Cảm nhận ý nghĩa đoạn thơ: “Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi… ” (Đất nước – Nguyễn Khoa Điềm) Bài làm: Cảm nhận của anh chị về đoạn thơ sau: Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi Đất Nước có trong cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc Tóc mẹ thì bới sau đầu Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn Cái kèo, cái cột thành tên Hạt gạo phải một nắng hai sương, xay, giã, giần, sàng Đất Nước có từ ngày đó… (Đất Nước, trích trường ca Mặt đường khát vọng – Nguyễn Khoa Điềm) Mở bài: Đất Nước ta đã trải qua bốn nghìn năm lịch sử với nhiều cuộc kháng chiến từ thời các vua Hùng cho đến hôm nay. Vì vậy, đề tài Đất Nước luôn thu hút các nhà văn, nhà thơ hướng tới sáng tác và đã trở thành chủ đề xuyên suốt trong văn học nước ta. Trong kho tàng văn học đồ sộ ấy phải kể đến đoạn trích Đất Nước nằm trong trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm được ông viết vào thời kì kháng chiến chống Mĩ. Thân bài: Mở đầu đoạn trích: Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi Đất Nước có trong cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ân Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre đánh giặc Tóc mẹ bới sau đầu Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn Cái kèo cái cột thành tên Hạt gạo phải một nắng hai sương, xay, giã, giần, sàng Đất Nước có từ ngày đó… Đây là đoạn thơ có cảm hứng sâu sắc, mới mẻ, tiến bộ thể hiện cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm về Đất Nước thông qua những điều rất bình dị, gần gũi gắn bó với cuộc sống. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu đoạn trích này để thấy rõ cái hay, cái đẹp của nó. Thật vậy, Nguyễn Khoa Điềm đã cảm nhận Đất Nước từ những điều rất giản đơn. Đó là những câu chuyện cổ tích mẹ thường hay kể cho con để ru con ngủ. Trong câu chuyện đó là những ông tiên, những cô công chúa đáng yêu để đem lại cho con những giấc ngủ êm ái, dễ chịu. Rồi Đất Nước còn được cảm nhận từ những phong tục tập quán của người Việt Nam ta: ăn trầu. Người Việt Nam ta có câu: “miếng trầu là đầu câu chuyện”. Phong tục này đã có ngàn đời trở thành một nét văn hóa đặc biệt của người Việt. Cùng với đó là thói quen của người phụ nữ: “bới tóc sau đầu”. Người phụ nữ Việt nổi tiếng là những con người tần tảo chịu thương, chịu khó. Hơn nữa, các chị lại hay để tóc dài, vì vậy việc bới tóc đã trở nên rất phổ biến, điều đó trở thành thói quen rất đỗi bình dị. Không chỉ có vậy Đất Nước trong tâm thức của Nguyễn Khoa Điềm còn được cảm nhận Đất Nước trong cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể ở truyền thống quý báu của dân tộc: “trồng tre đánh giặc”. Thật sự cây tre đã trở nên vô cùng thân thiết với người dân Việt Nam ta “tre giữ làng, giữ nước, giữ mái nhà tranh, giữ cánh đồng chín”. Người dân ta luôn chịu đựng sự nhòm ngó xâm lăng của kẻ thù và tre đã luôn đồng hành cùng ta, trở thành thứ vũ khí lợi hại giúp ta chiến thắng kẻ thù. Và trong suy nghĩ của nhà thơ: Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc. Không chỉ có thế, Nguyễn Khoa Điềm còn cảm nhận Đất Nước qua lối sống, quan hệ đối xử giữa vợ và chồng, tình yêu chung thủy của vợ chồng: Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn Trong kho tàng ca dao tục ngữ có câu Tay bưng chén muối chén gừng Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau Nguyễn Khoa Điềm đã mượn câu ca dao để nói về tình cảm chung thủy, sự gắn bó keo sơn của vợ và chồng để làm nên một gia đình chan chứa hạnh phúc, yêu thương. Đó cũng là một truyền thống rất quý báu của nhân dân ta. Ngoài ra, tác giả còn cảm nhận Đất Nước từ cách đặt tên giản dị: lấy những đồ vật gần gũi quen thuộc “cái kèo, cái cột” để gọi cho con cái. Vì người Việt Nam ta từ xa xưa đã quan niệm đặt tên cho con càng xấu thi càng dễ nuôi. Hơn thế đó là cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm về truyền thống của con người Việt Nam cần cù, chịu khó: Hạt gạo phải một nắng hai sương, xay, giã, giần, sàng Thật vậy để làm nên một hạt lúa vàng, người nông dân đã phải đổ bao công sức, sớm khuya. Thầm chí nhiều khi cả nước mắt và chịu bao đắng cay: Một hạt thóc vàng chín hạt mồ hôi. Quả thực đức tính chịu thương, chịu khó đã ăn sâu vào mỗi con người Việt cho đến ngày hôm nay. Bởi thế ngừi Việt Nam ta luôn được bạn bè quốc tế khen ngợi ở sự chăm chỉ, chịu khó tìm tòi, học hỏi. Đất Nước trong cảm nhận của Nguyễn Khoa Điềm hiện hình từ những câu chuyện cổ tích, từ những phong tục, tập quán, từ truyền thông yêu nước, sẵn sàng đấu tranh vì sự tự do của Đất Nước mình. Đất nước ẩn mình trong cách đặt tên giản dị, là đức tính chăm chỉ, cần cù. Tất cả đã góp phần làm nên một Đất Nước. Đất Nước không phải là cái gì đó to tát lắm, xa lạ lắm mà thực chất là những thứ luôn tồn tại, hiện hữu xung quanh mỗi người. Có thể khẳng định ràng đoạn trích là sự cảm nhận mới mẻ tiến bộ của nguyễn Khoa Điềm về Đất Nước mà trước đó chưa nhà thơ, nhà văn nào có được. Đoạn trích đã khẳng định Đất nước xuất hiện, lớn lên từ Nhân dân, từ những điều rất đỗi bình dị của cuộc sống, của lao động. Đoạn trích đã góp phần làm sáng tỏ cho “chân lý” của Nguyễn Khoa Điềm nêu trong phần sau đó là: Đất nước này là Đất Nước Nhân dân Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại Ở đoạn trích tác giả đã thành công khi sử dụng nhiều thủ pháp nghệ thuật đặc sắc. Cách dùng điệp từ “Đất Nước” và vận dụng ca dao nhuần nhuyễn. Ngoài ra ngôn ngữ rất giản dị mộc mạc quen thuộc với cuộc sống hàng ngày. Giọng thơ tha thiết như lời tâm tình, lời hát ru vậy. Qua đoạn trích, Nguyễn Khoa Điềm đã gián tiếp bày tỏ tình yêu của mình dành cho Đất Nước rất chân thành sâu sắc. Ông cũng làm cho chúng ta nhận ra rằng Đất Nước luôn tồn tại, hiện hữu xung quanh mỗi chúng ta, giúp chúng ta thấy Đất Nước sao mà gần gũi, thân quen, đáng yêu đến thế. Từ đó ta thêm yêu và gắn bó với quê hương, đất nước mình, thêm yêu những điều giản dị, nho nhỏ mà cuộc sống đem đến cho mình, yêu những con người lao động tần tảo sớm khuya, yêu cha mẹ ta, ông bà ta. Kết bài: Qua những cảm nhận có vẻ như tản mạn, tùy hứng, qua những hình ảnh gợi nhắc tới tục ngữ, ca dao, thần thoại, cổ tích… nhà thơ đã đưa người đọc đến một nhận thức giản dị mà sâu sắc, thấm thía: đất nước có một lịch sử lâu đời, đất nước không hề xa lạ hay trừu tượng, đất nước là những gì gần gũi thân yêu vô cùng, luôn hiện hữu trong cuộc sống hàng ngày của nhân dân, đất nước làm nên hình hài, vóc dáng, đất nước làm nên tâm hồn, cốt cách, lối sống, lối nghĩ của mỗi con người, đất nước làm nên cuộc sống nhân dân.