Cảm nhận ý nghĩa bài thơ Viếng lăng Bác của nhà thơ Viễn Phương Mở bài: Viễn Phương (1928 -2005) quê ở tỉnh An Giang, là cây bút xuất hiện sớm của lực lượng văn nghệ giải phóng miền Nam thời kì chống Mĩ cứu nước. Năm 1976, niềm Nam vừa chấm dứt chiến tranh, Viễn Phương ra thăm miền Bắc, vào viếng lăng Bác. Bài thơ này ghi lại cảm xúc và tâm trạng của nhà thơ trong cuộc viếng thăm đó. Thân bài: Tâm trạng của nhà thơ trước cảnh trí ngoài lăng: Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng. Mở đầu bài thơ là một lời giới thiệu: “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác”. Mà với Bác “ Hai tiếng miền Nam luôn trong tim Người”, Bác luôn dành cho đồng bào miền Nam một tình cảm sâu nặng. Do đó, lời thơ như một lời chào, lời thưa thành kính “Con ở miền Nam ra”→ Lời thưa gửi chứa đựng nhiều cảm xúc – con ra được với Bác có nghĩa là nước non liền một dải – Bác kính yêu ơi. Hình ảnh đầu tiên mà tác giả nhìn thấy ở lăng Bác là “hàng tre xanh xanh”, lại đứng thẳng hàng trong sương sớm. Hình ảnh ấy vừa gần gũi vừa thiêng liêng. Có người Việt Nam nào lại không biết lũy tre của làng mình? Có người Việt Nam nào lại không cảm nhận được dáng thẳng của tre là dáng hiên ngang của cha ông mình hằng bao thế kỉ? Chắc chắn, nhà thơ có nhiều cảm xúc khi đang xếp hàng chờ đến lượt được vào lăng. Mỗi độc giả sẽ liên tưởng những cảm xúc khác nhau nhưng tất cả đều là sự thành tâm hướng nguyện lòng mình đến hình ảnh người cha già của dân tộc. phải chăng tự trong tâm mình, tiếng lòng của tác giả có cả cái rạo rực, náo nức của một người con đi xa nay được trở về nhà – ngôn từ đường thờ phượng tổ tiên – mà lòng cũng thật bình yên và tự hào vì mình vừa bức ra khỏi “Bão táp mưa sa” của cuộc kháng chiến trường kì. Cảm nhận của nhà thơ trước cảnh đoàn người xếp hàng vào lăng viếng Bác: Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân. Nhìn thấy mặt trời đi qua trên lăng, nhà thơ bỗng có một liên tưởng rất sáng tạo: Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ Câu thơ trên là một hình ảnh thực, câu thơ dưới là một hình ảnh ẩn dụ → Bác mang ánh sáng hòa bình, độc lập, tự do về cho dân tộc Việt Nam. Hai câu tiếp theo cũng chung một mạch ý vừa tả thực vừa mang tính ẩn dụ: Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân. Hình ảnh “Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân” gợi nhiều liên tưởng ý nhị. Mỗi người trong hàng người vào viếng Bác đều có lòng thành kính – như một bông hoa – tất cả góp lại thành tràng hoa người dâng tấm lòng thành kính, thương yêu lên Bác → Tâm cách của mỗi công dân khi vào viếng Bác phải là một tâm cách đẹp – một tâm cách cao cả – thì mới xứng đáng với Người. Bốn câu thơ xen giữa tả thực và ẩn dụ, nhịp điệu chậm rãi như mô phỏng nhịp điệu trang nghiêm tiến dần từng bước của đoàn người khi vào lăng viếng Bác. Nhịp điệu thơ đã thể hiện rõ những xúc động và suy tưởng sâu sắc của nhà thơ. Tâm trạng của nhà thơ khi vào trong lăng: Bác nằm trong giấc ngủ bình yên Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền Vẫn biết trời xanh là mãi mãi Mà sao nghe nhói ở trong tim. Nhà thơ diễn tả thật chính xác và tinh tế khung cảnh yên tĩnh, trang nghiêm nơi Bác an nghỉ: Bác nằm trong giấc ngủ bình yên Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền Ánh sáng dịu nhẹ, trong trẻo của không gian bên trong khiến tác giả liên tưởng đến vầng trăng dịu hiền. Hình ảnh vầng trăng gợi cho ta nghĩ đến tâm hồn cao đẹp, sáng trong của Bác. Hai câu thơ vừa tả thực vừa gửi gắm lòng kính yêu vô hạn của tác giả đối với Bác. Trước cảnh tượng đó, nhà thơ rất xúc động: Vẫn biết trời xanh là mãi mãi Mà sao nghe nhói ở trong tim. Tuy lí trí đã nhận thức rằng sự hóa thân của Bác vào non sông đất nước là một lẽ tất yếu của quy luật tự nhiên. Nhưng tình cảm không thể không đau xót trước sự ra đi của Người. Từ “nhói” biểu đạt thật tinh tế một nỗi đau cố ghìm nén mà bất chợt dâng tràn. Tâm trạng của nhà thơ khi ra khỏi lăng: Mai về miền Nam thương trào nước mắt Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này… Chỉ mới nghĩ chứ chưa phải là về miền Nam thật đã “thương trào nước mắt”. Vì rằng, tác giả là một trong những người con miền Nam được viếng Bác, còn hàng vạn đồng bào miền Nam chưa được viếng Người. Vì rằng, con về đây gặp Cha trong khoảnh khắc này, về miền Nam là con phải tiếp tục cuộc hành trình mới của dân tộc còn lắm cam go, mà Cha thì không còn trực tiếp dẫn dắt chúng con được nữa… Tình cảm ấy làm nảy sinh trong lòng nhà thơ một ước muốn lớn lao: Muốn làm con chim hót quanh lăng Bác Muốn làm đoá hoa toả hương đâu đây Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này… Ước muốn đó của nhà thơ đều quy tụ vào một điểm là mong được gần Bác mãi mãi. Không được ở gần Bác trong khoảng không gian vì Nam – Bắc cách xa thì ở gần Bác trong lí tưởng : “ cây tre trung hiếu” chính là người học trò – người con của Bác trọn đạo “ trung với nước, hiếu với dân” như lời dạy của Người. khổ thơ này có nhịp thơ nhanh và điệp ngữ “muốn làm” thể hiện rõ ước mong thiết tha và nỗi lưu luyến của nhà thơ khi ra về => Liên hệ với bài “Mùa xuân nho nhỏ” để phân tích sâu hơn hình ảnh “con chim, đóa hoa”. Kết bài: Bài thơ Viếng lăng Bác là niềm xúc động thiêng liêng, thành kính, niềm tự hào, đau xót của nhà thơ Viễn Phương từ miền Nam vừa được giải phóng ra thăm lăng Bác. Giọng điệu thơ nhẹ nhàng, phù hợp với nội dung tình cảm, cảm xúc: vừa trang nghiêm, sâu lắng, vừa tha thiết, đau xót, tự hào. Hình ảnh thơ có nhiều sáng tạo, kết hợp hình ảnh thực với hình ảnh ẩn dụ, biểu tượng. Những hình ảnh ẩn dụ – biểu tượng như “mặt trời trong lăng”,”tràng hoa”,”trời xanh” vừa quen thuộc, vừa gần gũi với hình ảnh thực, vừa sâu sắc, có ý nghĩa khái quát và giá trị biểu cảm.