Cảm nhận ý nghĩa truyện ngắn “Cô bé bán diêm” của Andecxen

  1. Tác giả: LTTK CTV01
    Đánh giá: ✪ ✪ ✪ ✪ ✪

    • Mở bài:
    Truyện ngắn Cô bé bán diêm là tác phẩm xuất sắc nhát của nhà văn Andecxen. Phủ lên một bóng mờ cổ tích, tác phẩm làm lộ rõ bản chất chân thực của xã hội dương thời. Đó là một xã hội tàn bạo, lạnh lẽo, thiếu hơi ấm tình người.
    • Thân bài:
    Câu chuyện lấy bối cảnh vào một đêm giao thừa rét buốt ở xứ ở Bắc Âu lạnh giá. Ai cũng biết, giao thừa là thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, là thời khắc được người ta xem là thiêng liêng và trang trọng nhất: thời khắc của sự sum vầy đoàn tụ, thời khắc của những bữa tiệc no đủ và sung túc, thời khắc tiễn đưa năm cũ và chào đón năm mới cùng với niềm hạnh phúc bên cạnh những người mà mình yêu thương. Thế nhưng…đâu đó ngoài kia vẫn còn đó hình ảnh một cô bé bán diêm nhà nghèo, mồ côi mẹ, đầu trần, chân đất, bụng đói đang dò dẫm trong bóng tối, đối mặt với những trận gió bấc thổi vi vút, với cái lạnh thấu xương của tuyết phủ kín mặt đất và điều đáng thương hơn đó là cả ngày em chưa bán được bao diêm nào.

    Cô bé ngồi đó, cố nép mình trong một góc tường, giữa hai ngôi nhà… Em thu đôi chân vào người nhưng mỗi lúc em càng thấy rét buốt hơn. Thế nhưng em không thể về nhà nếu không bán được ít bao diêm hay khống ai bố thí cho một đồng xu nào mang về vì như vậy nhất định em sẽ bị cha cha đánh…

    Thế đấy! Cô bé bán diêm, một cô bé không có tên, không có tuổi nhưng cô có tất cả những nỗi bất hạnh mà con người trên đời không nên có: mẹ chết, bà nội, người gần gũi với em nhất cũng qua đời. Em mất mẹ, mất bà, mất luôn cả ngôi nhà xinh xắn có giây trường xuân bao quanh; mất cả những giây phút sum vầy hạnh phúc, thậm chí mất luôn cả cái quyền tối thiểu nhất mà một đứa trẻ phải có đó là được học hành, chăm sóc, yêu thương. Có lẽ em chỉ còn cha…

    Thế nhưng người cha này cũng chỉ suốt ngày đánh đập, chửi rủa em, bắt em đi kiếm tiền và ném em, một đứa trẻ thơ dại đáng thương, vào vòng xoáy của cuộc mưu sinh. Em bé ngồi đó, chơ vơ, đơn độc như một cái bóng vô hình, không ai để ý đến sự tồn tại của em. Bởi vì, cha em vẫn đang đắm chìm trong những nỗi cay cú của sự khốn cùng trong cuộc sống đến nỗi khô héo cả tình máu mủ để khiến em rơi vào cảnh ngộ, có nhà, dù là căn gác rách nát, nhưng không thể về, có người thân nhưng không thể gọi là gia đình và không có nổi một chút hơi ấm của tình yêu thương con người. Sự giá lạnh đáng sợ mà cô bé đang phải chịu không phải là sự giá lạnh của đất trời mà đó là sự giá lạnh trong tâm hồn của con người.

    Tất cả họ, trong bộ quần áo ấm áp, vội vã đi đến những nơi hò hẹn. Chẳng ai bận tâm đến sự khốn khổ của cô bé bất hạnh. Có thể nói sự tồn tại của em trong đêm giao thừa như một nốt nhạc trầm trong bản nhạc sôi động của ánh sáng, của niềm vui và hạnh phúc trong các gia đình vào khoảnh khắc chuyển giao của thời gian.

    Một khắc, hai khắc…tiếng chuông đồng hồ vẫn điểm, cố bé vẫn ngồi đó, đói rét và cô độc. Không gian mịt mùng, lạnh giá bủa vây lấy thân thể bé dại của em. Lẽ ra em sợ… Nhưng em không sợ nữa… cái đói, cái rét, và cả nỗi đơn độc đã chiếm chỗ của nỗi sợ hãi… Em không dám mong sẽ được sum vầy hạnh phúc trong những ngôi nhà có cửa sổ sáng rực ánh đèn, cũng không dám mong được ngồi trong một bàn ăn thịnh soạn mà mong ước của em lúc này là “giá có thể quẹt một que diêm mà sưởi cho đỡ rét một chút nhỉ?”.

    Chao ôi, một đứa trẻ, ngày vui đón năm mới, lẽ ra phải ước được tặng quà, được ăn ngon mặc đẹp, được chạy nhảy vui vẻ, còn cô bé này…chỉ ước được quẹt một que diêm cho đỡ rét thôi. Thật là xót xa…Giá trị vật chất của một que diêm thì quá nhỏ nhoi nhưng nếu được làm điều đó thì đối với em đó là cả một điều hết sức lớn lao. Em phải ước… “giá như”. Ồ, hoá ra một que diêm đối với người khác có thể chẳng là gì nhưng với em thì đó là một điều xa xỉ, vì nó là toàn bộ cuộc sống sinh tồn của hai cha con em! Thật đáng thương biết nhường nào! Ấy thế nhưng trong cái xã hội ấy, trong cái không gian bao la mịt mùng ấy, em bé, hoàn cảnh của em bé chỉ như một chấm nhỏ bị lẩn khuất trong muôn vàn niềm vui, hạnh phúc của mọi người mà thôi.

    Hiện thực đó quá nghiệt ngã, nghiệt ngã như chính số phận của cô bé bán diêm. Chính vì thế những ảo ảnh mà cô bé nhìn thấy khi quẹt các que diêm có thể tan biến rất nhanh nhưng ít ra trong cái thế giới của ảo ảnh đó không có đói, không có rét, không có cô độc, không có đòn roi. Hay nói chính xác hơn, dù chỉ là mơ thôi, nhưng chính những giấc mơ đó đã cứu rỗi linh hồn của em bé, để em bớt đau thương hơn, bớt bất hạnh hơn và ít ra trước khi lìa bỏ cõi đời này em còn lưu lại được “đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười”.

    Và một lần nữa ở phần kết của câu chuyện, Andecxen lại cho ta thấy sự thờ, lạnh lùng của người đời khi họ chứng kiến cái chết của cô bé bán diêm lúc họ phát hiện ra thi thể của em bé ngồi giữa những bao diêm nhưng họ chỉ lạnh lùng bảo với nhau: “chắc nó muốn sưởi cho ấm”, cũng chẳng ai thèm cúi xuống, ôm ấy thi thể của em bé, hay thể hiện một chút lòng thương cảm. Chao ôi, điều đáng buồn nhất trên đời không phải là đói khát, rét mướt hay thậm chí là đau khổ, điều đáng sợ nhất đó là sống trong xã hội loài người mà con người không tồn tại hai chữ: yêu thương, để đến nỗi cạn khô hết cả cảm xúc và tình cảm.
    • Kết bài:
    Câu chuyện đã khép lại nhưng trước mắt người độc vẫn hiện ra hình ảnh thi thể của cô bé bán diêm với “đôi má hồng và đôi môi đang mỉm cười” và văng vẳng bên tai tiếng mọi người bảo nhau” “chắc nó muốn sưởi cho ấm” Hãy sống chậm lại, nghĩ ít đi và yêu thương nhiều hơn. Cảm ơn nhà văn xứ Đan Mạch đã cho chúng ta nhận ra được ý nghĩa thực sự của cuộc sống, của tình yêu thương con người. Bởi như nhà văn đã từng nói: “Không có câu chuyện cổ tích nào đẹp bằng câu chuyện cổ tích được viết lên từ chính cuộc sống”.