh ngã hàng chục nạn nhân”. Cô gái trẻ Giôn-xi cũng bị mắc bệnh cảm lạnh, nằm liệt giường. Tất cả mọi thuốc men đều trở thành vô dụng, cô nghĩ rằng mình “ không thể khỏi được”. Giôn-xi nghĩ rằng, khi chiếc lá cuối cùng của cây thường xuân phía cửa sổ rụng xuống thì cô cũng ra đi thôi. Sự mất niềm tin vào cuộc sống, sụp đổ về tinh thần của cô họa sĩ trẻ bất hạnh làm cho bệnh tình ngày càng thêm trầm trọng. Tình bạn được thử thách chính trong hoàn cảnh bi đát ấy. Cô gái tên Xiu thương Giôn-xi vô cùng, cô khóc đến ướt đẫm cả một chiếc khăn trải bàn Nhật Bản. Xiu lo âu, săn sóc và hết lòng chạy chữa cho cô em nuôi. Xiu làm việc nhiều hơn, vất vả hơn, để mong kiếm thêm tiền chạy chữa thuốc thang và mua thức ăn cho Giôn-xi. Khi thấy Giôn-xi nằm yên lặng và trắng nhợt như một pho tượng bị đổ, thì Xiu vẫn kiên nhẫn an ủi cô em, Xiu nói trong nước mắt: Em thân yêu, em yêu dấu!…Em hãy hứa với chị là hãy nhắm mắt lại và không nhìn ra ngoài cửa sổ nữa, em hãy cố ngủ đi… Cô đã cố gắng hết sức để săn sóc cho đứa em nuôi. Lúc thì pha sứa với rượu Booc đô, lúc thì quấy súp gà, khi thì đặt thêm gối, rồi mời bác sĩ, rồi cầu cứu bác Bơ-men. Cô dường như chạy đua với tử thần để giành giật sự sống cho đứa em gái nuôi bé bỏng tội nghiệp. Có thể thấy, cô gái này là hiện thân của tâm lòng vị tha, giàu đức hy sinh và có một trái tim thật nhân hậu. Cô làm cho người đọc thật sự xúc động và ngượng mộ cái tình cảm bạn bè, chị em sâu sắc, cao quý. Xiu có lẽ chính là nhân vật tỏa sáng trong “ Chiếc lá cuối cùng” về tính nhân văn. Và trong hoàn cảnh đáng thương ấy, khi con người giành giật giữa sự sống và cái chât, cũng có những người không hề sợ chết. Và cụ Bơ-men chính là một người như vậy. Khi ấy, cụ Bơ men đã hơn sáu mươi tuổi, đã hơn bốn mươi năm làm họa sĩ mà vẫn không với tới được “ gấu áo vị nữ thần” của nghệ thuật. Mặc dù vậy nhưng ông vẫn luôn tin rằng “ Một ngày kia tôi sẽ vẽ một tác phẩm kiệt xuất…” Trước đây ông thường ngồi làm mẫu cho những họa sĩ trẻ để kiếm tiền sống qua ngày, nhưng giờ ông không làm mẫu nữa. Mà ông đã đứng trong cơn mưa lạnh lẽo, dai dẳng, pha lẫn tuyết đang đổ xuống, trên thân mình chỉ mặc một chiếc áo sơ mí cũ màu xanh, đứng suốt đêm để sáng tạo nên “ chiếc lá cuối cùng”, chiếc lá dũng cảm. Dù gió bấc lồng lông, nhưng chiếc lá ấy vẫn bám chắc lấy cành. Áo và giày cụ đã ướt sũng, lạnh buốt, cụ Bơ men đã chết vì sưng phổi. Chiếc lá cuối cùng, tác phẩm cuối cùng cụ vẽ nên đã cứu sống Giôn xi. Cái chết của cụ Bơ men đúng là một kiệt tác để lại cho đời, cụ đã vẽ nó vào cái đêm mà chiếc lá cuối cùng đã rụng với một tình yêu thương vô hạn giữa người với người. Có thể nói, nghĩa cử cao đẹp đáng trân trọng của cụ Bơ men đã khiến cho hàng triệu độc giả trên khắp thế gian phải cảm phục. “ Chiếc lá cuối cùng” thật sự là một tác phẩm văn học nước ngoài xuất sắc, mang đến cho chúng ta rất nhiều thông điệp. Đó là “ bức thông điệp màu xanh” về tình người, tình bạn bè, tình chị em, đức hy sinh và tấm lòng vị tha giữa những con người với nhau. Tác phẩm như lời nhắn, lời thức tỉnh đến nhân loại về giá trị nhân văn, hạnh phúc của con người.